Ông Sáu Khải và lòng nhân của một nhà kỹ trị

Nhiều năm làm việc bên ông, tôi kính trọng tầm nhìn, tư duy của ông, một nhà chính trị-kỹ trị vừa được đào tạo bài bản, vững vàng về kiến thức chuyên môn, vừa rất biết cách học và làm qua quan sát thực tế.

Bài viết của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Đầu năm 1998, trong cuộc gặp mặt đầu tiên của thủ tướng Phan Văn Khải với doanh nghiệp sau khi nhậm chức tại Hà Nội, một nữ doanh nhân, chị Lưu Hải Thúy, đã khóc nức nở.

Chị khóc vì cơ chế, và một số cán bộ đã gây quá nhiều gian truân, thua thiệt cho chị trong hoạt động kinh doanh.

Ông Sáu Khải dặn chúng tôi tìm hiểu và quan tâm gỡ khó cho chị. Chúng tôi làm ngay và báo cáo cho thủ tướng. Trong cuộc đối thoại năm sau, chính chị đã đứng lên cảm ơn ông. Ông vui nhưng vẫn bảo chúng tôi: “Giá đừng để ai phải khóc thì tốt hơn nhiều.”

Trong những năm đó, có một số vụ khiếu nại của doanh nghiệp đã kéo dài vài ba năm chưa được giải quyết. Ông quyết định thành lập các tổ công tác trực tiếp tìm hiểu, đánh giá để đề ra cách xử lý. Các tổ công tác đã tìm hiểu tại chỗ, kết luận khách quan, đạt được sự đồng thuận của cả doanh nghiệp và cơ quan chính quyền có trách nhiệm giải quyết. Rút kinh nghiệm từ những việc đó, trong cuộc đối thoại cuối năm 2001, ông và các bộ trưởng đã công bố các số điện thoại trực tiếp để tiếp nhận những khiếu kiện của doanh nghiệp về các ách tắc và hành vi nhũng nhiễu họ.

Trước đó không lâu, ở nước ta có vài vụ án xử nặng các chủ công ty tư nhân lớn bị buộc tội kinh doanh đất đai trái luật, mắc nợ nhiều. Ông Phan Văn Khải không tán thành hình sự hóa các vụ án kinh tế, nhất là các vụ xử với mức án quá nặng (ví dụ như Minh Phụng – Epco). Ông chỉ đạo xử lý bằng biện pháp kinh tế, buộc chủ doanh nghiệp bán một phần tài sản trả nợ và tạo điều kiện cho họ tiếp tục kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động. Theo hướng đó, các công ty mắc nợ lớn đã dần dần trả được nợ và thoát khỏi khó khăn.

Tôi nhớ, thời ấy, ông rất ghét và nhiều lần phê phán mạnh mẽ thái độ vô cảm của một số quan chức trước những bức xúc của dân. Ông đặt ra nguyên tắc: quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp phải là quan hệ hợp tác, cộng với sự đồng trách nhiệm trước yêu cầu chung của sự phát triển đất nước, không có hàng rào ngăn cách theo kiểu kẻ trên người dưới. Cả trong xây dựng lẫn thi hành thể chế phải đấu tranh khắc phục tình trạng các cơ quan Nhà nước luôn tìm cách giành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Phải hiểu chính doanh nghiệp và dân là người đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước, và nhà nước phải phục vụ dân.

Tinh thần ấy được cụ thể hóa bằng sự ra đời của Luật doanh nghiệp 1999. Nó đánh dấu một bước cải cách thể chế mạnh mẽ theo kinh tế thị trường; tạo nên một cú hích phát triển khu vực tư nhân và dần việc xây dựng pháp luật được “đưa ra ánh sáng” (chứ không làm trong phòng kín của các cơ quan nhà nước) khi doanh nghiệp và các đối tượng liên quan được tham vấn.

Một nỗ lực nữa gây ấn tượng trong tôi là việc Thủ tướng tạo được sự đồng tình của Chủ tịch nước về chủ trương hạn chế án tử hình, đặc biệt là đối với các vụ án kinh tế, đối với những người phạm tội nghiêm trọng như vận chuyển ma túy mà là người nghèo đi làm thuê để kiếm sống.

Trong những ngày cuối cùng trước khi anh Sáu Khải từ nhiệm, năm 2006, có lần mấy anh em thân thiết ở Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cùng nhau ôn lại những cột mốc chính trong chặng đường gần 10 năm làm việc với ông.

Một người hỏi: “Nếu chỉ dùng một từ để nói về anh Sáu Khải, thì từ đó là gì?”. Anh Trần Đức Nguyên nói ngay: “Nhân”. Mọi người tán thành ý kiến của anh Nguyên, người có “thâm niên” làm việc với ông Sáu Khải lâu nhất, từ đầu thập niên 1990 khi tham gia Tổ biên tập Chiến lược 1991-2000 mà ông Sáu Khải là tổ trưởng, và đã gắn bó với ông suốt từ khi đó.

Nhiều năm làm việc bên ông, tôi kính trọng tầm nhìn, tư duy của ông, một nhà chính trị-kỹ trị vừa được đào tạo bài bản, vững vàng về kiến thức chuyên môn, vừa rất biết cách học và làm qua quan sát thực tế. Trong công việc ông luôn giữ phong thái điềm tĩnh, cẩn trọng để không gây tốn kém quá lớn tiền của, công sức của dân, không làm tổn hại môi trường, không “ăn hết của tương lai” khi quyết định tiến hành các dự án lớn.

Trong cách sống, những ai đã tiếp xúc với ông đều dễ dàng nhận thấy ở ông một con người khoan hòa, bình dị, không quan cách, không nóng giận, lắng nghe những lời thường bị coi là “trái tai”, kể cả với những người phê phán chính phủ hay cá nhân mình.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,