Ông Đạo – một hiện tượng tôn giáo lý thú ở Nam Bộ

Trong những chuyến khảo sát điều tra điền dã dân tộc học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tôi đã được nghe nhiều chuyện về ông Đạo. Đọc một sách viết về đất và người Nam bộ của Sơn Nam, Nguyễn Văn Hầu, Lê Hương… tôi cũng bắt gặp nhiều mẩu chuyện về ông Đạo.

Bài viết của PGS.TS. Phan An – Viện KHXH vùng Nam Bộ.

Những năm 1975, trong một số công trình nghiên cứu khoa học, đã được đọc của Đinh Văn Hạnh, Tạ Chí Đại Trường, Phạm Bích Hợp, Đỗ Quang Hưng… đã ít nhiều đề cập đến các ông Đạo ở Nam bộ, trong sách Thần người và đất Việt, Tạ Chí Đại Trường đã có nhiều trang viết về ông Đạo và gọi đó là Những dòng tiên ti tản mạn: Các ông Đạo (mục III, chương X). Những phân tích của tác giả về ông Đạo khá lý thú và từ góc độ của sự nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt ở Nam bộ. Chúng tôi cho rằng, sự xuất hiện của các ông Đạo là một hiện tượng tôn giáo ở Nam bộ rất cần quan tâm nghiên cứu. Đề từ đó hiểu hơn về văn hóa vùng đất Nam bộ về con người Nam bộ trong quá khứ cũng như hiện tại.

Ông Đạo là ai?

Đạo, là cách gọi quen thuộc của người Nam bộ về một tôn giáo, như đạo Phật, đạo Chúa…. Tất nhiên, Đạo, còn nhiều nghĩa khác như đạo đức, những người sống lương thiện được gọi là sống có Đạo, sống phải Đạo. Từ gọi “ông Đạo” ở Nam bộ có khá nhiều nghĩa. Theo Tạ Chí Đại Trường, đó là “những con người lệch lạc tâm thần – tất nhiên không phải là không còn dính dáng đến cuộc sống cụ thể – những con người khác lạ, nếu không gọi là điên khùng, đi rêu rao hù dọa một thời tận thế mới…”. Phạm Bích Hợp cho rằng ông Đạo là danh xưng “để chỉ những người có khả năng đặc biệt, như khả năng chữa bệnh, khả năng tập hợp quần chúng, khả năng huyền linh, dẫn dắt mọi người theo một chủ thuyết nào đó. Tóm lại, là người có khả năng làm những điều mà người bình thường không làm được và mang màu sắc thần bí”. Trong công trình nghiên cứu về Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của người Việt Nam bộ (1855 – 1935), tác giả đã miêu tả khá tỉ mỉ về một ông Đạo, được gọi là ông Đạo Trần ở vùng núi Nứa nay thuộc Long Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu (1855 – 1935). Ông tên Lê Văn Mưu, một tín đồ của Tứ Ân Hiếu Nghĩa, quê ở Hà Tiên, Kiên Giang. Gọi là ông Đạo Trần, vì ông ở trần không mặc áo suốt ngày. Ông Đạo Trần đến định cư ở núi Nứa Long Sơn, tập hợp một số người và tổ chức công cuộc khai khẩn vùng đất này. Ông được người dân trong vùng kính phục vì tài chữa bệnh. “Thuốc chữa bệnh ông được bào chế từ ba bông vạn thọ phơi khô (tượng trưng cho Thiên hoàng, Địa hoàng, Nhân hoàng) với ba cây nhang bẻ làm năm khúc (tượng trưng cho ngũ đế: Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn) gói lại sắc chung với lá bùa làm bằng giấy vàng có bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương hòa với nước lã cho bệnh nhân trong uống ngoài xoa bóp…”. Và, đây là một ông Đạo khác, được gọi là ông Đạo Khùng. Những tư liệu được biết có đến 3 ông Đạo được gọi là Đạo Khùng: Đó là ông Đoàn Minh Huyên, Đạo Khùng – Điên tức Huỳnh Phú Sổ và ông Đạo Khùng ở Cao Lãnh. Về ông Đạo Khùng ở Cao Lãnh xuất hiện khoảng năm 1912 được Tại Chí Đại Trường ghi chép lại từ sách của Lê Hương Việt kiều ở Campuchia (Sài Gòn 1971): “Ông này lang thang từ làng nọ sang làng kia, lượm rác rồi bỏ vào bao đệm mang sau lưng… Ông làm thinh không quấy phá ai, ngủ đầu đường xó chợ, trong chùa miễu, dưới các hiên nhà. Nhà nào có người bệnh ngặt thì ổng tới, nhìn mặt rồi bỏ chạy, hoặc cười xòa ở lại cho thuốc. Thuốc là mớ cùi thơm (dứa), võ mãng cầu nằm trong bao của ông, được đưa cho gia chủ sắc cho bệnh nhân uống…”. Vào những năm 60 – 70 thế kỷ trước ở Bến Tre xuất hiện ông Đạo Dừa. Nghe nói ông là một trí thức Tây học, bỏ học kỹ sư nửa chừng về Cồn Phụng xưng là Đạo Dừa quy tụ tín đồ mấy trăm người, chủ trương tu hành bằng việc uống nước dừa, ăn cơm dừa. Ông ta kêu gọi chính quyền Sài Gòn và chính phủ Cách mạng đến gặp nhau hòa đàm ở Ba Tri, Bến Tre nơi tu hành của ông thay vì họp ở Pari bên Pháp (!).

Ông Đạo – một hiện tượng tôn giáo lý thú ở Nam Bộ

Chân dung ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam (1910-1990).

Chuyện về những ông Đạo còn nhiều, và phần nhiều được bao phủ bởi sự huyền bí, bởi tính huyền thoại. Không ít chuyện ông Đạo được đồn đại, truyền miệng qua nhiều người, nhiều thêm bớt, bịa đặt làm tăng thêm sự huyền hoặc, linh diệu, mê hoặc người đời. Có ông Đạo ngồi nổi trên mặt nước; có ông Đạo biết trước được vận hạn, có tài tiên tri. Như ông Đạo Khùng ở Cao Lãnh, nhìn mặt người biết là cứu được hay không… Rất tiếc, cho đến nay chưa có công trình sưu tập nào về các ông Đạo và chuyện các ông Đạo trong dân gian còn rất phong phú. Tuy nhiên, với những gì sưu tập được, có thể ít nhiều nhận diện về những ông Đạo ở Nam bộ như sau:

– Trước hết ông Đạo, là đàn ông, chưa thấy có đàn bà làm Đạo, hoặc Bà Đạo. Hầu hết các ông Đạo là người Việt. Chỉ có một trường hợp duy nhất được biết là có Tà Paul là ông Đạo người Khmer – có tên là Đạo Đèn. Bởi lẽ, cách chữa bệnh của ông là cho người bệnh một cây đèn sáp ong đốt lên ngửi khói để chữa bệnh!

– Về tuổi tác, tuy các tư liệu không nói đến tuổi của các ông Đạo, nhưng qua hành vi và lời kể, miêu tả, thì hầu hết các ông Đạo trên 40 tuổi, cái tuổi mà người đời có thể gọi là “Ông”, và để được sự sùng tín. Về tên gọi của các ông Đạo, người dân hầu như không gọi tên thật của các ông Đạo mà thường căn cứ vào đặc điểm nào đó, vào cử chỉ, hành vi như ông Đạo Khùng (Đoàn Minh Huyên), Đạo Chợ, Đạo Đọt, Đạo Dừa, Đạo Nằm…. (trừ trường hợp ông Đạo Xuyên tức Nguyễn Văn Xuyên, đệ tử của Đoàn Minh Huyên và một vài ông Đạo khác…).

– Hình dáng và cử chỉ của các ông Đạo phần nhiều mang tính kỳ quái, mang dáng vẻ tâm thần, hoặc cố ý lập dị để tìm kiếm sự chú ý, như để râu tóc thật dài, ăn đậu bắp, chuối, uống nước dừa, suốt ngày ngồi niệm tưởng, hoặc chỉ nằm, ngồi trên gò mối để tu thiếp, ngủ đầu đường xó chợ, hoặc tìm lên núi vùng Thất sơn lập am, cốc tu hành.

– Phần nhiều các ông Đạo hành nghề chữa bệnh bằng bùa phép, hoặc các phương thức chữa bệnh kỳ quái khác, dựa vào niềm tin, bái phục của người bệnh. Cách chữa bệnh chủ yếu là dùng ma thuật. Ông Đạo nào càng kỳ quái, thì người bệnh càng tin tưởng. Bằng việc chữa bệnh, các ông Đạo thông qua đó để truyền bá đức tín hoặc giáo lý (thực ra cũng không hẳn là giáo lý đúng nghĩa) của mình cho tín đồ.

Một số ông Đạo, thời gian sau lập nên các tôn giáo, giáo phái, như Đoàn Minh Huyên với Bửu Sơn Kỳ Hương, Huỳnh Phú Sổ với Phật giáo Hòa Hảo… Còn phần lớn các ông Đạo, chỉ quy tụ một số tín đồ ít ỏi, hoặc không thu nạp tín đồ, đệ tử. Một số các ông Đạo được thiêng hóa bởi sự đồn đại, thêu dệt của những tín đồ được truyền tụng trong dân chúng.

Thời điểm xuất hiện của các ông Đạo

Trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết vào khoảng đầu thế kỷ XIX, khi nói về tín ngưỡng tôn giáo ở đất Gia Định chỉ cho biết người Gia Định tin vào nhiều loại quỷ thần, có người hành nghề tôn giáo chứ chưa có dòng nào liên quan về các ông Đạo. Những tư liệu về Bửu Sơn Kỳ Hương, có cho biết Đoàn Minh Huyên, người sáng lập nên đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã xây dựng chùa Tây An cổ tự trên nền cũ của cái cốc do ông Đạo Kiến lập nên trước đó. Đến khoảng nửa sau thế kỷ 19, với sự ra đời của Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, và vào đầu thế kỷ 20 với sự xuất hiện của đạo Cao Đài, Hòa Hảo thì các ông Đạo được nhắc đến khá nhiều.

Từ thời điểm sự hiện diện đông đảo của cư dân Việt Nam ở Nam bộ vào cuối thế kỷ XVII, cho đến khoảng giữa và cuối thế kỷ 19, đã được khoảng 200 năm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vùng đất Nam bộ vẫn còn nhiều hoang hóa, và dân cư hãy còn thưa thớt, công cuộc khai hoang chỉ mới bước đầu. Vùng đất Nam bộ được đẩy nhanh tốc độ khai thác khi người Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vào giữa thế kỷ 19, và việc đánh chiếm các tỉnh Nam kỳ vào thập niên 60, 70 tiếp theo. Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở Nam bộ từ giữa và cuối thế kỷ 19 đã có nhiều thay đổi lớn lao, sự áp đặt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp trên vùng đất Nam bộ đã gây nên sự phản ứng của người nông dân Nam bộ. Các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân… đã kéo dài suốt nhiều năm, gây nhiều tổn thất cho giặc Pháp, là một bằng chứng rõ ràng của tinh thần phản kháng của người dân Nam bộ.

Trước tình hình đó, người dân Nam bộ mong ngóng, mầy mò tìm một lối thoát, tìm một hy vọng cho ngày mai, ngày của hội “Long Hoa” được nhắc đến trong một số tôn giáo ở Nam bộ. Phật giáo, theo chân các lưu dân người Việt từ phía Bắc vào, được gây dựng và mở mang và trên đất Nam bộ trong gần hai thế kỷ qua, vẫn chưa đáp ứng cho niềm tin, cho chỗ dựa tinh thần của người Nam bộ đương thời (9). Các tôn giáo khác như Nho giáo, Thiên Chúa giáo… còn quá mỏng và xa lạ với người dân. Có lẽ Đạo giáo phần nào được người nông dân biết đến với các loại bùa chú, phù phép giống như các tín ngưỡng của người nông dân mở đất, khai hoang.

Tín ngưỡng và tôn giáo đã tạo nên chỗ dựa cho đời sống tâm linh của những người đi khai hoang vùng đất Nam bộ, đã đem đến cho họ sức mạnh đương đầu với nhiều khó khăn dường như không thể vượt qua. Tuy nhiên đến giữa thế kỷ 19, tình trạng bế tắc của vùng đất này, đã khiến người nông dân trở nên bối rối, thất vọng với những điểm tựa tâm linh vốn có. Những ông Đạo ra đời, với những ma thuật, phù thủy,có tính quái đản của Đạo giáo dường như đã đáp ứng phần nào sự tìm kiếm một chỗ bám cho sự khủng hoảng, bế tắc của người nông dân Nam bộ. Những ông Đạo này cũng là cơ sở, là tiền đề để đi đến sự hình thành những tôn giáo, đạo phái tạm gọi là “bản địa” của vùng đất Nam bộ từ giữa sau thế kỷ 19. Nhưng, đây lại là một vấn đề khác trong bài này chưa đề cập đến. Có thể nói sự xuất hiện của các ông Đạo để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, tín ngưỡng và cả cho một ý thức phản kháng, trong đó có sự chống đối lại thực dân Pháp xâm lược của người nông dân Nam bộ vào giữa cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Ông Đạo, nét tôn giáo của vùng đất Nam bộ

Trong lịch sử tín ngưỡng và tôn giáo của người Việt, ít nhiều cũng đã tồn tại những dạng thức mang tính tâm linh, như kiểu ông Đạo ở Nam bộ. Đó là những ông đồng, bà cốt ở Bắc bộ, Trung bộ. Họ là những người có khả năng tiếp cận thế giới siêu nhiên, họ giao tiếp được với thần linh và ma quỷ, biết được quá khứ và tương lai của mỗi người. Cũng không phải là một thuở đã qua, mà hôm nay cũng có những người có khả năng giao tiếp với thế giới bên kia, biết vận mạng của mỗi cá nhân hoặc cộng đồng. Về việc chữa bệnh tật cũng vậy, ở Bắc bộ, Trung bộ, cũng có những thầy pháp, thầy cúng, biết cách chữa bệnh bằng phù phép bằng tàn nhang, nước thải… Việc chữa bệnh của các ông Đạo ở Nam bộ là sự lặp lại của những thầy phù thủy khá quen thuộc như dùng bùa chút đốt lấy tro, dùng nhang đèn trên bàn thờ… Ông Đạo Nam bộ không khác biệt gì mấy với các ông đồng, các thầy mo, thầy pháp ở Bắc bộ về mặt chức năng: Đáp ứng nhu cầu tâm linh và chữa trị bá bệnh bằng các phép phù thủy.

Thực tế, các ông Đạo ở Nam bộ rất khó phân loại, phần vì tính phức tạp, có nhiều kiểu tu hành, đạo đạt khác nhau. Có ông có tín đồ, nhưng cũng có ông không thu nạp, chỉ hành xử theo cá nhân, có ông tìm cách mở rộng ảnh hưởng, lại có ông co rút lại trong các am cốc riêng tư… Phần khác vì tính hỗn dung của các ông Đạo, vừa chữa bệnh, vừa phù phép, vừa tiên tri cũng không ít người mượn danh của ông Đạo để tuyên truyền, vận động quần chúng cho một mục đích phản kháng… Tuy nhiên cái khác của ông Đạo ở Nam bộ với những người đồng, cốt, những thần đồng tái thế, những bà chúa này chúa nọ… Đó là những ẩn chứa sau của các ông Đạo, đôi khi những lời đồn đại, thêm bớt, hoặc thần thánh hóa của đa số bình dân đương thời, những con người của một dạng thức văn hóa Nam bộ. Những con người muốn tạo ra sự kỳ quái, dị biệt nào đó, để thỏa mãn sự hiếu kỳ, và để dẫn dụ niềm tin của người khác.

Cái phía sau các ông Đạo đó là sự giải tỏa những khát vọng, những ẩn ức trước thời cuộc mà họ cho là bế tắc, thời “mạt pháp”. Hơn một thế kỷ khai hoang vùng đất Nam bộ, đã gặt hái ít nhiều kết quả, làng xóm, mùa vụ, sự yên bình, nhưng những người nông dân Nam bộ lại đối diện với sự nghèo đói bất công, sự phân hóa xã hội. Hơn hết, là ách áp bức thống trị của thực dân Pháp, là sự gia tăng công cuộc khai thác thuộc địa, mà bắt đầu từ vùng đất Nam bộ. Trong chừng mực nào đó, ông Đạo, cũng hàm chứa sự phản kháng của người nông dân Nam bộ, với thời cuộc, với kẻ ngoại xâm. Ông Đạo, là sự kết hợp giữa những tín ngưỡng dân gian, pha trộn chút ít sắc màu của Phật giáo, và sự sùng bái các thế lực siêu nhiên đang ngự trị trên vùng đất Nam bộ. Người nông dân Nam bộ đã tìm kiếm ở ông Đạo một chỗ dựa, một niềm tin mang tính tâm linh, một thế giới siêu nhiên. Với ông Đạo, người nông dân Nam bộ có sự lựa chọn vừa tầm, phù hợp nếp sống, nếp nghĩ của mình, không quá cao siêu như các lý thuyết tôn giáo, hoặc các chính sách tuyên truyền lý tưởng đương thời. Hẳn có lẽ vì tính cách của các ông Đạo như vậy nên có người xếp hiện tượng các ông Đạo ở Nam bộ vào dạng thức của cái gọi là “tôn giáo cứu thế”, một số tác giả lại xem đây là hiện tượng của “phong trào tôn giáo mới”, còn Tạ Chí Đại Trường gọi đó là những nhà “tiên tri”….

Ông Đạo, nét văn hóa của đất Nam bộ

Nam bộ vùng đất mới mở về sau này, cư dân Nam bộ vốn đa dạng mà phần lớn nông dân nghèo khổ đi tìm đất mưu sinh. Thành phần cư dân Nam bộ cũng đa dạng về tộc người, Việt, Hoa, Khmer, Chăm… Vì vậy đây là vùng đất văn hóa, vùng đất của sự giao lưu và tiếp biến văn hóa trong đó có tín ngưỡng và tôn giáo. Sự đa văn hóa đó, cũng có thể tìm thấy trong bản thân, hành vi của các ông Đạo, ngoài văn hóa Việt còn có văn hóa của các tộc người khác. Điều này cũng làm các ông Đạo ở Nam bộ khác với các ông bà đồng cốt, các thầy bùa chú ở phía Bắc bộ và khu vực Trung bộ.

Trong đời sống tín ngưỡng của người Khmer Nam bộ, phổ biến là thờ cúng arak và nakta, những vị thần bảo hộ dòng họ và phum sóc. Người Khmer có những người hành nghề phù thủy, đó là các Krou. Những người này giúp việc xem ngày tháng, cúng quỷ thần, trị bệnh bằng pháp thuật bùa chú. Những vị Krou này đôi khi còn thực hiện việc trừ tà ma, ác quỷ gây dịch bệnh cho cộng đồng cư dân, hoặc giúp việc cúng vái ngăn ngừa sâu bệnh, chuột bọ hại ruộng đồng, và cả việc cầu trời mưa khi vụ lúa bị hạn hán. Phía sau một số công việc thực hành của Krou thấp thoáng bóng dáng của các vị sư sãi Khmer. Một cách khác lạ Phật giáo đã có ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống tín ngưỡng của giới bình dân, nông dân Khmer. Không ít ông Đạo ở Nam bộ trong hành vi và ngôn từ mang màu sắc của Phật giáo. Hẳn thế, một số ông Đạo đã chủ trương học Phật, tu thân, và về sau sáng lập nên các tôn giáo, giáo phái có âm hưởng Phật giáo. Điều này có thể còn tranh cãi, nhưng những bùa phép, các hành vi pháp thuật của các ông Đạo, ít nhiều chịu ảnh hưởng của các thầy phù thủy người Khmer, như cách luyện bùa chú, thư ểm (katha) được nhiều người Khmer, Việt biết đến.

Đạo giáo của các di dân từ Trung Hoa đem đến Nam bộ, hẳn đã góp vào sự gia cố cho một diện mạo ông Đạo không chỉ các hành vi mang tính phù thủy, mà có cách tu hành, ứng xử. Từ gọi ông Đạo, có phần nào hơi hướng các Đạo sĩ của Trung Hoa? Không phải là tôn giáo, hoặc lãnh tụ tôn giáo, mà là phong thái và hành vi dị thường. Những hành vi của các ông Đạo gợi nhớ đến những nhân vật trông truyện Phong Thần diễn nghĩa, truyện Liêu trai… được người Nam bộ say mê, thích thú. Ngôn từ của các ông Đạo cũng mang màu sắc kỳ bí, mông lung như một số nhân vật trong truyện Tàu được đương thời truyền kể.

Những ảnh hưởng từ các nền văn hóa đến diện mạo ông Đạo ở Nam bộ là một thực tế. Tuy nhiên hơn hết, ông Đạo là một sản phẩm của văn hóa người Việt ở Nam bộ. Người Việt đến khai khẩn vùng đất Nam bộ, không chỉ mang theo công cụ, thóc giống, kinh nghiệm canh tác, mà còn mang theo một di sản văn hóa tinh thần, nếp sống tâm linh. Những hành vi mang tính phù thủy, cách thức chữa bệnh của các ông Đạo, như đã nêu ở trên là khá phổ biến trong các ma thuật, đồng bóng ở Trung và Bắc bộ của người Việt. Ông Đạo là một hiện tượng tôn giáo, văn hóa đã xuất hiện trong những điều kiện nhất định về không gian lịch sử và không gian xã hội của vùng đất Nam bộ. Nam bộ vào cuối thế kỷ 19, đầu 20, một khủng hoảng và bế tắc xã hội. Sự xuất hiện của ông Đạo, đã đáp ứng phần nào sự tìm kiếm và hy vọng giải thoát cho người nông dân Nam bộ. Đó là những nông dân chất phác, giản dị và hơn là sự cả tin, tin vào sức mạnh, và cơ hội có được từ thế giới thiên nhiên. Người nông dân Nam bộ đã tạo nên những ông Đạo, để có chỗ cho một niềm tin mang tính tâm linh của mình. Phải chăng đấy cũng là tâm thức tôn giáo của người Việt Nam bộ?

Ông Đạo, một hiện tượng tôn giáo xuất hiện ở Nam bộ vào giữa và cuối thế kỷ 19, cho đến nay, vẫn là đề tài cần được lưu ý trong việc nghiên cứu người và đất Nam bộ, trước hết là văn hóa người Việt ở Nam bộ. Có thể có những cái nhìn khác nhau về các ông Đạo, và vai trò, vị trí của họ trong đời sống của người dân Nam bộ. Tuy nhiên, hiện tượng các ông Đạo đã góp thêm nét độc đáo cho đời sống văn hóa nói chung và tin ngưỡng tôn giáo của vùng đất Nam bộ trong một thuở thời.

Thep TẠP CHÍ XƯA & NAY

Tags: , , ,