An ninh nguồn nước – nỗi lo không của riêng ai

An ninh nguồn nước đang bị đe dọa nghiêm trọng và chịu tác động đan xen do sự gia tăng nhanh chóng của dân số thế giới, tình trạng biến đổi khí hậu, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Lần đầu tiên, một thành phố lớn trên thế giới đối mặt viễn cảnh “Ngày không nước” – một khái niệm đang bắt đầu được sử dụng rộng rãi trên thế giới để nói về việc thành phố sẽ phải ngừng cung cấp nước qua hệ thống vòi nước bình thường. Đây đang là câu chuyện thời sự “nóng” tại thành phố Cape Town (Nam Phi), nhưng cũng là cảnh báo chung về tình trạng khan hiếm nước sạch trên toàn cầu mà Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Cape Town, thành phố lớn thứ 2 ở Nam Phi, đang trong chiến dịch tiết kiệm nước chưa từng có. Thậm chí hệ thống vòi cấp nước của thành phố đang trước nguy cơ ngừng chảy. Câu chuyện riêng tại Cape Town nhưng cũng là câu chuyện chung tại một loạt đô thị trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Thiếu hụt nguồn nước đang là một thực trạng đáng lo ngại tại Việt Nam. Theo đánh giá của Ngân hàng phát triển châu Á, Việt Nam thuộc diện quốc gia thiếu nước. Tài nguyên nước nội địa Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới, khoảng 3.600m3/người/năm, thấp hơn mức bình quân toàn cầu là 4.000m3/người/năm.

Trữ lượng nước không cao, trong khi nhu cầu khai thác sử dụng nước ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng, khiến cho thiếu thụt nguồn nước ngọt đang là một thách thức rất đáng quan tâm.

Theo TTXVN

.

Bước vào thế kỷ XXI, sự gia tăng dân số hiện nay đang tạo sức ép cho việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước. Theo báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ vượt ngưỡng 9 tỉ người, kéo theo đó là nhu cầu lương thực tăng 70% và nhu cầu nước tăng 19%. Và Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn trong lĩnh vực này, thậm chí là khó hơn so với nhiều nước khác.

Nâng niu 0,75% lượng nước trên trái đất

Hầu hết bề mặt Trái đất là đại dương nên nước biển chiếm 97% tổng lượng nước trên Trái đất. Dù 2,5% nước còn lại không nhiễm mặn, nhưng 70% số này lại là những tảng băng vĩnh cửu ở hai cực Trái đất. Vì vậy, tất cả sinh vật sống, trừ cá biển, cùng khai thác và sử dụng 0,75% nước toàn Trái đất: nước ngầm chiếm đa số; nước mưa đang rơi; nước sông, hồ, bể chứa…

Theo tài liệu thống kê, 60 năm trước, dân số thế giới chỉ là 2,5 tỉ người. Năm 2000 là 6 tỉ người, năm 2010 gần 7 tỉ người và dự đoán đến năm 2050 sẽ vượt mức 9 tỉ người. Bên cạnh đó, sau khi Cách mạng Xanh diễn ra (trong thập niên 40 và thập niên 60), nhiều giống cây trồng mới và phân bón ra đời. Hoạt động canh tác ngày càng cần nhiều nước, nông nghiệp phát triển cũng phụ thuộc nhiều vào việc tưới tiêu. Vùng thủy lợi tăng gấp đôi, lượng nước cần cho sản xuất nông nghiệp tăng gấp ba. Có thể kể đến những quốc gia dùng nhiều nước cho nông nghiệp nhất hiện nay là Mỹ (41%), Trung Quốc (70%) và Ấn Độ (90%). Tính tổng toàn thế giới, nước dùng cho sản xuất nông nghiệp là 70%.

Cần phải tái sử dụng nguồn nước

Ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước, nhiều doanh nghiệp lớn và nhiều các quốc gia đang thực hiện các biện pháp sử dụng bền vững nguồn tài nguyênnước. Ví dụ như Tập đoàn Unilever, bán nhu yếu phẩm tại 170 quốc gia toàn cầu, đã thực hiện dự án Medusa tại Brazil năm 2003: cắt giảm 8% tổng lượng nước sử dụng; Nhà máy sản xuất bia SABMiller cũng phát động chương trình đến năm 2015 tiết kiệm 1/4 lượng nước sản xuất mỗi lít bia; Công ty Neslé đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp sử dụng nước tiết kiệm nhất, nên từ năm 2000, công ty đã cắt giảm 1/3 lượng nước sử dụng, dẫu cho số lượng sản phẩm làm ra tăng 60%…

Theo các chuyên gia, “tái sử dụng nước” là một hướng đi đúng trong tình hình sử dụng nước hiện nay. Bởi vì, nước phục vụ mục đích sinh hoạt có thể đổ ra sông để rồi luân chuyển và được tinh lọc để tiếp tục tái sử dụng; nước phục vụ sản xuất có thể thu gom vào bể chứa để xử lý trước khi đổ ra sông hồ; nước mưa có thể phục vụ mục đích rửa đường, dự trữ làm nước cứu hỏa… Điều đó dẫn đến sự ra đời lý thuyết: “Tiết kiệm nước không có nghĩa là dùng nước cho nông nghiệp và hạn chế tắm rửa, mà tiết kiệm nước là làm sao để tái sử dụng nước nhiều lần”.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, toàn châu Á thất thoát 78,3 triệu m3 nước sạch. Điều này đồng nghĩa với việc toàn châu Á mỗi năm thất thoát lượng nước trị giá khoảng 8,6 tỉ USD. Chính vì vậy, chống thất thoát nước không chỉ để thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn để phát triển bền vững. Tiết kiệm nước là tiết kiệm tiền cho doanh nghiệp.

Đối diện với thách thức

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) phân tích: Để tránh nguy cơ về an ninh nguồn nước, cần giải quyết được bốn vấn đề chính gồm hệ quả xã hội, kinh tế và môi trường khi lấy nước từ thiên nhiên; quan hệ giữa sử dụng đất và nguồn nước; sự trả giá khi có sự chuyển đổi nguồn nước và sử dụng đất; những vấn đề xã hội cần lưu ý khi có sự khủng hoảng nguồn nước. Cũng như nhiều nước khác, Việt Nam có nhu cầu lớn về sử dụng nước để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Theo các chuyên gia trong nước, thách thức an ninh nguồn nước đối với Việt Nam đến từ “năm hướng”.

Thách thức đầu tiên chính là 60% dòng chảy sông ngòi là từ nước ngoài, mà cụ thể là từ các “láng giềng” Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia. Cả nước có khoảng 208 con sông lớn nhỏ, trong đó có 126 con sông có nguồn từ nước ngoài chảy vào nội địa, 76 con sông từ trong nước chảy qua nước khác và 4 con sông chảy vào nhưng sau đó lại chảy ra. Việt Nam có 8 lưu vực sông là lưu vực liên quốc gia, đặc biệt là các hệ thống sông lớn như sông Mê Kông, sông Hồng, sông Bằng Giang – Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai. Quá trình công nghiệp hóa, khai thác năng lượng dòng chảy và mở rộng diện tích tưới cho nông nghiệp của những nước thượng nguồn đang gây khó khăn cho Việt Nam. Các đập thủy điện xây dựng ở Trung Quốc đã làm quy luật dòng chảy trên sông Mê Kông và sông Hồng bị thay đổi. Trung Quốc và Thái Lan còn có dự án chuyển dòng Mê Kông sang lưu vực khác và kế hoạch mở rộng diện tích tưới ở Campuchia khiến nguồn cung nước về hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng giảm sút. Các đập thủy điện ở Trung Quốc, Lào và Campuchia sẽ là mối đe dọa làm giảm sút nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa và hệ sinh thái đất ngập nước.

Thách thức tiếp theo là sự phân phối nguồn nước không đều. Tổng lượng mưa trong năm của Việt Nam là cao nhưng phân bố không đều theo không gian và thời gian. Có những nơi mưa rất cao như vùng Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế), lên đến 8.000 mm/năm, trong khi những vùng như Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Rí (Bình Thuận), mưa rất thấp chỉ từ 400-700 mm/năm. Sự phân bố lượng mưa theo thời gian cũng bất tương xứng, như lượng mưa mùa khô vùng ĐBSCL không đến 10% kéo dài gần 7 tháng so với 90% tập trung vào năm tháng mùa mưa. Tổng lượng dòng chảy mặt thay đổi rõ giữa các mùa trong năm, chiếm 75-85% cho mùa mưa lũ, phần còn lại chia cho các tháng mùa khô. Mê Kông là hệ thống sông lớn nhất Việt Nam (chiếm gần 60% tổng lượng nước quốc gia), gấp 54 lần lượng nước vùng Đông Bắc. Lưu lượng mùa lũ của sông Mê Kông đổ về có thể lên đến gần 40.000m3/giây nhưng trong mùa khô, có năm tụt thấp đến 1.200-1.700m3/giây tạo nên tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn kéo dài. Nhiều sông ở Tây Nguyên gần như không có nước chảy trong mùa khô. Nhiều vùng ở Việt Nam cho thấy, chênh lệch mực nước ngầm giữa mùa khô và mùa mưa từ vài mét đến hàng chục mét, nhất là các vùng núi Tây Bắc và Tây Nguyên.

Sự hình thành các đập thủy điện ở thượng nguồn cũng làm sự mất cân đối nguồn nước ở Việt Nam thêm trầm trọng. Mục tiêu chính của các công trình thủy điện này là phát điện và bán điện theo nhu cầu công nghiệp và tiêu dùng chứ không phải là điều tiết nước. Đó chính là điều khiến càng khó tiên lượng cho an ninh nguồn nước hơn. Thêm vào đó, chuỗi các nhà máy thủy điện do nhiều đơn vị khác nhau quản lý và khai thác nên khó có sự điều phối chung, nguồn nước phía hạ lưu sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định đóng – mở cửa van kiểm soát nước của các đơn vị này.

Bên cạnh đó, thiên tai và biến đổi khí hậu cũng đe dọa tài nguyên nước. Xu thế thiếu nước như dòng chảy kiệt, nắng nóng kéo dài và mưa giảm gây khô hạn đang đe dọa cả nước. Điều kiện thiếu nước và nhiệt độ cao đe dọa gia tăng cháy rừng. Nước biển dâng làm tài nguyên nước xấu đi về mặt chất lượng. Nguồn nước ngầm ở Việt Nam cũng bị tác động dây chuyền như giảm mực thủy cấp và nhiễm mặn.

Cũng chính từ đây, mở ra một thách thức nữa là chất lượng nguồn nước đang suy giảm nghiêm trọng. Áp lực tăng dân số, phát triển công nghiệp, đô thị hóa, nhu cầu lương thực cao, thu hẹp diện tích đất đai và rừng đầu nguồn đang diễn ra ngày càng cao khiến nguồn nước bị khai thác triệt để. Sự suy thoái chất lượng nước rất khó kiểm soát hiệu quả. Nhiều dòng sông bị ô nhiễm nặng, chất lượng nước ngày càng xấu đi do độc chất từ các chất thải hữu cơ và vô cơ, dư lượng thuốc hóa nông. Rừng bị chặt phá trái phép, làm thủy điện… khiến hạn chế việc điều tiết nguồn nước. Mất mát lớn từ sự hủy hoại rừng để làm thủy điện trong vài năm qua trên các sông ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ đã làm cho người dân nghèo bị tổn thương nặng do lũ lụt và hạn hán, hệ sinh thái bị nghèo kiệt, đất bị xói mòn nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng bị tàn phá…

Nguồn nước dưới đất bị tụt giảm, nhiều nơi bị nhiễm mặn, nhiễm asenic hoặc bị thông tầng khiến chất ô nhiễm trên mặt thấm xuống các vỉa nước ngầm. Nhiều khu công nghiệp, khu dân cư, bệnh viện không có hệ thống xử lý nước hiệu quả và tất cả đổ vào các kênh mương, sông rạch và cống rãnh khiến thủy vực bị ô nhiễm vượt gấp hàng trăm lần mức cho phép của tiêu chuẩn quốc gia.

Không chỉ bởi sự gia tăng sản xuất, chất lượng sống của con người cũng ngày một cao hơn nên nhu cầu nước cũng tăng nhanh chóng. Theo dự tính, tổng lượng nước cần cho nền kinh tế quốc dân của Việt Nam đến năm 2020 sẽ lên đến khoảng 510-520 tỉ m3/năm. Nhu cầu nước gia tăng trong tình hình số lượng và chất lượng ngày càng suy giảm là một thử thách lớn cho an ninh nguồn nước ở Việt Nam.

Do những khó khăn và thử thách ngày càng lớn đối với an ninh nguồn nước ở Việt Nam, các cơ quan quản lý tài nguyên và cộng đồng địa phương cần phải liên kết, cam kết chính trị và đầu tư tài chính hiệu quả trong việc kiểm kê, quy hoạch, khai thác, phân phối, sử dụng và bảo vệ môi trường nước. Quy hoạch nguồn nước cần được làm đồng bộ từ cấp cộng đồng trở lên và không thể giới hạn trong phạm vi một địa phương mà phải đặt trong bối cảnh lớn hơn ở cấp liên vùng, lãnh thổ địa lý quốc gia và liên quốc gia. Không chỉ có vậy, cần phải có cơ chế pháp lý thông qua các đàm phán chính trị nhằm cân đối và giải quyết các mâu thuẫn nguồn nước giữa các quốc gia ở lưu vực. Hơn lúc nào hết, Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường cần được củng cố, bổ sung và cụ thể hóa hơn nữa để đáp ứng những tình huống mới phát sinh. Đồng thời, luật pháp phải xử lý nghiêm đối với các hành vi làm tổn hại nguồn nước. Việc tuyên truyền giáo dục ý thức cộng đồng cần được triển khai diện rộng và sâu trong việc giữ gìn môi trường, bảo vệ rừng xanh, sử dụng nước tiết kiệm và chống các biểu hiện làm suy thoái nguồn nước.

Theo NĂNG LƯỢNG MỚI


Tags: ,