Niềm tin tôn giáo và những tấn bi kịch trong đại dịch COVID-19

Tín đồ tham gia các sự kiện do phong trào Hồi giáo Tablighi Jamaat cho biết nỗi sợ dịch bệnh không thể so sánh với đức tin vào tôn giáo của họ.

Niềm tin tôn giáo và những tấn bi kịch trong đại dịch COVID-19

Một sự kiện do Tablighi Jamaat tổ chức ở Bangladesh. Ảnh: AFP.

Rửa mặt chung vòi nước, ăn chung đĩa, bốc cơm bằng tay trần theo cách truyền thống của người Hồi giáo, ngủ chung trong nhà thờ hoặc lán trại. Đó là cách 16.000 tín đồ từ gần 30 quốc gia đã tề tựu cùng nhau trong thánh lễ Hồi giáo tổ chức tại ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia cuối tháng 2.

Ba tuần sau đó, những người tham dự đại lễ Hồi giáo tại Malaysia đã lây nhiễm virus corona tới 6 quốc gia, gây ra đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất tại Đông Nam Á.

Tổ chức đứng sau sự kiện siêu lây nhiễm ở Malaysia

Hơn 620 người có liên quan tới sự kiện tôn giáo kéo dài 4 ngày ở Malaysia đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, buộc quốc gia Đông Nam Á phải đóng cửa biên giới cho tới tháng 4. Các trường hợp nhiễm COVID-19 sau khi dự sự kiện cũng được phát hiện tại Brunei, Thái Lan, Campuchia, Indonesia và Việt Nam.

“Điều chúng ta đang nói tới là khái niệm tôn giáo và niềm tin vào Chúa trời, không phải virus corona”, El Matly, một doanh nhân người Campuchia đã tham gia sự kiện tôn giáo, cho biết. El Matly đã có xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau khi trở về. Vợ của doanh nhân này hiện cũng đã nhiễm bệnh.

Sự bùng phát của virus corona tại Đông Nam Á đã nhấn mạnh thêm về cách dịch bệnh lan truyền từ Trung Quốc, nơi khởi phát, tới các khu vực khác trên thế giới, đồng thời hé lộ thêm về Tablighi Jamaat, tổ chức Hồi giáo có lịch sử hơn 100 năm.

Được sáng lập bởi một học giả Hồi giáo sống tại Ấn Độ từ thập niên 1920, Tablighi Jamaat rất kín tiếng về danh tính các hội viên. Nhiều chính trị gia và thân nhân của họ được cho là có mối liên hệ với tổ chức này. Con trai bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cũng là thành viên của Tablighi Jamaat.

Tại Đông Nam Á, Tablighi có cái tên Jemaah Tabligh. Tổ chức này là một trong những phong trào dựa trên đức tin lớn nhất thế giới. Thông điệp nhóm này truyền tới các tín đồ là “quay trở lại lối sống như dưới thời Nhà tiên tri Muhammad”.

Từ cách ăn mặc, cầu nguyện, Tablighi Jamaat thậm chí khuyến khích sử dụng que gỗ thay cho bàn chải đánh răng. Tại những sự kiện có hàng nghìn người tham dự, Tablighi Jamaat tổ chức cho các tín đồ ăn chung, cầu nguyện chung, ngủ chung trong các thánh đường.

El Matty, người đàn ông Campuchia nhiễm virus corona từ Malaysia, cho biết đã tham dự nhiều sự kiện do Tablighi tổ chức tại Đông Nam Á.

“Tôi có đủ khả năng chi trả cho các chuyến đi, tôi nghĩ chi tiền cho tôn giáo sẽ mang lại điều tốt lành”, ông Matty nói.

Tại sự kiện ở Kuala Lumpur, ông Matty ngủ tại sảnh cầu nguyện chính, nơi ban tổ chức đặt những chiếc chiếu theo hàng, cách nhau chỉ khoảng 1 m. Những tín đồ khác ngủ trong những chiếc lều lớn, khoảng 200 người trong mỗi lều.

Bộ Y tế Malaysia ban đầu thông báo khoảng 5.000 công dân nước này tham dự sự kiện tại Kuala Lumpur. Con số này sau đó được sửa lại thành 14.500 người Malaysia và 1.500 tín đồ nước ngoài.

Phớt lờ kêu gọi của nhà chức trách

Trong những thời kỳ bấp bênh như đại dịch, niềm tin tôn giáo mang lại sự vỗ về và an ủi cho các tín đồ. Tuy nhiên, thực tế các sự kiện tôn giáo lớn thời gian qua đã cho thấy những biến số nguy hiểm trước nguy cơ tiềm ẩn lây lan virus corona.

Đợt bùng phát COVID-19 tại Hàn Quốc cuối tháng 2 có liên quan tới một giáo phái bí mật có tên Shincheonji. Hàng nghìn tín đồ của nhà thờ giáo phái Shincheonji, thành viên gia đình và những người có tiếp xúc đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.

Tại Singapore, hai ổ dịch COVID-19 lớn nhất đều có liên quan tới nhà thờ. Trong khi đó, các tín đồ hành hương tham gia các nghi lễ tôn giáo ở thành phố Qom đã lây lan virus corona ra toàn quốc, đồng thời lan truyền dịch bệnh tới các quốc gia khác ở Trung Đông và Nam Á.

Bất chấp nhà chức trách nhiều nước đã cảnh báo nguy cơ từ các hoạt động tập trung đông người trong thời kỳ dịch bệnh, nhiều sự kiện tôn giáo đông người vẫn tiếp tục diễn ra.

Ấn Độ đang kêu gọi các tín đồ Hindu giáo không tới bang Uttar Pradesh trong tuần tới để tham dự lễ hội dài 9 ngày, dự kiến có thể chứng kiến sự tham gia của hàng trăm nghìn người.

Trong khi đó, một sự kiện khác do Tablighi Jamaat tổ chức tại thị trấn Gowa, tỉnh Nam Sulawesi của Indonesia đã chứng kiến sự tham gia của hơn 8.000 tín đồ. Sáng ngày 19/3, phát ngôn viên tổng thống Indonesia đã phải yêu cầu hủy bỏ sự kiện, chỉ vài giờ trước lễ khai mạc.

Mặc dù vậy, gần 8.700 tín đồ từ 10 quốc gia đã có mặt ở Gowa. Giống như những gì từng diễn ra ở Malaysia, các tín đồ chia sẻ lều bạt, cùng nhau ăn chung, uống chung.

“Không ai trong chúng tôi sợ virus corona, chúng tôi chỉ sợ Chúa trời”, Roni Arif, một tín đồ tại Sulawesi, cho biết.

Nếu như Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới, chỉ có 2 ca dương tính với virus corona trong ngày 2/3, số người nhiễm bệnh được ghi nhận đến ngày 20/3 đã tăng lên tới 369, trong đó 2 trường hợp đã tử vong. Một bộ trưởng của chính quyền Indonesia cũng đã nhiễm bệnh.

“Tất cả bệnh tật hay sức khỏe đều là do Chúa trời. Mọi sự xảy ra với chúng ta đều là do ý Chúa”, ông Roni nói.

Nỗi sợ dịch bệnh không lớn bằng đức tin

Khi số ca nhiễm virus corona lan truyền trong cộng đồng tăng đột biến, nguyên nhân từ sự kiện do Tablighi tổ chức, Malaysia hôm 18/3 đã tuyên bố đóng cửa biên giới cho tơi ít nhất là 31/3.

Công dân Malaysia bị cấm rời khỏi đất nước, trong khi người nước ngoài không được phép nhập cảnh. Chỉ các ngành kinh doanh thiết yếu được phép hoạt động. Các thánh đường Hồi giáo bị đóng cửa.

Hôm 19/3, Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết 83 công dân nước này đã tới Indonesia để tham dự sự kiện do Tablighi tổ chức. Những người này được phép trở về quê nhà, tuy nhiên bị kiểm tra y tế gắt gao.

Trong khi đó, hàng nghìn tín đồ của Tablighi đã đổ tới thị trấn Gowa nay mắc kẹt sau khi nhà chức trách Indonesia yêu cầu hủy bỏ sự kiện.

Nurdin Abdullah, thống đống tỉnh Nam Sulawesi, cho biết tất cả công dân nước ngoài đã có mặt ở Gowa sẽ bị cách ly trong một khách sạn, sau đó được áp tải tới thẳng sân bay để xuất cảnh. Những công dân Indonesia bản địa được phép ở lại trong các lán trại, họ tiếp tục đọc kinh và thảo luận với nhau về niềm tin tôn giáo.

“Chúng tôi không cho rằng việc đến đây và tập trung thành nhóm lớn là điều bất cẩn. Điều quan trọng là chúng tôi học cách để đưa bản thân về gần bên Chúa trời”, Ilman Murgan, một nông dân Hồi giáo, cho biết.

Cũng trong ngày 19/3, một cuộc tụ họp của các tín đồ Thiên chúa giáo được tổ chức trên đảo Flores, phía Đông Indonesia. Khoảng 2.000 người, trong đó có nhiều nữ tu, đã cùng tham dự một buổi sắc phong giám mục tại nhà thờ.

Bộ trưởng Thông tin Indonesia đã bay tới đảo Flores với kế hoạch tham dự buổi lễ. Tuy nhiên, ông này đã rời khỏi đảo Flores sau khi Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia cảnh báo mọi sự kiện tập trung đông người cần phải bị hủy bỏ. Cuộc sắc phong, dù vậy, vẫn được tiến hành.

Hans Jeharut, một linh mục tham dự buổi lễ kéo dài 4 giờ đồng hồ, cho biết ít nhất 30 giám mục đã được sắc phong. Ban tổ chức đã kiểm tra nhiệt độ của những người tham dự ít nhất 2 lần. Ông Jeharut cho biết khu vực này đã không có giám mục nào trong hơn 2 năm, vì vậy việc hủy bỏ buổi lễ sẽ gây thất vọng cho toàn bộ giáo phận.

“Cần thông cảm cho sự kỳ vọng của người dân. Đây là một lễ ăn mừng, nhưng là lễ ăn mừng của đức tin”, ông Jeharut nói.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,