⠀
Những tướng cướp nổi tiếng Sài Gòn trước 1975
Những tên tướng cướp này có số phận rất khác nhau, người thì được kính nể vì sự nghĩa hiệp, kẻ thì bị ghê sợ vì những tội ác khủng khiếp…
Sơn Vương – tướng cướp hào hiệp
Sơn Vương tên thật là Trương Văn Thoại, sinh năm 1909 ở Gò Công (Tiền Giang ngày nay), lớn lên ông tham gia phong trào yêu nước của chí sĩ Nguyễn An Ninh. Năm 1926, Sơn Vương bị Pháp bắt khi đi nghe chí sĩ Nguyễn An Ninh diễn thuyết. Sau đó, ông học và theo nghề báo.
Trong sự nghiệp văn chương của mình, Sơn Vương đã viết hàng chục đầu sách, phần nhiều là những quyển truyện nhỏ loại bỏ túi, mỗi cuốn vài chục trang.
Không chỉ viết sách, trong những năm 1931-1933, một mình Sơn Vương gây ra hàng chục vụ cướp mà đối tượng là những phú hộ, địa chủ mang tiếng gian ác ở các vùng Đồng Nai, Sài Gòn, Long An và lấy chiến lợi phẩm chia cho dân nghèo.
Tính khí mạnh mẽ, không né tránh trong hoạt động chống Pháp đã làm cho Sơn Vương liên tục vào tù ra khám. Để rồi ông bị thực dân Pháp dành cho mức án cao nhất ở Sài Gòn với tổng số năm tù là… 79 năm.
Cuối tháng 8/1945, phái đoàn của Chính quyền Cách mạng Nam Bộ ra Côn Đảo rước tù chính trị về đất liền. Do trong hồ sơ Sơn Vương là “thường phạm” (cướp giật) chứ không phải là “chính trị phạm” nên ông chưa được về đất liền đợt đầu, tiếp tục phải ở lại đảo.
Nhờ vậy sau đó ông được tín nhiệm bầu vào chức danh Chủ tịch Ủy ban hành chính Côn Đảo. Sau khi giặc Pháp tái chiếm Nam Bộ, rồi đánh chiếm Côn Đảo, chúng đã bắt Sơn Vương giam lại án tù chung thân. Năm 1953, vì khử một tên đại ác trong tù, Sơn Vương nhận thêm một án chung thân nữa. Ông tiếp tục ở tù đến ngày 18/11/1968 thì được Nguyễn Văn Thiệu trả tự do.
Sau khi ra tù năm 1968, Sơn Vương đã viết hồi ký, được đăng tải trên báo chí gây xôn xao dư luận một thời.
Là người sớm có lòng yêu nước từ thời niên thiếu, lại thêm tính cách hiệp sĩ phiêu lưu nên Sơn Vương hoạt động mang đặc điểm của tay giang hồ hảo hán. Khi trở thành tướng cướp, ông cũng thể hiện tính nghĩa hiệp, chuyên cướp của bọn cường hào, địa chủ, quan lại, đem chia lại cho dân nghèo. Tính khí ấy được Sơn Vương thể hiên trong các tác phẩm văn học của mình. Thật hiếm có người vừa là nhà văn lại vừa là tướng cướp.
Lệ Hải – tướng cướp đội lốt mỹ nhân
Khét tiếng trong giới giang hồ nhưng Lệ Hải (tên thật là Vũ Thị Bảo) lại xuất thân trong một gia đình gia giáo, trâm anh thế phiệt. Từ nhỏ Vũ Thị Bảo đã được cha mẹ gửi vào học chương trình Pháp tại những ngôi trường nổi tiếng thời đó
Thế nhưng, lấy xong bằng tú tài I (cấp 2 hiện nay), cô bỏ học và kết thân với các công tử ăn chơi khét tiếng. Khi 17 tuổi, Lệ Hải đã tiếp cận Đại Cathay và trở thành tình nhân của trùm giang hồ này. Những năm sau đó, cô ả trở thành một bà trùm khét tiếng trong giới bảo kê vũ trường, ổ điếm ở Sài Gòn.
Không dừng lại ở việc bảo kê, Lệ Hải còn dùng sắc đẹp hợp tác những tên cướp lì lợm như Minh Đen, Bình Toyota… để tiến hành những vụ cướp chấn động Sài thành. Điển hình là vụ bắt tay với Minh Đen cướp tiền, vàng trong đền Sòng Sơn, chiếm đoạt gần 4 triệu đồng (tương đương 200 cây vàng thời đó) và hơn 50 nhẫn hột xoàn, có cái lên tới 8 carat.
Khi Minh và đồng bọn bị sa lưới, nữ quái lại liên minh với Bình Toyota thực hiện hàng chục vụ cướp xe hơi táo tợn. Trong vai thiếu nữ con nhà lành, Lệ Hải đã quyến rũ được vô số đại gia chạy xe đến các con đường vắng để đồng bọn dùng súng cướp xe. Ả khôn khéo đến mức kể cả khi bị bọn du đãng cướp mất xe hơi vẫn không bị các đại gia nghi ngờ.
Sau năm 1975, Lệ Hãi “mất tích” trên giang hồ. Có nhiều đồn đại khác nhau về số phận nữ quái này. Người thì nói Lệ Hải bị đưa vào trại cải tạo, người khác thì nói rằng cô ả này sang Anh định cư và sống một cuộc sống cô độc.
Điềm Khắc Kim – cơn ác mộng của người Mỹ
Điềm Khắc Kim (báo chí Sài Gòn trước thường nhầm thành Điền Khắc Kim) tên thật là Lê Văn Minh, sinh năm 1947 tại Sài Gòn trong một gia đình nghèo, đông con. Lúc đầu, Minh cũng là một thanh niên bình thường với vẻ ngoài thư sinh, hiền lành. Nhưng sự kiện cô gái bán bar Helen Diễm, người mà Điềm yêu thầm bị lính Mỹ hiếp chết, quăng xác ra đường đã biến Minh đau đớn tột độ.
Trở nên hận đời và căm thù lính Mỹ, Minh bắt đầu bước vào bóng tối với cái tên Điềm Khắc Kim lừng lẫy giang hồ.
Khác với đại ca khác quy tụ nhiều đàn em, lập thành băng nhóm, Điềm Khắc Kim chỉ đơn thương độc mã nhưng lại nổi tiếng với những phi vụ xuất quỷ nhập thần. Hắn thực hiện một loạt vụ đột nhập cướp của, hiếp dâm vợ các quan chức Mỹ thời đó. Đặc biệt, Kim không làm bậy với tất cả phụ nữ mà chỉ nhắm vào những cô vợ của sĩ quan Mỹ.
Sau mỗi vụ cướp, hiếp chấn động, gã đều viết tên mình bằng ba chữ ĐKK như để chứng minh tài năng xuất quỷ nhập thần của mình. Điều đó khiến hắn nhanh chóng nổi tiếng trong giới giang hồ đất Sài Gòn.
Từ khi bắt đầu “sự nghiệp” cho đến sau năm 1975, Điềm Khắc Kim nhiều lần bị bắt nhưng cũng không ít lần trốn trại thành công. Vào tháng 9/1985, hắn bị tóm ngay tại trận.khi dùng súng cướp hàng tại chân cầu chữ Y. Sau nhiều vụ vượt ngục không thành, cùng sự tái phát của những vết thương cũ, hắn trở nên suy sụp
Điềm Khắc Kim trút hơi thở cuối cùng vào một đêm mưa tại trại giam Chí Hòa trong thi thể gầy còm, co rút vì bệnh tật hành hạ. Cuộc đời tướng cướp vĩnh viễn khép lại từ ngày ấy.
Lâm Chín ngón – tên tướng cướp “tốc độ”
Lâm Chín ngón tên thật là Lê Ngọc Lâm. Sinh năm 1945 tại Hà Tây, trong một gia đình Công giáo, Lâm đã cùng gia đình di cư vào Nam lúc mới 9 tuổi. Tại Hố Nai (Biên Hòa), gia đình Lâm đã gặp nhiều biến cố, suy sụp, nên mới 12 tuổi Lâm đã bị xô ra xã hội, rồi được đưa vào làng cô nhi Thủ Đức
Khi trưởng thành, nhờ có chút học thức, đánh đấm giỏi, lại lỳ đòn, Lâm nhanh chóng được Đại Cathay tin dùng trong các trận thư hùng nhằm tranh giành lãnh địa. Không bao lâu, Lâm trở thành trợ thủ đắc lực của Đại.
Trong một lần liều chết để cứu “chủ tướng”, Lâm đã bị đối phương chém đứt 1 ngón tay, hai bàn tay chỉ còn lại 9 ngón, vì vậy mà có biệt danh “Lâm Chín ngón”.
Cuối năm 1966, hàng loạt du đãng cộm cán ở Sài Gòn bị bắt, trong đó có Đại Cathay và Lâm Chín ngón. Cả bọn bị chở ra “Trung tâm cải huấn” trên đảo Phú Quốc, nơi được giới tội phạm đặt lại tên là Trại Cửu Sừng, lấy tên một quân bài trong bộ bài mạt chược.
Sau khi Đại Cathay bị bắn chết ở Phú Quốc, Lâm Chín ngón ở tù thêm một thời gian, cuối năm 1969 được thả ra. Trở về đất liền, hắn trở lại thế giới du đãng bằng nghề đi cướp đường bằng xe gắn máy. Chẳng bao lâu, đường phố Sài Gòn đã bị ám ảnh bởi một tên cướp chạy xe như bay, thách thức lực lượng cảnh sát.
Vào cuối năm 1970, Lâm Chín Ngón bị bắt trong một vụ cướp bất thành. Khi vào tù, án của hắn tăng nạng thêm do giết chết hai tù nhân do các vụ mâu thuẫn giữa giới giang hồ. Sau 18 năm ở tù, đến năm 1988, Lâm Chín ngón được trả tự do.
Ngựa quen đường cũ, hắn tiếp tục giao du với giới giang hồ, và điều này đã đem lại một kết cục bi thảm. Do mâu thuẫn với Năm Cam, Lâm Chín ngón đã bị ông trùm khét tiếng này sai đàn em tạt axit, trở thành kẻ thân tàn ma dại…
Bạch Hải Đường – tướng cướp huyền thoại
Bạch Hải Đường tên thật là Nguyễn Ngọc Truyện, sinh năm 1950 trong một ngôi nhà lụp xụp của thị xã Long Xuyên. Truyện bỏ học khi mới đọc thông, viết thạo. Rồi hoàn cảnh xô đẩy, hắn bỏ nhà đi tìm một cuộc sống riêng.
19 tuổi, Truyện lập gia đình có thêm hai đứa con trai. Truyện làm nghề chạy xe lôi chở khách và chở hàng thuê để kiếm tiền nuôi vợ con. Đến lúc này hắn vẫn là một người lương thiện, sống bằng chính sức lao động. Nhưng rồi cuộc sống cơ cực cùng với việc phải chứng kiến nhiều trái ngang, hắn đã bị đẩy vào con đường tội phạm.
Chuyến ăn trộm đầu tiên của Truyện là vào khoảng năm 1971, khi con đầu lòng ốm đau không có tiền thuốc men, với chiến lợi phẩm là một chiếc xe máy. Từ đó, hắn phát triển băng nhóm để thực hiện hàng loạt vụ cướp và nên nổi danh với cái tên Bạch Hải Đường.
Chỉ trong 2 năm, với gần 50 lần đột nhập vào nhà của cảnh sát, bác sĩ, sĩ quan pháo binh, thiết giáp, nhà của phi công, dân biểu hạ viện, căn cứ quân sự, kho xăng… những nơi mà điều kiện về an ninh vô cùng nghiêm ngặt, Bạch Hải Đường đã làm đau đầu hệ thống cảnh sát, chính quyền Sài Gòn.
Tên tướng cướp này được “đồng nghiệp” đặc biệt nể phục vì những vụ đột nhập vào dinh thự của các quan chức Mỹ và sĩ quan chế độ cũ. Thậm chí, sau khi thực hiện những vụ trộm táo bạo, đang lúc cháy túi, hắn còn đột nhập vào nhà nạn nhân thêm lần nữa.
Thế rồi, những giai thoại lại được thêu dệt về hành tung bí ẩn của Bạch Hải Đường khiến tên tuổi của hắn trở thành một “huyền thoại”, đi vào những cuốn sách, kịch bản điện ảnh, sân khấu cải lương.
Sau năm 1975, Bạch Hải Đường vẫn tác oai tác quái. Hắn chỉ sa lưới sau khi bị thương trong một cuộc đọ súng với các chiến sĩ công an năm 1980.
Những vết đạn đã làm sức khỏe Bạch Hải Đường suy giảm nhanh chóng. Cộng vào đó các căn bệnh trước đây như đau dạ dày, viêm gan nay bùng phát khiến hắn không thể nào gượng nổi. Ngày 13/7/1983, tại bệnh xá của trại giam, Bạch Hải Đường đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi vào tuổi 33.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Việt Nam Cộng hòa, Tội phạm