⠀
Những trăn trở từ câu chuyện của loài sao la
Giữa những hi vọng mới, sự xuất hiện trở lại của Sao la vẫn còn đó những hoài nghi về tương lai của loài này; thậm chí, xới lên những câu hỏi đã cũ về nguyên nhân “biến mất” của Sao la trong suốt 15 năm qua.
Tác giả: Ths. Nguyễn Hải Vân và Ths. Nguyễn Việt Dũng, PanNature.
Nguồn: Bản tin Chính sách Quý IV/2014/PanNature.
Nội dung bài viết được tổng hợp từ các thông tin thu thập được tại các chuyến nghiên cứu thực địa tại (i) VQG Vũ Quang (Hà Tĩnh) và VQG Pù Mát (Nghệ An), tháng 10/2009 do nhóm nghiên cứu gồm Forest Trends, CRES và PanNature thực hiện; tại (ii) KBT loài và sinh cảnh Sao la (Quảng Nam), tháng 10/2014 do PanNature và Corenam phối hợp khảo sát.
Cũng như khi được phát hiện, sự xuất hiện trở lại của Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) vào tháng 9/2013 qua bẫy ảnh trong khu rừng ở Quảng Nam đã mang đến niềm vui lớn cho cộng đồng bảo tồn Việt Nam và thế giới. Niềm tin tưởng chừng đã mất về sự tồn tại của loài thú này trong tự nhiên một lần nữa lại được thắp lên. Tuy nhiên, giữa những hi vọng mới, sự xuất hiện trở lại của Sao la vẫn còn đó những hoài nghi về tương lai của loài này; thậm chí, xới lên những câu hỏi đã cũ về nguyên nhân “biến mất” của Sao la trong suốt 15 năm qua. Sử dụng góc nhìn sinh thái chính trị để so sách hai giai đoạn khác nhau (khi phát hiện – tái xuất hiện) của bảo tồn Sao la, bài viết này sẽ cố gắng đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi ấy. Từ câu chuyện về loài thú quý hiếm này, tác giả cũng đồng thời muốn nhấn mạnh rằng, đầu tư tài chính, sự tham gia và hưởng lợi của cộng đồng địa phương là những điều kiện không thể thiếu nhằm đảm bảo hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam trong tương lai.
Những can thiệp bảo tồn giữa thập kỷ 1990 và… sự biến mất của Sao la
Được phát hiện lần đầu tiên năm 1992 qua mẫu vật sừng tại nhà một người thợ săn khu vực KBT Vũ Quang, Hà Tĩnh (nay là VQG), nhiều bằng chứng tương tự về sự tồn tại của loài này cũng được tìm thấy tại các cộng đồng miền núi ở phía Tây của Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Sự kiện Sao la được công bố là loài thú mới sau đó đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm, đầu tư nghiên cứu, cũng như các can thiệp bảo tồn đa dạng sinh học trong suốt thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Liên tục, các cuộc khảo sát đã được tiến hành bởi các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế. Các lán trại thực địa được xây dựng trong rừng sâu như tại KBT Vũ Quang cũng được sử dụng phục vụ cho mục đích nghiên cứu Sao la. Trong vòng vài năm, hệ thống kiến thức khoa học về loài thú này được hình thành tương đối đầy đủ với các thông tin về đặc điểm sinh thái, ước đoán số lượng quần thể và tập tính cơ bản. Phải nhấn mạnh rằng, trong quá trình phát hiện và nghiên cứu về Sao la, đặc tính nhút nhát của loài thú này đã khiến các nhà khoa học hầu như không có cơ hội tiếp cận ngoài tự nhiên. Các hiểu biết và kiến thức khoa học thu thập được về Sao la chủ yếu dựa trên các thông tin và kinh nghiệm đi rừng của thợ săn địa phương. Chính vì vậy, trong giai đoạn đầu tiên này, vai trò của người dân địa phương cũng như các kiến thức bản địa liên quan đến Sao la là không thể phủ nhận và vô cùng quan trọng.
Dựa trên các kiến thức khoa học có được ngay sau khi phát hiện, Sao la được đánh giá là loài đặc biệt quý hiếm và xếp hạng ở mức Nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và Sách đỏ Việt Nam. Điều này, sau đó, đã trở thành cơ sở, luận cứ cho việc xây dựng các đề xuất dự án, kêu gọi đầu tư bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có Sao la, trong thời gian này ở Việt Nam. Mục tiêu chính của các đề xuất là hỗ trợ cải thiện năng lực quản lý hệ thống KBT nơi được cho là có Sao la sinh sống. Các KBT, nay là VQG, như Vũ Quang (Hà Tĩnh) và Pù Mát (Nghệ An) là những khu vực nhận được các khoản tài trợ đáng giá. Bằng nguồn tiền từ Chính phủ Hà Lan, dự án 2,47 triệu USD đã được Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) thực hiện tại Vũ Quang từ 1995-2000 nhằm bảo vệ sinh cảnh của Sao la thông qua các biện pháp tăng cường quản lý KBT và hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương vùng đệm. Cùng lúc, dự án Lâm nghiệp xã hội và BTTN khu Pù Mát, Nghệ An được Liên minh Châu Âu hỗ trợ thực hiện với ngân khoản 17,5 triệu euro từ 1996 – 2001 với mục đích tương tự. Kết quả là, trong suốt khoảng thời gian từ khi Sao la được phát hiện đến đầu những năm 2000, rất nhiều thông tin, hình ảnh về loài này đã được công bố, chia sẻ rộng rãi cả ở Việt Nam và quốc tế qua các hội thảo hoặc ấn phẩm truyền thông.
Tuy vậy, do ảnh hưởng từ quan điểm bảo vệ tuyệt đối tại các “khu rừng cấm” trước đây (có từ những năm 1960) và cách tiếp cận “bảo tồn vị bảo tồn” thịnh hành ở Việt Nam giai đoạn này nên các biện pháp can thiệp theo hướng bảo tồn nghiêm ngặt cũng được áp dụng tại các KBT có Sao la sinh sống như Vũ Quang và Pù Mát. Theo đó, mọi hành vi ảnh hưởng tới Sao la và sinh cảnh sống của chúng, đều bị nghiêm cấm và xử phạt, kể cả các hoạt động sinh kế truyền thống mà người dân địa phương vẫn duy trì trước khi thành lập KBT như săn bắn, khai thác gỗ, thu hái lâm sản phi gỗ hay canh tác nương rẫy. Từ vị thế là nhân tố quan trọng giúp phát hiện, nghiên cứu và đặt nền tảng cho hệ thống kiến thức khoa học về Sao la, người dân địa phương lại được biết tới như là tác nhân chính đe dọa sự sống còn của loài thú quý hiếm này. Hệ lụy trực tiếp từ những biện pháp bảo tồn nghiêm ngặt là việc loại bỏ triệt để quyền tiếp cận của người dân địa phương đối với rừng và đất rừng bên trong ranh giới KBT, nhất là vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra những mâu thuẫn về lợi ích cũng như sự thiếu niềm tin, bất hợp tác giữa người dân địa phương và các cơ quan bảo tồn, nhất là Ban quản lý các KBT.
Khi các dự án kết thúc, sự quan tâm và đầu tư cho bảo tồn Sao la cũng giảm dần, theo đó thông tin và hình ảnh của loài thú này cũng dần ít đi. Hình ảnh Sao la chụp được bằng máy ảnh tự động tại một khu rừng gần biên giới Việt – Lào thuộc KBT Pù Mát năm 1998 được coi là bằng chứng cuối cùng cho thấy Sao la vẫn còn tồn tại ngoài tự nhiên. Trong 15 năm tiếp theo, không có thêm thông tin, bằng chứng hay hình ảnh mới nào về loài thú này ở Vũ Quang, Pù Mát được công bố. Dù các KBT này đã được nâng cấp lên thành VQG nhưng có rất ít hoạt động trực tiếp liên quan đến nghiên cứu, bảo tồn Sao la, mà chủ yếu chỉ tập trung vào quản lý bảo vệ rừng từ nguồn kinh phí hạn chế từ ngân sách nhà nước hàng năm. Đến nay, chưa hề có một chiến lược hay kế hoạch hành động cụ thể nào từ phía các cơ quan bảo tồn cấp quốc gia (như Cục Kiểm lâm, Cục Bảo tồn thuộc Bộ NN-PTNT; hay Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Bộ TN-MT) nhằm tìm kiếm lại hay bảo tồn loài thú quý hiếm có giá trị toàn cầu này. Những nhận định như “biến mất vĩnh viễn”, “tuyệt chủng ngoài tự nhiên”… do đó được gắn liền với Sao la cho đến tận gần đây.
Cộng đồng tham gia bảo tồn và sự xuất hiện trở lại của Sao la…
Trong gần 15 năm im hơi lặng tiếng Sao la, một nhóm các nhà khoa học (Sao la Working Group) vẫn tiếp tục vận động và hỗ trợ cho hoạt động bảo tồn loài này và đa dạng sinh học ở khu vực Trung Trường Sơn, dù kinh phí không nhiều. Kết quả của nỗ lực này là hai KBT mới, liên quan trực tiếp tới Sao la được thành lập: KBT Loài và Sinh cảnh Sao la Quảng Nam (tháng 7/2012) và KBT Sao la Thừa Thiên Huế (tháng 10/2013). Đề xuất thành lập hai KBT này được căn cứ trên dữ liệu điều tra về Sao la thực hiện từ những năm 1997-1998, 2007 và giai đoạn 2011-2013 (kinh phí hỗ trợ từ dự án Dự trữ Carbon và bảo tồn đa dạng sinh học – CarBI). Dường như, một tiến trình mới, tương tự như đã diễn ra với VQG Pù Mát và Vũ Quang những năm 90, lại được lặp lại. Sự hình thành hai KBT Sao la, do đó, là cơ sở cho thực hiện một loạt các dự án bảo tồn liên quan đến Sao la, như Dự án nghiên cứu phát triển bền vững miền Tây Nghệ An do Bộ TN&MT tài trợ, dựa vào kiến thức quản lý truyền thống và văn hóa bản địa của các dân tộc thiểu số nơi đây, lồng ghép với công tác bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, trong đó có bảo tồn Sao la; dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông mở rộng (2012-2019) nhằm thiết kế hệ thống hàng lang đa dạng sinh học để phục hồi, duy trì và liên kết các hệ sinh thái trong khu vực.
Khác với cách tiếp cận bảo tồn nghiêm ngặt áp dụng trước đây tại Vũ Quang và Pù Mát, các dự án hỗ trợ hai KBT Sao la ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam sử dụng cách tiếp cận gắn kết sự tham gia của cộng đồng địa phương và đa dạng hóa nguồn tài chính cho hoạt động bảo tồn. Dựa trên sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của các dự án nước ngoài, các KBT đã thành lập được các tổ, đội tuần tra bảo vệ rừng là người dân địa phương, kết hợp cùng với cán bộ KBT (kiểm lâm địa bàn), được tập huấn kỹ thuật và trả lương để tham gia vào các hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng, giám sát và bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, một kế hoạch huy động kinh phí lâu dài cho bảo tồn cũng được KBT Loài và Sinh cảnh Sao la tính đến khi vận dụng nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) để gắn kết sự tham gia, trao trách nhiệm và tạo cơ hội cho người dân địa phương từ các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Đầu tháng 9/2013, hình ảnh Sao la lại được ghi nhận thông qua bẫy ảnh tự động đặt trong KBT Sao la Quảng Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng vào thời điểm hiện tại, khi niềm tin vào sự tồn tại của Sao la ngoài tự nhiên, cũng như vào hiệu quả bảo tồn Việt Nam đang bị sụt giảm, nhất là sau khi loài tê giác Java chính thức tuyệt chủng ở Việt Nam năm 2011. Các nhà bảo tồn, đặc biệt là WWF, cho rằng đây là bằng chứng quan trọng, chứng minh cho tính đúng đắn và là kết quả của những đầu tư và nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực Trung Trường Sơn trong nhiều năm qua. Thậm chí, việc tái xuất hiện này còn được cho là minh họa cho sự cần thiết của các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng trong thực tiễn ở Việt Nam.
Nhìn lại câu chuyện Sao la: Hướng đi nào cho bảo tồn đa dạng sinh học?
Sự biến mất một cách bí ẩn trong suốt một thời gian dài rồi bất ngờ lộ diện trở lại của Sao la đã xới lên những câu hỏi về nguyên nhân vì sao Sao la biến mất? Trước đây, các nhà khoa học và quản lý KBT cho rằng, việc thợ săn đặt bẫy thú trong rừng là nguyên nhân chính khiến cho quần thể loài này suy giảm và dần biến mất trong thực tế. Không có ai nghi ngờ về luận điểm này hay thực hiện một cuộc điều tra để kiểm chứng lại sự biến mất “bí ẩn” này trong hơn một thập kỷ qua, mặc dù, các hội thảo khoa học vẫn ước tính khoảng 150 – 200 cá thể Sao la đang tồn tại ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, khi Sao la xuất hiện trở lại, một loạt các câu hỏi và giả thuyết khác lại được đặt ra. Tại sao chúng xuất hiện trở lại? Tại sao lại xuất hiện ở một KBT mới thành lập như Sao la Quảng Nam mà không phải có những nơi đã được đầu tư, bảo tồn trước đây như Pù Mát hay Vũ Quang? Sao la sẽ xuất hiện thường xuyên hơn hay chúng sẽ lại biến mất một lần nữa? Và liệu có mối liên hệ nào giữa những can thiệp, đầu tư cho bảo tồn với sự “xuất hiện – biến mất” của Sao la? Dựa trên các rà soát và tham vấn với các chuyên gia, BQL VQG/KBT và người dân địa phương, từ quan điểm cá nhân, tác giả đưa ra một số luận điểm hy vọng có thể trả lời cho những câu hỏi trên.
Thứ nhất, cả giới khoa học và bảo tồn hiện có quá ít hiểu biết về sinh thái và tập tính Sao la trong thực tiễn, nên không thể lựa chọn được cách thức hiệu quả để tiếp cận và giám sát loài thú này. Những hình ảnh ghi nhận được bằng bẫy ảnh ở Pù Mát trước đây, hay Quảng Nam vừa qua, có lẽ chỉ là sự may mắn ngẫu nhiên, mà không phải kết quả của quá trình theo dõi và khẳng sự hiện diện một cách chắc chắn. Chính vì vậy, rất khó để khẳng định rằng, Sao la đã trở lại, sẽ xuất hiện thường xuyên hơn mà không thể biến mất một lần nữa.
Thứ hai, kinh nghiệm từ VQG Pù Mát/Vũ Quang những năm 1990 và mới đây là tại KBT Loài và Sinh cảnh Sao La Quảng Nam dường như phản ánh một quy luật, tại vùng phân bố Sao la, những nơi được đầu tư và thực hiện hoạt động bảo tồn mạnh mẽ sẽ ghi nhận được hình ảnh của Sao la. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, khi các dự án tài trợ cho Sao la kết thúc, các KBT/VQG như Pù Mát hay Vũ Quang chỉ được nhà nước bố trí kinh phí cho hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng là chính, mà không có ngân sách chi cho nghiên cứu, tìm kiếm hay bảo tồn loài thú này nói riêng và đa dạng sinh học nói chung. Vì vậy, thông tin, hình ảnh được công bố về Sao La tại VQG Pù Mát và Vũ Quang đã ít dần đi hoặc biến mất hẳn, như đã xảy ra trong 15 năm vừa qua. Có thể, một kịch bản tương tự cũng sẽ xảy ra tại KBT Sao la Quảng Nam khi các dự án tài trợ kết thúc nếu không có sự quan tâm đầu tư bảo tồn xác đáng hơn từ cơ quan bảo tồn cấp quốc gia.
Thứ ba, cách thức bảo tồn nghiêm ngặt, biến việc vào rừng và hoạt động săn bắn truyền thống thành bất hợp pháp, đã khiến quan điểm của người dân về chia sẻ thông tin liên quan đến Sao la thay đổi. Thay vì sẵn sàng chia sẻ như trước, họ hiếm khi trả lời cũng như thông báo cho các cơ quan bảo tồn các thông tin liên quan đến Sao la, một phần do họ không nhận được lợi ích gì từ việc này. Khi được hỏi về Sao la (2009), một người thợ săn tại Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã nói “Bí mật, mà đã là bí mật thì không nói, không trả lời”, dù chắc chắn họ vẫn gặp Sao la ngoài tự nhiên trong những lần đi rừng “chui” của họ. Hơn thế nữa, mối quan hệ hợp tác trong bảo tồn giữa người dân địa phương với các cơ quan bảo tồn cũng bị ảnh hưởng bởi cơ chế chia sẻ lợi ích không công bằng hiện nay. Như đã phân tích ở trên, người dân đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát hiện và nghiên cứu Sao la. Tuy nhiên, những đóng góp của họ đến nay vẫn chưa được ghi nhận, hay nói cách khác, theo cách tiếp cận hiện nay, bảo tồn không đem lại được cho người dân địa phương lợi ích gì đáng kể, mà thậm chí còn đem lại những khó khăn mới cho cuộc sống của họ.
Như vậy, nhìn lại từ sự biến mất – xuất hiện trở lại của Sao la, chúng ta có thể thấy rõ, sự tạm dừng, chuyển hướng hay thiếu hụt tài trợ; sự mất niềm tin hay bất hợp tác giữa cộng đồng địa phương và cơ quan bảo tồn, cũng như thiếu các chiến lược, hành động ưu tiên có thể sẽ phá hỏng thành quả của các nỗ lực bảo tồn đã xây dựng trước đó, cũng như có thể đẩy các loài thú quý hiếm đến “bờ vực của sự diệt vong”. Điều này khiến chúng ta suy nghĩ về tương lai lâu dài của bảo tồn Sao la cũng như đa dạng sinh học ở Việt Nam. Ai có thể đảm bảo rằng, khi các dự án bảo tồn kết thúc, Sao la hay các loài thú quý hiếm khác sẽ không biến mất? Từ những phân tích trên đây, tác giả cho rằng, cần một sự thay đổi lớn trong quan điểm đầu tư cũng như cách thức can thiệp bảo tồn hiện nay ở Việt Nam. Các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ nước ngoài là cần thiết, nhưng chúng chỉ là nhân tố xúc tác ban đầu, không thể giúp Việt Nam cứu lấy và bảo vệ các di sản đa dạng sinh học một cách lâu dài và bền vững. Vượt lên các cam kết “hình thức”, chính phủ Việt Nam cần phải quan tâm, xây dựng kế hoạch tài chính xác đáng và lâu dài cho bảo tồn, đặc biệt cho các KBT, nơi có Sao la hay các loài thú nguy cấp, quý hiếm khác đang tồn tại. Tương tự, một chương trình hoặc kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn các loài có giá trị toàn cầu như Sao la, hổ, voi hay linh trưởng là cần thiết. Các quy định về thiết lập hệ thống giám sát loài, hệ sinh thái theo Luật Đa dạng sinh học 2009 cần sớm được thực hiện, trước tiên tại các KBT, vốn là địa bàn trọng điểm về bảo tồn loài. Quan trọng hơn, các KBT cần hợp tác và gắn kết cộng đồng địa phương vào mọi nỗ lực tuần tra, bảo vệ, giám sát đa dạng sinh học thông qua các kế hoạch hành động thích ứng như đồng quản lý KBT/VQG. Sức ép và mối đe dọa đến bảo tồn sẽ giảm khi quyền tham gia và hưởng lợi của người dân được đáp ứng, bên cạnh việc chia sẻ trách nhiệm và hợp tác với BQL KBT và các bên liên quan khác. Rõ ràng, không thể chờ đợi sự tự nguyện từ phía người dân nếu các cơ quan chính sách, Ban quản lý KBT và chính quyền địa phương không chủ động và tiên phong xây dựng các sáng kiến hợp tác với họ. Với những khuyến nghị này, tác giả hi vọng hiệu quả của những can thiệp bảo tồn loài ở Việt Nam sẽ được cải thiện trong tương lai.
Theo PANNATURE
Tags: Đa dạng sinh học, Khu bảo tồn, Bảo vệ động vật