Những nhân vật cải cách trong lịch sử Việt Nam: 6 – Đào Duy Từ

Đào Duy Từ xuất thân trong một gia đình xướng ca; người xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, Thanh Hóa; thông suốt kinh sử, rất giỏi thiên văn, thuật số.

Đền thờ Đào Duy Từ ở Bình Định.

Theo Đại Nam thực lục tiền biên, năm 1592 có khoa thi hương ở Thanh Hóa, Hiến ty cho Duy Từ là con phường chèo, nên gạch tên khỏi danh sách thí sinh dự thi. Duy Từ buồn bực quay về…

Với vị thế xã hội như vậy, dù tài giỏi đến đâu cũng không có điều kiện thi thố tài năng; cho nên quyết định đầu tiên của Đào Duy Từ là phải đổi mới vị thế xã hội của mình để có thể đem tài năng ra cống hiến cho xã hội.

Trước sự khủng hoảng triền miên của Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài, ông quyết tìm đường lập thân ở phương Nam. Nhưng cũng phải qua hơn 30 năm (1592-1625), sau bao gian nan lặn lội, ông mới vào gặp được chúa Nguyễn.

Sau khi đọc bài “Ngọa Long Cương ngâm” của Đào Duy Từ do người tiến cử là Trần Đức Hòa dâng lên, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên tin dùng và trao cho chức Nha úy nội tán, tước Lộc – Khê hầu, trông coi việc quân cơ trong ngoài và tham lý quốc chính. Với vị thế của tước hầu, Đào Duy Từ đã đem hết tài năng ra góp phần đổi mới xã hội Đàng Trong.

Đổi mới về quân sự

Trước hết là cống hiến về lý luận quân sự. Công trình vừa kế thừa lý luận quân sự ở Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo, vừa có phát triển, đổi mới, bổ sung :

– Phát triển sâu thêm tư tưởng lấy nhân nghĩa làm đầu của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi : “Vi đại nghĩa, thắng hung tàn”.

– Đổi mới về kỹ thuật quân sự như xây đắp tường lũy, đánh hỏa công, sử dụng hỏa khí (hỏa hổ), pháo binh, đánh thủy lôi … mà thời Trần chưa có.

– Bổ sung thêm những yếu tố quân sự lấy từ tri thức dân gian, sử dụng những nguyên, vật liệu cần thiết cho quân nhu, quân giới, hậu cần lấy từ cuộc sống dân gian.

Thứ đến là : Xây đắp tường lũy – cải tiến vũ trang. Trong cuộc nội chiến trường kỳ giữa Bắc – Nam, Trịnh – Nguyễn này, xét tương quan lực lượng thì lúc này chưa có khả năng thống nhất được đất nước, nên thái độ tích cực nhất của Đào Duy Từ là cố giành cho được hòa bình, hưu chiến. Như vậy thì Đàng Trong phải làm sao cho vững mạnh, giữ yên được bờ cõi trước sự xâm lấn của Đàng Ngoài. Đào Duy Từ đã dựa vào biên giới tự nhiên là sông Gianh, nuôi chí giữ yên bờ cõi bằng xây đắp tường lũy. Ông tâu với chúa: “Thần xem từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, phía ngoài có nước khe, bùn lầy sâu đọng, nhân đó dùng làm hào rãnh; trong thì đắp lũy…” gây hình thế hiểm yếu để bảo vệ cõi bờ. Cạnh đó là đổi mới việc tuyển quân, chọn tướng, tin dùng cả những bại tướng nhà Mạc chạy vào Nam, như Mạc Cảnh Huống, Mạc Kính Điển. Cải tiến vũ khí, ngoài bộ binh, tượng binh còn sử dụng pháo binh và súng tay đi kèm với pháo…

Đổi mới trong kinh tế

Vừa khuyến khích phát triển công, thương, vừa cải tiến thu chi tài chính. Biểu hiện cụ thể như giảm thuế thu bằng hiện vật, tăng thu thuế bằng tiền, bãi bỏ lệnh độc quyền của triều đình thu mua các sản vật công, nông nghiệp để nhân dân có thể tự do mua, bán với thương nhân trong và ngoài nước, thúc đẩy được cả công, nông nghiệp lẫn nội, ngoại thương cùng tiến lên… Sản xuất phát triển, nhà nước tăng thu thuế khóa bảo đảm cho sự vận hành của bộ máy quốc gia và chi phí quân lương.

Đổi mới văn hóa, khoa cử

Tuy vẫn tuyển chọn nhân tài qua khoa cử, nhưng đã coi trọng thực tế và thực dụng hơn. Cụ thể như ngoài thi văn sách ra, còn cho thi : “Viết chữ Hoa văn”, người nào trúng được làm việc ở ba ty…

Về nghệ thuật, ông coi trọng các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, đặc biệt thúc đẩy phát triển nghệ thuật tuồng vốn là truyền thống của Đàng Trong. Đào Duy Từ cũng trở thành một trong những vị tổ sư của ngành hát tuồng. Còn về thơ văn thì các bài Tư dung vãn, Ngọa Long Cương ngâm của Đào Duy Từ đã mở đầu cho một trào lưu sáng tác thơ quốc âm ở Đàng Trong, làm phong phú thêm cho văn học dân tộc.

Năm 1634 Đào Duy Từ lâm bệnh nặng qua đời. Nhưng chỉ với 8 năm phò chúa, ông đã làm nên nghiệp lớn lao được nhà Nguyễn ghi công : “…công nghiệp rõ ràng, đứng đầu công thần khai quốc”.

Theo GS. VĂN TẠO / BÁO QUẢNG NAM

Tags: , ,