⠀
Những nhân vật cải cách trong lịch sử Việt Nam: 10 – Phong trào đổi mới đầu thế kỷ XX
9 cuộc cải cách trong lịch sử Việt Nam trước thế kỷ 20 đều gắn với tên tuổi cá nhân các nhà khởi xướng. Chỉ đến cuộc thứ 10, đầu thế kỷ thứ XX sự nghiệp “đổi mới” mới trở thành một phong trào quần chúng.
Một lớp học ở làng Hành Thiện, Nam Định trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Duy Tân hội do Phan Bội Châu đề xướng
Năm 1904, Phan Bội Châu lập Duy Tân hội, có Đặng Thái Thân, Tăng Bạt Hổ, Mai Lão Bạng, Cường Để… tham gia theo tinh thần dân chủ tư sản với chính thể quân chủ lập hiến. Chủ trương là giành độc lập dân tộc bằng vũ trang tranh đấu và cầu ngoại viện. Ba mục tiêu nhằm đạt tới là: 1/ Khai dân trí (mở trí khôn cho dân). 2/ Chấn dân khí (nâng cao khí dân). 3/ Thục nhân tài (vun trồng nhân tài). Hành động cụ thể: 1/ Phải cùng nhau lập hội giúp đỡ người du học. 2/ Phải họp vốn lập hội kinh tế (khuyến quốc dân tự trợ du học văn – 1905). Cổ vũ hợp quần tranh đấu bằng những lời thống thiết: Hải ngoại huyết thư (1906) thì nêu cao 10 giới đồng tâm, Hòa lệ cống ngôn (Gửi lời nói hòa cùng nước mắt) 1907 thì kêu gọi “Lấy nhiệt thành làm chính… lấy đạo đức, dũng mãnh, lý tưởng, mưu lược sảng khoái, khoa học, thao kiếm… làm phụ, lấy yêu nước làm mục đích mà gánh vác giang sơn… Với quan điểm “Thời thế tạo ra anh hùng mà anh hùng cũng tạo ra thời thế” đã nêu cao lý tưởng: “Sống mà nhục thà chết mà vinh”. “Không tự do thà chết”… Gọi tỉnh quốc hồn (1907) kêu gọi đoàn kết, chấn hưng kinh tế: “Lời rằng hợp của nên giàu. Hợp người nên mạnh, nước nào dám trêu”…
Từ sự tích cực chuẩn bị về tư tưởng, Hội đã phát triển ra khắp ba kỳ, liên kết với phong trào Yên Thế, tổ chức phong trào Đông Du, đưa hàng trăm thanh niên yêu nước sang Nhật học tập các ngành quân sự, chính trị, khoa học… nhằm đi tới một cuộc đấu tranh vũ trang cứu nước. Cuối cùng đã tổ chức ra Việt Nam Quang Phục hội với Việt Nam Quang phục quân, có nhiệt tâm vũ trang cứu nước, tuy sự nghiệp chưa thành…
Cao trào đấu tranh đòi cải cách do Phan Châu Trinh chủ trương
Phan Châu Trinh cổ vũ nhân dân đi vào con đường dân chủ tư sản, đã mạnh mẽ lên án chế độ phong kiến quá hủ bại, lỗi thời, đề cao dân quyền. Trong thư gửi Nguyễn Ái Quốc ngày 18-2-1922 Phan Châu Trinh cũng nêu ba mục tiêu như Phan Bội Châu, nhưng khác ở điểm thứ 3, không phải là “Thục nhân tài” mà là hậu dân sinh, chủ trương không bạo động vũ trang mà cũng không “cầu ngoại viện”. Trong tác phẩm “Tỉnh quốc hồn ca” (1907) Phan Châu Trinh đề cao dân quyền với ba nội dung là: “dân tộc, dân chủ, dân sinh”. Về dân tộc, dân chủ, cổ vũ tinh thần “Đoàn kết thương yêu nhau”, “Làm việc vì dân vì nước”, “Có chí mạo hiểm”, “Dám chết vì nghĩa”. Về dân sinh, khuyến khích thực dụng: “Học lấy một nghề”, “Chung vốn làm ăn”, “Tang ma giản dị”, “Cải tiến máy móc”, “Làm ăn có giờ giấc”, “Không mê tín dị đoan”, “Sản xuất nhiều mặt hàng”, “Tổ chức y tế tinh tường” (Nguyễn Văn Dương. Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 1995). Trước một đại chúng đang khao khát tự do, hạnh phúc… tư tưởng cải cách của Phan Châu Trinh được dân chúng đón nhận như đại hạn gặp mưa, nhanh chóng biến thành hành động cụ thể. Một phong trào tự nguyện phát triển sản xuất nông phẩm hàng hóa (hồi, quế, tằm tơ…), lập hội buôn, phát triển văn hóa, giáo dục, bài trừ hủ tục mê tín, cải thiện dân sinh (cắt tóc ngắn, ăn ở vệ sinh)… Nhanh chóng lan rộng ở nhiều nơi trong nước; và cao nhất là biến thành một phong trào đấu tranh dân chủ xin xâu, chống thuế, đòi cải cách dân chủ, có nơi tự phát tiến tới vũ trang chống thực dân và phong kiến tay sai…
Phong trào Đông Kinh nghĩa thục do Lương Văn Can chủ trì
Đông Kinh nghĩa thục là một tổ chức hoạt động công khai, hợp pháp ở miền Bắc trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng nhằm đổi mới tư duy và hành động theo hướng dân chủ tư sản. Phong trào có liên hệ mật thiết với các phong trào khác đương thời ở cả Bắc, Trung, Nam thu hút được nhiều nhà khoa bảng, trí thức tiến bộ tham gia với nhiều biện pháp hữu hiệu như:
1. Mở trường Đông Kinh nghĩa thục (từ tháng 3-1907) tại số 4, Hàng Đào, do Lương Văn Can và Nguyễn Quyền lãnh đạo. Học sinh lúc đông nhất lên tới hàng nghìn người. Gọi là một phong trào vì còn phát triển ra nhiều cơ sở khác. Ngay ở Hà Nội, ngoài trường Hàng Đào còn có Mai Lâm nghĩa thục, Ngọc Lâm nghĩa thục. Ở Hà Đông có các trường ở Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Ứng Hòa, Thường Tín… Ở Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình mỗi tỉnh đều có một, hai trường.
2. Sưu tầm, biên soạn, in ấn sách báo, tài liệu tuyên truyền giáo trình giảng dạy. Từ di sản, giáo dục, văn hóa dân tộc có tham khảo tân thư, tân văn Trung Quốc, Nhật Bản, trường đã biên soạn được nhiều công trình, sách giáo khoa có giá trị như: Quốc dân độc bản; Nam Quốc giai sự; Nam Quốc địa dư; Quốc văn giáo khoa thư; Luân lý giáo khoa thư.
3. Giảng dạy, tuyên truyền cổ động. Ngoài giảng dạy, phát hành sách báo còn tổ chức bình văn, diễn thuyết với nội dung lấy từ tân thư, tân văn từ các sách báo kể trên, cùng với Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu, Tỉnh quốc hồn ca của Phan Châu Trinh, Bài phú cải lương của Nguyễn Thượng Hiền… Phong trào phát triển mạnh mẽ đến mức: “Buổi diễn thuyết người đông như hội. Kỳ bình văn khách tới như mưa”, có tác động tích cực làm chuyển biến xã hội theo hướng dân giàu, nước mạnh, tiến bộ, văn minh, bước đường cần thiết để đi tới giải phóng dân tộc.
Cuộc vận động yêu nước của Huỳnh Thúc Kháng
Huỳnh Thúc Kháng là một trong những nhà khởi xướng và tham gia phong trào cải cách ở Nam Trung Bộ với Phan Châu Trinh, bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo (1908-1921). Khi ra tù, cụ tiếp tục lao vào con đường cứu nước theo hướng công khai, hợp pháp, được tín nhiệm, trúng cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ (1926-1928), chủ bút báo Tiếng Dân, một cơ quan ngôn luận công khai với xu hướng cải lương yêu nước. Tiếng Dân nhằm: – Công khai phê phán bọn phong kiến hủ bại và bọn thực dân bóc lột hà khắc – Cổ động phong trào tân tộc – Đả phá lệ khoa cử lỗi thời – Cổ vũ con đường thực nghiệp, hô hào lập các hội nông, công, thương… Cuộc vận động có tác động tích cực đến phong trào đấu tranh dân tộc dân chủ như đồng chí Trường – Chinh nhận xét: “Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã gây được một tiếng vang lớn có lợi cho cách mạng, đã thét “Tiếng Dân” giữa kinh thành Huế”. Đó chính là tiền đề để cụ Huỳnh tiến bước trên con đường cứu nước, đến với Hồ Chủ tịch, với cách mạng để có cống hiến ngày càng lớn lao cho dân tộc.
Nhìn chung lại cao trào cải cách, đổi mới đầu thế kỷ XX đã kế thừa một cách xuất sắc truyền thống cải cách, đổi mới của ông cha và là cái cầu nối từ con đường cứu nước tiền vô sản đến con đường cách mạng với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” hiện nay.
Theo GS. VĂN TẠO / BÁO QUẢNG NAM
Tags: Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Dương thời thuộc địa, Nhân vật cải cách trong lịch sử Việt Nam