Những năm Mão đáng nhớ trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam; ra đời bộ Luật Hồng Đức hay thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là những sự kiện đều diễn ra vào năm Mão.

Những năm Mão đáng nhớ trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Theo Thạc sĩ Trần Anh Đức (Trung tâm Nghiên cứu Xuất bản và Giáo dục IPER), lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều những dấu son không thể phai mờ của năm Mão, điều đặc biệt những dấu son ấy hầu hết xuất hiện vào mùa Xuân – mùa của hy vọng.

Năm Quý Mão 43

Mùa Xuân năm 43, quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chiến đấu với quân Đông Hán do Mã Viện chỉ huy tại khu vực Phong Châu. Khi thất thế, chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đã tuẫn tiết để bảo toàn khí tiết khiến quân Hán nể sợ.

Năm Ất Mão 1075

Dưới thời Lý Nhân Tông, mùa Xuân năm Ất Mão (năm 1075), nhà Lý tổ chức khoa thi Tam Trường để tuyển chọn những người có học thức cao tham gia vào công việc hành chính quốc gia (nên còn gọi là kỳ thi Minh Kinh Bác Học). Đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam, thể hiện bước thay đổi vị thế quan trọng của Nho học trong mối tương quan Nho – Phật – Lão lúc bấy giờ.

Cũng ngay trong năm 1075, quân đội nhà Lý do Lý Thường Kiệt chỉ huy đã tấn công các thành lũy Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu, thực hiện chiến lược “tiên phát chế nhân”, phá hủy các tiền đồn mà nhà Tống chuẩn bị để xâm lăng Đại Việt. Hoạt động quân sự nhanh chóng và hiệu quả này đã góp phần quyết định vào chiến thắng vang dội tại sông Như Nguyệt năm 1076, đè bẹp tham vọng bành trướng xuống phía Nam của Đại Tống.

Năm Quý Mão 1483

Nhằm củng cố tính chất tập quyền thống nhất, năm Quý Mão 1483, vua Lê Thánh Tông ban hành bộ Quốc triều hình luật, còn được biết đến với tên gọi Luật Hồng Đức. Đây là bộ luật có nhiều nội dung tích cực, tiến bộ so với pháp điển của các triều đại trước cũng như so với luật Trung Hoa đương thời, đánh dấu bước tiến trong tư duy lập pháp của hệ thống chính trị quân chủ Việt Nam.

Năm Tân Mão 1831

Năm Tân Mão 1831, vua Minh Mệnh tiến hành một cuộc cải cách hành chính với quy mô, tính chất và phạm vi tác động chưa từng có trong lịch sử. Cụ thể, ông cho xóa bỏ các trấn cũ thời Lê, lập thành 18 tỉnh mới trải dài từ Cao Bằng xuống Quảng Bình (Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ). Đứng đầu mỗi tỉnh nhỏ là một Tuần phủ, đứng đầu tỉnh lớn hoặc liên tỉnh là chức Tổng đốc. Hệ thống phân cấp hành chính này tiếp tục được người Pháp và các chính thể sau này kế thừa. Cùng với việc thiết lập các tỉnh mới ở khu vực phía Nam năm 1832, một Việt Nam hiện đại dần hình thành.

Năm Đinh Mão 1927

Đầu năm Đinh Mão (năm 1927), Hội Liên hiệp Các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản cuốn sách Đường Kách Mệnh, vốn là tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc trong các lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu (Trung Quốc). Cuốn sách đánh dấu mốc nổi trội trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mark – Lenin và tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc vào Việt Nam, góp phần thiết thực chuẩn bị cho sự ra đời của các tổ chức Cộng sản đầu tiên ở trong nước.

Năm Quý Mão 1963

Vào đầu năm Quý Mão (năm 1963), sau một ngày chiến đấu, Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã đánh bại các cuộc hành quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa có cố vấn Mỹ hỗ trợ tại Ấp Bắc (Mỹ Tho, Tiền Giang). Trận đánh kinh điển này, Quân Giải phóng đã làm phá sản chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận, bủa lưới phóng lao của địch, làm lung lay tinh thần chiến đấu của quân đội Sài Gòn. Chiến lược chiến tranh đặc biệt hoàn toàn thất bại.

Năm Ất Mão 1975

Sau 21 năm gian khổ chiến đấu, mùa xuân năm Ất Mão (năm 1975), Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định sẽ có tên gọi là Chiến dịch Hồ Chí Minh với mục tiêu thần tốc giải phóng Sài Gòn cũng như hoàn thành giải phóng các vùng lãnh thổ còn lại ở miền Nam trước mùa mưa, hạn chế tối đa tổn thất từ chiến tranh.

Tags: ,