Những lần đem quân tấn công đất Trung Hoa của đế chế Đại Việt

Theo các sử liệu của cả Việt Nam và Trung Quốc, trong hơn 1000 năm, quân đội của Đại Việt đã hàng chục lần tấn công vào lãnh thổ láng giềng phương Bắc.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Mùa xuân năm năm 542, vua Lương sai quân sang xâm lược nước ta nhưng tướng giặc sợ nên chỉ tiến quân dùng dằng, tốc độ rất chậm. Khi chúng mới kéo đến Hợp Phố (lãnh thổ của giặc) thì Lý Bí (Lý Nam Đế) đã cho quân chủ động tấn công, khiến quân Lương 10 phần chết đến 6,7 phần, phải bỏ mộng xâm lược.

Vào thời Tiền Lê, năm 995, hơn 100 chiến thuyền của Đại Cồ Việt đã tiến sang bờ biển nước Tống, đánh vào trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu, sau đó rút quân. Khi nhà Tống gửi thư trách, vua Lê Đại Hành đã trả lời đầy thách thức rằng:

“Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn giặc biển ở cõi ngoài, hoàng đế có biết đó không phải là quân của Giao Châu không? Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên đánh vào Phiên Nhung, thứ đến đánh Mân Việt, há chỉ dừng ở trấn Như Hồng mà thôi?”.

Đến mùa hè năm 995, 5.000 hương binh châu Tô Mậu (Lạng Sơn) của Đại Cồ Việt đã tấn công vào Ung Châu rồi lui binh.

Đến nhà Lý, Năm 1022 vua Lý Thái Tổ đã sai Dực Thánh Vương đem quân đi đánh dẹp giặc Đại Nguyên Lịch. Quân Đại Việt đã đi sâu vào trấn Như Hồng của đất Tống, đốt kho tàng kẻ thù rồi rút về.

Năm 1052, thủ lĩnh Nùng Trí Cao của người dân tộc Tráng (Tày – Nùng) ở Cao Bằng đem quân đánh vào miền Nam Trung Quốc, khiến vua Tống lo sợ. Vua Lý Thái Tông gửi chiếu đề nghị đưa quân sang giúp nước Tống, nhưng tướng Địch Thanh của nhà Tống can ngăn vì sợ người Việt lợi dụng việc này mà lấn chiếm lãnh thổ.

Tháng 10/1053, lấy danh nghĩa là ứng cứu cho nhà Tống, quân Đại Việt tiến vào đất Tống để tiếp ứng cho Nùng Trí Cao, nhưng tới nơi thì Nùng Trí cao đã thua nên đành rút quân về.

Mùa xuân năm 1059, vua Lý Thánh Tông cho quân đánh Khâm Châu nước Tống, khoe binh uy rồi về, vì ghét nhà Tống phản phúc, khiến quân Tống nể sợ.

Năm 1060, vua Lý sai châu mục Lạng Châu là Thân Thiệu Thái đánh vào đất Tống, bắt được tướng Tống là Dương Bảo Tài và quân lính, trâu ngựa đem về. Quân tống phản công nhưng thất bại, đành phái sứ giả sang điều đình. Tuy nhiên, phía Đại Việt quyết không trả tù binh.

Năm 1075-1076, trước âm mưu xâm lược của quân Tống, danh tướng Lý Thường Kiệt chủ trương thực hiện chiến lược đánh đòn phủ đầu nên đã đưa hơn 10 vạn quân Đại Việt chia làm nhiều cánh tấn công nước Tống.

Quân Đại Việt đã chiếm hàng loạt cứ điểm và bao vây thành Ung Châu của nước Tống. Sau 42 ngày bị vây hãm, thành đã bị hạ. Lý Thường Kiệt ra lệnh tiêu hủy thành lũy, phá kho tàng dự trữ trong vùng Tả Giang và lấy đá lấp sông chặn đường cứu viện của quân Tống.

Cuộc tấn này khiến binh lực nước Tống suy yếu. Đến giai đoạn 1076-1077, quân Tống đã thất bại nặng nề khi tiến vào xâm lược Đại Việt.

Sang đến nhà Trần, vào năm 1241, vua Trần Thái Tông thấy một số tộc người ở nước Tống thường hay quấy nhiễu biên giới đã sai đốc tướng Phạm Kính Ân đem quân vượt biên giới đánh vào hang ổ của chúng rồi về.

Cũng trong năm này 1241, vua thân chinh cầm quân vượt qua châu Khâm, châu Liêm đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình của nước Tống. Vào địa phận nước Tống, vua tự xưng là Trai Lang, bỏ thuyền lớn ở trong cõi, chỉ đi bằng các thuyền nhỏ. Người châu ấy không biết là ai, đều sợ hãi chạy trốn. Đến sau biết là vua Việt, mới chăng xích sắt giữa sông để chặn đường thủy. Khi trở về, vua sai nhổ lấy vài chục cái neo đem về, rồi ung dung đi theo đường bộ về nước mà không sợ hãi lúng túng.

Đến mùa hạ năm 1242, vua Trần Thái Tông lại sai tướng Trần Khuê Bình đem quân trấn giữ biên giới phía Bắc, đánh vào lộ Bằng Tường của nước Tống để dẹp loạn.

Vào đời vua Trần Thánh Tông, đầu năm 1266, thủy quân Đại Việt tấn công rồi đánh đến tận núi Ô Lôi ở phía Đông Nam huyện Khâm (Quảng Đông, Trung Quốc), nhờ đó biết được quân Nguyên có âm mưu xâm lược nước ta.

Sử nhà Nguyên ghi rằng, vào năm 1313, hơn 3 vạn quân Đại Việt đánh vào Vân Động, châu Trấn Yên, sau đó tấn công các xứ Lôi Động, Tri Động và châu Quy Thuận, cuối cùng là châu Dưỡng Lợi (nay thuộc Quảng Tây, Trung Quốc). Về sau nhà Nguyên phải cho sứ đến thương lượng quân Đại Việt mới rút lui.

Theo sử nhà Minh, năm 1438, thổ quan châu Tư Lang của Đại Việt đem quân đánh hai châu An Bình và Tư Lăng (nay thuộc Quảng Tây, Trung Quốc), vua Minh phải sai sứ sang nước ta thương thuyết.

Năm 1480, tổng binh tri Bắc Bình của Đại Việt là Trần Ao sai Đào Phu Hoán đem 600 quân đánh vào Cảm Qủa, chiếm được ải Thông Quang (thuộc Quang Lang, Ôn Châu, Trung Quốc) rồi tiến vào Ban Động dựng rào chắn, sau đó tâu về triều đình. Vua Lê Thánh Tông sau đó cho người lên biên giới “biện bạch phải trái với nhà Minh”.

S.T

Tags: , ,