Những giọt nước mắt của rừng Tây Nguyên

Số lượng cư dân di dân tự do vào Tây nguyên, tăng dần, tỷ lệ thuận với diện tích rừng tự nhiên Tây nguyên bị chặt phá làm nương rẫy.

“Đi ta đi khai phá rừng hoang”…

Câu thơ của nhà thơ Tố Hữu, thành tiếng hát cất lên tự lồng ngực tuổi trẻ, dài lâu, một thuở.

Một thời, lớp lớp thanh niên, cư dân miền xuôi háo hức khí thế xung thiên, đẩy lùi rừng già, khai khẩn đất đai. “Bài ca người thợ rừng” vang lên, cùng “Tiếng hát con tàu”, rừng hoang lùi dần, hẹp lại.

Rừng hoang, là cách nhìn của người miền xuôi, của những cư dân không phải người miền rừng.

Người miền rừng, vốn dĩ không có khái niệm rừng hoang.

Giữa thiên nhiên vĩ đại, nguyên sơ, bí hiểm, con người trở nên quá nhỏ bé.

Con người nép mình vào thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để sinh tồn. Tư duy vạn vật hữu linh đậm đặc trong cách nhìn, cách ứng xử của con người với núi rừng sông biển. Đất có thổ công, sông có hà bá. Rừng, có thần rừng; núi có thần núi. Lại có Bà Mẹ lớn cai quản miền rừng, Bà Chúa thượng ngàn.

Các tộc người thiểu số ở Tây nguyên mà tôi biết, họ không hề có tâm thế đối nghịch với thiên nhiên, chống lại thiên nhiên, và không có thói quen chặt phá cây rừng, như một số định kiến.

Cộng đồng tộc người Mơ nông, người Mạ cư trú ở nam Tây nguyên. Sống giữa rừng nguyên sinh nhưng họ vẫn sống trong ngôi nhà nhỏ, dựng bằng tre nứa, mái sát đất, kết bằng lá mây rừng.

Tộc người Giẻ triêng ở Bắc Tây nguyên có tập tục lâu đời, con gái muốn bắt chồng, phải có nhiều bó củi đem đến nhà trai. Thứ cây rừng to bằng cổ chân, thân suôn, thẳng, tựa cây gỗ dổi, được chọn làm củi hứa hôn. Người ta “xin rừng” vừa đủ số củi, không lấy nhiều, sợ “đau rừng”.

Người Ê đê ở Đắc Lắc, khi có như cầu dựng nhà, làm cầu thang hay ghế k’pan, họ phải làm nghi lễ xin phép chủ rừng, xin phép thần rừng. Họ cũng chỉ lấy cây rừng vừa đủ cho nhu cầu của mình. Họ không muốn “rừng nổi giận”.

Không ít người khi chứng kiến người Ê đê đốt rừng làm rẫy, đã vội lên án.

Mỗi gia đình người Ê đê, theo tập quán từ lâu đời, có nhiều cái rẫy. Rẫy là nơi chân rừng, bìa rừng, không bao giờ lấn vào rừng già, rừng nguyên sinh.

Thói quen phát, đốt, chọc, tỉa, dựa vào thiên nhiên, tạo nên kinh nghiệm vòng đời nương rẫy của người Ê đê. Mỗi rẫy, người ta chỉ canh tác 3, 4 mùa.

Khi đất đai hết màu mỡ, liền chuyển sang rẫy khác. Cứ thế, qua hết 3 hoặc 4 khu rẫy, người ta quay về rẫy cũ. Khi ấy, rẫy cũ đã thành rừng non. Rừng xưa-rẫy cũ, người Ê đê vẫn quen nói thế. Họ phát rừng non, rồi đốt, khi mùa mưa chớm đến. Đất rẫy được “ngủ” nhiều năm, cùng với than tro cây cỏ, trẻ lại, tơi xốp, phì nhiêu.

Người Ê đê đốt cây non trên rẫy cũ, chứ không phá rừng, đốt rừng.

Gần 20 năm trước, tôi về buôn Um, nằm sâu tận cùng của huyện Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc, cách thị xã Buôn Ma Thuột gần trăm cây số. Đây là ngôi làng đẹp nhất trong những ngôi làng người Ê đê mà tôi biết. Bước vào buôn, thấy không khí mát rượi, dù đang mùa khô. Hai dãy nhà dài nằm hai bên con đường đất cát pha, sạch sẽ, thoáng rộng. Con suối dưới chân rừng già ăm ắp nước, trong xanh, hiền hoà. Dọc theo con suối là những khoảnh ruộng lúa nước xanh non.

Dạo ấy, đại diện bà con trong buôn lặn lội lên tỉnh kêu cứu. Là vì cánh rừng bao quanh buôn, bao đời nay, là rừng thiêng, rừng thần, tầng tầng, lớp lớp, có chủ rừng trông coi, bỗng nhiên người ta đưa công nhân, xe máy đến khai thác. Chủ làng, chủ rừng ra can ngăn, lấy “cái lý đồng bào” để giữ rừng. Nhưng “cái lý đồng bào”, cái luật tục giữ rừng bao đời không thắng nổi “cái luật Nhà nước”, cái “lý cán bộ”. Cánh rừng nguyên sinh, trong tiềm thức dân làng buôn Um, là rừng thiêng, rừng của làng, giờ thành rừng Nhà nước, phút chốc ngồn ngang, tơi tả.

Thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông nhiều lần đến Tây Nguyên. Một lần, từ Buôn Ma Thuột về huyện Krông Bông, ông cho dừng xe dọc đường, lội bộ vào kiểm tra rừng. Hai bên đường, rừng còn nguyên, nhưng cách đường vài trăm mét, cây rừng ngả nghiêng, rừng nham nhở, cả dải rừng già hàng chục héc ta, biến mất.

Bà con dân tộc thiểu số từ phía Bắc vào, cứ rừng sâu, rừng già dựng lán trại, ngày ngày chặt cây, lấn đất rừng làm nương.

Lần ấy, Thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu kiểm soát chặt di dân tự do. Nhưng, thực khó. Số lượng cư dân di dân tự do vào Tây nguyên, tăng dần, tỷ lệ thuận với diện tích rừng tự nhiên Tây nguyên bị chặt phá làm nương rẫy.

Lẽ nào vay mà không trả.

Thiên nhiên đến hồi nổi giận, đòi nợ.

Còn nhớ, năm 2000, một trận lũ kinh hoàng, xảy ra ở huyện Krông Nô, khi ấy còn thuộc tỉnh Đắc Lắc. Chủ tịch nước Trần Đức Lương đang có chuyến công tác tại Lâm Đồng đã đáp máy bay trực thăng về trung tâm vùng lũ. Người dân sống lâu đời nơi đây nói rằng, chưa bao giờ chứng kiến cơn lũ tàn khốc, kinh hoàng đến vậy. Dòng sông Krông Nô bắt nguồn từ dãy Chư giang sin, xuyên qua rừng già, uốn lượn giữa hai bên lèn đá, vốn dĩ hiền hoà. Sau những ngày mưa rừng kéo dài, bỗng như ngựa bất kham, không chảy theo dòng, mà cuộn chồm, xô tung cả thành đá sừng sững, cuốn phăng, nhấn chìm cả một vùng rộng lớn.

Đó là cơn lũ có một không hai, chưa từng có.

Nhưng, năm 2016, cũng trên vùng đất Krông Nô, lại một trận lũ, như người dân nơi đây nhận xét, mức độ kinh hoàng, không kém trận lũ năm 2000.

Không dừng lại, chắc chắn còn nhiều trận lũ lịch sử hơn cả lịch sử, rình rập phía trước.

Khi rừng có chủ mà lại như không có chủ, thì lại là “rừng hoang”.

Khi là “rừng hoang”, sẽ không còn rừng.

Lại nhớ những người Ê đê buôn Um và khu rừng thiêng, rừng của làng, gần 20 năm trước.

Theo UÔNG NGỌC DẬU / VIETNAMNET

Tags: