Những giai thoại cổ về hành trạng thuật phong thủy của Thánh Tả Ao

Tả Ao được coi là ông tổ của nghề địa lý phong thủy Việt Nam. Xuất thân từ một cậu bé nghèo trở thành nhà phong thủy kiệt xuất, Tả Ao đã dùng tài năng của mình giúp đỡ nhiều miền quê, dòng họ đất Việt phát đạt, hiển vinh. Từ mỗi vùng đất ông đi qua đều viết nên huyền thoại, những câu chuyện nhuốm màu liêu trai mà đến nay dân gian vẫn lưu truyền.

Những giai thoại cổ về hành trạng thuật phong thủy của Thánh Tả Ao

Nhân duyên đến với phong thủy

Người đời xưa truyền lại:

Tả Ao phong thủy nhất trên đời
Họa phúc cầm cân định chẳng sai.
Mắt thánh trông xuyên ba thước đất,
Tay thần xoay chuyển bốn phương trời.
Chân đi long hổ luồn qua gót,
Miệng gọi trâu dê ứng trả lời.
Ai muốn cầu sao cho được vậy
Ấy ai địa lý được như ngài. 

Tả Ao không phải tên thật của bậc thầy địa lý xứ Nam ta, mà là tên làng quê nơi ông sinh ra, được ông lấy làm tên hiệu và gắn với các tác phẩm của mình. Đó là làng Tả Ao, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, tức huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Tên thật của ông thì chưa một sử sách nào khẳng định chắc chắn.

Bách khoa toàn thư Việt Nam ghi “Tả Ao”, sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú ghi tên ông là “Hoàng Chiêm” hay “Hoàng Chỉ”. Còn trong dân gian, xuất phát từ người cùng quê với ông, lưu truyền tên gọi thật là Vũ Đức Huyền. Cũng có nguồn nói rằng ông có tên là Nguyễn Đức Huyền.

Năm sinh của ông cũng không hề rõ ràng, có tài liệu cho rằng Tả Ao sinh vào khoảng năm Nhâm Tuất (1442), sống thời Lê Sơ, tức là khoảng những năm 1442-1509). Tuy nhiên, có tài liệu lại cho rằng, Tả Ao sinh sống trong khoảng đời Vua Lê Hy Tông (1676-1704).

Dù cho tên tuổi của ông chưa hề có sự thống nhất nhưng tài năng và cuộc đời của ông xưa nay vẫn được lưu truyền trong dân gian luôn là độc bản. Thuở nhỏ, gia cảnh nghèo khó, ông mồ côi cha, mẹ lại mắc bệnh mù lòa. Vì muốn tìm cách chữa bệnh cho mẹ ông theo một khách buôn sang Tàu để lấy thuốc chữa bệnh cho thân mẫu. Thầy thuốc đất Tàu thấy Tả Ao là một người có hiếu nên hết lòng dạy nghề lang dược.

Khi đó, nơi đây cũng có một thầy địa lý bị mù loà mời thầy lang đến chữa, do già yếu nên ông thầy sai Tả Ao đi chữa thay. Khi Tả Ao chữa khỏi mù loà, ông thầy địa lý nhìn thấy Tả Ao nghĩ bụng: “Người này có thể truyền nghề cho được đây”.

Ông thầy địa lý nhận thấy tố chất thông minh, hiếu học của Tả Ao, để trả ơn chữa bệnh nên thầy địa lý nọ đã truyền hết nghề. Không phụ lòng thầy chỉ hơn một năm sau Tả Ao đã tinh thông những gì được truyền dạy.

Trước ngày về, để thử tay nghề của học trò, thầy địa lý bèn đổ cát thành hình núi sông và vùi 100 đồng tiền ở các huyệt đạo, rồi bảo Tả Ao tìm thấy huyệt thì xuyên kim xuống. Tả Ao đã cắm được 99 kim đúng lỗ đồng tiền (chính huyệt), chỉ sai có một. Xong ông thầy nói: “Nghề của ta đã sang nước Nam mất rồi”, rồi cho Tả Ao cái tróc long và thần chú. Tả Ao về nước Nam chữa khỏi bệnh cho thân mẫu.

Khi trở về quê hương, Đức Huyền làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho người dân, ít khi sử dụng đến khoa địa lý. Chỉ khi nào cần thiết ông mới ra tay xem thế đất giùm mọi người. Tuy vậy, danh tiếng xem địa lý, phong thủy của ông lại nổi hơn nghề thầy thuốc.

Hành thiện giúp đời

Ngày nay ở Việt Nam vẫn còn nhiều truyền thuyết, giai thoại được sách vở ghi lại, truyền miệng trong dân gian như việc Tả Ao tìm nơi đất tốt để đặt đình chùa, đền miếu, mồ mả, nhà cửa; giúp dân nghèo, trị kẻ gian ác… Một trong những câu chuyện ấy là huyền thoại giếng mắt cá của làng Hành Thiện ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Trải qua bao đời, người dân làng Hành Thiện giờ đây vẫn kể lại, một lần khi đi tới phủ Xuân Trường, ngài Tả Ao phải đi đò sang sông, đến gần bến thì phải lội xuống bùn mới lên được bờ. Lúc ấy một người khách người làng Hành Thiện đi cùng chuyến đò đã hào hiệp cõng ông qua quãng lầy lội.

Khi tới làng Hành Thiện ông lại được người dân khoản đãi nồng hậu. Trước tấm lòng mến khách, hào phóng và trượng nghĩa của người dân nơi đây, Tả Ao mới ngỏ ý xem xét thế đất cho họ.

Sau khi ngắm hướng, Tả Ao tới chỗ mỏm đất trước cửa đền Thần Hoàng, nói rằng vì con cá còn thiếu mắt, nên cần đào giếng làm mắt cá. Sau khi đào xong, ông dặn dò dân làng, cần phải giữ sạch sẽ vì giếng nước này rất thiêng, nếu được vậy thì trong làng ắt có người làm thầy, làm quan, giàu có nhất vùng. Quả nhiên lời Tả Ao ứng nghiệm, từ ngày đào giếng, Hành Thiện ngày càng thịnh phát, nổi tiếng là ngôi làng Nho gia, nam thì học hành thi cử đỗ đạt, nữ thì dệt lụa ươm tơ.

Theo Hội trưởng Hội khuyến học làng Hành Thiện, ông Nguyễn Đăng Hùng tổng kết, thời phong kiến Hành Thiện có 419 người đỗ đạt, trong đó 7 người đỗ đại khoa với 3 tiến sĩ, 4 phó bảng, 97 cử nhân, 315 tú tài.

Thời nay, Hành Thiện có 45 người là giáo sư và phó giáo sư; 166 người là tiến sĩ, thạc sĩ; hơn 1.500 người tốt nghiệp đại học. Một số yếu nhân như cố Tổng Bí thư Trường Chinh cũng được sinh ra ở vùng đất địa linh này. “Đậu phụ Thuỷ Nhai, tú tài Hành Thiện” chính là nói đến điều này.

Theo TS Nguyễn Hoàng Điệp – Giám đốc Trung tâm dịch thuật, dịch vụ Văn hóa và Khoa học Công nghệ thì “Trấn yểm phong thủy được xem là một môn khoa học chứ không hẳn là tâm linh. Trong đó, những thầy địa lý phong thủy ngoài vốn kiến thức am tường về kiến trúc, hướng gió, mạch nước thì họ còn biết cách thu hút khí tốt, năng lượng tốt phục vụ tốt hơn cho đời sống con người”.

“Tiên là tích đức,
sau là tìm long”

Trong phần mở đầu của cuốn sách bí truyền “Dã Đàm Tả Ao”, điều ngài Tả Ao nhắn nhủ hậu nhân không phải là tìm long mạch ra sao, trấn yểm thế nào, mà là tích đức, tu thân:

“Đạo cao, đức trọng, chưng thân.
Hổ long liên phục, quỷ thần liên kinh.
Đức, nhân vốn ở cả mình.
Tiên là tích đức, hậu là tầm long”.

Dù rằng trong suốt cuộc đời mình, ông đã giúp nhiều vùng đất được hưng thịnh, nhiều gia đình phát lộc, nhiều hiền nhân phát tài, nhưng chính bản thân ông lại không thể thay đổi được mệnh trời.

Trong cuốn “Nam Hải dị nhân” có ghi lại, khi ngài Tả Ao học địa lý thành tài, trước khi chia tay thầy để trở về cố hương, ông đã được thầy căn dặn: “Về đến nước Nam, nhớ đừng lên núi Hồng Lĩnh”. Nhưng một lần qua Hồng Lĩnh, ông tò mò bèn trèo lên xem thử, thì ra đó là huyệt “Cửu long tranh châu”, chính là huyệt đế vương vô cùng quý hiếm. Ông bèn đưa mộ cha về an táng trên núi.

Không lâu sau, vợ ông sinh được một người con trai. Ở phương Bắc cùng lúc đó các thầy thiên văn phát hiện thấy có nhiều vì tinh tú cùng chầu về nước Nam. Nhà Minh thấy vậy, lập tức ra lệnh cho các thầy địa lý phải sang tìm cách mà phá đi, nếu không sẽ tru di tam tộc. Thầy dạy của Tả Ao biết rằng chỉ có học trò mình mới làm được điều này, bèn sai con trai sang “đoái công chuộc tội”.

Con trai ông thầy sau khi điều tra kỹ lưỡng đã yểm phá huyệt đạo, rồi bắt con trai cả của Tả Ao mang về Bắc quốc, khi ông nhận ra thì đã quá muộn màng.

Đến lúc thân mẫu qua đời, Tả Ao đã lặn lội tìm thế đất Hàm Rồng ở mãi ngoài hải đảo để an táng mẹ. Đến ngày giờ đã định thì bỗng nhiên sóng to, gió lớn nổi lên, đến khi trời yên bể lặng ở đó nổi lên một bãi bồi. Tả Ao biết ý Trời không thuận, bèn than rằng: “500 năm rồng mới há miệng trong một lần một khắc, Trời đã không cho thì đúng là số rồi”.

Lại nói, một lần đi qua làng Thiên Mỗ, ngài Tả Ao thấy có ngôi đất to, biết là huyệt quý, nên định táng hộ cho nhà họ Trần. Nhưng không hiểu sao tróc long của ông không đặt được xuống đất, hễ đặt là đổ, ông bèn gọi Thổ thần lên hỏi.

Thổ thần trả lời rằng: “Đất này phát ba đời quốc sư đại vương, con cháu công hầu không bao giờ hết. Thiên thượng đã để dành cho nhà họ Nguyễn, còn nhà họ Trần kia ít phúc, không xứng để được đất này, nếu ông cưỡng mệnh Trời thì tất có tai vạ. Vả lại ông đi khắp thiên hạ, làm phúc cho người ta đã nhiều, mà không được ngôi nào để táng cho cha mẹ, ông nên nghĩ thế thì biết”.

Tả Ao lĩnh chỉ ý Thần, hiểu rằng phúc là từ đức mà ra, tài lộc nhiều hay ít cũng là do đức dày hay mỏng. Vậy mới nói “phong thuỷ chỉ dưỡng người tích thiện”, thầy địa lý dẫu cao tay đến đâu cũng không thể dựa vào phong thuỷ để thay đổi mệnh Trời. Gia cảnh ông bần hàn, con cháu khó khăn tất cả đều có nguyên do.

Những năm cuối đời Tả Ao chu du khắp thiên hạ, không màng danh lợi, không ham phú quý, công danh, mà mượn phong thuỷ để giúp người thiện đức nhưng không truyền nghề cho con cháu. Gia tài nhà phong thủy Tả Ao để lại chỉ vỏn vẹn 2 cuốn sách nhỏ là “Địa Lý Tả Ao (Địa Đạo Diễn Ca)” gồm 120 câu và “Dã Đàm Tả Ao Tầm Long Gia Truyền”.

Nhiều sách khác cũng được xem là của cụ nhưng thực ra đều là dị bản, chủ yếu là từ 2 cuốn sách trên của cụ rồi dẫn giải thêm bớt. Ngày nay tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vẫn còn đền thờ Tả Ao và giếng Tả Ao.

Theo VŨ LÀNH / BÁO PHÁP LUẬT

Tags: , ,