⠀
Những điều cần biết về Chỉ số giá tiêu dùng – CPI
CPI là tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số giá tiêu dùng – Consumer Price Index. Chỉ số CPI dùng để đo lường thay đổi chi phí của một giỏ hàng hóa và dịch vụ cố định, thường gồm các lĩnh vực nhà ở, điện, thực phẩm và giao thông. CPI thường được dùng như dấu hiệu đo lường lạm phát và được tính hàng tháng.
Trong rất nhiều trường hợp các quốc gia còn dùng CPI như đại diện cho thông số về lạm phát, mặc dù không phải bao giờ cũng đúng, hoặc chỉ phản ánh tương đối.
Giá cả của hàng hóa dịch vụ luôn luôn biến động theo thời gian, tuy nhiên nếu như giá cả thay đổi quá nhanh chóng, nó có thể là một cú sốc đối với nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng là một chỉ số cơ bản đo lường giá cả hàng hóa dịch vụ và cho biết liệu nền kinh tế có bị lạm phát hoặc giảm phát hay không. Ở Mỹ, chỉ số giả cả thường rất được quan tâm theo dõi và nó đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra các quyết định tài chính quan trọng như chính sách lãi suất của cục dự trữ liên bang Mỹ hay quyết định tiến hành bảo hộ giá (hedging) của các ngân hàng và doanh nghiệp lớn. Cũng rất có lợi cho các nhà đầu tư cá nhân nếu họ tính đến chỉ số CPI khi tiến hành bảo hộ giá hoặc đưa ra quyết định phân bổ vốn đầu tư.
CPI được hình thành từ các thông tin chi tiêu của hàng nghìn hộ gia đình trên toàn quốc. Thông tin được thu thập thông qua phỏng vấn và nhật kí chi tiêu của các đối tượng lựa chọn để nghiên cứu. Rổ hàng hóa dịch vụ được sử dụng để tính bao gồm hơn 200 danh mục, thuộc 8 nhóm: thực phẩm và đồ uống, nhà đất, may mặc, vận tải, chăm sóc sức khoẻ, giải trí, giáo dục và truyền thông và một số loại hàng hóa dịch vụ khác. Giá cả của khoảng 800.000 hàng hóa dịch vụ trong rổ tính được thu thập hàng tháng từ hàng ngàn các cửa hàng bán lẻ, các nhà cung cấp dịch vụ, các công ty cho thuê nhà đất và các phòng khám sức khoẻ.
Vậy chỉ số CPI mách bảo điều gì?
Các số liệu trên sẽ hình thành lên một bức tranh về sự biến động của chi phí sinh hoạt từ đó giúp các chuyên gia tài chính nhận định được khả năng lạm phát có nguy cơ làm suy sụp cả một nền kinh tế nếu lạm phát ở mức độ quá cao. Cả hai hình thái lạm phát và giảm phát nếu vượt quá mức cho phép đều rất đáng sợ mặc dù giảm phát quá mức ít khi xảy ra hơn.
Chúng ta thường nhìn nhận giảm phát và giảm giá là những dấu hiệu tốt. Và thực tế điều này có thể là tốt trong một chừng mực nào đó. Ví dụ giá của dịch vụ điện thoại đã liên tục giảm xuống trong nhiều năm qua và chắc chắn sẽ còn tiếp tục giảm nữa vì internet ngày càng chiếm ưu thế. Và chắc chắn bạn chẳng bao giờ nghe thấy người tiêu dùng nào phàn nàn về điều này. Tuy nhiên giảm phát chắc chắn cũng là một hiện tượng không tốt đối với nền kinh tế. Bằng chứng là cuộc đại suy thoái diễn ra vào những năm 30 (thập niên 1930) khi mà có cả núi người thất nghiệp không có nổi một đồng để mua hàng hóa và dịch vụ cho dù chúng được chào bán với mức giá cực kì hấp dẫn, cực kỳ rẽ.
Khi giá cả tăng tới mức không thể kiểm soát nổi thì lạm phát trở thành siêu lạm phát. Điển hình là ở Đức vào những năm 20 (thập niên 1920), lạm phát của Đức trong thời gian này đã có lúc đạt mức 3.25 triệu phần trăm một tháng. Trong suốt chiến tranh thế giới thứ II, Hy Lạp có mức lạm phát 8.55 tỉ phần trăm một tháng, Hungary thì thậm chí còn kinh khủng hơn. Hungary đã cho phát hành giấy bạc mệnh giá 100 triệu Pengo vào năm 1946 nhưng vào thời điểm này tờ giấy bạc này chả có nghĩa gì do đó chính phủ buộc phải định giá lại đồng tiền của nước mình. Giấy bạc 1 triệu pengo giờ đây cũng chỉ có giá tương đương với 1 pengo trước kia và nghiễm nhiên nó trở thành đơn vị tiền tệ thấp nhất. Đưa ra ví dụ này để thấy được cho dù chỉ số CPI có biến động theo chiều nào thì nó vẫn khiến cho nhiều người phải lo sợ.
Có một số hình thức biến động giá cả trong nền kinh tế, như làm giảm phát hoặc thiểu phát (disinflation) hoặc làm tăng lạm phát (reflation). Làm giảm lạm phát là việc làm cho lạm phát chững lại, nhưng vẫn đang trong tình trạng lạm phát. Khi lạm phát xảy ra đối với một nền kinh tế không tăng trưởng, ta gọi đó là lạm phát đình đốn, khiến cho lạm phát càng trở nên nghiêm trọng.
Một số ứng dụng của CPI
CPI thường được sử dụng để điều chỉnh thu nhập của người dân và các hoạt động kinh tế khác. Cục an ninh xã hội Mỹ thường xem xét CPI để đưa ra mức thu nhập phù hợp cho người dân, cấu trúc thuế của cục dự trữ liên bang cũng dựa trên CPI để điều chỉnh mức thuế cho phù hợp và các ông chủ thì sử dụng CPI để điều chỉnh lương nhân viên cho phù hợp với chi phí sinh hoạt. Các thông tin về hoạt động bán lẻ, thu nhập theo giờ và theo tuần, tổng thu nhập và tổng sản phẩm quốc dân được gắn kết với CPI để lý giải các chỉ số có liên quan trong thời kì không có ảnh hưởng của lạm phát.
CPI và thị trường
Thay đổi của giá cả của hàng hóa dịch vụ trên thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến các chứng khoán có lãi suất cố định. Khi giá cả tăng, thì có nghĩa là đồng tiền đang bị mất giá, khi đó các khoản lãi cố định sẽ có giá trị thực tế thấp hơn (tiền thu nhập từ các khoản lãi ngân hàng, cổ tức trước đây mua được nhiều hàng hóa, nhưng giờ đây cũng với số tiền đó chỉ đủ để mua được vài thứ hàng hóa) và do đó làm giảm mức sinh lợi của các chứng khoán. Lạm phát cũng sẽ gây ảnh hưởng đến các khoản tiền lương, trợ cấp, hưu trí vì chúng là các khoản tiền trả cố định. Những người hưởng lương hưu sẽ phải nhìn đồng tiền của họ “biến mất” dần dần vì giảm sức mua theo thời gian (mất giá).
Biến động giá cả có thể ảnh hưởng xấu đến các công ty. Người ta thường kì vọng mức độ lạm phát nhẹ trong nền kinh tế đang tăng trưởng, tuy nhiên nếu giá cả của các yếu tố đầu vào tăng quá nhanh các nhà sản xuất sẽ bị giảm lợi nhuận.
Ngược lại giảm phát cũng sẽ dẫn tới giảm mức cầu của người tiêu dùng. Trong trường hợp này các nhà sản xuất buộc phải giảm giá để bán được hàng, tuy nhiên giá cả các yếu tố đầu vào có thể không giảm một lượng tương ứng. Vì thế biên lợi nhuận của nhà sản xuất cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tự bảo vệ mình trước tác động của lạm phát
Tuy nhiên do thị trường ngày càng được hoàn thiện hơn nên các sản phẩm đầu tư có thể giúp ta đối phó với ảnh hưởng của lạm phát. Các quỹ tương hỗ hoặc các ngân hàng có thể mua các chứng khoán ngăn ngừa lạm phát, còn được gọi là TIPS (inflation-protected securities). Ngoài ra còn có thể sử dụng các hợp đồng tương lai (chứng khoán phái sinh) để ngăn ngừa rủi ro. Tương tự nhiều người nắm giữ trong tay những cổ phiếu mà các cổ phiếu này lại trở thành một công cụ hết sức hữu hiệu chống lại lạm phát. Đầu tư của các cá nhân trong nhiều trường hợp không chỉ bù đắp được thiệt hại do lạm phát gây ra mà còn đem lại một khoản lãi cho người nắm giữ.
CPI có lẽ là chỉ số quan trọng nhất và được quan tâm chú ý nhất. Nó cũng là chỉ số đo lường sự thay đổi trong chi phí sinh hoạt được biết đến nhiều nhất. CPI được sử dụng để điều chỉnh tiền lương, phúc lợi xã hội, lương hưu, thuế và các chỉ số kinh tế khác nữa. Nó cũng cung cấp cho các nhà đầu tư các thông tin về những biến động có thể xảy ra trên thị trường tài chính nơi mà cổ phiếu có mối quan hệ cả trực tiếp và gián tiếp đối với CPI. Nắm chắc chỉ số giá cả trong tay, các nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp và bảo vệ mình bằng cách mua các công cụ đầu tư như TIPS.
Một trong những tác giả được biết nhiều tới các nghiên cứu lạm phát thành công và sâu sắc là Giáo sư Paul Samuelson. Khi nghiên cứu về thông tin lạm phát, nhà vật lý học vĩ đại Stephen Hawkin trầm ngâm cho rằng hiện tượng lạm phát phức tạp và có thể xem như một hiện tượng vật lý thì đúng hơn là khoa học xã hội-nhân văn… Còn nói chung thì chúng ta với tư cách là người tiêu dùng luôn lo ngại lạm phát cao dẫn tới mất giá đồng tiền, sụt giảm sức mua.
Theo SAGA
Tags: Kinh tế học, Tiêu dùng