Những câu chuyện từ Geneva – thành phố của các điệp viên

Geneva (Thụy Sĩ) từ lâu được gọi là “thành phố quốc tế”, có trụ sở các phái đoàn ngoại giao của tất cả các nước, các tổ chức quốc tế lớn nhất về nhân quyền của Liên hợp quốc cũng như các tổ chức phi chính phủ. Chính đặc điểm đó khiến Geneva luôn là một địa bàn hoạt động yêu thích của các điệp viên khắp thế giới.

GENEVA GỌI, MOSKVA TRẢ LỜI

Năm 1943, cơ quan phản gián của Thụy Sĩ đã phát hiện một mạng lưới rất quan trọng của các điệp viên Liên Xô tại Geneva. Mạng lưới tình báo này đã truyền về Moskva những tin tức tối mật góp phần vào chiến thắng lịch sử của Hồng quân trước đội quân phát xít tại thành phố Stalingrad. Thụy Sĩ đã phá được bộ mã của các máy điện tín mà điệp viên Xô Viết giấu trong ngôi biệt thự số 192, đường Florissant. Đứng đầu mạng lưới này là Alexandre Rado.

Mạng lưới tình báo Liên Xô

Ngày 14/10/1943, cánh cửa sổ của ngôi biệt thự số 192, đường Florissant mở toang. Trời tối đen như mực, chỉ có ánh sáng le lói thoát ra từ gác mái của ngôi biệt thự sang trọng. Tại đây, một phụ nữ đang miệt mài gõ những tín hiệu Morse mã hóa các dòng tin gửi về Trung tâm tại Moskva. Cô là Olga Hamel, một mắt xích của lưới tình báo Liên Xô tại Geneva. Cô đang đánh nhịp ngón tay trên chiếc “piano” của mình, vốn là một dạng máy truyền tín hiệu thô sơ, sử dụng dòng điện xoay chiều. Chồng cô, Edmond, là một người cộng sản và điệp viên, trước đó thuê được một ngôi nhà biệt lập của một người Nga đang làm việc cho đại sứ quán.

Trung úy Maurice Treyer, thuộc đại đội điệp báo vô tuyến điện số 4 của cơ quan phản gián Thụy Sĩ, đã chặn thu được tín hiệu do Ogal Hamel đánh đi. Sử dụng một máy chặn thu vô tuyến do Thụy Sĩ sản xuất, vào đêm 11/9/1943, Treyer đã vô tình chặn được sóng của Hamel và nhận ra rằng tín hiệu này có vẻ quen quen. Lý do là trước đó ba ngày, chồng của Ogal – ông chủ một cửa hàng điện dân dụng nhỏ tại số 26 phố Carouge, cũng đã phát đi những tín hiệu tương tự.

Edmond và Olga Hamel là một phần của mạng lưới các điệp viên do Rado tuyển mộ. Rado vốn là một người Do Thái gốc Hungary, là sĩ quan mang hàm đại tá trong Quân đội Xô Viết và được MGB, một trong những tổ chức tiền thân của KGB, bổ nhiệm là người đứng đầu tổ chức tình báo Liên Xô tại Geneva. Từ năm 1938, ông trùm tình báo này đã tuyển mộ các điệp viên tiềm năng cho Liên Xô ở Geneva. Mạng lưới mà ông xây dựng là lưới tình báo hoạt động tích cực nhất tại châu Âu sau khi phản gián Đức đánh sập “Dàn hợp xướng Đỏ” – một lưới tình báo nổi tiếng của Liên Xô từng hoạt động tại Berlin, có chân rết ở cả Bỉ, Pháp.

Vụ đột kích

Trên đường Florissant, vào nửa đêm ngày 11/9/1943, ngôi biệt thự đã bị khoảng 90 cảnh sát Geneva trong trang phục dân sự và sắc phục vây kín. Giới chức Thụy Sĩ muốn tấn công bất ngờ để các điệp viên Liên Xô trong ngôi nhà không có thời gian để hủy mã. Khi lực lượng an ninh có vũ trang ập vào căn phòng, Olga đang đánh điện, còn Edmond vẫn đang mặc đồ ngủ và vừa kịp chạy tới chỗ vợ. Đôi vợ chồng bị bất ngờ nên không kịp thực hiện các phương án phòng ngừa và tiêu hủy tài liệu.

Lực lượng an ninh bắt đầu lục tung mọi ngóc ngách trong nhà. Họ phát hiện một chỗ giấu bí mật ở chân tường trong phòng khách ở tầng trệt và được mở bằng chốt điều khiển từ xa đặt tại căn áp mái. Bên trong là một cuộn giấy chứa các thông tin quân sự bằng tiếng Đức và một cuốn mã. Người ta còn tìm thấy những bức điện mã giấu trong lớp váy của Olga.

Cách ngôi biệt thự trên vài km, tại số 8 Eaux – Vives, phố Henri – Mussard, vào hồi 4 giờ sáng, cảnh sát Geneva thực hiện một vụ đột kích khác. Xe chuyên dụng của tình báo vô tuyến điện Thụy Sĩ đã định vị được các tín hiệu tương tự phát ra ở ngôi biệt thự tại Florissant. Tuy nhiên, từ hai ngày nay, máy điện đài tại đây đã tạm ngưng hoạt động. Lý do đó là nó đang được sửa chữa tại nhà máy của Edmond Hamel, có tên Raido Elemah, ngụ tại phố Carouge.

Quá trình điều tra dẫn tới một sinh viên vùng Bâle có tên Margareta Bolli. Vào tháng 9/1942, tại nhà hàng Ile Rousseau, cô sinh viên này đã làm quen với Hans Peters, một thợ cắt tóc trẻ người Đức và sau đó đã đem lòng yêu anh chàng này. Hans thường xuyên qua lại chơi nhà Bolli và thường nằm dài trên ghế sofa để nghe nhạc mà không biết rằng người yêu mình giấu một điện đài trong chính chiếc máy hát.

Hans bắt đầu nghi ngờ một số thói quen của bạn gái, như thường xuyên từ chối đi chơi vào buổi tối. Hans không chỉ là một người thợ cắt tóc đơn thuần, anh này còn là thành viên một câu lạc bộ thể thao của những người Đức phát xít tại Geneva. Một ngày, Hans tình cờ nhìn thấy một bộ 5 ký hiệu Morse được ghi trên một cuốn sổ tại nhà Bolli. Sau này Hans đã thấy Bolli ghi lại một đoạn nhạc của bản “Es begann im September” do nhạc sĩ Grete von Urbanitzky sáng tác. Qua đó, Hans Peters đã vô tình phát hiện chìa khóa của bộ mã mà mạng lưới điệp viên Rado sử dụng. Tại Berlin, các cơ quan mật vụ Quốc xã vẫn chưa tin rằng bộ mã của mạng lưới điệp viên Liên Xô lại bị một thợ cắt tóc phá. Cuộc chiến tình báo và phản gián một lần nữa được khai hỏa trên mặt trận mới.

“Giá trị hơn cả 10 quân đoàn”

Có một điều mà các cơ quan an ninh Thụy Sĩ bỏ qua hoặc vô tình không biết đó là họ đã chia sẻ với Rado một nguồn vô tận các bí mật quân sự từ chỉ huy cấp cao tại Berlin. Nguồn tin này là Rudolf Roessler, biệt danh Lucy, vốn là một người Đức chống phát xít. Trước chiến tranh, Lucy đã thành lập tại Lucerne một nhà xuất bản có tên “Vita Nova Verga”. Cựu sĩ quan quân đội này vẫn giữ các mối liên hệ với những người bạn trong quân đội Đức và nhiều người trong số đó có chân trong bộ chỉ huy tối cao quân đội Quốc xã. Đáng nói là những người này nhiều khi không có cùng quan điểm với Hitler trên nhiều vấn đề. Họ thành lập một kênh liên lạc để truyền thông tin cho Giám đốc tình báo Thụy Sĩ, Đại tá Roger Masson. Và theo Thống chế Himmler, chỉ huy lực lượng SS khét tiếng của Đức Quốc xã, Đại tá Masson “ngay từ đầu đã là một mắt xích trong liên minh của Churchill và Roosevelt”.

Đại tá Roessler có một người bạn ở Geneva tên là Christian Schneider. Ông này là một người Đức cộng sản, biên dịch viên cho Văn phòng lao động quốc tế. Đại tá Roessler đã tuyển Schneider, người đồng thời là một điệp viên, mắt xích liên lạc của tình báo Liên Xô tại Geneva. Hàng ngày, Roessler đều đặn chuyển các thông tin cho đồng minh cho cả Schneider. Phía Liên Xô đã tận dụng tốt mối quan hệ này để thu được nhiều thông tin rất quan trọng mà ông trùm mật vụ Đức Quốc xã Goering đánh giá còn giá trị hơn cả 10 quân đoàn. Trong đó, đáng kể phải nhắc tới thông tin về hoạt động điều chuyển quân của Đức tới Stalingrad, nhờ đó Hồng quân đã bao vây được kẻ địch và giành được chiến thắng đầu tiên trước quân Đức, tạo nên bước ngoặt cho toàn bộ Thế chiến II.

LÀN SÓNG ÁM SÁT CỦA MẬT VỤ IRAN

Sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, một làn sóng ám sát được lực lượng tình báo Iran triển khai ở ngay Geneva nhằm vào những nhân vật cấp cao của chế độ cũ.

Vào một buổi tối đẹp trời ngày 10/8/1987, một đôi tình nhân trẻ đang thư thái thả bộ bên hồ Leman, trung tâm của thành phố Geneva. Tay trong tay, họ chuẩn bị về khách sạn Edelweiss tọa lạc trên Quảng trường Navigation. Đột nhiên có hai người đàn ông xuất hiện. Một người rút khẩu súng ngắn trang bị ống giảm thanh, bắn 6 phát ở cự ly gần vào đôi tình nhân. Người đàn ông ngã gục ngay tại chỗ. Kẻ giết người để lại hiện trường một mũ lưỡi trai xanh rồi bỏ trốn.

Nạn nhân là Ahmad Moradi Talebi, một đại tá không quân Iran, người đã đào tẩu khỏi lực lượng không quân nước này cùng chiến đấu cơ của mình ngay khi đang diễn ra cuộc chiến tranh Iran – Iraq (bùng nổ tháng 9/1980). Trước đó, Talebi biết rằng mình gặp nguy hiểm và đã báo cho cảnh sát Geneva.

Trong giai đoạn hỗn loạn những năm 1979 – 1980, những thành phần như Talebi bị coi là kẻ thù của Iran. Trong số đó không thể không kể đến phong trào “Moudjahidines Nhân dân” do Massoud Radjavi lãnh đạo.

Massoud Radjavi có một người anh là tiến sĩ luật Kazem Radjavi. Ông này là đại sứ đầu tiên của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Liên hợp quốc ở Geneva (1979 – 1980). Tuy nhiên, sau đó ông đã từ chức, quay sang phản đối chính quyền Iran. Năm 1982, ông Kazem trở lại Geneva. Tại đây, ông xin hưởng quy chế tị nạn chính trị và trở thành đại diện của tổ chức đối lập mang tên Hội đồng quốc gia Kháng chiến Iran (NCRI) tại Thụy Sĩ.

Cũng giống như Ahmad Moradi Talebi, Kazem Radjavi biết rằng tính mạng đang bị đe dọa. Một ngày nọ, khi tới họp tại trụ sở của LHQ ở Geneva, một nhà ngoại giao Iran tiếp cận và cảnh báo Kazem: “Người ta sẽ tới lột da ông”. Năm 1986, Đại giáo chủ Khomenei, biểu tượng và người lãnh đạo cuộc cách mạng Hồi giáo, đã chính thức ban hành án tử đối với Kazem.

Vavak, cơ quan mật vụ của chính quyền Iran, có trách nhiệm thi hành mệnh lệnh mật này. Chiến dịch ám sát ông Kazem đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Theo tiến sĩ, luật sư Sanarbargh Zahedi, người đã theo dõi tất cả các vụ ám sát do chính quyền thực hiện, có ba kịch bản đã được Vavak vạch ra. Một là làm nổ tung ngôi nhà của Kazem cùng ông chủ của nó, hai là tạo ra một vụ “tai nạn” với chiếc xe của ông này, và ba là phục kích nạn nhân bằng xe hơi. Và phương án thứ ba đã được lựa chọn.

Để ám sát thành công, lực lượng tình báo hành động của Iran đã tập dượt tại một địa điểm ở thành phố Qazvin, phía Tây Bắc Iran với bối cảnh cuộc phục kích được làm như thật. Chỉ huy của chiến dịch còn dự trù trường hợp trời mưa, phù hợp với thời tiết của Thụy Sĩ thời gian tiến hành vụ ám sát.

Ngày 24/4/1990, ông Kazem đang lái xe về nhà ở Tannay thì đột nhiên bị hai xe khác áp sát, trong đó một xe có radar the dõi. Chiếc xe này chạy vượt lên và chặn đầu xe của ông Kazem. Chiếc thứ hai lao tới, chở một người đàn ông cầm khẩu súng tiểu liên Uzi xả một băng đạn và kết liễu mạng sống của ông Kazem. Sáu viên đạn đã bắn trúng người nạn nhân, 5 viên bắn trượt. Bên cạnh thi thể, đội biệt kích để lại một chiếc mũ lưỡi trai màu xanh làm dấu hiệu ám sát.

Cảnh sát bang Vaud của Thụy Sĩ và thẩm phán Roland Chatelain không mất nhiều thời gian để lần ra dấu vết của thủ phạm. Cũng cần phải nói rằng biệt kích Iran không tìm cách xóa dấu vết. Một lệnh truy nã quốc tế đối với các đối tượng này được Thụy Sĩ phát ra với số lượng nghi can lên tới 13 người. Họ đều mang hộ chiếu Iran, ghi rõ mục đích đến Thụy Sĩ là để “thực thi nhiệm vụ”, ở cùng một địa chỉ. Địa chỉ đó nằm trên một con phố ở Tehran, nơi có trụ sở của Bộ Ngoại giao và văn phòng Vavak. Phần lớn các nghi phạm đã vào Thụy Sĩ trên một chuyến bay trực tiếp Tehran – Geneva. Số vé máy bay được đặt nối tiếp nhau. Ngoài ra, hai giờ sau khi xảy ra vụ ám sát, nhiều nghi phạm đã bay tới Vienna. Tại đây, giới chức an ninh mất dấu họ, có thể những người này đã trở về Iran bằng giấy tờ giả. Ngày hôm sau, Massoud Radjavi, em trai của ông Kazem, đã gửi điện tín tới Tổng thống Thụy Sĩ Arnold Koller tố cáo sự can dự của hai nhà ngoại giao cấp cao, có trách nhiệm giám sát chiến dịch ám sát kể trên.

Một trong những chiếc xe của đội ám sát được tìm thấy sau đó gần sân bay. Nhưng chiếc thứ hai mất dấu. Để tìm được chiếc xe này, lực lượng phản gián Thụy Sĩ đã nhờ các đồng nghiệp Mỹ. Lực lượng an ninh Mỹ đã lắp đặt ở Geneva một trạm nghe lén công suất lớn và họ đã tìm thấy chiếc xe này đang nằm trong phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc ở khu phố Conches, Đông Nam Geneva.

Nhưng phải hơn hai năm sau, ngày 15/11/1992, hai trong số những nghi phạm trên mới bị bắt giữ tại Paris khi bị nghi ngờ đang chuẩn bị một chiến dịch mới. Phía Thụy Sĩ yêu cầu Pháp cho dẫn độ họ về Thụy Sĩ. Tuy nhiên, viện dẫn “lợi ích quốc gia”, Paris đã phóng thích hai nghi phạm. Năm 2006, thẩm phán bang Vaud Jacques Antenen tiếp quản vụ điều tra lại ban một lệnh truy nã quốc tế nhắm vào một quan chức cấp cao của Iran, Ali Fallaijan, Bộ trưởng Tình báo dưới thời Tổng thống Hachemi Rafsandjani.

Tháng 3/2013, một trong những người liên quan tới vụ ám sát ông Kazem xuất hiện tại Geneva. Đó là Akhondzadh Basti, Thứ trưởng Ngoại giao, dẫn đầu phái đoàn Iran tham dự Hội đồng nhân quyền tại trụ sở LHQ Palais des Nations. Nhà ngoại giao này đã đi cùng chuyến bay với những người đã ám sát ông Kazem và được cho là cùng với Đại sứ Hadi Nadjaf Abadi tại Saudi Arabia, giám sát chiến dịch. Tuy nhiên, được quy chế miễn trừ ngoại giao bảo vệ, giới chức Thụy Sĩ không thể thẩm tra nhà ngoại giao trên. Trong giai đoạn từ 1984 – 1994, Iran đã thực hiện 250 vụ ám sát lực lượng đối lập.

CÂU CHUYỆN ĐÁNG NGỜ CỦA “CHUỘT CHŨI” COVASSI

Đầu năm 2006, một người đàn ông lần đầu tiên xuất hiện sau nhiều năm hoạt động trong bóng tối. Anh ta là Claude Covassi. Trong suốt nhiều tháng, Claude Covassi đã thu hút các phương tiện truyền thông với những tiết lộ động trời liên quan tới chiến dịch Memphis về hoạt động của tình báo Thụy Sĩ tại Trung tâm Hồi giáo ở Geneva. Nhưng sự thực câu chuyện này thế nào?

Claude Covassi là người ở Geneva, 35 tuổi, vóc dáng thể thao. Khi tiếp xúc với báo chí trong góc một quán cà phê, khuôn mặt đeo cặp kính mát hiệu Ray-Ban của anh ta không giấu nổi vẻ căng thẳng. Sợ mình đang bị theo dõi, anh thì thào kể lại chuyện về cải sang đạo Hồi, các chuyến thăm thánh đường Hồi giáo và ra nước ngoài. Người đàn ông này khoe rằng mình làm cho Cục phân tích và dự báo (SAP) và Cơ quan tình báo Liên bang (SRC) Thụy Sĩ. Anh ta khẳng định đang nắm giữ những thông tin bí mật về hoạt động của cơ quan tình báo Thụy Sĩ nhằm vào Trung tâm Hồi giáo Geneva. Theo lời kể, Covassi có nhiệm vụ thu thập thông tin nhằm điều tra và xác định các mạng lưới khủng bố. Lúc này, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan Hồi giáo do Mỹ phát động đang là vấn đề nóng trên thế giới.

Claude Covassi có mật danh là Menès do cơ quan tình báo Thụy Sĩ đặt cho năm 2004. Nhiệm vụ của Covassi là đẩy vào máy tính của Trung tâm Hồi giáo Geneva các tài liệu chứng tỏ mối liên hệ giữa Hani Ramadan – Giám đốc Trung tâm Hồi giáo Geneva – với al-Zawahiri – nhân vật số 2 của al-Qeada. Trong suốt một thời gian dài, “chuột chũi” Menès tìm hiểu về hệ thống an ninh, đường sá đi lại quanh trung tâm và quy tắc hoạt động của tổ chức này. Menès kể lại về cách thức che giấu dữ liệu nhạy cảm, cách sử dụng và mang theo mã khóa mật mã. Menès tin rằng mình đã nắm hết cơ cấu tổ chức của các chi nhánh Hồi giáo.Những tiết lộ trên của Covassi khiến cơ quan tình báo Thụy Sĩ lo ngại. Họ biết những cáo buộc mà Claude Covassi đưa ra không hoàn toàn là sự thật, nhưng như thế đã đủ để cho thấy có vấn đề trong công tác tuyển mộ điệp viên của cơ quan này. Một điệp viên đã ra khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chức năng và nộp mình cho giới truyền thông. Đó là một vụ tai tiếng thực sự đối với cơ quan tình báo vốn khá kín tiếng của Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, giới chức an ninh Thụy Sĩ khẳng định câu chuyện là do Covassi thêu dệt nên. Thực tế, Menès chỉ là một người chỉ điểm của cảnh sát có ước mơ làm điệp viên. Vào đầu những năm 2000, cảnh sát Geneva đã liên hệ với Covassi trong vai trò là nguồn tin nhằm phục vụ các vụ án điều tra đánh vào mạng lưới buôn bán ma túy. Hài lòng với kết quả của “cảm tình viên” này, cảnh sát Geneva đã tiến cử Covassi cho cơ quan tình báo Thụy Sĩ.

Dẫu vậy, những tiết lộ của Covassi đã buộc Quốc hội Thụy Sĩ phải thành lập một ủy ban điều tra sự việc. Lúc này, giới chức chính quyền yêu cầu Covassi phải đưa ra được các bằng chứng thuyết phục minh chứng cho câu chuyện của mình. Dư luận muốn biết sự thực và bối cảnh lúc đó khiến người ta tin vào câu chuyện của Covassi. Thời gian này, Mỹ đang triển khai một cuộc tấn công mạnh mẽ nhằm vào tất cả những nghi can liên quan tới al-Qeada. CIA bắt cóc, giam giữ, bức cung hàng loạt nghi can. Thụy Sĩ vốn hợp tác với Mỹ và liệu quốc gia trung lập này có dám làm những điều tương tự trong khi cả thế giới lao vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố?Trong bối cảnh đó, theo lời của “chuột chũi” Menès, anh ta đã chạy trốn sang Ai Cập với lý do bị đe dọa giết. Nhưng sau đã quay trở lại Thụy Sĩ và việc làm đầu tiên của Menès là tiếp xúc ngay với giới truyền thông để công bố câu chuyện “động trời” của mình. Giới chức chính quyền triệu tập Menès tới điều trần trước ủy ban của quốc hội song Menès không giao nộp được bất kỳ bằng chứng nào. Các băng ghi âm được cho là những tiết lộ gây sốc thì không nghe được. Tất cả các bằng chứng thuyết phục nhất lại biến mất. Ủy ban đi đến một kết luận khiến giới truyền thông thất vọng: Covassi đã lừa đối mọi người. Đó là một “nghệ sĩ” tài năng và anh này đã cắt xén một số tài liệu để nói dối về một câu chuyện trinh thám giống như trong các tiểu thuyết.

Xuất phát từ thực tế là Covassi là một nguồn tin của cảnh sát, anh này đã xây dựng một câu chuyện viễn tưởng về một nhiệm vụ xâm nhập vào cộng đồng Hồi giáo – lúc đó đang là mục tiêu của hầu hết các cơ quan tình báo phương Tây, với nhiệm vụ chống khủng bố. Có thể Covassi đã rất gần với những hoạt động mật. “Nhưng với một điệp viên có nhiệm vụ hoạt động trong một môi trường nguy hiểm và nhạy cảm như các mạng lưới khủng bố Hồi giáo, người điệp viên cần có bản lĩnh vững vàng hơn”, một nhân viên tình báo giấu tên nhận định.

Sau vụ này, Covassi nhanh chóng bị rơi vào quên lãng cho tới ngày 8/2/2013 khi bị phát hiện đã chết trên chiếc giường. “Đó là một cái chết tự nhiên”, cảnh sát Thụy Sĩ cho biết và sau này, họ kết luận rằng đó là do Covassi đã dùng thuốc quá liều.

Theo BÁO TIN TỨC

Tags: , , ,