⠀
‘Nhật ký du hành gặp Chúa xứ Đàng Trong’ của James Bean
Đó thật sự là những trang thủ bút của James Bean, một mại biện (comprador) người Anh đã đến Đàng Trong năm 1765. Tôi may mắn thủ đắc được bản sao chụp những trang bút tích ấy trong một dịp tình cờ hi hữu.
Người Đàng Trong xem hát bội qua tranh của John Barrow trong sách in tại London.
Một ngày giữa đông năm 1995, nhân trở lại du khảo Ngũ Hành Sơn, tôi gặp một giáo sư người Anh tại chùa Quán Thế Âm (núi Kim Sơn). Trong cuộc đàm thoại với các tu sĩ, ông giáo sư sử dụng cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp.
Qua câu chuyện, tôi được biết ông giáo sư từ nước Anh sang Ấn Độ sưu tầm sao chụp tài liệu rồi đến Việt Nam để khảo sát thực địa dấu vết cuộc hành trình của tổ tiên xa đời của ông là James Bean vào thế kỷ 18.
Cuộc hành trình ấy diễn ra trong tháng 1/1765 của các nhân viên Công ty Đông Ấn thuộc Anh (London East India Company) – trong đó có James Bean – đi từ Hội An (Faifoe) ra Hué Fou (Huế phủ) đóng ở Fou-Tchouan (Phú Xuân) để yết kiến “Chúa xứ Đàng Trong” (the King of Cochinchina), tức Võ vương Nguyễn Phúc Khoát(1).
Như chúng ta đã biết, từ nửa sau thế kỷ 18, hai cường quốc châu Âu Pháp và Anh tranh nhau ảnh hưởng vùng Đông Á, nhất là các nước nằm ven bờ biển Đông. Họ ra sức ve vãn các nguyên thủ và chính quyền các nước ấy, dâng tặng nhiều lễ vật quý hiếm nhằm tiến tới xin thiết lập thương điếm, đặt quan hệ thương mại, cạnh tranh ráo riết với các nước Hà Lan, Bồ Đào Nha vốn đã cắm cơ sở mậu dịch tại những xứ ấy từ cuối thế kỷ 16.
Đặc biệt hai xứ Đông Kinh (Tong King) và Đàng Trong (Cochinchina) nằm trong bán đảo Ấn Độ – China (Indochina) là cái bao lơn nhìn ra Thái Bình Dương luôn luôn hấp dẫn, mời gọi các tàu viễn dương từ phương Tây tìm sang phương Đông.
Cứ như nội dung cuộc yết kiến “Chúa xứ Đàng Trong” của nhật ký James Bean thì các nhân viên Công ty Đông Ấn thuộc Anh bị bão từ ngoài khơi giạt vào Hội An, họ nhân đấy xin diện kiến tặng phẩm vật lên vị nguyên thủ để giữ lễ, nhưng rõ ràng đó chỉ là cái cớ để họ có dịp tiếp xúc mua chuộc cảm tình “Chúa xứ Đàng Trong” mà khỏi phải dùng đến thủ tục chính thức của nghi lễ ngoại giao, nghĩa là phải có quốc thư của vua nước Anh. Cứ xem các món hiến vật đủ thấy có một sự chuẩn bị chu đáo từ những người cống lễ…
Trở lại Nhật ký du hành của James Bean. J.Bean khởi hành từ Hội An để ra “Huế phủ” yết kiến Chúa Nguyễn bắt đầu ngày 1/1/1765. Hành trình phải mất bốn ngày, ông mới đến được “Huế phủ” lúc 12 giờ trưa. Ngày 5, ông lưu lại nhà trọ. Suốt ngày 6, trời mưa, Bean than phiền không đến yết kiến chúa được.
Từ ngày 7 đến ngày 15/1/1765, Bean được diện kiến và được chiêu đãi, sau khi ông tiến dâng lễ vật. Ông được vời vào vương phủ tấu nhạc cho Võ vương nghe, tại “Cung điện mùa đông và mùa mưa”(2)bên hữu ngạn “sông Huế”.
Ngày 16, Bean lên đường trở lại Hội An. Chuyến trở về này, ông gặp mưa bão, gió lạnh, phải nghỉ chân nhiều chặng đường nên mãi đến ngày 27/1/1765 mới đặt chân lên đất Hội An vào sáng sớm. Sự ký tải trên chuyến về không có gì mới lạ, cũng leo núi, băng rừng, qua sông, đội mưa, lạnh cóng, lưu trú lại những thôn làng… Điều đáng lưu ý trong ký tải là Bean đã ký âm la tinh (romaniser) một số tiếng và danh xưng bản địa như: “cô gái” ghi là “Miss Gray”, “quán Hộ”(3) viết là “little Ho”… Và sau đây là Nhật ký du hành của James Bean.
***
“Faifoe [Hội An] ngày 1/1/1765
“Suốt đêm ngồi trong thuyền trời lạnh cóng. Sáng hôm sau, chúng tôi đi bộ ra khoảnh đất rộng nhất của con đường dẫn xuống bờ sông. Đất cát rộng thênh thang, nhưng cũng có ít ruộng lúa và lối đi có trồng cây. Rất nhiều vịt trời, tôi đã dùng súng lục bắn chúng, nhưng không trúng mục tiêu.
Đến chiều, chúng tôi đến những vách núi cao và gồ ghề trên bờ sông, nơi đó có ngôi chùa và cái hồ nhỏ xinh xắn nằm trong một địa hình khá quyến rũ. Một nho sĩ ra hiệu cho chúng tôi đi theo ông ta. Chúng tôi được hướng dẫn đến một cái hang ở vách núi đầu tiên, rồi tiến lên một con dốc khá cao để ra bờ sông.
Tại vách núi Cẩm Thạch [Marble-rock](4)thứ hai, cũng là vách núi thẳng đứng cao nhất, chúng tôi được đưa vào một hang động tuyệt đẹp, tôi nghĩ rằng đó là nơi thờ tự vì có ba bậc cấp hướng tới một tảng đá dùng đích thực cho việc lễ thánh.
“Tám giờ tối, chúng tôi đến Turone [Đà Nẵng], từ đây tôi muốn đi tàu thủy; nhìn quanh thấy mọi người đều ngủ say; 3 giờ sáng tôi trở về chỗ cũ.
“Khoảng 8 giờ sáng ngày thứ nhì, chúng tôi thuê cáng hai người khiêng, lại có thêm hai người tháp tùng để thay phiên cho đỡ mệt. Cáng chúng tôi đi trên những bãi cát dài, sau đó có gió thổi rồi mưa to. Nghỉ chân tại một thôn nhỏ, dân làng vây quanh chúng tôi. Trong thời gian dừng chân này, một khuôn mặt khả ái đột nhiên xuất hiện trước mặt tôi, trang phục hết sức giản dị của một cô gái [Miss Gray].
Chính đôi mắt ấy, cái miệng và cả sắc mặt không quá đẹp ấy, nhưng nó cũng đủ làm dâng lên trong tôi những khoái cảm kích thích nhục dục. Tôi đưa cho cô gái một ít tiền, nhưng thật hết sức ngạc nhiên, cái ngoại diện khả ái ấy hoàn toàn đồng hóa với tâm hồn, vì khi tôi đến gần thì cô gái vụt chạy rất nhanh để rồi không bao giờ xuất hiện lại nữa.
“Một người đàn bà có tuổi đến gần ngỏ ý tìm hộ tôi một thôn nữ nhỏ, ở đây mọi người đều cần tiền, nhưng tôi không thể nghĩ đến việc cám dỗ một cách lộ liễu mà sự lịch thiệp nhắc nhở tôi về cái đẹp vĩ đại nhất gắn liền với đức tính thanh cao nhất. Sau đó, chúng tôi đi dọc theo bờ sông và ăn tối tại một làng khác. Chúng tôi đã vượt qua được một ngọn núi cùng vài vách đá núi cao lạ thường. Ngủ lại tại một ngôi làng.
“Ngày thứ ba – Chúng tôi đi được độ một dặm thì phải leo lên ngọn núi rất rộng khiến tôi, từ trước nay, chưa bao giờ hối hả như thế vì con đường hẹp lại rậm rịt hoàn toàn thích hợp cho các loài thú hoang dã. Cuối cùng, chúng tôi lên đến đỉnh núi, nơi đây một làn khói bốc lên trông giống như ở địa ngục.
“Chúng tôi đã tới quán Hộ [little Ho] nằm bên đường thiên lý, dành cho khách bộ hành những thực phẩm chế biến sẵn và bạn có thể dùng bữa với hai que tre. Chúng tôi dừng chân lại đây lấy lại sức để xuống núi. Tôi thường thư giãn gân cốt bằng cách xuống cáng đi bộ.
“Khoảng chập tối, chúng tôi xuống tới chân núi, thật là sung sướng khi thoát khỏi nanh vuốt của loài hổ đã từng xé nát nhiều khách bộ hành phải xuyên qua những lối đi rậm rịt của chúng. Một miếu thờ thần Hổ [joss Ho] lộ ra khi chúng tôi ra khỏi rừng và, đi dọc theo đó, bạn sẽ đến ngôi làng và bờ sông.
Qua sông, chúng tôi đến một xã lớn có rất nhiều dân làng chờ gặp chúng tôi. Chúng tôi đã ăn tối và nghỉ chân lại đây. Khoảng 8 giờ tối, chúng tôi băng qua nhiều thôn xóm rồi lưu lại suốt đêm tại một làng khác.
“Ngày thứ tư – Khởi hành từ sáng sớm, tiếp cận một bãi cát dài, băng qua một ngọn đồi dốc, một đồng lúa đẹp mở ra trước mắt chúng tôi. Chúng tôi cùng xuống cáng đi bộ rất vui vẻ. Khoảng 10 giờ đến một làng lớn, ở đây chúng tôi đợi thuyền, mãi hai giờ sau mới đến. Thuyền đưa chúng tôi tới một con sông nhỏ rất đẹp với những đồng lúa tươi tốt hai bên bờ.
Độ tám tiếng đồng hồ, chúng tôi đến quán Hộ và ăn tối trên thuyền. Trời rất đẹp nhưng lạnh về đêm. Gov.r và tôi thỉnh thoảng dạo bộ. Hôm sau, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình và đã đến thủ phủ 12 giờ trưa do những người ở quán Hộ đã báo trước. Khoảng 1 giờ, tôi tìm đến trú sở của vị linh mục.
“Ngày thứ sáu – Trời mưa quá, chúng tôi không thể đến hầu chúa.
“Ngày thứ bảy – Sau khi đã chuẩn bị cho chúa gồm: 1 cây gậy có đầu tay cầm bịt vàng, 1 thanh đoản kiếm, 2 bộ lễ phục cực sang của nhà thêu may Nabob, 1 áo gi lê thêu lộng lẫy, 2 tay áo măng sét rất đắt tiền, 2 khẩu súng lục, 3 bức tranh gương, 2 dây thắt lưng bóng nhoáng và 2 cây “can” trị giá đến 500 dols; chúng tôi khởi hành bằng đường thủy xuống bờ sông, cũng với con đường chúng tôi đã đến, và phía dưới chiếc cầu gỗ nhỏ trên một hòn đảo, bên hữu ngạn đã có một sứ giả chực sẵn để báo cho chúa biết chúng tôi đã đến nơi.
Người sứ giả trở ra, và các linh mục Lorrairo, Petrena muốn làm hướng đạo. Đi bộ trên một con đường mới hoàn thành để đến một cung môn có nhiều lính gác. Tại đây, các linh mục đã đón tiếp chúng tôi. Cánh cửa mở ra và chúng tôi bước vào sân rất rộng và đẹp, dưới rải sỏi, trên trang trí rất tráng lệ.
Ở một góc kia là tàu tượng, nơi voi của chúa ở, đối diện là tàu ngựa. Những bức tường cao 3 bộ [feet] đối nhau. Bên phải là một sảnh khá rộng giống như chỗ ngồi của quan tòa, cuối nơi này nhìn ra con kênh lớn và lù lù vài khẩu trong số những đại thần công đẹp nhất tôi đã từng thấy. Dọc theo lối đi rải sỏi, chúng tôi được đưa đến một cửa khác, ở đây cũng có lính gác. Chính tại nơi này, chúng tôi bị khám xét rất kỹ vì sợ chúng tôi có mang theo vũ khí.
Một cánh cửa khác mở ra cho chúng tôi tiến vào một cung điện lộng lẫy, đồng thời 6 cận vệ của chúa cũng theo sát chúng tôi để giới thiệu lên chúa. Điện chúa ngự là một tòa nhà chống đỡ bởi năm hàng cột, dưới lót săn quang dầu bóng láng, ngồi ngay chính giữa chiếc ngai là chúa, xung quanh có 50 lính ngự túc trực.
Ngoại diện chúa thật oai vệ, chúa đã tiếp chúng tôi với một vẻ mặt vui tươi khiến cho, ngay giữa cung điện nguy nga này, chúng tôi phải nhất nhất tuân theo lời ngài. Chúa muốn chúng tôi tiến lại gần ngài, chúng tôi đã răm rắp bước tới ba bước rồi đồng loạt quỳ xuống. Như rất hài lòng, ngài tươi cười về cử chỉ ra mắt của chúng tôi.
Ngài bảo Gov.r ngồi bên tay phải ngài, ông Nodes và tôi an tọa bên tay trái để chúa có thể nói chuyện thân mật với từng chúng tôi. Gov.r trình với chúa rằng ông rất lấy làm hãnh diện được hầu chuyện với chúa và ông cũng sung sướng thấy chúa vẫn khỏe mạnh. Chúa hỏi lý do chúng tôi đến đất nước của ngài.
“Gov.r trả lời: sau một cơn bão dữ dội, chúng tôi được cứu sống và Thượng đế đã vô tình đẩy đưa chúng tôi giạt vào vương thổ của ngài. Chúa an ủi rằng dường như chúng tôi vẫn mập mạnh, ấy là nhờ vào đặc sản thực phẩm của đất nước ngài.
“Chúa hỏi tuổi tác mỗi chúng tôi, rồi hỏi niên tuế của vua nước Anh, cả đến vóc dáng diện mạo, đặc biệt hỏi vua nước Anh có mập béo như chúng tôi không. Chúa lại quay sang hỏi tôi có cha mẹ, anh em gì không và có biết bắn súng thần công không. Tôi thưa có. Ngài hỏi tiếp chúng tôi thích bắn chim không. Chúng tôi thưa vâng.
Ngài gạn hỏi chúng tôi có thể bắn được chim bay hay khi đậu, và ai trong chúng tôi bắn giỏi nhất. Tôi đáp rằng từng tập bắn bằng thuốc súng nhiều nhất. Chúa sốt sắng đặt câu hỏi với tất cả chúng tôi, riêng Gov.r, ngài nói rất thích cái đầu tóc của ông ấy. Ngài cũng cười hỏi trong chúng tôi ai là người ăn nhiều nhất.
“Chúa nhận lễ vật tiến dâng của chúng tôi với sự ngạc nhiên, rồi hứa hẹn sẽ ban cấp một thẻ bài cho phép một con tàu nhập cảnh đất nước ngài nếu tàu ấy chịu gởi đến cho chúa một xe song mã cùng với hai con ngựa.
Vị giáo sĩ trình với chúa rằng chúng tôi cũng có chơi được những nhạc cụ mà, từ lâu, chúa rất muốn thưởng thức và đã nhắn chúng tôi đến. Chúa sai người đem trà và cùng chúng tôi nhấm nháp. Dường như chúa rất thật lòng.
“Chúng tôi xin phép được quan chiêm cung điện của chúa. Ngài trả lời rằng đây không phải là cung điện nguy nga mà chỉ là “phủ mùa đông”; ở đây cũng có cung phi mỹ nữ. Chúng tôi tản bộ ra ngoài, ngắm nghía mọi thứ. Lúc trở vào, chúa bảo chúng tôi ngồi, ban cho bánh biscuits và nước trà, đó là một vinh dự lớn được ngồi chung với chúa.
Cuộc tấu nhạc bắt đầu, tôi lên dây đàn bị đứt, chúa muốn tôi sửa lại dây đàn. Chúng tôi khởi sự tấu nhạc, chúa nhìn chúng tôi và thưởng thức đầy ngạc nhiên. Ngài ngỏ ý muốn nghe những điệu hùng tráng, những khúc nhạc uy nghiêm cũng làm hài lòng chúa không kém. Ngài chỉ cho chúng tôi nhìn quân sĩ ở trần trùi trụi bên ngoài, bảo rằng họ thường như vậy để sẵn sàng xông xáo.
Trông chúa đường bệ với những đặc điểm của một người Âu châu, nước da trắng. Vẻ mặt của chúa là một cái gì rất dễ chịu, nhưng oai nghiêm đáng kính phục. Quân sĩ trong vương phủ là 1.000, 4.000 ở kinh thành và lực lượng vũ trang hiện dịch của Phú Xuân có thể lên tới 40.000.
“Triều chính ổn định, luật lệ đều nằm trong tay nhà chúa. Một ngày kia, chúa mất 14 thoi vàng; tất cả người trong vương phủ đều bị nhốt lại và cuộc tra khảo bắt đầu cho tới khi kẻ trộm được phát hiện. Chúa uống một thứ nước gì đó, rồi sửa lại bộ râu của mình. Chúng tôi cúi đầu chào tạm biệt.
“Ngày thứ tám – Một ngày thật đẹp trời.
“Ngày thứ chín – Thứ tư. Tôi đưa cho Gov.r 45 dols. Buổi chiều đi thăm linh mục và ra bờ sông xem những bức tường thành của Đại cung môn, rất đẹp, rất rộng! Quang cảnh tráng lệ, kiến trúc đối xứng hài hòa. Dọc bờ sông có nhiều bến, thuyền buồm [galleys] đậu san sát. Một ngày đẹp trời.
“Ngày 10/1/1765 – Tôi đi dạo ra ngoài, hàng ngàn người vây quanh lấy tôi. Một cậu bé chèo chở chúng tôi xuống dòng sông, đám đông cổ vũ mạnh mẽ. Một quảng trường rất rộng, đặt những khẩu thần công vĩ đại yên nghỉ trên những xe súng cực lớn, kiên cố. Bên trong hoàng thành có từ 800 đến 1.000 khẩu súng, hầu hết là những khẩu súng đồng [copper] xinh xắn.
“Ngày 11/1/1765 – Chúa mời chúng tôi cùng ăn tối với ngài. Chúng tôi xin tuân lời. Vào tiệc, điều trước tiên chúa muốn biết chúng tôi có mang theo nhạc cụ hay không. Chúng tôi trình bày có.
Một bàn dài được trải ra, thức ăn đã chuẩn bị; chúng tôi ngồi vào bàn cùng với chúa. Tất cả đều phục vụ lịch sự, chúa tỏ ra rất vui vẻ thích thú, thúc giục chúng tôi ăn và uống rượu nhiều như ngài. Sau bữa ăn tối, chúng tôi làm hài lòng chúa bằng âm nhạc và ngài tò mò thử cây đàn violon của tôi. Sự hứa hẹn đối với nước Anh đạt được những khích lệ lớn lao.
Chúa ban cho một giấy Thông hành để đáp lại cử chỉ hào phóng của chúng tôi. Chúa hỏi tên mỗi chúng tôi, khi phát âm chúng ngài cười rất thân thiện: tôi chưa bao giờ thấy một người đàn ông đầy vẻ dễ chịu như vậy. Chúa muốn ghi lại tên của chúng tôi. Sau khi thỏa mãn thú vui giải trí của chúa, chúng tôi xin cáo từ, lui ra. Ngài tỏ ý chỉ e ngại Gov.r và chúng tôi là quân nhân, nhưng khi rõ chúng tôi là nhân viên mại biện (comprador) ngài liền vui.
“Ngày 12/1/1765 – Một ngày đẹp, Gov.r than phiền đau đầu vì đã uống rượu nhiều ở vương phủ.
“Ngày thứ 13 – Viết lá thư chuyển cho Rybus và Call. Giao cho linh mục chiếc nhẫn của tôi và Pe một cây vải để bán.
“Ngày thứ 14 – Trời rất đẹp. Được mời vào vương phủ. Nhưng đến nơi, chúa đã đi khỏi.
“Ngày thứ 15 – Mưa rất to. Chúa phái một võ quan hầu cận đến chúc chúng tôi thượng lộ bình an. Khoảng 4 giờ khởi hành để trở lại Faifoe [Hội An], chèo thuyền suốt đêm trên sông, vào sáng 16 đặt chân đến một vịnh rộng lớn. Rồi đến một làng khoảng 12 giờ. Ăn tối xong, vượt qua nhiều ngọn núi nhỏ và hai bãi cát dài, sau đó đến bờ sông. Bỏ qua hai ngôi làng, đến một xã thứ ba thì trời vào đêm. Suốt đêm bão dữ dội, lạnh cóng, thời tiết rất khó chịu.
“Ngày 17/1/1765 – Xuất hành sáng sớm. Băng qua một bãi cát dài và ăn tối tại một làng lớn ở bờ sông lúc 12 giờ. Một giờ tiếp tục đi và bắt đầu vào sơn phận đại ngàn, bắt buộc chúng tôi phải xuống cáng đi bộ; núi rất dựng dốc, cuối cùng chúng tôi đến được một xã rồi nghỉ lại đó. Lại tiếp tục đi bộ đến thác nước đổ ào ào, hơn 4 giờ thì đạt tới đỉnh cao đại ngàn. Đổ xuống một ngọn đồi, Gov.r và tôi đi bộ suốt cả quãng đường để đến ngôi làng; chúng tôi lưu lại cuối làng suốt đêm.
“Ngày thứ 18 – 6 giờ sáng, bắt đầu đi bộ dọc theo bãi cát. Vượt qua một ngọn núi nhỏ, đường đi khá tốt và thoải mái. 8 giờ đến một ngôi làng ven biển, nghỉ chân rồi tiếp tục qua những bãi cát rất dài, ăn tối xong qua sông, đến ba miền quê khác nhau. Gov.r và tôi đi bộ suốt cả quãng đường dài. Miền quê thật đẹp và thời tiết quang đãng. Đến một làng xinh xắn, ăn tối rồi lại tiếp tục đi.
“Ngày thứ 19 – Các ông quan đón tiếp Gov.r đầy kính trọng. Đưa cho đứa con trai của linh mục 4 đồng rupi, người đàn ông già 2 dols; 4 đứa con trai nhỏ 3 dols và “con Hai” 5 dols…
Chú thích: (1)Trước James Bean có Bowyear, và sau James Bean có Chapman đều là đại diện thương mại của Anh đến Đàng Trong và đều có ghi chép. Cũng trong thời khoảng Võ vương chấp chính, Công ty Đông Ấn thuộc Pháp (Compagnie française des Indes en Indochine) ráo riết ve vãn để lập quan hệ thương mại. Tất cả hồ sơ này được lưu trữ tại Pondichéry. Năm 1937, Gaudart đã cho công bố trên BAVH số 4-1937, tr.353-380 với bài nhan đề Les Archives de Pondichéry et les entreprises de la Compagnie Française des Indes en Indochine au XVIIIè siècle. (2)Nguyên văn của Floch de la Carrière: Palais d’hiver et de pluie, vì bên kinh thành chính (Palais principal) ở tả ngạn “sông Huế” vào mùa đông thường bị ngập lụt, nên chúa Nguyễn xây dựng một “vương phủ” ở Dương Xuân để tiện làm việc. (3)Ngày xưa, tại mỗi trạm dịch có một quán nhỏ để phục vụ ăn uống cho khách bộ hành đồng thời giúp (hộ) họ lưu lại nghỉ dưỡng sức, gọi là Quán Hộ. Tại Thanh Khê – Đà Nẵng, hiện vẫn còn sử dụng địa danh “quán Hộ” trong giới vận tải giao thông. (4)Núi Non Nước Ngũ Hành Sơn nằm hướng đông nam cách Đà Nẵng độ 7-8 km. |
Theo NGUYỄN SINH DUY / TẠP CHÍ HỒN VIỆT
Tags: Xứ Đàng Trong, Chúa Nguyễn