Nhận diện sự bấp bênh của thế giới mà chúng ta đang sống

Con đường đến với tiến bộ luôn bị cản trở bởi chông gai. Nhiều tiếng nói đang lên tiếng, cảnh tỉnh về những mối đe dọa có thể dẫn tới sự sụp đổ của nền văn minh toàn cầu.

Nhận diện sự bấp bênh của thế giới mà chúng ta đang sống

Tác giả: Pierre Darriulat.

Biên dịch: Lưu Quang Hưng.

Năm 2022 sẽ đánh dấu 50 năm ra đời của ấn phẩm Giới hạn của Tăng trưởng(1), báo cáo đầu tiên cho Câu lạc bộ Rome, một tổ chức tập hợp các nhà lãnh đạo, học giả và doanh nhân được Aurelio Peccei thành lập bốn năm trước đó.

Ấn phẩm đã khiến công chúng hết sức chú ý bởi lần đầu tiên chúng ta cùng ý thức được rằng tăng trưởng kinh tế không thể diễn ra vô hạn do cạn kiệt về tài nguyên. Báo cáo thứ hai, Nhân loại tại Thời điểm Bước ngoặtxuất bản hai năm sau đó đưa ra dự đoán lạc quan hơn về diễn tiến của môi trường sống và cho thấy rằng nhiều yếu tố liên quan nằm trong tầm kiểm soát của con người, có thể giúp tránh và ngăn ngừa các thảm họa môi trường và kinh tế. Tuy nhiên, vào năm 1991 Câu lạc bộ Rome xuất bản Cuộc Cách mạng Toàn cầu lần thứ Nhất3 lên án thói quen của chúng ta khi tìm một kẻ thù chung để đổ lỗi khi đối diện với những vấn đề mà chúng ta không thể tự giải quyết: “Chúng ta đã nhầm lẫn khi nhận định rằng mối đe dọa chung đối với nhân loại là các nguy cơ đến từ ô nhiễm, sự nóng lên toàn cầu, thiếu hụt nguồn nước, nạn đói và những thứ tương tự; nhưng khi làm như vậy chúng ta đang rơi vào bẫy nhầm lẫn giữa triệu chứng và nguyên nhân. Tất cả những nguy cơ này đến từ sự can thiệp của con người vào các quá trình tự nhiên, và chỉ khi chúng ta thay đổi thái độ và hành vi, chúng mới có thể được khắc phục. Kẻ thù thực sự là chính nhân loại”. Sự lạc quan nhạt dần theo năm tháng, và vào năm 2008, G. Turner4 đã chỉ ra rằng dữ liệu 30 năm qua diễn ra tương đối phù hợp với kịch bản bi quan nhất đã dự liệu trong Giới hạn của Tăng trưởng, dẫn đến khả năng sụp đổ của thế giới vào giữa thế kỷ 21.

Thật vậy, thực tế 50 năm qua đã chứng tỏ chúng ta đã không ứng xử lý tính và có trách nhiệm một cách thích đáng trước những mối nguy khẩn cấp xảy đến với hành tinh của chúng ta; thay vào đó, các lập luận phi lý tính và cảm tính đã chiếm ưu thế, chia rẽ chúng ta thành các phe phái thù địch, đổ lỗi cho nhau về sự suy thoái ngày càng nhanh của thế giới toàn cầu hóa nơi chúng ta đang sống. Tôi điểm lại dưới đây 10 nguy cơ đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng với hành tinh trong 50 năm qua, được chọn từ các mối đe dọa với tương lai của chúng ta5.

1. Nhân khẩu học tăng trưởng quá nóng

Trong 50 năm qua, dân số thế giới đang tăng đều đặn với tốc độ một tỷ người sau mỗi 12 năm và dự kiến sẽ đạt 8 tỷ người vào năm 2023. Các dự đoán trong 50 năm tới có rất nhiều con số, nhưng không có xu hướng rõ ràng nào về sự tăng trưởng chậm lại của dân số trong thời gian ngắn. Toàn cầu hóa và gia tăng dân số là những yếu tố đóng vai trò quyết định đến diễn tiến của các nguy cơ đối với hành tinh của chúng ta. Trong 50 năm qua, Ngày Trái đất Vượt ngưỡng Phục hồi (một chiến dịch của tổ chức GFN nhằm ước tính khả năng tái tạo tài nguyên so lượng tiêu thụ trong năm để từ đó cảnh tỉnh con người về các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn của Trái đất) đã chuyển từ cuối tháng 12 sang cuối tháng bảy. Các hành động nhằm hạn chế gia tăng dân số bao gồm giáo dục dành cho phụ nữ và giới hạn số con trên mỗi cặp vợ chồng đều cho kết quả tích cực. Tuy nhiên, ảnh hưởng của tôn giáo và niềm tin phi lý tính đã phần nào hạn chế hiệu quả của biện pháp tránh thai cũng như thái độ của chúng ta đối với dân số đang già đi: số năm một người sẽ sống tính từ thời điểm bây giờ nên được coi là một thước đo lý tính cho giá trị mạng sống của người đó, nhưng một ý tưởng như vậy lại bị coi là sự xúc phạm. Nếu ngài mai tôi chết, thì tổn thất đối với nhân loại rõ ràng sẽ thấp hơn một bậc so với trường hợp một đứa trẻ chẳng may chết vào ngày mai; nhưng những lập luận lý tính như vậy đang bị bỏ qua.

2. Di cư, nghèo đói, bất bình đẳng

Toàn cầu hóa đã giúp cho chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về những bất công do bất bình đẳng mang lại trên khắp thế giới. Ở một số quốc gia châu Phi, hơn 1 trong số 10 trẻ em sinh ra ngày nay sẽ chết trước 5 tuổi, so với con số 1 trên 250 trẻ em ở châu Âu và Đông Á. Số năm được đến trường cũng khác nhau, giữa 5 năm ở các quốc gia Châu Phi so với 15-20 năm ở các quốc gia kia. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người ở Qatar lớn hơn 150 lần so với Cộng hòa Trung Phi, so sánh giữa hai quốc gia lớn nhất và nhỏ nhất; trong khi nếu so sánh Hoa Kỳ với các quốc gia khác, con số này là gấp bảy lần với Trung Quốc và 25 lần với Việt Nam. Quy đổi theo chi phí sinh hoạt tương đối (sức mua tương đối), các tỷ lệ là 3,5 giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và 8,0 giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Các tỷ phú trên thế giới, với số lượng hơn hai nghìn một chút, có giá trị tài sản nhiều hơn 4,6 tỷ người cộng lại – tức 60% dân số hành tinh. Bốn trong số năm người dưới mức nghèo (theo chuẩn quốc tế) sống ở các vùng nông thôn, một nửa trong số họ là trẻ em, phụ nữ chiếm đa số, khoảng 70% người nghèo từ 15 tuổi trở lên không được đi học hoặc chỉ được giáo dục cơ bản. Hơn 50% người nghèo sống trong các nền kinh tế yếu ớt, có nguy cơ xung đột và bạo lực cao hiện chiếm 10% tổng dân số thế giới, với con số dự kiến ​​sẽ tăng lên 67% trong thập kỷ tới.

Hệ quả của bất bình đẳng là sự di cư của các nhóm dân cư, chủ yếu do các yếu tố chính trị xã hội, kinh tế và môi trường thúc đẩy: sự chênh lệch kinh tế giữa các nền kinh tế đang phát triển và đã phát triển khuyến khích sự di chuyển của lao động có kỹ năng sang nền kinh tế đã phát triển. Bạo lực gia tăng trên toàn thế giới, thường là kết quả của sự không khoan dung của sắc tộc hoặc tôn giáo, dẫn đến gia tăng di cư. Trong 50 năm qua, mức di cư thuần đến các khu vực phát triển đã tăng từ 0,3 triệu lên 3,1 triệu người mỗi năm. Thông thường, 2% người di cư đến châu Âu qua đường biển tử vong trong suốt hành trình. Di cư sẽ là động lực quan trọng ngày càng tăng làm thay đổi dân số vài thập kỷ tới. Về lâu dài, mặc dù có tác động tích cực tổng thể đến phát triển kinh tế và xã hội, di cư cũng gây ra mối quan tâm, lo lắng và tranh luận chính trị về tính bền vững của nó và các phong trào có nguy cơ gây bất ổn xã hội nơi người di cư ra đi và cả nơi tiếp nhận họ.

3. Các cuộc chiến tranh và khủng bố

Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, 50 năm qua thế giới chỉ chứng kiến ​​rất ít xung đột lớn, trong đó đáng kể nhất là ở cuộc chiến ở Afghanistan (1978-2021) với 1,7±0,3 triệu người thương vong và Đại chiến châu Phi (1998-2003) với 4,0±1,5 triệu người thương vong. Nhưng một số quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á đang ở trong tình trạng bất ổn liên miên với các cuộc xung đột liên tục trong một thời gian dài. Không phải bạo lực của một cuộc chiến tranh gây ra tổn hại lâu dài cho một quốc gia (như nước Đức đã phục hồi ra sao sau Thế chiến Thứ hai) mà là thời gian của nó, nghĩa là sự mất mát của một hoặc nhiều thế hệ đóng góp vào quá trình phát triển đất nước: cần rất nhiều thập kỷ mới có thể phục hồi tổn thất đó.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt trong suốt lịch sử 50 năm qua là sự ra đời của hình thức bạo lực mới, được gọi là khủng bố, với các hành động “nhằm gây ra cái chết hoặc tổn thương nghiêm trọng cho dân thường với mục đích đe dọa người dân hoặc chính phủ của họ”. Từ năm 1970 đến năm 2015, đã có tổng cộng 160.000 vụ khủng bố diễn ra, với trung bình 10 vụ mỗi ngày; một nửa trong số đó ở Iraq, Pakistan, Afghanistan và Ấn Độ. Con số này tăng liên tục trong thời gian qua và đạt mức cao nhất vào năm 2015; riêng năm 2019, khủng bố đã gây ra cái chết của 14.000 người trên toàn thế giới, trong đó 5.700 người ở Afghanistan và 1.200 người ở Nigeria. Taliban, Boko Haram và ISIL (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant) là những nhóm khủng bố chính. Trong năm năm qua, trong khi tác động của ISIL ngày càng giảm ở Trung Đông, thì Thế giới phương Tây đã chứng kiến ​​sự gia tăng của chủ nghĩa Cực hữu, và ở mức độ thấp hơn là chủ nghĩa khủng bố Cực tả.

Đặc điểm chung của chủ nghĩa khủng bố và các cuộc chiến tranh trong 50 năm qua là sự tương phản mạnh mẽ giữa sự sợ hãi mà chúng đe dọa reo rắc trong dân chúng và tác động thực tế nhỏ hơn nhiều của chúng. Một ví dụ minh họa là ở Hoa Kỳ, bệnh tim gây ra hơn 30% số ca tử vong, trong khi chủ nghĩa khủng bố gây ra ít hơn tỷ lệ 1 trong 10.000 số ca tử vong; nhưng xét về mức độ phủ sóng trên các phương tiện truyền thông, bệnh tim chỉ chiếm 2% so với 33% của khủng bố. Đáng quan ngại hơn là mối đe dọa gia tăng của một cuộc xung đột hạt nhân, có nguyên nhân từ sự thất bại của chính sách ngoại giao nhằm giảm số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới. Do đó, Lầu Năm Góc gần đây đã ban hành một tài liệu nhận định rằng “có khả năng gia tăng xung đột khu vực liên quan đến các đối thủ được trang bị vũ khí hạt nhân ở một số khu vực trên thế giới và leo thang hạt nhân trong trường hợp khủng hoảng hoặc xung đột”. Biển Đông đang trở thành một khu vực đặc biệt nhạy cảm về khía cạnh này, đặc biệt là với quyết tâm gần đây của Trung Quốc nhằm tái thống nhất Đài Loan.

4. Quản trị, thất bại dân chủ, chủ nghĩa dân túy

Các mối đe dọa toàn cầu cần nền quản trị toàn cầu với tầm nhìn rõ ràng về tương lai. Trong hơn 50 năm qua, bằng chứng cho sự vắng mặt của nó ngày càng tăng lên. Liên Hợp Quốc và các sự kiện như Hội nghị thượng đỉnh G20 rõ ràng đóng một vai trò tích cực trong việc quản trị hành tinh của chúng ta, nhưng họ thiếu quyền lực cần thiết để thực hiện các quyết định có thể gặt hái kết quả về lâu dài. Việc không đạt được thỏa thuận toàn cầu về giải trừ vũ khí hạt nhân hoặc phát thải carbon dioxide là một ví dụ điển hình. Một trong những quan ngại xuất hiện trong những năm gần đây là nhận thức về sự suy giảm đáng kể chất lượng quản trị ở nhiều quốc gia phương Tây. Tiêu biểu cho sự sa sút đó là nhiệm kỳ Tổng thống của Donald Trump ở Hoa Kỳ như một mẫu hình của sự khiếm nhã, đồi bại và không tôn trọng các giá trị đạo đức cơ bản mà thế giới đã liên tục gây dựng trong 25 thế kỷ qua. Sự thất bại của hệ thống trong việc ngăn chặn tác hại mà nó gây ra cho quốc gia đó đã cho thấy sự mong manh và tính dễ bị tổn thương của các nền dân chủ phương Tây trước chủ nghĩa cực đoan. Nó cũng cho thấy mức độ nào đó, hành động của hầu hết các chính trị gia được thúc đẩy bởi mục tiêu tái cử thay vì phục vụ lợi ích quốc gia.

Trong 50 năm qua, theo xu hướng chung ở Mỹ Latinh, chủ nghĩa dân túy đã và đang phát triển vững chắc trong hệ thống quản trị của thế giới phương Tây. Chủ nghĩa này hướng tới việc làm hài lòng đám đông hơn là giới tinh hoa, và đưa ra tầm nhìn ngắn hạn thay vì dài hạn về tương lai. Trích Bách khoa Toàn thư Britannica, “Nó xoay quanh một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn, người thu hút và tuyên bố là hiện thân của ý chí của nhân dân để củng cố quyền lực của chính mình. Trong hình thức chính trị được cá nhân hóa này, các đảng phái chính trị mất đi tầm quan trọng của chúng và các cuộc bầu cử diễn ra nhằm xác nhận quyền lực của nhà lãnh đạo hơn là phản ánh nguyện vọng khác nhau của người dân. Một số hình thức chủ nghĩa dân túy độc tài có đặc điểm là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt chủng tộc, thuyết âm mưu và đổ lỗi cho các nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội, mỗi hình thức đều nhằm củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo, đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng khỏi những thất bại của nhà lãnh đạo hoặc che mắt người dân trước bản chất sự cai trị của người lãnh đạo hoặc những nguyên nhân thực sự của các vấn đề kinh tế hoặc xã hội”. Kết quả là thập kỷ qua đã có thêm rất nhiều đánh giá và đã nhận định về mối nguy hiểm thực sự trong các diễn tiến đó và cách thức đối mặt với nó; nhiều quan điểm đa dạng cũng đã xuất hiện, trải rộng từ trường phái lạc quan vừa phải tới bi quan cùng cực.

5. Năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, hạt nhân, năng lượng tái tạo

Trong 50 năm qua, so với mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu, phần nhiên liệu hóa thạch đã thay đổi từ 93,5% xuống 84,5%, năng lượng tái tạo tăng từ 5,8% lên 11,3% và năng lượng hạt nhân điều chỉnh từ 0,7% lên 4,2%. Quá trình diễn ra khá chậm chạp và những phỏng đoán tương lai về những thay đổi nhanh chóng là không thực tế. Tuy nhiên, cũng có những tiến bộ đáng kể trong một số lĩnh vực: trong thập kỷ qua, số người không được sử dụng điện đã giảm từ 1,2 xuống 0,8 tỷ, và dòng vốn quốc tế đổ vào các nước đang phát triển để hỗ trợ năng lượng sạch đã tăng từ 10 lên 21 tỷ USD. Sự chênh lệch lớn trên thế giới khiến ước mơ về một chính sách toàn cầu hiệu quả về năng lượng trở nên có phần không tưởng: mức tiêu thụ điện trung bình trên đầu người là trên dưới 1500W ở Hoa Kỳ và Canada, chừng 500W ở Trung Quốc, khoảng 260 W ở Việt Nam và xấp xỉ 50W ở Bangladesh. Chúng tương ứng với tỷ lệ phát thải CO2 bình quân đầu người gần lần lượt là 17, 7,4, 2,2 và 0,5 tấn/năm. Với chênh lệch như vậy, người ta không thể mong đợi về một tập hợp các ưu tiên chung có thể được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu trong trường hợp không có cơ quan quyền lực mạnh có thể thực thi chúng.

Lịch sử nhận thức của công chúng về những lợi ích và nguy hiểm của năng lượng hạt nhân là biểu tượng cho việc chúng ta không có thái độ thảo luận một cách duy lý về những vấn đề như vậy. Ở một nền văn minh được điều hành bởi những người trách nhiệm, năng lượng hạt nhân hẳn sẽ được hoan nghênh và vai trò của nó sẽ không ngừng tăng lên trong 50 năm qua. Thay vì thế, sự cố Chernobyl đã làm bùng lên nỗi sợ hãi, tạo ra các phản ứng thiếu duy lý và cùng với sự ra đời của phong trào phản đối hạt nhân, đã cản trở mạnh mẽ sự phát triển và tiến bộ. Sự cố Fukushima đã tạo cơ hội cho phong trào này tung hỏa mù vào nhận thức của công chúng, gây lẫn lộn về những thương vong gây ra do sóng thần với do sự tan chảy của lõi lò phản ứng, bất chấp sự so sánh là không tương xứng. Trong khi thế giới phương Tây không quản lý được năng lượng hạt nhân một cách hợp lý, Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hạt nhân trên quy mô lớn. Hồ sơ an toàn kém của một số ngành công nghiệp nặng khác ở Trung Quốc, kết hợp với tốc độ phát triển nhanh chóng của năng lực phát triển điện hạt nhân dân dụng ở quốc gia này, đã làm dấy lên lo ngại về khả năng ngăn ngừa sự cố nghiêm trọng của ngành.

Hình ảnh tương lai thảm khốc được dự đoán trong Giới hạn của tăng trưởng đã không xảy ra lập tức; nhưng khó khăn và chi phí gia tăng trong việc khai thác các nguồn nhiên liệu hóa thạch (cắt phá thủy lực, khoan dầu xa bờ), cùng với các vấn đề liên quan đến việc khai thác hiệu quả năng lượng gió và mặt trời, khiến chúng ta chưa hẳn đã thoát khỏi nó.

6. Sự nóng lên toàn cầu

Chỉ cho đến những năm bảy mươi, Manabe và các cộng sự của ông mới mô hình hóa thành công hiệu ứng nhà kính theo những điều kiện thực tế chấp nhận được và dự đoán nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 2oC khi nồng độ CO2 trong khí quyển tăng gấp đôi; và chỉ vào quãng những năm tám mươi, nhận thức nghiêm túc về tầm quan trọng của vấn đề này mới được hình thành. Thật không may, vấn đề này ngay lập tức nhận được sự quan tâm mạnh mẽ trong dư luận và cũng kể từ đó, những suy xét phi lý tính và gây chia rẽ đã chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận. Một thái độ duy lý có nghĩa là biết cách phân biệt giữa những gì chúng ta biết, những gì chúng ta có thể dự đoán một cách hợp lý và những hành động chúng ta nên làm. Những gì chúng ta biết là nhiệt độ toàn cầu (định nghĩa của nó không phải là duy nhất) đã tăng chừng 1oC trong 50 năm qua và nguyên nhân phần lớn là do con người (thông qua phát thải CO2 và metan sinh ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng, nông nghiệp và trồng trọt). Những gì chúng ta có thể dự đoán bị chi phối bởi sự bất định gắn với một lượng lớn các tham số, nhiều trong số đó tạo ra các hiệu ứng chưa được hiểu biết với độ chính xác và tin cậy ở mức đầy đủ; dầu vậy, về ngắn hạn, có vẻ hợp lý khi kỳ vọng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng gần 2oC vào năm 2050 nếu các yếu tố nhân sinh không bị thêm tác động. Tuy nhiên về dài hạn, những bất định ấy sẽ cản trở việc đưa ra các dự đoán đáng tin cậy, đặc biệt liên quan đến khả năng ước lượng mực nước biển dâng. Về khía cạnh hành động nên được thực hiện, chúng cần phải thực tế, lý tính và dựa trên kết quả của phân tích ở quy mô toàn cầu. Dưới góc nhìn của chủ nghĩa hiện thực, một số ít người giàu phát thải hơn 10 tấn CO2 mỗi năm tính theo đầu người không thể áp đặt quy tắc của họ cho phần lớn các nhóm dân số nghèo hơn và phát thải ít hơn một nửa số lượng như vậy mà không có lựa chọn nào khác hơn là đốt nhiên liệu hóa thạch để phát triển. Nhu cầu giảm phát thải CO2 và phá rừng là điều hiển nhiên, bởi độc lập với hiện tượng nóng lên toàn cầu, trữ lượng nhiên liệu hóa thạch bị hạn chế và những bất định gắn với hậu quả lâu dài của sự nóng lên toàn cầu quá mức khiến chúng ta buộc phải thận trọng. Nhưng điều này trên thực tế có thể thực hiện ra sao, và trên quy mô thời gian nào, chỉ có thể được hình dung trên quy mô toàn cầu có tính đến sự bất bình đẳng một cách thích đáng. Việc cấp thiết nhất có lẽ là thực hiện các hành động giảm thiểu sự hoành hành của các đợt lũ lụt và hạn hán lớn xảy ra trong thời gian ngắn trước mắt, bất kể chúng được tạo ra bởi nguyên nhân gì chăng nữa. Ví dụ, chúng ta biết rằng sự sụt lún của đồng bằng sông Cửu Long, gây ra bởi việc bơm hút quá mức lượng nước ngầm, là yếu tố tác động nhanh hơn ảnh hưởng do nước biển dâng. Việc cấp bách không phải là giảm lượng khí CO2 phát thải mà thực hiện các biện pháp cần thiết về canh tác, và trong mọi trường hợp, chuẩn bị cho tình trạng nhiễm mặn gia tăng bất khả kháng ở các vùng ven biển và các trận lũ lụt xảy ra với tần suất và quy mô lớn hơn. Hậu quả khác có thể xảy ra (nhưng gây tranh cãi nhiều hơn) của hiện tượng nóng lên toàn cầu là sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ở đây một lần nữa, giảm thiểu tác động vẫn nên là ưu tiên hàng đầu hiện nay: tại Hoa Kỳ, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng 80% đến 90% các vụ cháy rừng là do con người gây ra.

Thật không may, phản ứng đối với sự nóng lên toàn cầu vừa mang tính cảm tính vừa phi lý trí, phục vụ lợi ích chính trị và tài chính, đồng thời ngăn cản một cách tiếp cận đúng đắn về lâu dài ở quy mô toàn cầu. IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu) vừa ban hành Báo cáo Đánh giá Tác động lần thứ Sáu, chúng ta hãy hy vọng rằng nó sẽ giúp làm cho tranh luận trở nên bớt cảm tính và nhiều lý tính hơn.

7. Ô nhiễm

Ô nhiễm môi trường bắt đầu thu hút sự chú ý lớn của công chúng ở thế giới phương Tây vào đầu những năm 70 khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật về Chính sách Môi trường Quốc gia, Nước sạch và Không khí sạch. Các sự cố ô nhiễm nghiêm trọng đã giúp nâng cao ý thức chung. Sự phát triển của năng lượng hạt nhân và vũ khí hạt nhân đã dẫn đến ô nhiễm phóng xạ, yếu tố có thể gây chết người trong hàng trăm nghìn năm. Các thảm họa quốc tế như chìm tàu chở dầu Amoco Cadiz ngoài khơi bờ biển Brittany năm 1978 và thảm họa Bhopal năm 1984 đã chứng tỏ tính phổ biến của những sự kiện như vậy và xác định quy mô cần thiết cho các nỗ lực giải quyết chúng. Bản chất không có biên giới của bầu khí quyển và đại dương chắc chắn dẫn đến hệ quả là ô nhiễm ở cấp độ hành tinh. Gần đây nhất, các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), một nhóm các hợp chất hữu cơ có khả năng chống lại sự suy thoái môi trường, đã được phát hiện trong các môi trường sống xa các hoạt động công nghiệp, cho thấy khả năng khuếch tán và tích lũy sinh học nhanh chóng. Được phát hiện gần đây hơn nữa là khối rác thải lớn ở Thái Bình Dương (Great Pacific Garbage Patch), tập hợp một lượng lớn chất dẻo, bùn hóa học và các mảnh vụn khác đã tích tụ trên một khu vực rộng lớn của Bắc Thái Bình Dương bởi vòng xoáy hải lưu. Ô nhiễm là nguyên nhân do môi trường lớn nhất gây ra bệnh tật và tử vong sớm, với hơn 9 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới (chiếm 16% tổng số ca tử vong), gấp ba lần so với AIDS, lao và sốt rét cộng lại.

Ô nhiễm không khí, với hậu quả là khiến ta hít thở phải các hạt sol khí nhỏ, là nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Chín trong số mười người trên thế giới hít thở không khí có hàm lượng chất ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép của WHO, đặc biệt là tại một loạt các quốc gia từ Trung Phi đến Bangladesh. Ô nhiễm đất tạo ra bởi phân bón nông nghiệp, khai thác mỏ và các bãi chôn lấp; với lượng chôn lấp chứa khối lượng lớn chất thải rắn có thể mất hàng thế kỷ để phân hủy hoàn toàn. Ô nhiễm nước chủ yếu là hệ quả của ô nhiễm đất do nước đã qua canh tác nông nghiệp và nước thải công nghiệp hoặc sinh hoạt. Cơ sở hạ tầng được quản lý kém khiến một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý bị chảy ngược trở lại môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước và khiến hàng tỷ người phải uống nước không an toàn, dẫn tới các căn bệnh giết chết hàng trăm nghìn người mỗi năm, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Trên toàn cầu, 50 năm qua đã chứng kiến ​​sự gia tăng lớn của ba dạng ô nhiễm, không khí, đất và nước. Tuy nhiên, các biện pháp chống ô nhiễm tỏ ra rất hiệu quả ở một số nước phát triển.

8. Đô thị hóa, thực phẩm và cấp thoát nước

Trong 50 năm, tỷ lệ dân số thế giới sống ở các khu vực thành thị đã tăng từ một phần ba lên một nửa. Hầu hết các thành phố đang phát triển nhanh chóng, chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp ở châu Phi và châu Á. Đến năm 2050, 6,5 tỷ người sẽ sống ở các trung tâm đô thị – chiếm 2/3 dân số thế giới dự kiến. Nổi bật trong số đó là thành phố Lagos, với dân số đã tăng từ 300 nghìn lên 20 triệu trong 50 năm qua. Dự báo về sự gia tăng dân số đô thị đến năm 2050 là đáng báo động, với Bangalore đạt trên 20 triệu dân hoặc Kinshasa trên con số 80 triệu. Ở Việt Nam, dân số thành thị và nông thôn hiện có tỷ lệ từ 40 đến 60 và dự kiến ​​sẽ bằng nhau vào năm 2037; trong đó 75% dân số thành thị sống trong các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và 27% nhà ở có chất lượng thấp.

Trên quy mô toàn cầu, số người thu nhập thấp tại các thành thị đang tăng nhanh và có thể lên tới 3 tỷ người vào năm 2050. Mỗi năm, các thành phố sẽ cần 7 triệu ngôi nhà giá rẻ mới, kèm theo đó lượng cư dân đô thị không có nước và vệ sinh cơ bản tăng với tỷ lệ tương tự, trong khi dân cư tại các khu ổ chuột sẽ không ngừng tăng lên. Các vấn đề về giao thông công cộng, tắc đường và xử lý chất thải trở nên gay gắt: ít hơn 5% thành phố ở các nước thu nhập thấp và trung bình đáp ứng các hướng dẫn (tiêu chuẩn) về chất lượng không khí của WHO.

Mang nước sạch và thực phẩm đến các thành phố đặt ra những thách thức lớn; nhưng vấn đề nan giải nhất là tại các vùng nông thôn, nơi cứ 10 người thì có 8 người thiếu nước sạch. 62% dân số thành thị trên thế giới đã được tiếp cận với dịch vụ vệ sinh một cách an toàn, nhưng chỉ 44% dân số nông thôn có được điều đó. Châu Phi cận Sahara đang có tốc độ phát triển chậm nhất trên thế giới. Chỉ có 54% người dân được sử dụng nước sạch. Đến năm 2030, nếu các xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn, chỉ 81% dân số thế giới được tiếp cận với nước uống an toàn tại nhà, còn 1,6 tỷ người không có được điều đó; và chỉ 67% được cung cấp dịch vụ vệ sinh an toàn, trong khi 2,8 tỷ người thì không; và chỉ 78% sẽ có thiết bị rửa tay tối thiểu, còn lại 1,9 tỷ vẫn không có.

Vào tháng sáu, Chương trình Lương thực Thế giới đã báo cáo rằng 41 triệu người đang “đứng trên bờ vực của nạn đói” ở 43 quốc gia, và rằng cú sốc nhỏ nhất cũng sẽ đẩy họ xuống bờ vực thẳm. Con số này đã tăng từ 27 triệu người vào năm 2019. Xung đột, khí hậu và các cú sốc kinh tế là nguyên nhân chính, nhưng tình hình gần đây đã trở nên trầm trọng hơn do giá lương thực tăng vọt.

9. Sức khỏe

Trái ngược hoàn toàn với đa số các nguy cơ kể trên, dịch vụ chăm sóc sức khỏe không ngừng được cải thiện trên toàn cầu trong 50 năm qua. Dân số toàn cầu tiếp tục có tuổi thọ cao hơn và sống lâu hơn trong điều kiện sức khỏe tốt. Từ năm 2000 đến năm 2019, tuổi thọ trung bình toàn cầu tăng từ 66,8 lên 73,3 tuổi. Tuổi thọ tăng theo mức thu nhập quốc dân, nhưng cải thiện đáng kể nhất được quan sát ở các nước thu nhập thấp. Nhờ những nỗ lực toàn cầu bền bỉ, tiến bộ đáng kể tiếp tục diễn ra, đặc biệt trong việc giảm số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm (NCD), bao gồm những căn bệnh có xu hướng gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Những tiến bộ vượt bậc cũng đã được thực hiện trong việc giảm thiểu một số bệnh truyền nhiễm hàng đầu trên thế giới. HIV/AIDS và bệnh lao (TB) đều đã lọt khỏi danh sách 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên vào năm 2019. Lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu dù chỉ bởi một tác nhân lây nhiễm duy nhất: trên toàn cầu, ước tính có khoảng 10 triệu người bị bệnh lao vào năm 2019. Các ca nhiễm mới HIV đã giảm 40% trong 20 năm qua và tỷ lệ tử vong do sốt rét giảm hơn một nửa. Xu hướng tử vong do bốn bệnh không lây nhiễm chính (ung thư, tiểu đường, tim mạch và bệnh hô hấp mãn tính) về tổng thể có giảm.

Bảo hiểm Y tế Toàn dân (UHC), đảm bảo tất cả các cá nhân và cộng đồng nhận được các dịch vụ y tế cần thiết mà không phải chịu gánh nặng về tài chính, đã gia tăng trên toàn cầu nhưng vẫn còn nhiều bất bình đẳng. Trên toàn cầu và đối với nhiều quốc gia, tốc độ tiến bộ đã chậm hơn kể từ năm 2010, và các nước nghèo nhất và những nước chịu ảnh hưởng của các cuộc xung đột nhìn chung tụt hậu xa nhất. Lực lượng lao động trong lĩnh vực y tế toàn cầu cần phải tăng lên đáng kể nếu thế giới muốn đảm bảo Bảo hiểm Y tế Toàn dân vào năm 2030. Cứ 3.600 người thì có một bác sĩ ở châu Phi, so với tỷ lệ 1.150 người ở Đông Nam Á và 230 người ở châu Âu; những con số này lần lượt là 970, 410 và 130 ứng với tỷ lệ y tá và nữ hộ sinh. Tuy nhiên, nhìn chung, khả năng bảo vệ về khía cạnh tài chính trước COVID-19 đã bị suy giảm. Quá trình liên tục đòi hỏi phải tăng cường đáng kể hệ thống y tế, đặc biệt là ở những nơi có thu nhập thấp hơn, cùng với việc công nhận vai trò quan trọng của nhân viên y tế đối với năng lực y tế công cộng với sự bảo vệ đầy đủ cho sự an toàn và điều kiện sức khỏe của họ.

Kể từ năm 2020, đại dịch COVID-19 có nguy cơ làm trật bánh những tiến bộ đạt được trong 20 năm qua, đồng thời làm nổi bật sự bất bình đẳng hiện có về y tế trong và giữa các quốc gia. Giữa những khiếm khuyết khác nhau, nó cho thấy sự thất bại của hệ thống thông tin y tế trong việc theo dõi thích hợp những thay đổi của các chỉ số liên quan đến sức khỏe và trong việc xác định nơi tập trung nguồn lực đem lại tác động nhiều hơn giúp cải thiện sức khỏe dân số và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng.

Nhưng quan trọng hơn, COVID-19 đã cho thấy thái độ thiếu hiểu biết sâu sắc của công chúng và các chính phủ trong việc ứng phó với sự kiện một cách lý tính, có trách nhiệm và chín chắn. Những tranh luận phi lý tính và xúc cảm đã chia rẽ mọi người ở hai phe: ủng hộ hoặc chống lại việc đeo khẩu trang, ủng hộ hoặc phản đối việc tiêm chủng. Sự thiếu căn cứ hợp lý cho các quyết định về thời điểm và cách thức mở cửa trở lại một quốc gia sau một thời gian phong tỏa đã được thể hiện rõ. Ở một góc nhìn, các chuyên gia y tế chọn thái độ thận trọng do họ không hoàn toàn nắm vững cơ chế lây lan của vi rút và bị bất ngờ trước các sự kiện lây nhiễm bùng phát và có quy mô lớn. Dưới góc nhìn khác, các nhà kinh tế học và xã hội học nhận thấy thiệt hại do thời gian khóa cửa quá dài và có xu hướng xem nhẹ nhận định của các chuyên gia y tế. Các chính trị gia và mạng xã hội nhanh chóng nắm lấy sự bất đồng và đổ thêm dầu vào lửa bằng những suy nghĩ cảm tính, phi lý tính, hung hăng và thường là dối trá. Thật vậy, chúng ta thiếu một thước đo để có thể so sánh giữa thiệt hại về sức khỏe và xã hội. Chúng ta đo lường thiệt hại về sức khỏe bằng số người chết, và thiệt hại về xã hội bằng đô la. Hệ quả là các ý kiến ​​cực đoan cho rằng phong tỏa gây hại nhiều hơn lợi có thể được bày tỏ một cách phổ biến mà không bị phản bác một cách có hiệu quả bởi những người ủng hộ các quy tắc phòng ngừa nghiêm ngặt. Và hỗn loạn nhiều hơn lý trí thường trở thành quy luật, như đã được minh họa bởi Tổng thống Hoa Kỳ khi mâu thuẫn công khai với cố vấn y tế dưới quyền.

10. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và mạng xã hội

Hơn 50 năm trước, lần sử dụng máy tính đầu tiên của tôi là để tính toán quỹ đạo của các tia siêu âm trong nước biển, nhằm tính toán sự phân tầng trong các lớp nước có nhiệt độ khác nhau. Máy tính đang sử dụng ống chân không thay vì bóng bán dẫn và trống quay chứa các thanh lưu trữ dữ liệu. Nó phải được lập trình bằng ngôn ngữ máy. Máy tính phát triển nhanh hơn nhiều so với con người, nhưng tôi vẫn giữ ý niệm rằng chúng chỉ là công cụ, không thể làm nhiều hơn được những gì chúng ta yêu cầu. Dữ liệu đầu tiên được lưu trữ trên thẻ đục lỗ, sau đó trong băng từ, sau nữa trên đĩa cứng và bây giờ là trên các trung tâm lưu trữ dữ liệu lớn khổng lồ. Tôi rất ngạc nhiên trước hiệu suất mà các công cụ tìm kiếm trả về từ dữ liệu lưu trữ trên điện toán đám mây, nhưng chỉ là sự ngưỡng mộ, không phải sự tán dương. Tôi đã thấy nhiều nhà vật lý sử dụng cái mà họ gọi là mạng nơ-ron để phân tích dữ liệu, nhưng tôi chưa bao giờ thấy chúng có thể làm nhiều hoặc tốt như chúng ta có thể thực hiện bằng các thuật toán thông thường. Lớn tuổi hơn, và do đó suy nghĩ hẹp hòi hơn, tôi nhận thức một cách thích thú nhưng không thần thánh hóa sự ra đời của các khái niệm mới như trí tuệ nhân tạo, cách mạng số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Và tôi tự hỏi liệu chúng ta có thực sự nên chi nhiều tiền như vậy cho việc phát triển xe hơi tự lái và du lịch vũ trụ vào thời điểm mà thế giới đang ở trong tình trạng nguy cấp hiện nay hay không. Vì vậy, tôi xin lỗi bạn đọc, nhưng tôi không thể mong đợi khách quan về những vấn đề ấy. Ở chiều ngược lại, tôi cũng rất thiếu công bằng và có xu hướng quên những ngày đầu khi còn là một nhà vật lý làm việc với máy tính cơ học, quy tắc trượt với thước và bảng logarit; ngày nay tôi chỉ mất vài giây để lập bản đồ độ sáng của một ngôi sao được quan sát bởi chừng bốn mươi ăng-ten của máy giao thoa kế vô tuyến; do đó tôi cần trân trọng và biết ơn. Nhưng đã có rất nhiều tiếng nói ngợi ca giá trị của máy tính và khen ngợi những đóng góp to lớn của chúng trong cải thiện cuộc sống, nên tôi không cảm thấy quá tội lỗi nữa.

Máy tính giúp chúng ta giải phóng những công việc mà chúng ta nghĩ là nhàm chán và cho chúng ta thời gian để học hỏi và trở nên khôn ngoan hơn. Nhưng chúng ta đã không trở nên khôn ngoan hơn và bây giờ tôi dành nhiều thời gian để làm những việc trên máy tính mà những người khác đã làm giùm tôi trước đây, tốt hơn nhiều so với những gì tôi có thể làm; họ yêu công việc họ làm và họ hạnh phúc khi làm tốt công việc đó; và giờ thì việc làm của họ không còn tồn tại trong khi tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu vượt quá 200 triệu người.

Thật vậy, sự xâm nhập của công nghệ thông tin vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta dường như đã hơi robot hóa xã hội của chúng ta và phần nào tước đi trái tim và bộ não của chúng ta. Chúng có xu hướng khiến chúng ta chìm đắm trong thế giới ảo. Trên đường phố, tôi thấy mọi người đang đi bộ mà vẫn chúi mũi vào điện thoại thông minh. Tại nhà hàng, tôi thấy các cặp đôi không chú ý đến nhau mà thay vào đó dành thời gian cho điện thoại thông minh. Các nhà vật lý đồng nghiệp của tôi trên khắp thế giới đã quen với việc gặp gỡ “trực tuyến”. Khi tôi đặt một câu hỏi cho một tổ chức nào đó, một con robot bảo tôi nhấp vào một trong những Câu hỏi thường gặp, và tôi phát điên với lập trình viên đã tạo ra trang web, người chắc chắn có năng lực về phần mềm nhưng không biết gì về nội dung của trang web. Tôi thấy các văn mẫu ngày càng được sử dụng nhiều hơn giúp chúng ta biết cách viết, hoặc thậm chí suy nghĩ, và nhào nặn bộ não của trẻ em và học sinh của chúng ta, làm chúng mất đi tư duy phản biện mà chúng thực sự cần phải tiếp thu. Việc nghiện mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò và nhắn tin có thể kéo dài đến mức bạn bè ảo, trực tuyến trở nên quan trọng hơn các mối quan hệ ngoài đời thực. Tôi thấy cách các mạng xã hội được sử dụng ra sao để lan truyền những lời nói dối và lăng mạ; các cách chúng ủng hộ sự tầm thường và thô tục trong các thông điệp được truyền tải; cách dễ dàng như thế nào mà một chính trị gia tập hợp “những người theo dõi” và “lượt thích” xung quanh các học thuyết và hệ tư tưởng chỉ nhằm phục vụ lợi ích của người đó. Các mạng xã hội đóng vai trò hàng đầu trong việc ngăn chặn các cuộc tranh luận lý tính về các vấn đề xã hội thiết yếu như năng lượng hạt nhân, sự nóng lên toàn cầu và đại dịch gần đây.

* * *

Trong hơn 50 năm qua, dường như thế giới đã thay đổi quá nhiều và quá nhanh khiến chúng ta không thể bắt kịp. Toàn cầu hóa đã làm nổi bật sự bất công không thể chịu đựng được và sự bất bình đẳng rành rành trên khắp thế giới. Việc thiếu một nền quản trị toàn cầu hiệu quả đã cho thấy sự yếu kém của chúng ta trong ứng phó một cách có trách nhiệm trước mối đe dọa đang gia tăng nhanh chóng đến từ các nguy cơ tác động tới hành tinh của chúng ta.

Chúng phần lớn có mối quan hệ với nhau và tất cả chúng đều quan trọng, nhưng sự gia tăng nhanh chóng của dân số thế giới nổi lên như là một yếu tố có tính quyết định. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục đặt câu hỏi “làm thế nào để có thể nuôi sống 9,6 tỷ người vào năm 2050?” thay vì hỏi “làm sao giảm tỷ lệ sinh để hạn chế con số đó xuống ở mức 8,6 tỷ người?”. Và nhiều người đã lên tiếng rằng “cách chữa từ gốc, thông qua việc giảm quy mô tổ chức của con người (bao gồm cả quy mô dân số) để giữ tổng mức tiêu thụ trong khả năng cung cấp của Trái đất, là hiển nhiên nhưng bị bỏ quên hoặc bị phủ nhận quá nhiều. Có những rào cản lớn về xã hội và tâm lý trong các nền văn hóa “tăng trưởng” để bình thản xem xét nó. Điều này đặc biệt đúng với nguyên nhân từ “endarkenment” – một phong trào đang phát triển nhanh chóng hướng tới các tôn giáo chính thống mà từ chối các giá trị khai sáng như tự do tư tưởng và dân chủ6.

Con đường đến với tiến bộ thường luôn bị cản trở bởi rất nhiều chông gai và chúng ta đã học cách vượt qua. Trong nhiều thế kỷ, quyết tâm của chúng ta đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn và niềm tin vào các giá trị mà sự khai sáng đã được minh chứng là thành công. Chúng ta tin tưởng vào khoa học, giáo dục và một nền tảng luân lý dựa trên sự nghiêm cẩn về trí tuệ và đạo đức. Nhưng những phát triển gần đây đang làm lung lay niềm tin của chúng ta và nhiều tiếng nói đang lên tiếng, cảnh tỉnh về mối đe dọa có thể dẫn tới sự sụp đổ có nguy cơ xảy ra với nền văn minh toàn cầu.

—————————

Chú thích:

1. Meadows, Donella; Meadows, Dennis; Randers, Jørgen; Behrens III, William (1972). The Limits to Growth; A Report for the Club of Rome’s Project on the Predicament of Mankind. New York: Universe Books. ISBN 0876631650.
2. Mesarovic, Mihajlo; Pestel, Eduard (1975). Mankind at the Turning Point. Hutchinson. ISBN 0-09-123471-9.
3. Alexander King & Bertrand Schneider. The First Global Revolution (The Club of Rome), 1993.
4. Turner, Graham (2008), A comparison of The Limits to Growth with 30 years of reality, Global Environmental Change, 18/3,397.
5. This review borrows much of its content from numerous sources on the web.
6. R. and A. Ehrlich, Can a collapse of global civilization be avoided?, https://royalsocietypublishing.org/doi/10.1098/rspb.2012.2845

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: