Nguy cơ của một xã hội coi bằng cấp là thước đo nhân tài

Bằng cấp không phải là thước đo của năng lực và đạo đức, nhất là khi cái thước đó có thể mua được bằng tiền.

Lâu nay, các địa phương trải thảm đỏ đón nhân tài với các tiêu chí đề ra cho người bước lên thảm. Trong các tiêu chí đó, chủ yếu vẫn là bằng cấp, học vị thạc sĩ, tiến sĩ, học hàm phó giáo sư, giáo sư. Để xác định nhân tài, quả thực khoa cử bằng cấp là thước đo, nhưng đôi khi cái thước này không chuẩn.

Khả năng không chuẩn thứ nhất là bằng cấp của ta nói chung chất lượng không cao, không ít bằng giả. Nói thiệt cho dễ bàn, nhiều người không học hành gì sất nhưng bằng cả nắm trong tay – từ tin học, ngoại ngữ đến thạc sĩ, tiến sĩ, lý luận chính trị các loại. Bằng dán đầy tường như một loại trang sức, sách để đầy tủ nhưng chỉ là cửa hàng trưng bày. Không ít người sở hữu đống bằng cấp và sách vở đó không đọc tử tế một cuốn sách, không tự mình viết nổi một bài diễn văn. Xin cá với bạn đọc, nhiều quan chức chúng ta hiện nay chìa danh thiếp ra phần lớn là thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng trong số họ không biết có bao nhiêu phần trăm sử dụng thành thạo máy vi tính, đồng thời biết một ngoại ngữ tử tế.

Khả năng không chuẩn thứ hai là cho dù tiến sĩ thiệt thì năng lực khoa học đó chỉ phát huy đúng ngành nghề được đào tạo, không phải cứ giáo sư, tiến sĩ là giỏi tất tần tật mọi việc. Nhiều vị tiến sĩ được chuyển sang làm quản lý, làm sếp, cho nên quản lý cũng không xong mà khoa học cũng chẳng ra gì. Vậy thì, cái bằng đó trở nên vô ích, chưa kể làm cản trở những tài năng khác. Có rất nhiều người từ bỏ con đường khoa học chuyển sang cái gọi là con đường chính trị, cái được học bị hao mòn, ”gỉ sét”, vì còn phải chạy theo học cái mới là kỹ năng tiến thân trên quan lộ. Có thể sự thay đổi đó được cho bản thân, nhưng hỏng cho cái chung là rất dễ xảy ra.

Từ hai khả năng vừa phân tích trên, cho thấy mục tiêu mà TP.Hà Nội tự hào đặt ra đối với cán bộ lãnh đạo địa phương mà kinh ngạc. Nếu theo đúng lộ trình, đến năm 2020, lãnh đạo của Hà Nội bằng cấp rất cao với tỉ lệ cũng rất cao. Nhưng dân chúng đâu quan tâm đến các vị lãnh đạo có bằng tiến sĩ hay thạc sĩ, giáo sư hay phó giáo sư, mà các vị làm được gì cho dân, tạo ra được các sản phẩm xã hội chất lượng cao gì, dân chúng được thụ hưởng sự ấm no, tự do và hạnh phúc gì…

Hãy nhìn vào chất lượng của nền hành chính công hiện nay sẽ thấy đang rất cần những nhà quản lý có năng lực thật sự và đạo đức cao. Bằng cấp không phải là thước đo của hai giá trị này, nhất là khi cái thước đó có thể mua được bằng tiền.

Theo LÊ THANH PHONG / LAO ĐỘNG ONLINE

Tags: