Người trong cuộc nói về cuộc chính biến tháng 8/1991 ở Liên Xô

“Chỉ bây giờ nhân dân mới hiểu ra rằng, họ đã bị đánh lừa. Chứ khi đó thì không hề hiểu. Không ai tới mách bảo cho nhân dân biết cả…”.

Người trong cuộc nói về cuộc chính biến tháng 8/1991 ở Liên Xô

Nguyên soái Dmitry Timopheyevich Yazov sinh năm 1924. Năm 1941, khi bùng nổ cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cậu bé Dima ở tuổi 14 đã xung phong cầm súng ra chiến trường… Năm 1987, ông trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Xô viết. Tháng 8/1991, ông tham gia vào Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKChP).

Sau khi chính biến thất bại, nguyên soái Yazov cũng như các thành viên khác của GKChP đã bị bắt giam và phải chịu khá nhiều khổ ải. Năm 2016, trước ngưỡng cửa dịp kỷ niệm 25 năm ngày xảy ra chính biến, nguyên soái Yazov đã thêm một lần trả lời phỏng vấn Victor Baranets, bình luận viên quân sự báo Nga Komsomolskaya Pravda để làm rõ thêm bản chất của sự kiện bi thảm này.

– Nhà báo Baranets: Thưa ông Dmitri Timopheyevich, nói chung thì từ đâu mà lại xuất hiện cái sự GKPCh ấy?

– Nguyên soái Yazov: Nhiều người đã quên rằng, trong ngày 19/8/1991 đã công bố dự thảo của cái gọi là Hiệp ước Liên bang mới. Mà lại công bố đúng hôm thứ sáu, tức là khi mọi người đều đi nghỉ ở nhà ngoại ô. Rõ như ban ngày là sẽ không ai đọc nó trong ngày thứ bảy và chủ nhật. Mà tới thứ hai thì đã phải ký kết nó rồi! Và điều đó có nghĩa là chấm dứt Liên bang Xô viết. Đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân. Bởi lẽ ngày 17/3/1991 đã có tới 77% số dân Liên Xô bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ việc duy trì Liên bang. Và thế là một nhóm các chính trị gia và quân nhân đã tới Foros, nơi Tổng thống Gorbachev đang nghỉ hè, yêu cầu ông ấy ban bố tình trạng khẩn cấp.

Để làm gì ư? Để không ký cái Hiệp ước Liên bang đó. Để hiểu rõ hơn sự việc trong tình huống nguy hiểm đó. Nhưng Gorbachev đã không đồng ý. Những người đã tới chỗ ông ấy nói rằng, ông ấy đã văng tục với họ. Rồi phảy tay, ý bảo, các vị muốn làm gì thì làm…

– Nhưng bản thân ông thì sao lại có mặt trong GKPCh? Ai đã “chiêu mộ” ông vậy?

– Tất cả chúng tôi đã gặp nhau tại trụ sở KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia). Gần như là toàn bộ chính phủ. Tại sao lại không phải gặp nhau trong Điện Kremli? Thì bởi hôm đó là thứ bảy. Ông Kryuskov (Chủ tịch KGB lúc đó) – đề nghị họp ở chỗ ông ấy. Có cả thảy 10 -15 người. Tại đó đã quyết định tới Foros gặp Gorbachev. Tôi không tới đó vì chỉ có mình tôi ở lại Moskva với “va li hạt nhân”. Và tôi có trách nhiệm phải đưa ra quyết định khi cần tiến hành đòn tấn công bằng tên lửa. Khi ấy có hai va li, một do Gorbachev giữ, một thì tôi giữ.

– Thế tiếp theo thì sao?

– Có khoảng 5 hay 6 người gì đó đã bay tới gặp Gorbachev. Họ trở về từ đó vào lúc khoảng 10 giờ đêm. Chúng tôi đã ngồi chờ họ trong phòng làm việc của Pavlov (Thủ tướng lúc đó). Trong Điện Kremli. Và khi những người bay về nói lại rằng rằng Gorbachev đã văng tục và không đồng ý ban bố tình trạng khẩn cấp, thì khi ấy, ông Yanayev (Phó tổng thống lúc đó) đã đề nghị: Thế thì chúng ta sẽ tự ban bố! Pavlov ủng hộ đề nghị này. Và thế là đã xuất hiện Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKPCh).

– GKPCh đã có một kế hoạch hành động rõ ràng?

– Chả có kế hoạch nào cả. Thậm chí không có cả văn bản lời kêu gọi nhân dân. Cũng không hề quyết định ai sẽ lên truyền hình phát biểu. Chính vì thế mới để truyền hình phát vở ballet “Hồ thiên nga” làm trò cười cho thiên hạ. Nếu thực sự đã có âm mưu đảo chính thì phải nghĩ ngay ra việc ai sẽ phát biểu, ai sẽ kêu gọi nhân dân…

“Không hề có chuyện chuẩn bị tấn công”

– Thế quân đội bằng cách nào mà lại dính líu vào cái GKPCh đó? Ông Yanayev ra lệnh: Chúng ta sẽ đưa quân vào? Hay chính ông tự giơ tay lên?

– Không ai giơ tay lên cả. Chúng tôi đã cùng ngồi quanh bàn. Chúng tôi đã chỉ đưa quân đội vào để bảo vệ các cơ sở mang tính chiến lược. Để khỏi xảy ra các vụ khiêu khích.

– Từ phía ai?

– Từ phía Yeltsin và những người ủng hộ ông ta. Họ đã tung ra những đồn đại.

– Đồn đại như thế nào?

– Họ tung tin rằng dường như chúng tôi đã giữ máy bay của ông ta lại, không cho ra khỏi Moskva, dù sự thực là ông ta sau trận đấu tennis đã đi tắm hơi và bay chậm hơn dự tính 4 giờ. Họ thậm chí còn tung tin đồn rằng chúng tôi đã muốn bắn hạ máy bay của Yeltsin. Nhưng đâu có ai nghĩ gì về chuyện này. Cũng không ai tính tới việc chiếm lấy Nhà trắng (nơi chính phủ Nga do Boris Yeltsin đứng đầu đang đóng trụ sở khi đó). Nhưng vì sao đấy mà họ lại dựng lên hàng rào chướng ngại vật xung quanh công trình ấy.

Ở thời điểm đó, người ta gọi điện thoại cho tôi – cần phải đưa lực lượng bảo vệ tới Nhà trắng. Tôi đã phái tướng Lebed (về sau trở thành người hùng ở khu vực Prdidestrovie, lãnh đạo Ủy ban An ninh Quốc gia và thống đốc khu vực Krasnoyarsk) cùng một tiểu đoàn lính dù tới đó. Tôi ra lệnh tới gặp Yeltsin, lúc đấy đang ở trong Nhà trắng, báo cáo là tòa nhà đang được bảo vệ. Nhưng Yeltsin lại hiểu việc đó theo cách của ông ấy, nhảy lên xe tăng và gào thét lên rằng, quân đội đã chuyển sang phía nhân dân… Đó đã là một trò đổi trắng thay đen.

– Khi đấy đã diễn ra thực nhiều trò.

– Đúng thế. Họ la toáng lên rằng Nhà trắng sẽ bị tấn công. Họ đẩy tình hình cho căng thẳng lên. Rồi Shevardnadze đã cầm súng tới đó. Rồi Rostropovich (danh cầm cello). Ông ấy còn gối đầu ngủ lên chân một người lính! Làm sao lính lại tấn công ông ấy được!

– Có lẽ họ đã hối tiếc rằng không có ai tấn công họ cả.

– Nếu đã định tấn công thì đã cắt hết điện nước đi rồi. Như Yeltsin từng làm năm 1993. Rồi sau đó sẽ xả súng vào chính quốc hội của mình. Nhưng chúng tôi đã không hề làm như thế.

“Họ đã bắt lộn ngược túi và buộc cho tôi phản bội tổ quốc”

– Gorbachev khi trở lại Moskva có làm gì đó để hiểu rõ hơn tình hình?

– Khi ông ấy được đưa về từ Foros, ông ấy đã cố tình hỏi: “Ai đã đứng đầu bè lũ?” Ừ, cứ cho đó là quyền của ông ta, muốn nói thế nào thì nói. Chả ai buồn tranh luận lại. Nhưng tất cả chúng tôi, toàn bộ ban lãnh đạo đã bay trên máy bay tổng thống để đưa Gorbachev về Moskva. Chúng tôi đã hy vọng rằng ông ấy sẽ hiểu là đất nước đang bị nguy cơ tan rã. Và Yeltsin cũng đã bay riêng. Và lấy cớ để cùng trò chuyện trên máy bay nên họ đã chuyển Kriuskov lên máy bay của họ. Để tách chúng tôi ra. Và tôi đã hiểu rõ thế có nghĩa là thế nào. Họ sẽ bắt chúng tôi.

Dù tôi chả khó khăn gì cũng có thể chiếm lấy tất cả các sân bay đó. Bằng bất cứ một nhóm quân nào.

Tôi nhìn quanh, trong sân bay Vnukovo rất đông người. Chạy đi, chạy lại. Nhốn nháo cả lên. Hai gã cao to và Baranikov, thủ lĩnh Bộ Nội vụ của họ, lại gần chỗ tôi. Tôi hiểu ra ngay lập tức.

– Họ đã nói gì với ông?

– Họ mời vào nhà. Tại đó có Stepankov, Tổng công tố CHLB Nga: “Ông đã bị bắt vì tội phản bội tổ quốc”. Thật kỳ cục. Tôi phản bội ai cơ chứ? “Chuyện đó thì hồi sau sẽ rõ”. Họ mời tôi vào xe. Tôi ngồi vào và hai lính gác hai bên. Tôi vẫn đang mặc quân phục. Xe phía trước chở Kryuskov. Tiếp sau là ba người bị bắt khác.

– Đó là vào ngày bao nhiêu vậy?

– Đêm 21 rạng ngày 22/8.

– Họ đã chở ông trên chiếc xe đó tới ngay nhà giam Bầu im lặng thủy quân?

– Không. Họ chở theo đường cao tốc Leningrad rồi quay về hướng hồ Senezh. Tôi từng tốt nghiệp trường cao đẳng quân sự tại đó năm 1942 và từ đấy đi ra chiến trường.

Họ chở tới nơi. Tại đó có những ngôi nhà nhỏ dựng theo kiểu Phần Lan. Họ đưa mỗi người vào một nhà. Họ đặt ngồi xuống cái đi văng ọp ẹp. Thẩm vấn viên Likanov tới, một gã mặt mày phương phi, nheo nheo mắt. “Cùng trò chuyện nhé?” Họ bắt đầu khám xét. Họ gọi hai anh lính tới làm người làm chứng. Và cái gã Likanov ấy bắt đầu lộn ngược túi tôi ra. Và hai cậu lính đó đứng nhìn, chắc nghĩ: Quái quỉ, thực là nhục nhã. Bắt đầu thẩm vấn. Tôi hỏi: theo điều khoản nào mà các ông buộc tội cho tôi? Theo điều 64 – “Phản bộ tổ quốc”. Tại sao các ông lại có thể buộc cho tôi cái tội đó được nếu như tôi từ năm 17 tuổi đã vào phục vụ trong quân đội? Tôi đã tham gia chiến đấu toàn bộ chiến tranh. Và sau chiến tranh, đã phục vụ từ một học viên quân sự lên tới chức bộ trưởng quốc phòng.

– Và câu trả lời đã là thế nào?

– “Cái này thì chúng tôi sẽ chứng mình”. Nhưng cho tới giờ họ vẫn không chứng minh được. “Phản bội tổ quốc”, rồi lại gán thêm cả tội “cướp chính quyền”. Và cũng không thể chứng minh được. Vì chính Gorbachev cũng đã nói: Tôi không cảm thấy tôi bị cướp mất quyền lực.

– Nhưng rồi cuối cùng họ cũng buộc được cho ông tội?

– Không hề! Rốt cuộc họ cũng chỉ đo được khoảng cách mà xe tăng đã đi qua trong thành phố Moskva để có thể gây nên tác hại. Tốn 70 triệu rub.

“Mọi sự đã rất trêu ngươi”

– Thế khi đó bà nhà có biết ông ở đâu không?

– Không ai biết cả

– Ông đã bị cách ly hoàn toàn?

– Đúng thế. Tới một giờ đêm thì có một thiếu tá ở Bộ Nội vụ tới đặt một quả táo lên nóc cái tủ con. Bảo, ông cầm lấy táo, chúng ta lên đường bây giờ.

Xe đi qua khu vực Tver, rẽ sang đâu đó. Lúc này trời đã rạng, le lói ánh sáng mặt trời. Tôi mặc quân phục thu đông. Một người tới đưa cho tấm áo khoác để che đi đôi quân hàm. Tôi bảo: Để làm gì? Cứ mặc cho mọi người nhìn thấy Bộ trưởng Quốc phòng đang bị áp giải đi.

Cuối cùng xe tới khu vực Kashino. Đó là một thị trấn nhỏ. Ở đó người ta đã dựng một nhà tù trong tu viện. Và họ giam chúng tôi ở đó.

– Thế ông có được gặp luật sư lần nào không?

– Không. Không có một luật sư nào cả. Họ đã cố tình giấu biệt chúng tôi đi. Một đêm trôi qua. Rồi hai đêm. Đến ngày thứ hai, có một người nào đó xách túi đồ tới, anh ta tự giới thiệu dường như mình là con rể của Masherov (Piotr Masherov, 1966-1980, từng là Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Belorussia, Ủy viên dự khuyết BCT BCHTW Đảng Cộng sản Liên Xô, qua đời trong một tai nạn xe hơi – TG).

Tôi lập tức hiểu ra rằng đó chỉ là một kẻ giả hiệu. Anh ta kể đủ thứ chuyện về Masherov. Tôi đã biết từ lâu chuyện Masherov chết khi vợ ông ấy đang ở Karlovy Vải. Khi đó, tôi đang là Tư lệnh Nhóm quân Trung tâm, chính tôi đã chở bà ấy và đưa lên máy bay. Tôi cảm thấy ngay là gã trai đang nói dối. Tôi bảo: Cậu thì biết gì mà bốc phét?

– Thế anh ta thì sao? Anh ta có hiểu là ông đã lột mặt anh ta không?

– Lại còn phải nói nữa! Tôi bảo anh ta: Đấy họ đã bắt tôi như thế này như thế kia. Và họ mang tới đây là để giấu nhẹm sự thật. Thế họ tìm ra cậu như thế nào?

– Anh ta đáp sao?

– Cười trừ. Rõ là một sự ngu ngốc ngây thơ.

– Thế anh ta có đặt ra các câu hỏi cho ông không?

– Không.

– Một con vịt ngốc nghếch.

– Anh ta hiểu là tôi đã hiểu.

– Và ông đã ngồi trong cái trại giam đó bao lâu?

– Hai đêm. Còn tới đêm thứ ba, vào khoảng 12 hay 1 giờ gì đó, thì họ đưa tôi đi.

– Các cuộc thẩm vấn đã diễn ra lúc đó ở trong tù?

– Đúng thế. Họ cố tra hỏi xem rốt cuộc ai là “đầu tầu” trong GKPCh. Ai đã giữ vai trò nào. Tôi nói: Các anh hãy thử xem ai có mặt trong GKPCh. Đó là cấp phó của Gorbachev, thủ tướng, tất cả các bộ trưởng, các bí thư BCH TƯ. Các anh định buộc cho ai tội phản bội tổ quốc? Tất cả đều là những kẻ phản bội ư?

Rồi sau đó, cũng vào lúc nửa đêm, họ đã chuyên chúng tôi tới trại giam Bầu im lặng thủy quân.

– Họ không còng tay các ông khi di chuyển ư?

– Không còng tay. Họ tước bộ quân phục của tôi, từ lúc ở trong tu viện.Họ mặc cho tôi áo tù. Đưa cho tôi cái quần rộng tới mức lúc nào cũng phải giữ cho khỏi tuột. Họ buộc cho bằng một cái dây để nó khỏi rơi xuống. Mọi sự đã diễn ra theo kiểu rất trêu ngươi. Như thể muốn bảo, bọn tôi thích gì thì làm ngay với ông, bọn tôi mới là chủ cuộc chơi.

“Đâu phải níu bám bổng lộc!”

– Quan hệ giữa ông với Gorbachev như thế nào?

– Ông ta đã luôn đối xử với tôi bình thường.

– Và vào tháng 5/1987 đã xảy ra chuyện nguyên soái Sokolov bị mất chức Bộ trưởng Quốc phòng.

– Đúng thế. Khi đó máy bay của Rust (một thanh niên người Đức) hạ cánh xuống quảng trường Đỏ. Ở thời điểm đó, ông Sokolov đang cùng Gorbachev, Shevardnadze và Ryzhkov ở Berlin. Khi họ trở về từ đó, họ đã quyết định họp Bộ Chính trị.

– Người ta bảo rằng Gorbachev đã nổi trận lôi đình…

– Không phải đâu. Cũng không nổi trận lôi đình lắm. Nhưng ông ấy nói với ông Sokolov: “Ông phải tự xác định thôi”. Và ba mươi phút sau nói với tôi: Chúng tôi đề nghị đồng chí giữ chức bộ trưởng quốc phòng. Tôi đáp: Thưa đồng chí Mikhail Sergeyevich, tôi mới chỉ làm việc ở cơ quan trung ương ba tháng, nhiều vấn đề còn chưa nắm được. Nhưng ông ấy lại bảo: Chúng tôi cho anh cả một ngày đêm để làm quen với cương vị mới…

– Và ông đã đồng ý?

– Thì còn biết làm gì nữa. Tôi là một quân nhân. Làm sao cưỡng lệnh được?

– Khi nào thì giữa ông với Gorbachev nảy sinh chuyện bất hòa?

– Theo tôi thì chưa khi nào cả.

– Và ông đã đồng tình với mọi hành động của Gorbachev trong mọi chuyện?

– Không phải thế. Khi ông ấy mời tất cả các thành viên chính phủ và thông báo về Hiệp ước Liên bang mới, tôi đã không đồng tình. Ông ấy có hỏi ý kiến của tôi. Tôi nói: Thưa Mikhail Sergeyevich, tôi hiểu vấn đề là, các lực lượng vũ trang sẽ đứng ra bảo vệ tất cả các quốc gia độc lập. Nhưng sẽ không thể có chuyện đó đâu. Tại sao ư? Mỗi một nước rồi sẽ muốn có riêng một đội quân danh dự của mình, một lực lượng quốc phòng của mình, một lực lượng cảnh sát của mình…Và chỉ khi đó nó mới là một quốc gia độc lập.

– Thế Gorbachev đã phản ứng ra sao?

– Ông ấy bảo: Anh không hiểu rồi! Chưa ai quyết định gì cả mà anh đã đưa ra trước bản án. Và từ đó Gorbachev thôi không mời cả tôi lẫn Kryuskov tới các cuộc họp như thế nữa.

– Tức là không mời tất cả những ai chống lại Hiệp ước Liên bang mới?

– Đúng thế. Chúng tôi còn bị đưa ra khỏi BCT. Gorbachev cải biến BCT theo tiêu chí dân tộc. Tất cả các bí thư các BCH TƯ của các nước cộng hòa đều mặc nhiên trở thành Ủy viên BCT. Vì làm như thế dễ cho ông ấy xây dựng Hiệp ước Liên bang mới hơn. Và tất cả đều đồng tình một khi họ đứng hàng đầu trong văn bản này.

– Bây giờ Gorbachev nói rằng, những người tham gia GKPCh muốn cứu không phải là Liên bang Xô viết mà là cố gắng níu bám bổng lộc của mình, ghế ngồi của mình. Chính vì thế nên mới âm mưu đảo chính.

– Tôi đã không tham quyền cố vị cái chức Bộ trưởng. Một năm trước vụ GKPCh, tôi đã tới gặp Gorbachev và nói: Tôi sắp 70 tuổi rồi. Cần phải tìm một vị tướng trẻ, thuộc thế hệ sau chiến tranh. Chúng tôi đã chủ định đưa ra một ghế thứ trưởng quốc phòng mới, và chọn tướng Achalov. Anh ấy trong một năm sẽ phải đi tới các quân khu, tìm hiểu xem quân đội bao gồm những yếu tố cấu thành như thế nào. Và tôi đã có quyết định tới mùa thu năm 1991 bàn giao lại chức vụ cho anh ấy. Tới ngày 8/11/1991 tôi tròn 70 tuổi

Chính vì thế nên tôi không hề có ý định tham quyền cố vị gì.

“Giá như bầu Yeltsin làm ủy viên Bộ Chính trị thì mọi sự đã diễn ra khác rồi”

– Ông có cho rằng Gorbachev và Yeltsin là những kẻ phản bội tổ quốc không?

– Thật khó nói. Theo tôi, Gorbachev ngay từ khi vừa lên nắm quyền lực đã… thôi không còn tin vào chính bản thân mình nữa. Còn Yeltsin đã không hề có gì chống lại chính quyền Xô viết cho tới khi ông ta bắt đầu bị chèn ép. Mặc dù là đại diện cho tổ chức đảng Moskva đông tới hàng triệu đảng viên, ông ta vẫn bị kìm lại ở vị trí ủy viên dự khuyết BCT. Điều này khiến ông ta cảm thấy khó ở. Tôi đã ngồi bên cạnh chỗ Yeltsin tại hội nghị lừng danh đó, khi ông ta bắt đầu phê phán tất cả mọi người và mọi sự. Ông ta hỏi tôi: Anh sẽ lên phát biểu chứ? Tôi đáp: Tôi chả có gì để nói cả. Ông ta bảo: Tôi thì sẽ lên nói. Và ông ta đã lên phát biểu. Nói vo. Muốn gì thì nói nấy. Điều chính yếu là – công cuộc cải tổ như đã được tuyên bố thì hiện không có gì nhúc nhích. Không có bất cứ sự cải tổ nào.

Nếu ông ta được bầu làm ủy viên BCT, mọi sự có lẽ đã diễn ra khác rồi. Cũng như nếu thiếu tướng Dudayev không bị quẳng ra ngoài khoang tầu mà được thăng lên cấp trung tướng thì mọi sự ở Chesnia cũng đã diễn ra khác và đã không bùng nổ chiến tranh ở đó.

– Ông sau khi được trả lại tự do có gặp lại Gorbachev không?

– Một lần duy nhất, đó là khi diễn ra phiên tòa xử Varennikov (đại tướng, thứ trưởng quốc phòng trong giai đoạn 1989-1991). Tất cả các thành viên GKPCh đồng ý để nhận ân xá, nhưng tướng Varennikov lại không đồng ý. Và ông ấy đã hành động đúng. Cá nhân tôi thì lại không thể làm được như Varennikov.

– Vì sao?

– Vì làm thế thì tôi có lẽ đã bị kết án. Tôi đã nói rồi: họ đã tìm ra bằng chứng kết tội – tôi (hay nói đúng hơn là xe tăng) đã làm hỏng đường đi ở Moskva. Còn Varennikov thì có thể đổ mọi sự cho Yazov. Yazov đã ra lệnh. Và tôi cũng không có gì để bác bỏ điều đó.

– Thế trong phiên tòa ấy, Gorbachev đã nói gì với ông?

– Ông ấy nói như tiện thể thôi: Tôi chỉ xót cho ông và cho Akhromeyev (cựu Tổng tham mưu trưởng, đã tự sát sau thất bại của GKPCh). Còn những người khác thì mặc xác họ.

– Thế còn ông thì nói gì?

– Tôi đã nói với ông ấy: Còn tôi thì xót vì chúng ta đã làm mất tổ quốc của mình. Ông ấy phảy tay rồi bỏ đi. Từ đó đến nay tôi không hề gặp lại ông ấy.

“Khi đó đã cần phải nói ra sự thật cho nhân dân được biết”

– Từ thời điểm đó tới nay ông có cảm thấy mình có phần trách nhiệm trong việc Liên bang Xô viết tan vỡ không?

– Tất nhiên là cảm giác nuối tiếc nào đó vẫn còn lại. Đã có thể hành động theo một cách khác. Nhưng không có nghĩa là đã cần phải giết hay bắn vào ai đó.

Quan trọng nhất là đã cần phải huy động nhân dân đứng lên. Cần phải nói cho nhân dân biết sự thật rằng người ta đang định làm tan rã Liên bang Xô viết.

Chỉ bây giờ nhân dân mới hiểu ra rằng, họ đã bị đánh lừa. Chứ khi đó thì không hề hiểu. Không ai tới mách bảo cho nhân dân biết cả…

Theo VNTINNHANH

Tags: , ,