Người không có đầu óc mới cười nhạo chuyện Việt Nam ‘cực lực phản đối’ Trung Quốc

Nhiều bạn, mỗi khi thấy Trung Quốc có những hành vi ngang ngược và người phát ngôn Bộ ngoại giao ta phản đối, quan ngại thì lại cho rằng ta bất lực. Mình nghĩ các bạn có thể bực mình, nhưng quan trọng hơn là trước đó bạn cần biết một chút về công pháp quốc tế, để có thể hiểu giá trị của lời phản đối ấy.

Người không có đầu óc mới cười nhạo chuyện Việt Nam ‘cực lực phản đối’ Trung Quốc

1. ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Luật quốc tế là hệ thống những nguyên tắc, qui phạm pháp luật, được các quốc gia xây dựng nên trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, thông qua đấu tranh và thương lượng để điều chỉnh mối quan hệ (chủ yếu là quan hệ chính trị) với nhau.

Khi một bên vi phạm, khác với luật quốc gia, không có cơ quan cưỡng chế Luật quốc tế. Các chủ thể tự thỏa thuận qui định các biện pháp cưỡng chế riêng lẻ hay tập thể với điều kiện phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế. Có nhiều mức độ: Nhẹ là buộc xin lỗi, yêu cầu phục hồi danh dự. Ở mức độ nặng là hủy bỏ điều ước quốc tế, cắt đứt quan hệ ngoại giao, trả đũa, giáng trả (để tự vệ) …

Để tham gia một điều ước quốc tế: Không có cơ quan lập pháp để xây dựng các qui phạm pháp luật của Luật quốc tế. Con đường hình thành nó là sự thỏa thuận giữa các quốc gia bằng cách ký kết các điều ước hoặc cùng nhau thừa nhận các tập quán quốc tế. Và vì vậy có hai loại thành viên của một Điều ước quốc tế là Thành viên sáng lập (có sáng kiến và tham gia đàm phán soạn thảo điều ước) và Thành viên hiệp ước (thừa nhận nội dung quy phạm và tham gia sau khi điều ước ra đời), có trách nhiệm và kế thừa nghĩa vụ như mọi thành viên khác. Những nguyên tắc trên được quy định tại công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế.

2. TÀU LẠ ĐÂM TÀU NGƯ DÂN, SAO KHÔNG BẮT?

Với các vụ tranh chấp trên biển Đông, cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên Công ước quốc tế của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) được ký kết năm 1982 có hiệu lực 1994. Vì thế cả hai bên có nghĩa vụ chấp hành.

Tại sao ta không bắt giữ các tàu Trung quốc hoặc tàu lạ đã đâm va vào tàu của ngư dân ta? Tại sao bộ đội biên phòng hoặc kiểm ngư của ta không truy đuổi hoặc nổ súng?

Theo quy định của UNCLOS khi có một vụ đâm va xảy ra nằm ngoài lãnh hải, quyền tài phán (xét xử) thuộc về quốc gia mà con tàu thủ phạm mang cờ, hoặc quốc gia mà thuỷ thủ có lỗi trong vụ đâm va ấy mang quốc tịch. Như vậy nếu có chuyện đâm va xảy ra giữa tàu Trung Quốc và tàu Việt nam mà thủ phạm là tàu Trung Quốc thì quyền xét xử thuộc về Trung quốc và ngược lại.

Còn truy đuổi: Việc truy đuổi chỉ được thực hiện khi một con tàu vi phạm lãnh hải, buôn ma túy, chở nô lệ hoặc tàu cướp biển. Việc truy đuổi chỉ được thực hiện trong lãnh hải, việc truy đuổi tới vùng tiếp giáp lãnh hải hoặc vùng biển quốc tế chỉ được thực hiện nếu sự truy đuổi- trốn chạy đó là liên tục, và phải dừng truy đuổi khi con tàu bị đuổi đã đi vào hải phận quốc gia khác. Như vậy nếu muốn đuổi một tàu lạ thì ta phải chắc chắn rằng nó vi phạm, phải đuổi liên tục, muốn vậy phải phát hiện sớm và tàu ta phải nhanh hơn tàu nó hoặc có tàu ở vòng ngoài để chặn đầu nó. Thành ra, người Việt đánh cá cần xác định mình đang ở khu nào để có thể ứng xử vừa hợp luật, vừa an toàn.

3. SAO VÔ LỚP MÀ CÒN NÓI CHUYỆN RIÊNG?

Tại sao đã là thành viên UNCLOS nhưng Trung quốc vẫn muốn đàm phán song phương với từng bên riêng lẻ trong tranh chấp biển đảo? Điều đó có sai không? Sao vô lớp (UNCLOS), cô đang giảng mà còn nói chuyện riêng với bạn?

Theo UNCLOS, hai (hoặc nhiều) quốc gia thành viên Công ước có thể ký các điều ước sửa đổi hay đình chỉ việc áp dụng các qui định của Công ước. Với điều kiện nội dung này chỉ áp dụng vào các mối quan hệ giữa họ với nhau, với điều kiện là nó không ảnh hưởng đến nội dung, mục đích và các nguyên tắc cơ bản đã được nêu trong Công ước, không ảnh hưởng đến quyền hay nghĩa vụ của quốc gia khác là thành viên Công ước. Khi ký xong với nhau, họ gửi lưu chiểu và xem như một phụ lục của UNCLOS.

Vì vậy ông Trung Quốc muốn đàm phán riêng với từng bên, nó không sai quy dịnh của UNCLOS mà lại có lợi thế cho Trung quốc về tương quan lực lượng. Việc chấp thuận “sáng kiến” này hay không tùy thuộc vào thế lực và ý chí của bên được đề nghị (như VN , Philippines …).

4. HIỂU “ĐẢO’’ Ở TRƯỜNG SA THẾ NÀO CHO CÓ LỢI?

Thực ra, Việt Nam không chỉ đương đầu với Trung Quốc mà còn phải đàm phán với nhiều quốc gia liên quan về Trường Sa.

Theo Điều 121 của UNCLOS thì đảo là nơi có dân cư sinh sống và có kinh tế riêng, được hưởng quy chế như đất liền.

Vì vậy nếu áp dụng điều này một cách cứng nhắc, cho rằng tất cả các đảo hoặc đá lớn nhỏ ở Trường Sa đều không phải là đảo thì lãnh hải vùng biển chúng ta không được mở rộng vì không được hưởng quy chế về lãnh hải.

Còn nếu mở rộng ra, coi tất cả các đảo và đá ở Trường Sa đều là Đảo, thì với quy chế quốc gia quần đảo, Philippine có quyền lấy những điểm đảo xa nhất về phía Tây của họ nối lại thành đường cơ sở để từ đó tính lãnh hải, như vậy thì biển của Phi sẽ chồng lấn với biển của ta.

Cách hiểu và vận dụng có lợi nhất là một số điểm đảo lớn, có người ở được hưởng quy chế đảo, khi đó ta có một số đảo như Trường Sa Lớn, Sơn Ca, Song Tử Tây, Sinh Tồn… được hưởng quy chế này, từ đó lãnh hải được công nhận ở mức rộng nhất.

5. “CỰC LỰC PHẢN ĐỐI”: ĐẤT TRANH CHẤP THÌ KHÔNG CẤP SỔ ĐỎ

Về nguyên tắc, một quốc gia được công nhận có chủ quyền với một vùng lãnh thổ, biển đảo khi đã kiểm soát, quản lý trên thực tế một thời gian nhất định mà không vấp phải sự phản đối của các quốc gia khác.

Vì lẽ đó, khi Trung quốc có hoạt động gì ở Hoàng Sa thì ta đều phải phản đối mạnh mẽ, liên tục. Nếu ta im, xem như ta thừa nhận, sẽ là cơ sở để họ hợp thức hóa và có sổ đỏ cho quần đảo này. Khi đó thì cái mất không chỉ là đảo mà là biển. Bởi với quy chế đảo, họ có quyền dùng nó làm cơ sở xác định lãnh hải tính từ Hoàng Sa.

Vì thế, các bạn không nên chế giễu nếu chưa hiểu giá trị của sự phản đối. Đoạn này mình mượn lại lời của Hoang Trong Hieu:

“Trung quốc đã kiểm soát hoàn toàn Hoàng Sa từ 1974 và họ thực tế đã thực thi quyền quản lý “liên tục” từ bấy đến nay đối với quần đảo này. Việc quản lý này sẽ được thêm yếu tố quan trọng thứ hai là “không có tranh chấp” nếu Trung quốc không bị nước nào phản đối. Và lời tuyên bố của chị Phan Thúy Thanh hồi xưa và anh Lê Hải Bình bây giờ là để chặn việc Trung quốc đạt được nốt yếu tố quan trọng này, giá trị pháp lý của nó cũng không kém gì việc Việt Nam đưa tàu chiến ra bắn nhau với tàu Trung quốc ở Hoàng Sa đâu.

Lời tuyên bố của các thế hệ người phát ngôn nghe thì rất là “lời nói gió bay”, nhưng nó rất quan trọng để duy trì được quyền pháp lý của Việt Nam tham gia giải quyết vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa trong tương lai – khi  Việt Nam có một điều kiện tốt hơn hoàn cảnh hiện tại!”.

Theo NGUYỄN ĐỨC HIỂN FACEBOOK

Tags: