Nghi thức tôn giáo thuở sơ khai và thách thức Thời Trục

Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng niềm tin tôn giáo là kết quả suy ngẫm của từng cá nhân đơn lẻ, nhưng chúng thực sự mang tính xã hội.

Nghi thức tôn giáo thuở sơ khai và thách thức Thời Trục

Tác giả: Brandon Ambrosino / BBC Future. Brandon Ambrosino viết bài cho New York Times, Boston Globe, The Atlantic, Politico, Economist và các báo khác. Ông sống tại Delaware.  

Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên vì, như tôi đã phân tích trong loạt bài này, tôn giáo xuất hiện từ một quá trình tiến hóa vốn buộc loài vượn người phải trở nên có tính kết nối cộng đồng cao hơn

Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để duy trì được sự bền vững của cộng đồng một khi cộng đồng đó phát triển, có đông thành viên hơn nữa, nhà tâm lý học tiến hóa Robin Dunbar giải thích.

Trước khi tổ tiên của chúng ta định cư thành các làng xóm, họ chỉ đơn giản là “di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác khi có mâu thuẫn”.

Tuy nhiên, sau khi định cư, họ vẫn phải đối mặt với một vấn đề rất nghiêm trọng: “làm thế nào để không để xảy ra tình trạng mọi người tàn sát nhau”. Thế là bắt đầu xuất nhu cầu quan tâm chăm sóc gây cảm tình thông qua đụng chạm cơ thể – chải lông, bắt rận – nhằm tăng tình cảm gắn bó giữa các cá thể trong cộng đồng.

Quá trình kết thân giữa các cá thể diễn ra dựa vào các hệ thống endorphin trong não, được kích hoạt bởi tập tính chải lông bắt rận nhằm tăng tình cảm bầy đàn, gây dựng cảm tình với nhau.

Đối với các nhóm lớn, Dunbar nói, việc lấy lòng bằng cách tiếp xúc trực tiếp có hai nhược điểm: tại bất kỳ thời điểm nào thì việc chải lông bắt rận cũng chỉ có thể thực hiện được với một cá thể; và mức độ đụng chạm thân mật đòi hỏi phải có mối quan hệ thân thiết.

Dữ liệu gần đây cho thấy các loài linh trưởng trong đời sống hoang dã dành tối đa là 20% thời gian hoạt động hàng ngày vào việc chải lông bắt rận cho nhau.

Dunbar tính toán rằng điều này chỉ có thể xảy ra ở các quần thể có dưới 70 cá thể, tức là thấp hơn đáng kể so các nhóm người hiện đại vốn thường có khoảng 150 thành viên.

Cho nên vấn đề nảy sinh là cần tìm cách thúc đẩy mối liên kết xã hội mà không cần đến phải dùng đến việc gần gũi thân mật.

Tiếng cười và âm nhạc là những giải pháp tốt, mà Dunbar cho rằng hai thứ này tạo ra các hiệu ứng giải phóng endorphin tương tự như đụng chạm cơ thể.

Ngôn ngữ cũng có tác dụng, một lý thuyết mà Dunbar đã khám phá từ rất lâu trong cuốn sách Grooming, Gossip, and the Evolution of Language (Chải Lông Gây Cảm Tình, Tán Gẫu Và Sự Tiến Hóa Của Ngôn Ngữ).

Do những hiệu ứng này có thể đạt được mà không cần đụng chạm cơ thể, chúng giúp gắn bó cộng đồng ở quy mô lớn hơn nhiều.

Theo Dunbar thì tôn giáo phát triển theo cách cho phép nhiều người cùng tham gia kích hoạt giải phóng endorphin.

Những nghi thức tôn giáo thuở sơ khai

Nhiều nghi thức liên quan đến tôn giáo, như hát, múa và các tư thế mô phỏng khác nhau để cầu nguyện, “là những kích hoạt tố cực kỳ tốt lên hệ thống endorphin, bởi chúng gây áp lực căng thẳng tinh thần hoặc đau đớn thể chất lên cơ thể.”

Một nghi thức Dunbar cho rằng có liên quan trong các tôn giáo có thầy cúng hay pháp sư, thầy phù thuỷ – tức những loại tôn giáo xuất hiện sớm nhất trong số các loại tôn giáo không có giáo lý – là lên đồng.

Dunbar nói nghi thức này là để khôi phục trạng thái cân bằng xã hội.

Trong thực tế, ông nói, hiệu quả dược lý (trong việc giải phóng endorphine) khi tham gia lên đồng cũng tương tự như hành vi đụng chạm khi chải lông: các cá nhân cảm thấy họ rất gắn bó gần gũi với nhau.

“Khi bước ra khỏi trạng thái này, bạn cảm thấy thư thái bình yên và gắn bó với những người đã tham gia cùng bạn,” Dunbar nói.

“Sau đó, bạn bắt đầu hỏi rốt cuộc đó là thứ gì. Làm sao mà tôi lại cảm thấy dễ chịu sau khi tham gia?”

“Tiếp đến có lẽ sẽ xuất hiện một ít những nhà thần học thông tuệ có thể lý giải việc đó. ‘Ta sẽ giải thích cho ngươi mọi nhẽ!’ Thế là bạn đã sẵn sàng tiếp nhận các tôn giáo mang tính chất giáo lý cao hơn.”

Nhưng những điệu nhảy lẻ tẻ này chỉ có tác dụng cho đến khi tổ tiên chúng ta bắt đầu sống ổn định.

Khi những người săn bắn hái lượm hình thành các nơi chốn sinh sống ổn định, khoảng 12.000 năm trước, cần phải có một điều gì đó bền vững hơn để khuyến khích dân chúng cư xử nền nếp với nhau.

Đặc biệt với sự căng thẳng gây hấn mới phát sinh khi bắt buộc phải sống trong những nhóm lớn là không thể tránh khỏi.

Việc lên đồng có thể thực hành trong các cộng đồng đông dân này với tần suất định kỳ – chẳng hạn như hàng tháng – nhưng cần phải có các nghi thức được thực hiện đều đặn hơn để khuyến khích sự gắn kết xã hội.

Cách mạng nông nghiệp và sự ra đời của các khu định cư

Sự hình thành các nơi chốn sinh sống ổn định lâu dài tương ứng với sự ra đời của nền nông nghiệp.

Cuộc cách mạng nông nghiệp, hay thời đồ đá mới, bắt đầu từ vùng đất Trăng Lưỡi Liềm Màu Mỡ ở Trung Đông, nơi được coi là cái nôi của nền văn minh nhân loại.

Dunbar nói rằng tại các khu định cư này xuất hiện không gian tâm linh đầu tiên trong lịch sử, trong đó lâu đời nhất là Gobekli Tepe ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Được khảo sát lần đầu tiên vào thời thập niên 1960, địa điểm này được khai quật từ năm 1996-2014 bởi một nhóm do nhà khảo cổ học người Đức Klaus Schmidt dẫn đầu.

Trong bài báo đăng trên thuộc Tạp chí Smithsonian năm 2008, Schmidt đã gọi nơi này là “thánh đường trên ngọn đồi” đầu tiên của nhân loại.

Gobekli Tepe, có nghĩa là “đồi bát úp” theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, là nơi không có dân cư, có vẻ như là nơi có nhiều ngôi đền khác nhau được dựng lên bằng những cây cột. Nó được cho là đã tồn tại từ khoảng 10.000 năm trước Công nguyên.

Như nhà sử học David Christian viết trong cuốn Câu Chuyện Nguồn Gốc: Lịch Sử Vĩ Đại Về Vạn Vật (Origin Story: A Big History of Things), nông nghiệp là một sự đổi mới vĩ đại, kỳ diệu.

Thật vậy, nông nghiệp là một cột mốc lớn mà một khi vượt qua được, tổ tiên chúng ta tiến vào một hành trình phát triển như vũ bão tạo ra các xã hội phức tạp hơn, thống trị lịch sử cận đại của loài người.

Khi dân số tăng, tại các khu định cư đông dân, xã hội ngày càng trở nên phức tạp, và thế là các mạng lưới chính trị, kinh tế và quân sự bắt đầu xuất hiện, Christian nói.

Trật tự xã hội dần được hình thành

Để phù hợp với các nhóm lớn như vậy, những quan niệm trước đây chủ yếu về mối quan hệ huyết thống họ hàng thân thích phải được cải tiến bằng “các quy tắc mới về tài sản, quyền hạn, thứ hạng tầng lớp xã hội và quyền lực.”

Kết quả của bảng xếp hạng mới này là khái niệm chuyên biệt hóa, dẫn đến sự phân chia các giai cấp khác nhau trong xã hội. Một số trở thành những người cai trị, một số là thương nhân, một số là linh mục.

Tương phản với nhu cầu tôn giáo của con người trong thời săn bắn hái lượm, các nghi thức tôn giáo của người thời đại đồ đá mới “tập trung tất cả vào một người, là vị vua thiêng liêng, được coi như vị thần hoặc á thánh, và một số ít người gồm các tu sỹ hoặc người thuộc dòng dõi hoàng thất,” nhà xã hội học quá cố Robert Bellah viết.

Điều quan trọng là trong thời kỳ này, “vua và thần linh đã kết hợp với nhau… và tiếp tục duy trì mối liên kết bền chặt đó trong suốt quá trình lịch sử”.

Thời Trục

Và rồi sự liên kết đó đã bị thách thức trong giai đoạn mà một số người gọi là Thời Trục (Axial Age).

Khái niệm ‘Thời Trục’ do nhà triết học Karl Jaspers đưa ra, dùng để chỉ thời kỳ diễn ra những thay đổi sâu rộng trước Công Nguyên ở Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Israel và Hy Lạp.

Jaspers nói rằng đó là lúc mà “con người bắt đầu nhận thức rõ ràng về việc mình Tồn Tại như một cá thể trọn vẹn” và “đạt tới trải nghiệm tuyệt đối về những thay đổi nhanh chóng”. Khi đó, nhân loại đã “bước chân vào thế giới vạn vật bao la”.

Khái niệm tính hướng trục là điều gây tranh cãi, theo Jasper.

Không chỉ có những ý kiến khác nhau về chuyện giai đoạn lịch sử này là gì, xảy ra vào khi nào, mà, như Bellah đã lưu ý, phần lịch sử Jaspers nêu ra rất giống với triết lý sinh tồn của ông.

Tuy nhiên, Bellah nghĩ rằng khái niệm này đáng để cân nhắc, dẫu cho nó cần phải được cân nhắc bằng những đánh giá dè dặt.

Dù chúng ta có bỏ qua triết lý của Jaspers thì vẫn không thể phủ nhận rằng sự chuyển đổi lớn về nhận thức đã xảy ra rất nhanh trong Thiên niên kỷ 1 trước Công Nguyên.

Khi tôi hỏi Dunbar rằng liệu ông có đồng ý với giả thuyết Thời Trục không, ông nói, “nếu ý ông cho rằng giả thuyết này đề cập đến một giai đoạn chuyển đổi trong đó có sự xuất hiện đột nhiên và nhanh chóng của các tôn giáo với các nghi lễ và hệ thống giáo lý, thì câu trả lời là có.”

Vậy bản chất hướng trục là gì trong thời đại này?

Đầu tiên, tất cả những cái gọi là đột phá trục xảy ra bên ngoài các trung tâm đế quốc.

Bellah nói rằng cuộc cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nước đã “tạo điều kiện cho các học giả tuỳ ý bôn tẩu mà không chịu sự ràng buộc từ giới tăng lữ hoặc quan lại trung ương tập quyền”.

Đặc điểm của Thời Trục là các gương mặt tên tuổi của thời này có thể đứng từ bên ngoài mà chỉ trích chính quyền trung ương. Trên thực tế, một sử gia đã gọi Thời Trục là “thời đại chỉ trích”.

Bellah nói rằng câu hỏi quan trọng nhất trong giai đoạn đột phá này là, “ai là bậc quân vương, là người thực sự thực thi công đạo?”

Cho nên, chẳng hạn như ở Hy Lạp, triết gia Plato giảng giải rằng chúng dân chớ hướng vào những người thuộc giới quý tộc như Achilles, mà cần học hỏi triết gia Socrates.

Ở Ấn Độ, Đức Phật là người từ bỏ ngai vàng. Và ở Israel, sự hợp nhất giữa Thần linh và vua đã phá vỡ những câu chuyện tiên tri về việc Đức Chúa Trời (YHWH) tuỳ ý phế truất và lập các vị vua.

Nói tóm lại, Bellah nói, tính hướng trục bao gồm khả năng hình dung ra các mô hình mới, thực tiễn, hấp dẫn hơn để thay thế cho các mô hình đã có.

Chìa khóa cho sự chuyển đổi sang thời đại chỉ trích này là khả năng phát minh hình vẽ (ký hiệu tượng hình) và lưu giữ trí nhớ dưới dạng văn bản, nếu không có cầu nối chuyển giao này thì sẽ không thể xảy ra sự chuyển dịch từ Thời Đồ Đá Mới sang con người hiện đại, theo Bellah.

Nếu không có khả năng lưu trữ thông tin bên ngoài bộ não con người, con người sẽ không thể phát triển tư duy bậc cao. Và nếu không có điều đó, chúng ta sẽ không bao giờ có thể mã hóa các trải nghiệm tôn giáo của mình thành các học thuyết thần học phức tạp.

Chắc chắn là học thuyết và sự phân tích đã tồn tại từ trước khi có chữ viết, như Bellah thừa nhận.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua thực tế rằng ngôn ngữ truyền miệng và ngôn ngữ bằng văn bản cùng tồn tại đan xen theo các cách khác nhau, khiến khó có thể nói rằng thứ gì đó là hệ quả của duy nhất chữ viết.

Tất nhiên, như Bellah lưu ý, chúng ta cũng không thể coi nhẹ tầm quan trọng của chữ viết, công cụ đã cho phép các câu chuyện được viết ra, được tìm hiểu và so sánh, “do đó làm tăng khả năng suy ngẫm, phân tích”.

Lối tư duy mà ông thấy xuất hiện trong Thời Trục là học thuyết về các học thuyết, tư duy về các lối tư duy.

Chính khả năng tư duy bậc cao đã dẫn đến bước đột phá về tôn giáo và triết học: “không chỉ là sự đánh giá lại quan trọng về những gì đã được lưu truyền từ đời trước, mà còn là một khám phá mới về bản chất của thực tế, quan niệm thượng tôn sự thật trước những gian dối có thể bị phán xét, và niềm tin rằng sự thật điều có tính phổ quát chứ không phải là điều mang tính địa phương cục bộ”.

Sử gia Antony Black, người cực lực phản đối quan niệm của Jaspers về Thời Trục, cũng đồng ý rằng trong cùng khoảng thời gian đó đã xuất hiện “một cách tiếp cận về cái tôi và vũ trụ hợp lý, sâu sắc hơn, mang tính phản ánh, giác ngộ, đồng thời mạch lạc hơn…. Tựu chung lại chính là một cách giải thích mới về trải nghiệm và một loạt các mục tiêu mới của chúng ta.”

Nói tóm lại, dấu ấn hướng trục của Thời Trục vẫn còn đến tận ngày hôm nay.

“Các thành phần cơ bản trong lối tư duy của chúng ta và sự khởi đầu của các tôn giáo trên thế giới mà con người vẫn đang theo đuổi đã được tạo ra trong thời kỳ này,” Jaspers viết.

Tất nhiên, những tôn giáo và triết học này đã trải qua một số thay đổi, nhưng chúng đại diện cho những thứ mà từ đó hình thành nên tất cả các tôn giáo đương đại của chúng ta.

Theo BBC FUTURE 

Tags: , ,