NATO bành trướng về phía Đông và hệ lụy tới an ninh toàn cầu

Bất chấp sự phản đối gay gắt của Nga, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương vẫn không ngừng kết nạp thành viên mới, tiến sát biên giới nước Nga, làm cho quan hệ hai bên leo thang căng thẳng và có thể dẫn đến cuộc “chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0”. Việc tổ chức này mở rộng về “phía Đông” ra sao và hệ lụy của nó đối với an ninh toàn cầu đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.

NATO mở rộng về phía Đông và hệ lụy tới an ninh toàn cầu

Bảy thập kỷ “Đông tiến” và giọt nước tràn ly

Lẽ ra, sau khi khối Warszawa (do Liên Xô đứng đầu) tan rã, thì Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng sẽ giải thể do không còn đối trọng, thế nhưng, tổ chức này không những không giải thể mà còn liên tục kết nạp nhiều thành viên mới. Ban đầu khi thành lập (năm 1949) chỉ với 12 nước thành viên, trải qua 08 lần kết nạp, đến nay, NATO đã nâng tổng số thành viên lên 30 nước, trong đó có những nước trước đây thuộc khối Warszawa, như: Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary (kết nạp năm 1999), Slovakia, Romania, Bulgaria (kết nạp năm 2004), Albania (kết nạp năm 2009). Mặc dù Liên Xô tan rã, song NATO luôn coi Nga – quốc gia tiếp quản gần như toàn bộ “di sản” của Liên Xô là mối đe dọa an ninh hàng đầu; do đó, tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh này liên tục đẩy mạnh hoạt động “Đông tiến” với ý đồ dập tắt những hy vọng của Moskva trong việc khôi phục vị thế siêu cường của Liên Xô trước đây. Với việc mở rộng thành viên, NATO đã có điều kiện thực hiện kế hoạch triển khai vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự đến các nước ở Đông Âu để sẵn sàng đối phó với những bất ổn về an ninh ở phía Đông. Ngoài ra, còn là cơ sở quan trọng để tổ chức này tiến hành các cuộc diễn tập quân sự thường niên tại vùng Baltic và xây dựng một liên minh để gây sức ép với Nga thông qua các lệnh trừng phạt, cũng như thu hẹp ảnh hưởng của Nga ở khu vực.

Trước ý đồ của NATO, Moskva cho rằng, tổ chức này cùng một số nước phương Tây khác đã đối xử không công bằng với xứ sở Bạch Dương khi họ không đặt Nga ở vị trí quan trọng trong cấu trúc an ninh châu Âu và người dân các nước thuộc NATO luôn mang tư tưởng thù địch với Nga. Bên cạnh đó, Nga cũng quy kết NATO chính là nhân tố thúc đẩy các cuộc “cách mạng màu” trong không gian hậu Xô Viết nhằm kiềm chế, bao vây Nga về mọi mặt, phá vỡ thế cân bằng chiến lược đang có giữa Nga với NATO. Những hành động “ăn miếng, trả miếng” đã làm cho quan hệ hai bên liên tục leo thang căng thẳng.

Cuộc đảo chính tại Ukraina năm 2014 lật đổ chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovich được cho là sự kiện quan trọng đánh dấu quan hệ hai bên tụt dốc. Trên thực tế, khi NATO kết nạp thêm thành viên, nhất là kết nạp các quốc gia Đông Âu, thì Nga đã lên tiếng phản đối và có hành động đáp trả. Do đó, việc một số quốc gia trong không gian hậu Xô Viết bày tỏ nguyện vọng gia nhập NATO và tổ chức này có ý định trao tư cách thành viên cho họ, thì Moskva đưa ra cảnh báo về “lằn ranh đỏ”, đe dọa an ninh quốc gia Nga. Tổng thống Vladimir Putin cũng nhiều lần nhấn mạnh: các nước thuộc không gian hậu Xô Viết không chỉ là quốc gia láng giềng, mà là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa và tinh thần của nước Nga. Xét trên góc độ địa chính trị, các nước này vốn được xem là “vùng đệm” ngăn cách Nga với NATO, nên việc họ gia nhập NATO sẽ làm Nga mất vùng đệm chiến lược, phá vỡ cấu trúc an ninh, đe dọa không gian sinh tồn và làm suy giảm ảnh hưởng địa chính trị mà Nga có được trong thời kỳ hậu Xô Viết. Để duy trì vùng đệm chiến lược và ngăn chặn các mối đe dọa an ninh từ bên ngoài, Nga phải hành động kịp thời và nỗ lực chống lại việc mở rộng ảnh hưởng về phía Đông của NATO. Theo đó, Nga yêu cầu NATO rút toàn bộ lực lượng, phương tiện quân sự khỏi những nước gia nhập liên minh NATO sau năm 1997, gồm: Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan. Ngoài ra, Điện Kremly cũng muốn NATO không kết nạp Ukraina vào khối, không diễn tập quân sự tại Trung Á, Đông Âu, Ukraina và các nước vùng Kavkaz nếu chưa có sự đồng thuận từ Nga.

Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Krym (2014), NATO đã đình chỉ quan hệ đối tác vì hòa bình với Nga; đồng thời, coi nước này là mối đe dọa an ninh hàng đầu đối với khu vực. Vì vậy, những đề xuất an ninh mà Moskva cho là cốt lõi đã bị NATO thẳng thừng từ chối. NATO cũng cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế khi cho rằng nước này đứng đằng sau lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraina. Những bất đồng trên cùng với việc NATO chính thức tiếp nhận đơn xin gia nhập của các nước: Gruzia, Bosnia – Herzegovia và Ukraina (2021) là “giọt nước tràn ly”, thổi bùng xung đột Nga – Ukaine. Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, thời gian qua, NATO luôn nỗ lực đưa thế giới trở về trạng thái đơn cực như thời kỳ chiến tranh Lạnh, cho dù tổ chức này luôn khẳng định là một liên minh phòng thủ, không đe dọa an ninh của bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, thực tế chứng minh, NATO đã nhiều lần dịch chuyển phòng tuyến từ “Bức tường Berlin” tới sát lãnh thổ của Nga. Còn Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng nhấn mạnh, những phát ngôn về nỗ lực mở rộng NATO gần biên giới Nga không còn là lời nói suông và không phải là một tập hợp những mối đe dọa thông thường; vì vậy, cần phải sẵn sàng chuẩn bị cho các hành động gây hấn.

Những hệ lụy khi NATO “mở rộng”

Theo các chuyên gia quân sự quốc tế, cuộc xung đột tại Ukraina đã phá vỡ cấu trúc an ninh tại châu Âu vốn được lập từ sau chiến tranh Lạnh và một trật tự thế giới mới có thể sẽ được hình thành. Điều này được minh chứng thông qua việc Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO (15/5/2022). Việc hai quốc gia trung lập sẵn sàng từ bỏ lịch sử của mình để ưu tiên cho chính sách đối ngoại và an ninh, thực chất là tránh để rơi vào tình cảnh “tiến thoái, lưỡng nan”, khi sự đối đầu giữa các cường quốc có thể dẫn đến cuộc “chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0”. Tuy nhiên, việc hai nước này xin gia nhập NATO có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và NATO.

Phần Lan là quốc gia dân chủ, theo chế độ cộng hòa nghị viện, sở hữu lực lượng quân đội tinh nhuệ cùng nhiều vũ khí, trang bị hiện đại và chính sách huy động lực lượng linh hoạt. Đây là quốc gia có lực lượng Không quân tương đối mạnh với gần 300 máy bay các loại, trong đó hơn 50 máy bay tiêm kích hiện đại, nước này mới đặt mua thêm 64 máy bay F-35. Bên cạnh đó, Không quân, Hải quân Phần Lan cũng thường xuyên hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng biển Baltic nên có thể xử lý được các tình huống phức tạp. Còn Thụy Điển, mặc dù lực lượng quân đội chính quy không nhiều, nhưng sức mạnh của quân đội lại nằm ở hệ thống vũ khí, trang bị, với các phương tiện tác chiến điện tử và giám sát đường không tiên tiến; hệ thống pháo thông minh và ra đa phản pháo hiện đại cùng máy bay tiêm kích đa năng JAS 39 Gripen và hệ thống cảm biến có thể thu thập dữ liệu ở toàn bộ vùng biển Baltic, v.v. Ngoài ra, Thụy Điển còn nằm ở vị trí chiến lược quan trọng đối với khu vực khi có tới 2.400 km bờ biển và một phần lãnh thổ ở Bắc Cực. Nếu hai nước Bắc Âu này được kết nạp, đường biên giới trên bộ của NATO tiếp giáp với Nga sẽ tăng gấp đôi (từ 1.207 km lên 2.575 km), tạo thành một vòng cung bao vây phía Bắc xứ sở Bạch Dương. Khi đó liên minh quân sự này có thể tổ chức tập trận và thiết lập các cơ sở quân sự ngay sát biên giới với Nga và vùng Kaliningrad cùng cảng biển Saint-Petersbourg của Nga sẽ bị cô lập hơn nữa, biển Baltic có nguy cơ biến thành “ao nhà” của NATO, thậm chí, NATO có thể tiến sát bán đảo Kola.

Với Nga, bán đảo Kola được coi là pháo đài quân sự bất khả xâm phạm, vùng lãnh thổ quan trọng trong cấu trúc an ninh, bởi từ đây Nga có thể tiếp cận vùng biển Barent và biển Bắc. Tại Bắc Cực, lợi thế cũng đang thuộc về Nga khi nước này đã thiết lập 10 sân bay quân sự, 01 hạm đội tàu phá băng hạng nặng với gần 40 chiếc cùng hệ thống phòng không đặc biệt. Theo một số thông tin, Kola còn là nơi tập trung vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, khi phần lớn tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội phương Bắc đồn trú tại vịnh Kola; sân bay vũ trụ Plesetsk, nơi chứa các tên lửa đạn đạo nhiệt hạch RS-24, cũng nằm trên bán đảo Kola. Chính vì vậy, Nga sẽ không ngồi yên nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Điều này được Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov khẳng định: động thái xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ là một sai lầm gây hậu quả sâu rộng, khiến mức độ căng thẳng quân sự trong khu vực này có thể sẽ gia tăng và khó dự đoán. Hiện Nga chưa đưa ra phản ứng cụ thể, tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, Nga chắc chắn sẽ tính đến việc triển khai vũ khí hạt nhân sát biên giới Phần Lan và vùng biển Baltic nếu NATO điều lực lượng đến Phần Lan. Trong trường hợp NATO lắp đặt các khí tài quân sự quan trọng hoặc đồn trú một lượng lớn quân tại Phần Lan thì sự đáp trả của Nga có thể sẽ quyết liệt hơn. Nói cách khác, nếu Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên chính thức của NATO thì cuộc chạy đua vũ trang tại châu Âu sẽ tăng tốc, “bóng ma” chiến tranh Lạnh có nguy cơ quay trở lại với mức độ tàn khốc hơn.

Nhiều phân tích chỉ ra rằng, cuộc “chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0” nếu xảy ra sẽ làm thế giới phân cực sâu sắc hơn giữa một bên là Nga cùng một số nước khác và bên còn lại là NATO. Hiện nay, các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn đều có lợi ích đan xen và sự phụ thuộc lẫn nhau, cho nên sự đối đầu này sẽ khác xa thời kỳ NATO đối đầu với khối Warszawa trước đây. Nói một cách cụ thể hơn, căng thẳng giữa hai bên sẽ làm cho hàng loạt vấn đề quốc tế lâm vào bế tắc, như: tình hình trên bán đảo Triều Tiên, chương trình hạt nhân của Iran hay tình hình Afghanistan cũng như tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải,… và mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống: chống biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực,… cũng sẽ bị cản trở.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, nếu NATO tiếp tục “lấn sân” không gian hậu Xô Viết, vượt qua “lằn răn đỏ” của Nga thì gần như chắc chắn, Điện Kremly sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng, khi đó một cuộc xung đột mới -“chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0” sẽ nổ ra và có thể gây ra hậu quả khôn lường đối với khu vực và thế giới cả về kinh tế, chính trị, an ninh và quân sự. Dư luận quốc tế hy vọng, lãnh đạo hai bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán, giải quyết những bất đồng bằng biện pháp hòa bình và tìm cách “hạ nhiệt” căng thẳng. Có như vậy hòa bình, ổn định khu vực và thế giới mới được bảo đảm, bởi những gì đang diễn ra tại châu Âu hiện nay mới chỉ là khởi đầu của thời kỳ biến động mới.

Theo TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN

Tags: , ,