Nạn nhân của những thí nghiệm chính sách trong giáo dục đại học

Nhiều năm trở lại đây, hệ thống giáo dục đại học và giảng viên đại học ở Việt Nam ngày càng bị chỉ trích nặng nề trên nhiều khía cạnh. Sinh viên ra trường không có việc làm, số bài đăng báo quốc tế của giảng viên thấp, phương pháp giảng dạy lạc hậu trong khi số tiến sĩ, thạc sĩ thì lại tăng cao là một vài trong số đó.

Bài viết của tác giả Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Anh.

Sinh viên thất nghiệp: tại thầy, tại trò hay tại Nhà nước?

Không ít lần người viết thấy các thảo luận trên các phương tiện truyền thông coi việc sinh viên thất nghiệp hoặc không làm được việc ngay lập tức cho doanh nghiệp là lỗi hoàn toàn của trường đại học Việt Nam hoặc một hệ thống định hướng nghề nghiệp kém từ trung học. Có phải sự thật là như vậy không?

Thất nghiệp trong sinh viên cao là hiện tượng phổ biến hiện nay trên thế giới vì số đào tạo tăng cao trong khi công nghệ đổi mới thường xuyên khiến các công việc truyền thống cần bằng đại học như ngân hàng, kế toán, luật sư, bác sĩ… cũng đổi thay một cách nhanh chóng. Những người “đi học cho có” thì khi ra trường không thể thích ứng được với sự thay đổi.

Có những người đi học đại học kiểu “học đại”, hy vọng ra có việc làm, thì tự nhiên sẽ có những trường đại học không có chất lượng mọc lên đáp ứng yêu cầu đó. Những trường đó cũng chỉ cần một ai đó có một tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ nào đó để đứng lớp lấp đầy chỗ dạy.

Có cầu ắt có cung, nhiều người đi dạy đại học xem đó chỉ là phương tiện kiếm sống hoặc “trạm dừng chân” do biến động của thị trường lao động hoặc thị trường tài chính. Họ cố gắng tồn tại mà không cần nghiên cứu khoa học, chỉ là những cái máy dạy ở những ngôi trường đại học chất lượng kém.

Sự tồn tại của những người dạy đại học như vậy và những sinh viên như vậy bản thân nó là do “lỗi hệ thống” – cho phép mở trường đại học tràn lan và thiếu kiểm tra, giám sát và xử lý các trường kém chất lượng.

Thực tế thì việc sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều một phần không nhỏ còn do định hướng nghề nghiệp sai lầm của gia đình, khi ai cũng ép con phải có bằng đại học, học những ngành thời thượng, bỏ qua những nghề cơ bản mà xã hội luôn cần mà không cần bằng đại học như đầu bếp, sửa chữa điện, nước…

Nhưng cũng không thể hoàn toàn trách nhu cầu học đại học và sau đại học của đại bộ phận gia đình khi mà thực tế thị trường việc làm cho thấy có những việc làm không cần có trình độ đại học nhưng nhà tuyển dụng cũng đòi bằng đại học, nhất là ở những cơ quan công quyền. Cũng không dễ để dự báo ngành nào sẽ tốt trong vài năm nữa.

Thất nghiệp trong sinh viên cao dĩ nhiên có một phần do các chương trình giáo dục đại học và các giảng viên không hoàn thiện, nhưng còn nhiều yếu tố khác chi phối. Sự khác biệt giữa những hệ thống kinh tế và giáo dục thành công và hệ thống thất bại nằm ở chỗ hoặc là gắn đào tạo đại học sát với thực tiễn (chẳng hạn Đức thành công với một số ngành theo cách tiếp cận này, nhưng không phải tất cả các ngành đào tạo, và cách này cũng có mặt trái của nó về chi phí đối với trường đại học và độ linh hoạt), hoặc là tạo ra một hệ thống an sinh xã hội đủ tốt để những người chọn sai nghề có cơ hội chọn lại nghề lần thứ hai.

Ở Việt Nam, chi phí giáo dục cao và thái độ dè bỉu đối với sinh viên thất nghiệp hoặc sinh viên làm trái ngành đào tạo đang đẩy một bộ phận sinh viên thất nghiệp tạm thời thành thất nghiệp vĩnh viễn và lỗi được đổ cho các trường đại học và giảng viên đại học trong khi vai trò của chính sách chi tiêu công, an sinh xã hội, những người cấp phép thành lập trường đại học và những định kiến lạc hậu trong xã hội thì hoàn toàn được phớt lờ.

Người ta đã tìm ra được những “con cừu thế mạng” rất tốt để che giấu cái khuyết tật của hệ thống trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên. Nói cho công bằng, sinh viên thất nghiệp là tại tất cả thầy, trò, gia đình, xã hội và chính sách nhà nước (không chỉ chính sách giáo dục mà còn chính sách kinh tế, khoa học – công nghệ và an sinh xã hội).

“Trò chơi” đếm bài đăng tạp chí ngoại

Trong vài năm gần đây, việc đi “đếm” bài nghiên cứu khoa học đăng tạp chí quốc tế của các trường đại học Việt Nam được xem như một giải pháp cải thiện việc Việt Nam tụt lại phía sau trong nghiên cứu khoa học. Ai không có thì bị cho là nhà khoa học trình độ thấp hoặc không nghiêm túc làm việc.

Một nhà khoa học có một lượng lớn bài đăng tạp chí quốc tế chất lượng cao thì rõ ràng là người làm việc chăm chỉ và tài năng. Nhưng so sánh giữa một người có một lượng lớn bài đăng tạp chí quốc tế chất lượng thấp với một người không có bài nào cả hoặc có một vài bài thôi thì rất dễ có kết luận sai lầm.

Mặt khác, một bài nghiên cứu không đăng tạp chí quốc tế nhưng có đóng góp đáng kể cho chính sách của Việt Nam sẽ bị bỏ qua. Không phải cứ bài nghiên cứu hữu ích cho một nước như Việt Nam là các tạp chí tốt nước ngoài quan tâm, như trong ngành tài chính-kế toán mà người viết nghiên cứu thì do thị trường Việt Nam nhỏ và không có nhiều đặc thù khác vài nước láng giềng, như Trung Quốc, nên số bài đăng dùng dữ liệu Việt Nam trên các tạp chí tốt không nhiều. Một chút khác biệt trong kết quả nghiên cứu có thể là rất quan trọng cho chính sách Việt Nam, nhưng không phải là một cái gì đặc biệt đối với kiến thức chung trên bình diện quốc tế trong mắt của một vài người bình duyệt khó tính. Đó là chưa nói đến một yếu tố quan trọng là người ta không tin vào chất lượng dữ liệu nghiên cứu của Việt Nam.

Những trao đổi với các đồng nghiệp tại Việt Nam cho người viết biết thêm là cách tính điểm hoặc khen thưởng một bài báo khoa học ở một số trường, thậm chí là ở cấp nhà nước, có tính cào bằng giữa những tạp chí tốt nhất và tệ nhất, miễn là chúng là “tạp chí quốc tế” và không may là cùng nằm trong một nhóm xếp hạng nào đó. Trong khi đó, nếu trò chuyện nghiêm túc với những giáo sư có 20-30 năm kinh nghiệm đến từ nhiều nền giáo dục nước ngoài, bạn sẽ thấy có một sự khác biệt lớn trong cách nhìn nhận những bảng xếp hạng tạp chí quốc tế và đa phần họ nhìn nhận rằng có rất nhiều khuyết điểm trong cách đánh giá một cách máy móc chất lượng nghiên cứu như vậy.

Những điều này sẽ dẫn đến việc tôn vinh những người biết cách chơi trò chơi “đăng bài quốc tế” kiểu mới, tương tự như việc người ta kiếm ra một cái bằng thạc sĩ, tiến sĩ nước ngoài vài năm trước để rồi bây giờ nhiều người bị vạch trần là mua bằng ở những nhà máy sản xuất bằng của nước ngoài.

Thật ra, nguyên nhân sâu xa của sự tụt hậu trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam là do khiếm khuyết trong chính sách tài trợ nghiên cứu khoa học và đảm bảo người làm khoa học sống được mà không cần làm “thợ dạy”.

Chừng nào mà chuyện này chưa cải thiện, thì không thể mong giảng viên đại học của Việt Nam có thể thật sự có nhiều bài đăng tạp chí nước ngoài loại tốt và họ lại trở thành nạn nhân của những con số thống kê về tình hình nghiên cứu khoa học của đất nước.

Lời kết

Những phân tích trên đây không phải là lời biện minh cho những đồng nghiệp ở Việt Nam về những kết quả không mấy khả quan của giáo dục đại học. Nhưng tôi hy vọng nó góp một góc nhìn nhỏ mà có thể là còn nhiều thiên lệch của mình vào cuộc tranh luận về đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam. Chúng ta cần có những góc nhìn đa chiều và khách quan để đánh giá đâu là con đường đi hợp lý cho giáo dục đại học tại Việt Nam trong nguồn lực hiện có, chứ không chạy theo những chỉ tiêu hay mô hình máy móc do những người không hiểu rõ về giáo dục đại học Việt Nam và toàn cầu, nhắm mắt du nhập từ nước ngoài những công cụ “quản lý hiện đại”.

Trên hết, cần hết sức thực tế và trung thực với các mục tiêu mà đại học Việt Nam có thể làm được với nguồn lực mà ta có.

Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Tags: ,