Năm 2020: Mọi thứ đã thay đổi, thế giới không thể trở lại như trước nữa

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người nghĩ rằng cuộc sống sẽ sớm trở lại trong vài tuần. Sau đó là vài tháng. Rồi chợt nhận ra rằng có thể là nhiều năm, và thế giới có thể không bao giờ trở lại được như xưa.

Năm 2020: Mọi thứ đã thay đổi, thế giới không thể trở lại như trước nữa

Bác sĩ an ủi một bệnh nhân COVID-19 đang khóc và mong được về nhà, trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Y tế United Memorial, Houston, bang Texas (Mỹ) ngày 26/11. Ảnh: Getty Images.

Đầu năm 2020, đã có những dự cảm cho rằng đây sẽ là năm đi vào lịch sử, khi nhân loại nhận thức được rõ ràng hơn về mức độ nghiêm trọng của tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu. Thông tin cháy rừng ở Australia thống trị các mặt báo trong những ngày đầu tiên của năm mới khiến nhiều người dự báo đây có thể là sự kiện thảm khốc thay đổi thế giới.

Sydney, Australia chìm trong khói bụi cháy rừng khiến cuộc sống của cư dân ở một trong những thành phố đáng sống nhất hành tinh phải gắn liền với những chiếc khẩu trang. Ở thời điểm đó, ít ai nghĩ rằng chẳng bao lâu sau đó, khẩu trang đã nhanh chóng xuất hiện ở mọi thành phố, trên mọi lục địa như một trong các biện pháp chống lại mối đe dọa từ đại dịch COVID-19. Khẩu trang không chỉ trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của năm 2020 mà còn là biểu tượng của một thời kỳ đáng sợ.

2020 là năm mà khái niệm về thời gian dường như bị phá vỡ khi bạn chẳng thể phân biệt thứ Hai hay thứ Ba, khi mỗi tuần trôi qua đều chẳng có gì khác biệt hay mới mẻ. Đầu tiên, chúng ta nghĩ rằng cuộc sống sẽ sớm trở lại trong vài tuần. Sau đó là vài tháng. Rồi chợt nhận ra rằng có thể là nhiều năm.

Chúng ta cũng phải thích nghi với thực tế mới, biến phòng khách thành văn phòng và phòng ngủ thành phòng học. Công việc của chúng ta giờ đây có thể nằm gọn trong lòng bàn tay đã được khử trùng bằng cồn sát khuẩn.

COVID-19 cũng tạo ra một phong cách thời trang giản dị mới, chỉ cần quan tâm đến phần trên của cơ thể. Điều đó có nghĩa bạn có thể chỉn chu với áo vest trong khi vẫn mặc một chiếc quần short để tham gia các buổi họp trực tuyến.

Khi thời gian và không gian dường như bị xóa nhòa thì việc uống rượu vào tối thứ Hai không còn là điều cấm kỵ nữa. Socola “bay” khỏi kệ siêu thị cũng nhanh như giấy vệ sinh vậy. Mọi người có thể tìm kiếm sự thoải mái cho riêng mình nhưng không được phép ra khỏi nhà để tìm nó.

Những cái bắt tay là cấm kỵ và những cái ôm cũng vậy. Đáng tiếc là chúng ta không được lựa chọn cách thức bày tỏ tình cảm này đúng vào thời điểm mà chúng ta cần đến nó nhất. Trong thời điểm dịch bệnh bao trùm, mọi người có thể cảm thấy bị áp lực, bị ghẻ lạnh và mang nặng nỗi buồn cùng sự mất mát, có lẽ nhiều người trong chúng ta thậm chí phải đối mặt với chứng rối loạn tâm lý do thiếu hụt tình cảm.

Nhưng cũng phải nhìn nhận nghịch lý là giãn cách xã hội lại tạo ra một sự gần gũi mới. Nhiều người trong chúng ta có thêm thời gian dành cho cho gia đình của mình, kết nối lại với những người bạn đã không liên lạc trong nhiều năm….

Đối với hàng triệu gia đình, năm 2020 không phải là năm để hướng tới những mục tiêu lớn khi mà họ phải nỗ lực để có được bánh mì trên bàn ăn. Nếu như đói nghèo được cho là kẻ có thể làm lây lan những đại dịch thì ở chiều ngược lại, đại dịch chính là thủ phạm gây ra nghèo đói.

Năm 2020 là một năm mà chúng ta buộc phải hành động tại địa phương nhưng liên tục được nhắc nhở về bức tranh toàn cầu. Ở vào thời điểm thế giới kêu gọi chủ nghĩa đa phương, chúng ta lại phải chứng kiến chủ nghĩa đơn phương trỗi dậy vì dịch bệnh. Việc tìm kiếm các loại thuốc và phương pháp điều trị mới đôi khi giống như cuộc chạy đua vào không gian trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chúng ta đã nghe nói về khái niệm “chủ nghĩa dân tộc vaccine” – các chính phủ chỉ tập trung vào việc tiêm chủng cho người dân của họ, với cái giá phải trả là lợi ích toàn cầu.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại mắc kẹt trong vấn đề chính trị nhiều hơn là chuyên môn liên quan đến dịch bệnh, đối mặt với những lời chỉ trích cho rằng họ không đủ cứng rắn với Trung Quốc và bị ảnh hưởng bởi việc Mỹ – nhà tài trợ lớn nhất của tổ chức này rút tiền viện trợ.

COVID-19 cũng giúp phơi bày các mối đe dọa xuyên quốc gia khác. Giống như dịch bệnh, thế giới đã và đang đương đầu với một mối nguy không thể phủ nhận khi hàng ngày, hàng giờ chúng ta phải chống lại việc lan truyền những thông tin sai lệch, hiểm họa từ không gian mạng.

Chúng ta sẽ không thể quên năm 2020 với những xúc cảm mãnh liệt và mâu thuẫn. Sự giằng xé giữa tuyệt vọng và hy vọng, giữa sợ hãi và niềm vui đoàn tụ. Chúng ta cũng sẽ không bao giờ quên những người không may mắn ra đi vì dịch bệnh, biết ơn sự kỳ diệu của cuộc sống và không ngừng nuôi dưỡng hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn đang ở phía trước.

Theo VOV / BBC

Tags: