⠀
Một ngày của người Việt thời xưa diễn ra như thế nào?
Một ngày thường của nhà vua, thầy đồ, anh nông dân, thợ mộc, lái buôn… trong xã hội Việt Nam xưa diễn ra như thế nào?
Nguồn: Sách “Văn minh vật chất của người Việt”, Phan Cẩm Thượng.
Ngày thường của nhà Vua
Nhà vua thường thức giấc vào cuối giờ dần, khoảng bốn rưỡi sáng, để còn kịp chỉnh trang buổi đăng triều, nếu không phải lên triều, ngài có thể dậy muộn hơn một canh giờ.
Một thái giám bưng cho ngài một chén trà thuốc súc miệng, sau khi nhấp trước một ngụm, mới đến hoàng đế, rồi ngài nhổ ngụm nước vào ống nhổ bạc miệng rộng. Ngài vén quần ngồi vào chiêc ghế vệ sinh, dưới có đặt một chậu sành. Hoàng cung phong kiến từ thời Hán có một ông vua bị ám sát ngay trong nhà xí, nên không bao giờ được xây nữa. Vua, hoàng hậu và cung nữ đều đại tiểu tiện bằng chậu. Riêng chậu của vua được ngự y giữ lại còn nghiên cứu sức khỏe của ngài ngự qua phân. Xong xuôi, thái giám dùng khăn mềm lau sạch, rồi thấm một chút mật ong vào hậu môn của ngài. Vua khoan thai đi một bài quyền dưỡng sinh trên phương đình của ngự uyển, cũng tại đó, thái hậu đã chuẩn bị bữa sáng đạm bạc, gồm một ấm trà sâm, một đĩa bánh nhỏ bằng bột gạo trứng và mật ong do đích tay bà làm, một bát miến gà. Tất cả món ăn đều được thái hậu kiểm tra và cho người nếm thử. Hai tên thị nữ sẽ lau người cho ngài bằng nước ấm, thay quần áo trong, rồi khoác ra ngoài áo trong một bộ hoàng bào mầu trắng, thêu rồng vàng, nếu ngài không lên triều. Vua được chải tóc vấn thành búi giữa đỉnh rồi lồng vào đó một mũ miện vàng khít với nhục kháo (búi tóc), xỏ giầy đen bằng nhung.
Ngài đến ngự thư phòng bắt đầu duyệt tấu sớ. Trên án thư, một dàn bút lông các cỡ đã được rửa sạch sẽ, một nghiên mực đen đã được mài đầy và sánh, một nghiên son thắm cũng đầy như vậy, vài ba cái chặn giấy bằng đá ngọc Tuyền châu, một cuốn sổ giấy vàng ghi lịch trình công việc, và hai chồng công văn từ khắp nơi gửi đến, cái bằng thẻ tre kết sách, cái là sách gấp bìa lụa, cái viết thành quyển trên lụa và giấy cuộn tròn. Sau hai canh giờ phê bút, ngài ngự thay áo và thưởng một ấm trà sen dưỡng tâm.
Quá ngọ chút đỉnh, ngài ra phòng ngoài dùng bữa trưa với ba mươi món, ngài dừng lại đó mươi phút, không đụng tay vào món nào, rồi ban hết cho quần thần thị vệ, rồi lui về phòng riêng dùng một bữa trưa khác lại do đích thân thái hậu, đôi khi chỉ là niêu cơm nhỏ, niêu cá kho tộ, và chút rau luộc. Ngự y sẽ xoa nhẹ lưng cho ngài, dâng một xuyến trà bát bảo, ngài ngủ trưa chừng nửa canh giờ. Hai tên cung nữ quỳ gần đầu long sàng, hai tên khác dùng quạt lông phẩy nhẹ dưới chân, hai tên nữa đứng xa hơn cũng quạt nhẹ vào tạo một luồng khí mát, bốn tên thị vệ tay không, mình trần lực lưỡng đứng bốn góc phòng. Trên long sàng, ngài gối trên một gối gỗ sơn son cổ hơi cao, dưới là đệm gấm, bụng phủ chăn lụa mềm, xung quanh buông màn the trắng ngà dệt lồng cảnh Thần kinh thập nhị cảnh (Mười hai phong cảnh đẹp đất đế đô).
Thức giấc trưa, ngài dùng một bát yến hấp đường phèn, xuống thư phòng viết vài bức thư pháp, điểm nhỡn cho một bức họa được vẽ đã nhiều hôm, rồi gặp gỡ vài quan lục bộ đại thần, chiều muộn ngài luyện Thái cực kiếm cùng võ sư, tắm rửa, rồi ra hồ Tịnh tâm, ngắm hoa sen.
Sau bữa tối, ngài thay quần áo, duyệt công văn tới cuối giờ hợi. Bốn tên cung nữ khỏa thân nằm trước trong chăn để hơi ấm đầy long sàng. Ngài cùng với một ái phi mới tuyển từ thôn quê tuổi trăng tròn long vân khánh hội.
Ngày thường của Thầy đồ
Thầy đồ thức dậy muộn, khi mặt trời đã chiếu vào hiên nhà. Ngài vạch quần lá tọa, tồ một bãi vào bụi cây vườn sau, rồi ngâm mấy câu trong Kinh Thi : Quan quan thư cưu. Súc miệng bằng nước chè, lấy vỏ cau khô đánh răng, vục mặt vào chậu nước sành đặt trên chạc cây, ngài vuốt tóc mai vắt qua tai (gọi tóc mai gọng kính) búi lại búi tóc, ngài nghiêm trang đánh một bát xôi với vừng, ngồi vào án thư nhỏ đặt trên sập, xem qua mấy quyển Tứ thư, Ngũ kinh, chuẩn bị cho kỳ lều chõng tới.
Đàn trẻ mươi đứa từ vài làng đã ríu rít ngoài hiên. Chúng xộc vào nhà, đứa đun nước, đứa rửa ấm chén pha trà, đứa bê nghiên đi mài mực, đứa trải chiếu. Thầy đồ bận áo dài đen ra ngoài áo cánh, đội lên đầu khăn xếp, bắt đầu ê a đọc thi thư cho lũ trẻ bò lom khom dưới chiếu viết ám tả. Sau bữa trưa đạm bạc, ngài ngủ dài trên võng, rụi mắt sang chiều, ngài thong thả sang chùa đàm đạo với sư cụ, hoặc ngắm hoa, hoặc thũng thẵng đến chơi một sinh đồ làng bên, cùng nhau nói chuyện thế sự và ngâm thơ.
Tối đến mẹ thầy đồ đã sắp sẵn lưng cút rượu, đĩa lòng lợn, đĩa lạc rang đặt trên chõng tre thấp ngoài sân, sau đó ngài chong đèn mài mực chép vài đoạn trong kinh sách. Chiếc đèn dầu lạc cứ chập chờn, thỉnh thoảng lại phải khêu bấc, ngài thắp thêm cây nến cho sáng, cháy hết cây nến thì đi ngủ.
Ngày thường của anh nông dân
Khi tiếng chuông chùa điểm lúc cuối giờ dần, chàng nông dân thức giấc rửa mặt qua loa bằng chiếc gáo dừa, quét vội cái sân bằng chổi sể, rồi đánh ba bát cơm với rau dền và muối rang trên mâm chõng tre nhỏ đặt góc sân. Năm rưỡi trời còn mờ sương, chàng dắt trâu, vai đeo cầy ra đồng, giữa giờ thìn, khi nắng đã chói chang, thửa ruộng cũng đã cầy xong, hít một hơi thuốc lào dài, bèn trở về nhà, không quên cắp theo sọt phân trâu ỉa vãi, và ba con ếch bắt được bên bờ ruộng. Cởi bộ quần áo đi làm, treo lên con sào đầu cối giã gạo sườn nhà, chàng mặc bộ cánh nâu chưa sờn, tuy có vá vài mụn.
Bữa cơm trưa độn sắn, nhưng lại có đĩa ếch xào măng. Chàng ngủ một mạch đến ba giờ chiều, rồi vác cuốc ra bãi xới mầu, chiều tối tranh thủ mò cua bãi, nhẩy xuống sông bơi, rồi quay về rào lại mảnh vườn đến tối mịt. Cả nhà chong ngọn đèn dầu tí xíu, ăn cơm ngoài sân, một ấm nước vối, một rổ khoai. Cô vợ còn giã gạo và giặt quần áo, khi cô cùng chồng chùi chân vào cái chổi lúa, đập mấy cái, leo lên giường và quấn chặt vào nhau một hồi, quay ra thủ thỉ câu chuyện tiếu lâm Tay ải tay ai, rồi ngủ say bí tỉ.
Ngày thường của thợ mộc
Cha con ông phó mộc đến nhà chủ ở làng bên từ tối hôm qua. Gia chủ muốn đóng một rương thờ. Ngủ trên sập và đắp chiếu, hai người dậy sớm, rửa mặt mũi qua loa, rồi đánh một nồi cơm to với rau luộc, cá kho giềng. Trà lá hút thuốc lào, đàm đạo với chủ nhà chừng nửa canh giờ, họ giở hòm đồ nghề gồm nhiều tràng, đục, búa, khoan, bào, thước, mực, còn cưa và rìu cầm theo tay. Gỗ đã được pha sẵn, giờ thì họ chỉ việc chế tinh.
Thoạt tiên đo gian giữa, nơi sẽ đặt rương thờ, sau tính mực thước sao cho số đo toàn rơi vào những cung tốt phát về phúc đức và sinh nam tử. Trước tiên họ dựng khung, sau đó sẽ quây ván, trổ và chạm khắc hoa văn, kết thúc là sơn thếp…công việc còn phải kéo dài đến cuối năm, ngày đầu mới tính toán và dựng việc đại khái. Tuy nhiên đầu năm sau họ phải tiến triều, vào bộ lễ sửa sang một số đồ thờ tự trong Thái Miếu.
Mặt trời đã đứng bóng, hai cha con thợ mộc, nhẩn nha uống tuần trà, rửa lại điếu bát, đợi ông chủ về uống rượu. Bữa cơm trưa đầu tiên có cả tiết canh vịt và vò rượu đầy. Cả ba sau đó lăn ra phản gỗ gáy khò khò. Giờ mùi họ tỉnh giấc, xúm lại đánh vài ván cờ trêu chọc nhau om xòm, rồi lại bắt tay vào công việc. Buổi tối lại cơm no rượu say, cậu con trai chạy vào làng làm quen với cô hàng xóm, ông bố cùng gia chủ đánh tổ tôm cho tới giờ hợi. Cả đời một người thợ mộc giỏi lắm là dựng được ba chục bộ bàn thờ, nhưng bộ nào cũng đáng là tác phẩm.
Ngày thường của lái buôn
Chàng lái buôn chít lại khăn đầu rìu, xốc hầu bao có túi tiền rủng rẻng, bao khăn khoác vai đựng quần áo, bước khỏi quán phở, rồi ra bến thuyền Sơn Tây.
Trên thuyền những người dân Mường đã chất vài bao hương liệu, thảo dược, qua Hương Canh, lái buôn sẽ nhập thêm ít gốm sành, rồi xuôi Thăng Long và Phố Hiến. Đám dân Đểu Cáng đã về hết (Chỉ người gánh thuê, Đểu là một người gánh hai thùng hai bên, Cáng là hai người gánh chung một đòn, thúng ở giữa). Từ Sơn Tây xuống Kẻ Chợ chừng năm sáu mươi cây, nhưng theo đường sông Hồng phải bẩy tám mươi cây, một ngày đò mới tới.
Quá trưa thuyền dừng quãng Phúc Yên, cập bến nghỉ ăn và mua đồ gốm, chiều đò xuôi tiếp bến Chương Dương, khách và chủ thuyền cởi dải rút quần lá tọa, vạch chim đái tồ tồ xuống mặt sông, xốc lại áo quần rồi chuyển hương liệu lên bờ.
Ở lại Thăng Long chừng ba hôm, chàng lái buôn nhập thêm ít lụa Hà Đông, đi chơi cô đầu và nghe ca trù, chàng trọ một người quen ở phố Thuốc Bắc. Thuyền lại đi tiếp xuống Bát Tràng, chàng mua vài chục lô bát chiết yêu, lục bình cỡ lớn, rồi đi phố Hiến giao hàng.
Hàng chục ngày lênh đênh trên sông, gặp bến thì lên bờ ăn nghỉ, còn không thổi nấu trên thuyền, nếu đi quá lâu, chủ thuyền cũng đành đồng ý cho gã lái buôn cắp theo một cô đào quá lứa cho vui chuyện. Tắm rửa thông thường dùng nước sông, trừ khi khan hiếm còn không chủ thuyền thường tích nước mưa nấu ăn và pha trà. Đêm ngồi đầu thuyền ngắm trăng, thưởng trà cũng thật là thanh cảnh.
S.T
Tags: Người Việt, Tổng quan sử Việt