Một góc nhìn về trào lưu ‘mua đất như thiêu thân’ của dân Việt

Tôi ngạc nhiên khi giá nhà đất ở Việt Nam bây giờ đắt gấp nhiều lần nước ngoài nhưng người ta vẫn cứ mua ầm ầm để tích trữ.

Một góc nhìn về trào lưu ‘mua đất như thiêu thân’ của dân Việt

Chứng kiến đà tăng giá của bất động sản thời gian gần đây, tôi bất ngờ vì không nghĩ rằng người Việt lại giàu đến thế. Giá nhà đất ở Việt Nam bây giờ đắt gấp nhiều lần nước ngoài, vậy mà người ta cứ mua ầm ầm. Nếu tính giá trị bất động sản thì có lẽ số người Việt là triệu phú USD ở trong nước nhiều vô kể. Với thực tế đó, không biết nên mừng cho dân mình ăn nên làm ra hay ái ngại cho sự liều lĩnh của họ?

Việt Nam hiện giờ rất giống với tình trạng nước Nhật thời bong bóng kinh tế những năm 1980. Giá nhà đất ở Nhật lúc đó cũng rất cao và tăng “nóng” hàng ngày. Sau đó, nhờ chính sách thuế (đánh thuế lũy tiến cao, áp dụng thuế thu nhập và thuế thừa kế) mà giá đất đã liên tục giảm cho đến tận bây giờ.

Bản thân tôi cũng sống ở Nhật và từng mua nhà đất ở đây. Tại Nhật, khi muốn mua nhà đất, bạn phải xác định mục đích mua làm gì? Nếu mua để đó, chờ bán kiếm lời thì bạn sẽ lỗ nặng vì giá đất liên tục giảm trong mấy chục năm gần đây. Nếu mua để ở và làm việc tại chỗ thì bạn sẽ phải có visa cư trú…

Giá đất của mỗi nước phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là: mật độ dân số càng cao thì giá càng đắt và thu nhập của người dân càng cao thì đất càng đắt.

Xét yếu tố thứ nhất, diện tích nước Nhật là 380.000 km2 với dân số 126 triệu người; trong khi Việt Nam có diện tích 331.000 km2 và dân số 97 triệu người. Như vậy Nhật chật chội hơn Việt Nam. Xét về yếu tố thứ hai, GDP tính theo đầu người của Nhật là 43.000 USD còn của Việt Nam là 3.600 USD. Như vậy người Nhật có thu nhập cao hơn người Việt gấp hơn 10 lần.

Như vậy, nước Nhật “đất chật người đông”, người Nhật thu nhập cao hơn, nhưng giá đất của họ lại rẻ hơn ở Việt Nam rất nhiều (trừ những thành phố lớn như Tokyo). Đó là một sự phi lý. Điều đó chỉ có thể giải thích rằng đất ở Việt Nam đang cao hơn giá trị thực rất nhiều lần và sẽ có lúc “bong bóng” nổ. Những người chạy đua đi mua đất lúc này chẳng khác nào những con thiêu thân lao vào lửa, sẽ có lúc mất hết.

Có thể nói, giá đất ở Việt Nam đang cao một cách vô lý. Có thể các bạn không tin, nhưng ở Nhật, trừ những thành phố lớn như Tokyo hay Osaka, những thành phố nhỏ khác, giá một mét vuông đất xây dựng phổ biến chỉ vào khoảng 10-20 triệu đồng, và mấy chục năm nay giá bất động sản vẫn đang xu hướng giảm. Trong khi đó, ở Việt Nam, giá đất ở xa thành phố cũng đã vài chục triệu đồng một mét vuông.

Nên nhớ, khi bong bóng kinh tế ở Nhật bị vỡ, một loạt công ty bất động sản và ngân hàng đã bị phá sản, và hậu quả vẫn còn ảnh hưởng cho đến tận bây giờ. Đó là bài học nhãn tiền cho chúng ta. Nếu không sớm có những chính sách thuế để kiểm soát giá đất, sẽ không bất ngờ nếu chúng ta đi vào vết xe đổ của các nước khác.

Theo LING NGUYEN JP / VNEXPRESS

Tags: