⠀
Một góc nhìn khác về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trạng Trình từ lâu được người đời biết đến với khả năng tiên tri về các biến cố trong lịch sử Viêt Nam từ thế kỳ thứ 16. Không dám mạo phạm bàn về tài năng, đức độ của một người vốn được coi là hiếm có trong lịch sử nước nhà, chỉ xin được bàn luận về ảnh hưởng cũng như tác động của những lời khuyên hay còn được gọi là “sấm” đó đến lịch sử phát triển của đất nước ta!
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Trần Văn Tuấn.
Sử sách lâu này vẫn nói rằng khi Nguyễn Hoàng (tức chúa Tiên) đứng trước sự sống còn của mình đã cử người đến xin lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi ông đang trí sĩ ở quê nhà (năm 1545). Theo ý tứ được gói gọn trong 8 chữ “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, Nguyễn Hoàng đã nhờ chị gái xin chồng là Trịnh Kiểm cho được vào trấn thủ vùng Thuận Hóa – vùng đất chưa nằm trong sự kiểm soát của quân Lê – Trịnh. Sự kiện này chính là khởi đầu cho cuộc phân tranh Bắc Nam giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn, kéo dài 200 năm với cả thảy 7 trận đại chiến mà chủ yếu là do họ Trịnh phát động nhằm xóa bỏ sự cát cứ của họ Nguyễn ở Miền Nam. Tuy nhiên cũng cần phải nói sự kiện này cũng là một dấu mốc quan trọng cho quá trình nam tiến mạnh mẽ của người Việt với kết quả là sau 9 đời Chúa Nguyễn, nước Việt của chúng ta có thể nói là đã tăng gấp đôi về diện tích.
Ở ngoài Bắc, vào thời kỳ đỉnh cao quyền lực của mình, Trịnh Kiểm từng muốn truất bỏ nhà Lê để lên thay. Do còn băn khoăn về sự ủng hộ của dân chúng cùng tính chính danh của mình, ông đã cho sứ thần đến hỏi ý kiến của Trạng Trình và nhờ câu nói có vẻ bâng quơ của “Quốc Công Nhà Mạc”: “giữ chùa thờ Phật thì ăn oản” mà nhà Hậu Lê vẫn tiếp tục làm vua nước Nam (tuy chỉ là hình thức) thêm hơn 200 năm nữa.
Trước khi mất (năm 1585), do đoán biết được thế lực của Nhà Mạc đã suy yếu, bên cạnh những lời giáo huấn khác, ông cũng đã không quên để lại một phương án sinh tồn cho triều đại đã ân sủng mình: “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”. Cũng chính nhờ thực hiện theo kế sách này mà vào năm 1593, Nhà Mạc đã chạy lên cát cứ tại Cao Bằng và tồn tại thêm 84 năm với 3 đời vua, trước khi bị Họ Trịnh đánh bại vào năm 1677.
Trong lời khuyên thứ nhất, loại bỏ đi các yếu tố thần bí, thì việc Trạng Trình khuyên Nguyễn Hoàng lánh nạn vào Hoành Sơn có nhiều điều cần bàn. Khi đó vùng đất từ Quảng Bình đến Thuận Hóa vẫn nằm trong tay nhà Mạc, do vậy, nếu Trạng Trình thực lòng khuyên Nguyễn Hoàng vào đó đồng nghĩa với việc ông mách nước cho kẻ thù chiếm lấy vùng đất hiểm yếu của Triều đại mà ông đang phụng sự. Nếu đây là kế sách của ông để làm quân Lê – Trịnh bị chia nhỏ và mâu thuẫn nội bộ do cát cứ thì việc này mâu thuẫn hoàn toàn với những gì người đời ca ngợi về ông – khả năng tiên tri và nhìn thấy trước sự việc. Còn nếu như đúng là do ông nhìn thấy xu thế của thời đại mà đưa ra lời ‘sấm” đó thì sự chia rẽ và mất mát đau thương của dân ta trong hai trăm năm phân chia Nam – Bắc đó không hẳn chỉ là trách nhiệm của hai Nhà Nguyễn – Trịnh.
Rất có thể nếu không có lời khuyên của Trạng Trình mà Trịnh Kiểm phế truất Nhà Lê và lên làm Vua thì tình thế đã khác. Trịnh Kiểm có được lòng người là do chiến đấu dưới lá cờ mà nhạc phụ của ông – Nguyễn Kim dựng lên – Phò Lê diệt Mạc. Khi mất đi tính chính danh này liệu Họ Trịnh có thể có được sự ủng hộ và giành lợi thế trên chiến trường nữa hay không? Rất có thể là không! Như vậy bằng lời khuyên của mình, Trạng Trình đã giúp Họ Trịnh dùy trì và phát huy được thế mạnh hiện có của họ và cái kết của Nhà Mạc vào năm 1592 chắc ông cũng nhìn thấy từ trước. Nguy hại hơn, cũng chính vì lời khuyên này mà suốt 200 năm sau nước ta đã tồn tại một mô hình nhà nước duy nhất trong lịch sử nhân loại – Vua Lê, Chúa Trịnh, với đầy rẫy bất cập vẫn còn ảnh hưởng đến tận ngày nay.
Nếu như lời khuyên thứ nhất và thứ hai chứng tỏ được vai trò trung gian, độc lập trong vai trò “cố vấn” của mình – và cũng cho thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là “tôi trung” của Nhà Mạc thì lời khuyên thứ ba – hiến kế cho vua Mạc chạy lên cát cứ ở Cao Bằng một lần nữa cho thấy tầm nhìn thiếu chiến lược hoặc có thể nói là “thiếu trách nhiệm” với dân tộc của ông. Chắc ông hiểu rất rõ rằng một khi có chia cắt hay cát cứ thì vẫn còn chiến tranh, đồng nghĩa với mất mát, đau thương của muôn dân trăm họ. Vậy vì lý gì mà ông vẫn khuyên Nhà Mạc chạy lên Cao Bằng chỉ là để tồn tại thêm được ba đời nữa? Nếu cho rằng đó chỉ là ông nhìn thấy trước được tương lai thì tại sao ông không thể vì nước vì dân mà làm khác đi. Những điều này khác hẳn với những gì mà ông khuyên Vua Mạc trước khi mất: “… Thần tính độ số thấy vận nước nhà đã suy, vận nhà Lê đến hồi tái tạo, ý trời đã định, sức người khó theo. Song nhân giả có thể hồi Thiên ý, xin nhà vua hết lòng tu nhân phát chính, lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng, trong sửa sang văn trị, ngoài chuyên cần võ công, may ra giữ được cơ nghiệp tổ tiên, thì thần chết cũng được thỏa lòng”.
Tiếc rằng ông đã không làm gì để “Nhân giả … hồi Thiên ý”.
TRẦN VĂN TUẤN
Tags: Nhà Hậu Lê, Nhà Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm