⠀
Một góc nhìn khác về con đường dân chủ ở Việt Nam
Mặc dù khái niệm dân chủ đã được đề cập chính thức như một trong những định hướng của đất nước bên cạnh “công bằng” và “văn minh”, nhưng khái niệm “dân chủ hóa” vẫn nhạy cảm vì được xem là sẽ dẫn đến đa nguyên chính trị.
Tác giả: TS Lê Vĩnh Triển, Khoa Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên The Diplomat.
Bối cảnh cuộc tranh luận
Những cải cách kinh tế của Việt Nam dưới thời kỳ Đổi Mới từ cuối thập niên 1980 đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo và có những cải thiện về mặt kinh tế. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng qua ba thập niên dựa trên khai thác tài nguyên, lao động rẻ và ưu đãi dành cho các tập đoàn nhà nước đã dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường, bất công trong phân phối lợi ích, tệ tham nhũng và thất thoát ngân sách nhà nước. Ngoài ra, việc lệ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài nhưng không tận dụng được hiệu ứng lan tỏa của công nghệ và quản lý từ dòng vốn này cũng khiến cho nền kinh tế không thoát ra khỏi tình trạng thậm dụng lao động rẻ vốn ngày càng hạn chế do dân số già đi. Nỗi lo không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và nền kinh tế không khai thác được khoa học công nghệ để cất cánh trở nên phổ biến hơn.
Lấy cảm hứng từ các câu chuyện phát triển của các nước Đông Á từng dân chủ hóa để giải quyết những điểm nghẽn trong kinh tế chính trị và cất cánh, đã có các ý kiến chính thức và không chính thức cho rằng Việt Nam cần có cuộc đổi mới chính trị – Đổi Mới lần 2. Đổi mới thể chế chính trị được cho là để xử lý các khuyết tật nêu trên của tăng trưởng kinh tế đồng thời đưa đất nước sang một giai đoạn phát triển mới với nền tảng là trí tuệ và khoa học công nghệ, chứ không phải là thâm dụng lao động rẻ và tài nguyên thiên nhiên. Sẽ là thích hợp khi đặt câu hỏi làm thế nào hệ thống chính phủ hiện tại có thể mở ra một kỷ nguyên chuyển đổi kinh tế mới khi mà rất nhiều người trong tốp trên hệ thống hưởng lợi từ mô hình cũ.
Cải cách thể chế đang được tiến hành nhưng chỉ dừng lại ở những yêu cầu thay đổi về hành chính, sắp xếp lại các luật và quy định để tránh chồng chéo, trùng lắp. Những khái niệm như tam quyền phân lập hay xã hội dân sự vẫn được xem là cấm kỵ trong phát biểu chính thức của nhà cầm quyền. Mặc dù khái niệm dân chủ đã được đề cập chính thức như một trong những định hướng của đất nước bên cạnh “công bằng” và “văn minh”, nhưng khái niệm “dân chủ hóa” vẫn nhạy cảm vì được xem là sẽ dẫn đến đa nguyên chính trị. Tóm lại nhà nước vẫn cho rằng cơ chế chính trị nhất nguyên hiện tại là ưu việt và mô hình chính trị hiện nay là không thể thay đổi.
Các nền dân chủ như Hàn Quốc và Đài Loan đã cho thấy trong những năm 1970 và 1980, chủ nghĩa đa nguyên chính trị có thể giúp vượt qua các nút thắt kinh tế như thế nào. Đồng thời, các mô hình dân chủ xã hội ở các nước Bắc Âu cho thấy các giá trị xã hội chủ nghĩa và hệ thống dân chủ tương thích với nhau và thậm chí hiệu quả như thế nào trong những hoàn cảnh nhất định. Cách tiếp cận này của giới ngoài đảng luôn gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ nhà cầm quyền rằng Việt Nam có hoàn cảnh văn hóa lịch sử khác và không có mô hình nào có thể áp dụng rập khuôn vào Việt Nam. Tuy vậy, giới trí thức cấp tiến lại cho rằng chính quyền Việt Nam không có mô hình nào ngoài mô hình do Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện.
Điều này dẫn đến hiện tượng phân cực trong ý thức hệ. Một bên kiên định với mô hình hiện tại, và luôn chỉ ra các khuyết tật cũng như thất bại của một số quốc gia dân chủ hóa, bên kia chỉ ra các mô hình chính trị đa nguyên thành công nhưng lại bị cho là không thể áp dụng vào Việt Nam. Có thể nhận thấy gì từ thực tiễn đó?
Tư duy chính trị động hay tĩnh
Có thể nói, cả hai bên của cuộc tranh luận này đều có những hạn chế. Cụ thể là, cả hai đều tiếp cận những thay đổi thể chế theo tư duy tĩnh chứ không phải tư duy động và biện chứng. Vì Việt Nam là một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi, nên việc cải cách thể chế chính trị thích ứng là cần thiết để duy trì sự vận động hướng tới một hệ thống dân chủ tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – như đã thấy trong con đường lịch sử của rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Đồng thời, các mô hình dân chủ không phải là không có sai sót, như việc bầu cử các nhà lãnh đạo và đảng phái phân cực trong cùng hệ tư tưởng ở các nước trên thế giới trong những năm gần đây (ví dụ như Hoa Kỳ, Brazil và một số nước Đông Âu).
Dân chủ là giá trị phổ quát được chấp nhận vì bản chất công bằng và bình đẳng của nó đối với mọi người trong một quốc gia mà ở đó nhà cầm quyền chỉ là người đại diện cho người dân cai quản đất nước. Về bản chất nhà cầm quyền cũng là dân và cần bảo vệ quyền tham dự vào đời sống chính trị của mọi người dân. Nhà nước trong một đất nước công bằng và bình đẳng, bảo vệ các giá trị dân chủ mới đúng nghĩa là nhà nước của dân, do dân và vì dân như Abraham Lincoln đã nói. Để đạt được lý tưởng này, xã hội phải quyết tâm và kiên định vượt qua những rào cản trên con đường đi tới dân chủ và thực hiện điều đó thông qua các phương tiện hòa bình, hữu ích và công bằng.
Như vậy, tư duy động là tư duy chấp nhận con đường với mục tiêu là dân chủ hay sự tham gia của người dân vào các vấn đề của đất nước, trực tiếp hay gián tiếp. Trên con đường đó, mọi quốc gia văn minh đều phải dựa trên hoàn cảnh lịch sử, văn hóa và kinh tế của mình. Sự cố định với chính thể hiện tại hay sự rập khuôn theo một mô hình nào đó vì thế đều là cách tiếp cận tĩnh và phản phát triển, không có khả năng tạo ra sự linh hoạt cần thiết để hiện đại hóa các thể chế và cơ cấu kinh tế. Đối với Việt Nam, cả nhà cầm quyền và những người đòi hỏi áp dụng các mô hình dân chủ hiện nay đều rơi vào trạng thái cực đoan vì không thừa nhận và không cùng chia sẻ cách tiếp cận động, tức cùng chấp nhận con đường hướng đến các giá trị dân chủ nhưng không cứng nhắc với một mô hình có sẵn nào.
Nếu thống nhất được quan điểm như vậy, Việt Nam sẽ tự thoát ra khỏi điểm nghẽn trong tư duy hiện nay. Khi đó sẽ giải quyết được mâu thuẫn nội tại trong ý thức hệ, không bị ách tắc trong tranh luận phải hướng tới mô hình hiện hữu nào vì đã lấy dân chủ với tinh thần vận động không ngừng làm kim chỉ nam. Khi đó các bên sẽ cởi mở với nhau hơn, xã hội vì thế sẽ ổn định vì tránh được những xung đột chính trị đáng tiếc, hóa giải được những mâu thuẫn tiềm tàng. Các vấn đề về tam quyền phân lập hay xã hội dân sự và cả khả năng đa nguyên chính trị sẽ được bàn luận dựa trên thực tiễn Việt Nam một cách cởi mở và cảm thông. Giới trí thức và nhà nước Việt Nam hoàn toàn có thể thoải mái chia sẻ tầm nhìn về những bất ổn, khuyết tật ở các nền dân chủ cũng như tiến trình dân chủ hóa nói chung trên toàn cầu.
Hàm ý trong mối liên hệ với trường hợp Trung Quốc
Bất chấp trào lưu tiến bộ, nhà nước Trung Quốc ngày càng củng cố quyền lực chính trị của mình dựa trên những thành tựu về kinh tế (dù cũng nhiều khuyết tật), tận dụng lợi thế độc nhất về quy mô mang tính áp đặt với thế giới, điều mà Việt Nam không có được. Trong hoàn cảnh đặc trưng đó, trí thức Trung Quốc vô tình hay hữu ý bị buộc phải tiếp cận theo cách tĩnh và lựa chọn phục vụ nhà cầm quyền củng cố quyền lực nhà nước, hạn chế tối đa sự tham gia của người dân vào các quyết định chính trị. Những tiếng nói kêu gọi dân chủ hóa vốn ít ỏi trong hoàn cảnh Trung Quốc dễ dàng bị bóp nghẹt trong sự ủng hộ của dân chúng vốn bị kiểm soát thông tin.
Sự ổn định của Trung Quốc vì lẽ đó phụ thuộc vào việc hạn chế sự tham gia của người dân vào đời sống chính trị và sự kiểm soát thông tin đối với người dân, với tính chính danh của đảng chủ yếu đến từ nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế, và gần đây là thông qua các cuộc tấn công địa chính trị (đặc biệt là ở Biển Đông, Hồng Kông, và Đài Loan). Cách tiếp cận này hiện có thể ổn định môi trường chính trị trong nước nhưng chỉ làm tăng khả năng bất ổn ở nước ngoài. Như vậy, nhà nước phải liên tục tăng cường kiểm soát xã hội và chính trị trong nước để ngăn chặn rủi ro mất quyền lực.
Việt Nam không thể và cũng không cần phải rơi vào tình thế bấp bênh và căng thẳng như vậy.
Ngược lại, nếu Việt Nam cởi mở và chấp nhận con đường hướng tới dân chủ, thì trí thức, chính quyền và người dân có thể cùng nhau thừa nhận giá trị từ sự tham gia của công dân vào đời sống chính trị như một nguyên tắc quản trị nhà nước, trong đó quyền lực của nhân dân là tối thượng. Khi đó, trí thức Việt Nam và chính quyền sẽ có được ưu thế riêng của mình – ưu thế của tranh luận cởi mở và thiết thực, cân nhắc mọi cơ hội khả dĩ. Điều này sẽ phân biệt Việt Nam với Trung Quốc. Cách tiếp cận quyền lực nhà nước của hai quốc gia sẽ là hoàn toàn khác nhau, được thúc đẩy bởi nền tảng lịch sử, chính trị và văn hóa khác nhau, như chính quyền đã nêu.
Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
Tags: Dân chủ