⠀
Mối tình Bạch Tuyết – Bao Công đau đớn của thế giới loài gấu
Càng ngày càng có nhiều đứa con lai giữa gấu trắng và gấu nâu ra đời, và điều này đang cảnh báo một sự thật nghiệt ngã.
Trong thế giới động vật tồn tại những đứa con lai mà trước khi trông thấy, không ai nghĩ chúng có thực. Lấy ví dụ như sư hổ, hổ sư, báo sư… tất cả những loài vật này đều đã từng xuất hiện, dù chỉ là trong môi trường nuôi nhốt. Và mối tình giữa gấu nâu (grizzly bear) và gấu trắng Bắc Cực (Polar bear) cũng vậy.
Đây tuy là 2 loài gấu, nhưng vốn chúng sinh sống ở 2 môi trường quá khác nhau. Gấu Bắc Cực thì bám biển, thích ăn cá, mà đôi lúc đói quá thì quật cả sử tử biển, chả ngán ai bao giờ.
Còn gấu nâu, chúng cũng thích ăn cá nhưng lại sống trong rừng. Và giống như gấu trắng, gấu nâu rất hung dữ, cũng… chẳng ngán ai bao giờ.
Vậy mà 2 loài sống tách biệt lại có những đứa con chung, được gọi là Grolar hoặc Pizzly tùy theo loài nào làm bố.
Nhìn có vẻ thú vị đúng không? Nhưng nguyên nhân của mối tình tréo ngoe này thì không hay chút nào đâu.
Do lớp băng Bắc Cực tan nhanh, khí hậu ấm dần lên, gấu nâu bắt đầu di chuyển dần lên phương Bắc. Tại đây, chúng gặp gấu trắng, và rồi những đứa con lai đã ra đời.
Khí hậu toàn cầu thay đổi, băng ở Bắc Cực tan nhanh, kéo theo việc số lượng gấu Trắng sụt giảm nghiêm trọng. Chúng là một trong những loài vật đang rơi vào tình trạng cực kỳ nguy cấp, có khả năng bị tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu.
Và khi buộc phải di chuyển xuống phía Nam, số phận của gấu trắng cũng không khá hơn. Sự thật là loài gấu cũng giống như họ nhà mèo, có thể giao phối chéo loài khi không tìm thấy bạn tình cùng loài ở bên.
Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ những đứa con lai trước kia có nhiều đặc điểm của gấu trắng, còn nay hầu như chỉ gồm đặc điểm của gấu nâu. Điển hình như trường hợp mới đây, khi các thợ săn của Canada bắn chết một chú Grolar với các đặc điểm rất giống gấu nâu.
Theo giáo sư Adrew Derocher thuộc ĐH Alberta (Canada), việc giao phối chéo loài như thế này cho thấy khả năng tuyệt chủng của gấu trắng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Việc gấu lai xuất hiện nhiều cho thấy gấu nâu ngày càng mở rộng địa bàn hơn. “Đứng trên góc độ di truyền, gấu nâu đang chiếm ưu thế so với gấu trắng. Nếu hiện tượng này tiếp diễn, không sớm thì muộn gene của gấu trắng sẽ hoàn toàn biến mất” – Derocher cho biết.
Theo TRÍ THỨC TRẺ
Tags: Biến đổi khí hậu, Động vật, Gấu