⠀
‘Mái ấm Huynh đệ’ – góc tối kinh hoàng trong sự phát triển của Hàn Quốc
Trong loạt chính sách nhằm cải thiện bộ mặt đất nước thành một quốc gia tiên tiến để giành được quyền đăng cai Thế Vận hội Olympic 1988, giới chức Hàn Quốc rầm rộ “làm sạch” đường phố bằng cách buộc hàng chục nghìn người vô gia cư, trộm cắp, nghiện ngập, trẻ em lang thang cơ nhỡ và người khuyết tật vào sống trong các cơ sở tập trung.
Dựa trên hàng trăm tài liệu, hàng chục cuộc phỏng vấn các quan chức cảnh sát, giới chức địa phương và lời khai của hàng trăm nạn nhân, Associated Press (AP) đã trưng ra ánh sáng “góc tối kinh hoàng” trong những cơ sở tập trung đó, đặc biệt là ở trại tập trung mang cái tên nhân từ “Mái ấm Huynh đệ” (Brothers Home).Cho đến nay, không ai phải chịu trách nhiệm đối với các vụ xâm hại và bạo lực vô nhân tính diễn ra tại đây từ năm 1975-1986 vì sự bao che lấp liếm từ cấp cao nhất trong giới cầm quyền.
“Mái ấm” che giấu một địa ngục
Choi Seung-woo đã lặng lẽ đứng hàng tháng trời phía trước tòa nhà Quốc hội, trước ngực đeo tấm bảng nguệch ngoạc dòng chữ đòi công lý. Ông cũng không còn nhớ là mình đã cố tự vẫn bao nhiêu lần rồi nhưng đều được người khác phát hiện và cứu sống cho ông để rồi bây giờ hàng tuần ông vẫn phải trải qua các buổi trị liệu.
“Chính phủ luôn cố gắng che giấu chuyện đã xảy ra. Chúng tôi còn cách nào khác?” – Choi nói – “Hãy nhìn tôi đây này. Tôi đang khóc, tuyệt vọng kể cho các anh nghe chuyện đời mình”.
Sống bụi đời từ năm 14 tuổi, Choi bị kết tội ăn cắp một ổ bánh mì. Viên cảnh sát liên tục dí bật lửa vào gần bộ phận sinh dục của Choi, ép cậu thú nhận cái tội mà cậu không hề làm. Sau đó, hai người đeo dùi cui bên hông xuất hiện và đưa cậu vào trại “Mái ấm huynh đệ”.
Một bảo vệ ký túc xá đã hãm hiếp Choi vào cái đêm năm 1982 đó. Sáng hôm sau, trong khi vẫn còn choáng váng vì bị hãm hiếp tàn bạo tối hôm trước, lúc đang chờ đến lượt lột đồ và tắm rửa cùng những đứa trẻ khác, Choi nhìn thấy một người bảo vệ túm tóc lôi xềnh xệch một người phụ nữ và dùng dùi cui đánh liên hồi vào đầu bà ấy.
“Tôi chỉ đứng đó, run rẩy như một chiếc lá- Choi kể lại mà giọng còn thảng thốt như chuyện mới xảy ra – “Tôi thậm chí không thể hét lên khi tay trưởng nhóm bảo vệ sau đó hãm hiếp tôi một lần nữa”.
Một lần khác, Choi thấy bảy người lính gác quật ngã một người đàn ông đang la hét, quấn ông ta bằng một tấm chăn màu xanh và dẫm đạp lên người ông ấy. Khi tấm chăn được gỡ ra, đôi mắt của người chết đã in sâu vào tâm trí Choi đến tận hôm nay.
Khu phức hợp với các tòa nhà bê tông sơn nhiều màu mọc lên trên thành phố cảng miền nam Busan, che giấu mọi điều diễn ra đằng sau những bức tường cao được canh giữ bởi tốp lính canh đeo dùi cui, roi điện tuần tra cùng bầy chó dữ. Sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Hàn Quốc được cai trị bởi các nhà độc tài quân sự, họ ra sức tập trung việc vực dậy và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Năm 1975, tổng thống độc tài Park Chung-hee, cha của đương kim Tổng thống Park Geun-hye, đã ban hành một chỉ thị cho cảnh sát và quan chức địa phương bằng mọi cách “làm sạch” đường phố khỏi những kẻ lang thang, nghiện ngập, những tay trộm vặt và những người khuyết tật không nơi nương tựa.
Nhân viên cảnh sát, với sự hỗ trợ của các chủ cửa hàng, đã thu gom người ăn xin, bán hàng rong và đồ trang sức rẻ tiền, các trẻ em khuyết tật, mồ côi, và cả những người bất đồng chính kiến, trong đó có cả các sinh viên đang cầm những tờ rơi chống chính phủ. Những người này bị giam giữ như tù nhân tại 36 cơ sở trên toàn quốc.
Tới năm 1986, số lượng tù nhân đã lên đến hơn 16.000 người, 4.000 người trong số đó bị tống vào “Mái ấm Huynh đệ”, nhưng gần 90% trong số này thậm chí không hề dính dáng đến định nghĩa của chính phủ về “người lang thang” và vì vậy lẽ ra không bị đưa vào đó – cựu công tố viên Kim Yong Won, năm nay 61 tuổi, tiết lộ với AP.
Lee Chae-sik, giờ đã 46 tuổi, bị đưa đến Brothers “Mái ấm Huynh đệ” năm lên 13. Công việc đầu tiên của cậu là trong một phòng y tế. Hai lần một ngày, Lee và bốn người khác, không ai trong số họ được đào tạo y tế, phải chăm sóc cho các bệnh nhân được đưa vào trạm xá của trại trong tình trạng thập tử nhất sinh.
Công việc mà Lee sợ nhất là dùng nhíp gắp từng con giòi trên các vết thương hở miệng. “Ai nấy đều thét lên trong đau đớn, nhưng chúng tôi không thể làm được gì hơn”, Lee nói, “Đó là một địa ngục trong địa ngục. Nhiều bệnh nhân đã bị bỏ mặc ở đó cho đến chết”.
Ông kể, những tù nhân mạnh hơn thì lạm dụng tình dục hoặc đánh đập kẻ yếu hơn, kể cả lấy trộm thức ăn của họ. Lee đã từng cố tự sát sau khi bị một bảo vệ tại phòng y tế cưỡng hiếp. Vì biết nhẫn nhục và tỏ ý trung thành, một năm sau, Lee được làm trợ lý riêng của chấp hành viên trưởng Kim Kwang-seok. Lee thường chứng kiến một người đàn ông thấp, to bè và làn da cháy nắng, là người cầm đầu các cuộc đánh đập gây tử vong mỗi ngày trong “phòng sửa sai”.
Cứ cách 2 ngày, Lee phải giúp gã này làm báo cáo cho chủ trại về những người bệnh và chết. Một buổi sáng nọ, Kim đến gặp ông chủ Park In-keun khi ông ta đang chạy bộ để báo cáo rằng có thêm một tù nhân đã bị đánh chết vào đêm hôm trước. Lee nghe Park ra lệnh cho chấp hành viên Kim chôn cái xác ấy trong một mô đất phía sau bức tường của trung tâm.
Một ngày tại “Mái ấm” bắt đầu trước khi bình minh, khi tất cả trại viên vệ sinh cá nhân và đã sẵn sàng cho những lời cầu nguyện bắt buộc lúc 5 giờ 30 phút, được truyền qua loa phóng thanh từ nhà thờ Presbyterian của trung tâm. Sau bài chạy bộ, họ dùng điểm tâm và sau đó chia nhau từng tốp đến nhà máy hoặc công trường xây dựng. Thỉnh thoảng họ được “giải lao” khi có quan chức thành phố, các nhà truyền giáo nước ngoài hoặc nhân viên cứu trợ đến thăm.
Một nhóm các tù nhân khỏe mạnh được chuẩn bị trong nhiều giờ để cho khách thấy bộ mặt tinh tươm của “Mái ấm”, những người còn lại bị bảo vệ lùa vào các phòng của họ rồi khóa chặt. Sau 6 giờ chiều, các bảo vệ thường thực hiện các hành vi “bạo lực vô tội vạ” với những đứa trẻ (khoảng 60 đến 100 em) trong khu nuôi nhốt; các vụ hiếp dâm thường xảy ra ở khu vực này.
Số người chết trên sổ sách do ban quản trị “Mái ấm” công bố là 513 người trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến 1986, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Công tố viên Kim đã phỏng vấn nhiều tù nhân và họ cho biết các cán bộ của trung tâm từ chối đưa người bị thương đến bệnh viện cho đến khi họ đã gần như chết vì sợ họ bỏ trốn.
“Các cơ sở là vương quốc của Park, và bạo lực là cách ông ta cai trị” – Kim nói về người chủ của trung tâm “Mái ấm Huynh đệ” – Khi bạn bị nhốt ở một nơi mà mọi người đang bị đánh đập đến chết mỗi ngày, bạn không có khả năng để phàn nàn quá nhiều về việc bị cưỡng bức lao động, bị lạm dụng hoặc bị hãm hiếp”.
Trong số hơn 180 trường hợp tử vong được ghi nhận tại “Mái ấm” vào năm 1985 và 1986, 55 giấy chứng tử đã được phát hành bởi một bác sĩ duy nhất, Chung Myung-kuk (nay đã chết), ông ta chủ yếu liệt kê các nguyên nhân gây ra cái chết như là “suy tim” và “suy kiệt sức khỏe”.
“Mái ấm Huynh đệ” ở thời đỉnh cao của nó đã có hơn 20 nhà máy sản xuất ra các sản phẩm đồ gỗ, kim loại, quần áo, giày dép… được thực hiện bởi hàng ngàn trại viên mà chủ yếu là làm không công. Người lớn phải làm việc trên các công trình xây dựng, cả ở “Mái ấm” và các cơ sở phụ cận. Trẻ em đôi khi phải dọn xà bần và xây tường, nhưng công việc chủ yếu là lắp ráp bút bi và móc câu cá. Các tù nhân trong những năm 1970 thuật lại rằng, họ đã mất nhiều thời gian để nối dây vào lưỡi câu, đóng gói vào những thùng hàng tiếng Nhật để xuất khẩu sang Nhật Bản.
Mặt hàng váy áo gia công tại xưởng may của “Mái ấm” được gửi sang châu Âu, sản phẩm đế giày được xuất đi Hoa Kỳ. Park, ông chủ của “Mái ấm” nói rằng, các lãnh đạo của tập đoàn Daewoo đã đi tham quan các cơ sở của “Mái ấm” trước khi thiết lập quan hệ đối tác, trong khi Kim Jin-ho phát ngôn viên quan hệ công chúng của Daewoo, cho biết họ không thể xác nhận những chi tiết như vậy vì thiếu hồ sơ từ thời điểm đó.
Theo những tài liệu độc quyền của chính quyền Busan mà AP có được, 11 nhà máy ở đây trên danh nghĩa là nơi dạy nghề cho các trại viên, đáng lẽ phải trả số tiền theo tỷ giá hiện tại là 1,7 triệu USD cho hơn 1.000 người, làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Tuy nhiên, theo công tố viên Kim, dựa trên tài liệu ông có, không người nào được trả lương và đều bị cưỡng bức lao động.
Công lý – không tưởng
Cuộc điều tra ban đầu cho thấy “Mái ấm Huynh đệ” nhận được trợ cấp của chính phủ dựa trên số lượng trại viên và các thành phần được “thu gom”, các sĩ quan cảnh sát thường được khen thưởng tùy thuộc vào số lượng người mà họ thu gom vì vậy nó thúc đẩy cảnh sát hăng say vây bắt.
Năm 1984, ông chủ Park còn nhận được hai huy chương nhà nước vì những thành tựu phúc lợi xã hội và được tham gia vào một ban cố vấn của chính phủ! Câu chuyện của ông ta thậm chí còn tạo cảm hứng cho một bộ phim truyền hình năm 1985 ca tụng người anh hùng đã chăm sóc cho những người “dưới đáy xã hội”.
Trong một lần đi săn gà lôi, Kim Yong Won, lúc đó là công tố viên mới được bổ nhiệm ở thành phố Ulsan, nghe người dẫn đường của ông kể về những người đàn ông trang bị những cây dùi cui gỗ và những con chó lớn đang canh gác những tù nhân trên một ngọn núi gần đó.
Khi họ lái xe tới đó, những người đàn ông cho biết họ đang xây dựng một trang trại cho người chủ của “Mái ấm Huynh đệ” ở vùng lân cận thành phố Busan. Kim kể, ngay lúc đó ông biết mình đã gặp phải “một tội ác rất nghiêm trọng”.
Vào một buổi tối lạnh giá tháng 1-1987, Kim dẫn đầu 10 cảnh sát bất ngờ đột kích “Mái ấm”, khống chế tốp lính bảo vệ ở cánh cổng thép và bịt miệng họ bằng băng keo. Khi vào trong những căn phòng, ông thấy những trại viên tiều tụy nằm xếp lớp như cá mòi hộp, nhiều người trong số họ dường như đang “nằm chờ chết.”
Sau khi ông chủ “Mái ấm” bị bắt, ông ta yêu cầu được gặp sếp của Kim, trưởng công tố viên Busan, những người lúc đó giám sát Ulsan. Một ngày sau đó, Thị trưởng Busan Kim Joo-ho, người đã qua đời vào năm 2014, gọi Kim đến để thuyết phục thả tự do cho Park. Kim cho biết ông đã từ chối một cách lịch sự và treo hồ sơ lại.
Kim kể, cứ mỗi lần tiếp theo lại có quan chức cấp cao muốn bịt miệng ông, có lẽ họ sợ chuyện tày đình nổ ra trước kỳ thế vận hội. Park Hee-tae, khi đó là trưởng công tố viên của Busan và sau này là Bộ trưởng Tư pháp (Park Heetae hiện đang là cố vấn cho đảng Saenuri cầm quyền) không ngừng gây áp lực để thu hẹp phạm vi cuộc điều tra, kể cả buộc ông phải dừng phỏng vấn các nạn nhân. Kim Yong Won đã yêu cầu mức án 15 năm tù cho Park. Tòa án Tối cao vào năm 1989 đã tuyên Park 2 năm tù vì tội biển thủ và các vi phạm về xây dựng, quản lý đồng cỏ và ngoại tệ (!). Chỉ có hai bảo vệ của Park lãnh án, một người bị 1 năm tù và một người 8 tháng.
“Mái ấm Huynh đệ” cuối cùng cũng phải đóng cửa vào năm 1988. Trong những năm 1990, các công nhân xây dựng phát hiện khoảng 100 bộ xương dưới khoảng đất của quả núi ngay bên ngoài trại.
Sau khi ra tù, Park tiếp tục kiếm tiền từ các cơ sở phúc lợi xã hội và buôn bán đất đai. Khu đất của “Mái ấm Huynh đệ” đã được bán cho một công ty xây dựng vào năm 2001 với giá tương đương khoảng 27 triệu USD theo thời giá hiện nay, theo một bản sao của hợp đồng bán đất mà AP có được.
Hàng ngàn nạn nhân của “Mái ấm Huynh đệ” cho đến nay vẫn không nhận được bồi thường, một sự thừa nhận công khai hay một lời xin lỗi. Hiện giờ mới chỉ có một vài nạn nhân lên tiếng, yêu cầu mở cuộc điều tra. Dường như chính phủ Hàn Quốc đang cố ngăn cản các nghị sĩ đối lập yêu cầu mở lại vụ việc, với lý do vụ việc đã quá lâu.
Ahn Jeong-tae, một quan chức Bộ Nội vụ của Seoul cho biết, nếu chỉ tập trung vào một sự cố về nhân quyền sẽ là tạo nên “gánh nặng cho chính phủ và thiết lập một tiền lệ xấu”.
Theo AN NINH THẾ GIỚI
Tags: Hàn Quốc, Tội ác lịch sử