Lý thuyết, thực tiễn quan hệ đối tác chiến lược: Từ thế giới đến Việt Nam

Một quốc gia như thế nào thì được coi là có tầm quan trọng “chiến lược” đối với Việt Nam? Đâu là những tiêu chí để xác định Việt Nam cần thiết lập quan hệ đối tác “toàn diện”, “chiến lược”, hay “chiến lược toàn diện” với một nước?

Lý thuyết, thực tiễn quan hệ đối tác chiến lược: Từ thế giới đến Việt Nam

Tác giả: PGS.TS Đinh Công Tuấn, Viện Nghiên cứu Châu Âu.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu – Số 7/2013.

Chiến tranh lạnh kết thúc (đầu thập niên 1990) đã tạo điều kiện hình thành một số hình thức mới trong quan hệ quốc tế (QHQT), khi quan hệ giữa các quốc gia ngày càng thoát khỏi ảnh hưởng và khuôn mẫu của tư duy và mô hình hai phe, hai chế độ. Ngoài các mô hình sẵn có, các quốc gia lớn với hệ thống chính trị, kinh tế khác nhau trên thế giới đã không ngừng tìm ra các phương cách mới và áp dụng chúng một cách linh hoạt để thúc đầy quan hệ với nhau.

Một trong các hình thức quan hệ mới đó là việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa các quốc gia. Do QHQT của Việt Nam ngày càng mở rộng để đáp ứng các yêu cầu ngày càng đa dạng, đa phương hóa, cũng như làm sâu sắc QHQT, chúng ta đang trong quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định hoặc hiệp ước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với một số nước. Tuy nhiên, trong khi ký kết và thực hiện các điều khoản của quan hệ đối tác chiến lược, Việt Nam lại chưa có những điều kiện để hiểu rõ thực chất, ý nghĩa, cũng như những hạn chế của quan hệ đối tác chiến lược. Vì vậy, bài viết này sẽ tập trung phân tích, đi sâu nghiên cứu và làm sáng tỏ:

(1) Khung lý thuyết về các loại quan hệ đối tác, đối tác chiến lược.
(2) Thực tiễn quan hệ đối tác chiến lược trên thế giới và Việt Nam.

I/ Vấn đề hợp tác trong lý thuyết quan hệ quốc tế

1. Các khái niệm

a) “Hợp tác” (cooporation): Là quá trình phối hợp chính sách, trong đó các nước vì lợi ích điều chỉnh hành vi thuận theo lợi ích của nước khác và đáp ứng nhu cầu của các nước khác trong mối quan hệ giữa các nước đó với nhau (xem Robert Keohave, After Hegemony, Princeton, Nj: Princeton Univerity Press, 1984, p 51 – 52). Từ định nghĩa đó, các hợp tác phải dựa vào sự ràng buộc pháp lý của mối quan hệ quốc tế.

b) “Liên minh” (Alliance): Là mối quan hệ hợp tác chính thức hoặc không chính thức giữa hai hoặc nhiều nước liên quan đến sự trông mong lẫn nhau trên một mức độ nào đó về phối hợp chính sách liên quan đến các vấn đề về an ninh hiện tại và tương lai (S.Walt, Origins of Alliances; “International Relations: one world, many theories”, New York: Norton Publisher, 2004).

Chú ý đến các hình thái: “An sinh tập thể” thường là cách thể hiện mô hình này. Theo đó, các nước ký kết một hiệp ước (chính thức hoặc không chính thức) cam kết giúp đỡ lẫn nhau khi bất cứ thành viên nào bị đe dọa.

Chức năng của liên minh là để “củng cố an ninh của đồng minh” thông qua việc hợp tác để “hợp lực” chống lại một thế lực mạnh hơn.

Cụ thể, lịch sử QHQT cho thấy, sự phát triển của mô hình liên minh là các đồng minh đánh giá nhau qua khả năng các nước có thể trợ giúp nhau về mặt quân sự trong việc răn đe hoặc trừng phạt một liên minh đối lập.

c) “Đối tác” (Partnership): Là thuật ngữ chỉ mối quan hệ cộng tác – hợp tác nhưng ở mức độ cao hơn và cụ thể hơn. John Egan đưa ra định nghĩa: “Đối tác bao gồm hai hay nhiều bên hành động cùng nhau để nâng cao hợp tác bằng việc thực hiện những mục tiêu chung. Xây dựng những kênh/cơ chế giải quyết các bất đồng/tranh chấp, biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác và phương pháp đánh giá tiến bộ cũng như chia sẻ những thành tựu hợp tác” (John Egan, Managing Partnership: Preventing and Solving Problems in Strategie Partnership, Sydney: Allen & Unwin, 2001, p3).

Hành động cùng nhau chung mục tiêu và chung lợi ích là những tiêu chí quan trọng của quan hệ đối tác.

Còn theo Sin – ming Show: “Một mối quan hệ đối tác bao gồm sự gần gũi, bình đẳng, có đi có lại, và thỏa thuận về những mục tiêu chung” (Sin – ming Show, “Let’s Get Real, Folks: Beiking, Taipei and Washington Needs to Calm Down and Quit Posturing”, Time Magazine, 6/3/2000).

d) “Chiến lược” (Strategic): Nghĩa rộng là sự quan trọng có tính toàn cục, then chốt và có giá trị tương đối lâu dài về mặt thời gian. Đặc biệt, trong các văn cảnh liên quan đến việc sử dụng sức mạnh quân sự, đây là từ dùng để chỉ:

(1) Tính tổng thể, để tạo sự khác biệt với những chi tiết (chiến thuật);
(2) Nghệ thuật sử dụng nguồn lực, kết hợp với các giá trị về đạo đức, để đạt được những mục tiêu;
(3) Trong nhiều tình huống, từ “chiến lược” thường liên quan đến các lĩnh vực an ninh – quân sự, mặc dù không hoàn toàn là một thuật ngữ chỉ dùng trong lĩnh vực an ninh – quân sự.

e) “Đối tác chiến lược” (Strategic Partnership): Chỉ một mối quan hệ hợp tác quan trọng (nhưng không nhất thiết chỉ tập trung trong lĩnh vực an ninh – quân sự) vừa có tính hướng vào mục tiêu cụ thể, vừa có hàm ý mong muốn quan hệ lâu dài (quan hệ win – win cùng có lợi) (xem Alan McLennam, Building Strategic Partnership, www.gardens.com.au).

Đặc điểm của quan hệ đối tác chiến lược:

+ Không có giới hạn về không gian, thời gian;
+ Không hạn chế về đối tượng áp dụng;
+ Không hạn chế về lĩnh vực hợp tác, và không nhất thiết phải mang nội dung an ninh – quân sự.

Hình thức: Đối tác chiến lược có thể diễn ra linh hoạt (chính thức hoặc không chính thức, song phương hoặc đa phương, diện và mức độ tham gia rộng hoặc hẹp, nhiều hoặc ít…) và có tính mở (open – ended) vì không hướng tới một kết cục cụ thể.

Tóm lại: Đối tác chiến lược là một dạng quan hệ hợp tác phong phú, trong đó thành phần, nội dung, hình thức, mức độ… hoàn toàn tùy thuộc theo sáng kiến của các bên. Lehman cho rằng: “Hạn chế duy nhất đối với mối quan hệ đối tác chiến lược là “sức tưởng tượng” (imagination) của các bên tham gia”. (David Lehman, Strategic Partnership: Problems and Solutions, www.news.pghtech.org).

2. Các lý thuyết quan hệ quốc tế bàn về hợp tác

Các lý thuyết bao gồm: thuyết hiện thực, thuyết thể chế, thuyết kiến tạo, thuyết chức năng và nhóm lý thuyết về chính trị nội bộ.

a) Thuyết hiện thực (realism)

Nhiều người vẫn cho rằng thuyết hiện thực (và các nhánh của nó) nhấn mạnh vào việc lý giải xung đột quốc tế. Nhưng thuyết hiện thực cũng là công cụ khá mạnh trong việc giải thích hợp tác quốc tế. Thuyết hiện thực cho rằng an ninh quốc gia là động lực dẫn đến sự hợp tác giữa các nước với nhau. Nói cách khác, nguy cơ đe dọa an ninh làm cho các nước xác định rõ hơn bạn và thù để từ đó hình thành mối quan hệ xung đột và hợp tác với các đối tượng cụ thể (xem Hans Morgenthan, Politics among Nations: The Struggle for Power and Peace, New York: Mc Grawill, 1985).

Trường phái hiện thực xây dựng lý thuyết trên những khái niệm và giả định sau đây về hiện thực khách quan trong quan hệ quốc tế:

Quốc gia và hệ thống QHQT (State and System)

Quốc gia là đơn vị cấu thành và là chủ thể của QHQT và hệ thống QHQT được tạo thành bởi các quốc gia. Theo thuyết hiện thực, quốc gia có tính thống nhất (unitary) tức là không c1o sự khác nhau giữa các bộ phận dân cư và chia rẽ giữa các nhóm trong xã hội và hệ thống chính trị; Nhận thức về quyền lợi quốc gia là thống nhất, và các quốc gia đều giống nhau trong mục đích bảo vệ sự sinh tồn (survival), tức vị trí hợp pháp của mình trong hệ thống quốc tế.

Tình trạng vô chính phủ (Anarchy)

QHQT khác với chính trị nội bộ ở chỗ thiếu một cơ chế kiểu “siêu chính phủ” có quyền lực trùm lên trên tất cả các quốc gia, điều hành QHQT trên một cơ sở luật pháp có tính áp đặt cho tất cả các nước và có khả năng cưỡng chế đối với các nước vi phạm luật pháp quốc tế cũng như điều hòa tranh chấp quốc tế. Hệ quả của tình trạng vô chính phủ là tình trạng thường trực của khả năng chiến tranh giữa các nước (Vì các nước đều chạy theo quyền lợi quốc gia của mình và do đó vi phạm quyền lợi với nhau).

Tinh thần tự cứu (self-help)

Tình trạng vô chính phủ và tình trạng thường trực của chiến trạnh (mặc dù trên thực tế chiến tranh ít xảy ra) là điều làm cho các nước có khả năng trở thành đối thủ của nhau, các nước không thể chỉ trông chờ vào sự trợ giúp của các nước khác. Nói cách khác, các nước phải tự đảm bảo an ninh quốc gia của mình trước sự đe dọa từ bên ngoài.

Cân bằng lực lượng (balance of power)

Có một số nước, do hoàn cảnh đặc biệt, nổi lên trở thành mối đe dọa với các nước khác bằng những tham vọng về lãnh thổ, tài nguyên và vị thế của mình, nhất là khi những tham vọng đó được hỗ trợ bằng một nền kinh tế mạnh và lực lượng vũ trang hùng hậu. Các nước đó trở thành mối đe dọa về an ninh với các nước khác, khiến các nước phải áp dụng chính sách cân bằng lực lượng để đối phó với các mối đe dọa đó (Hans Morgenthan, đd và Kenneth Waltz, “Realist Thought and Neorealist Theory”, Journal of International Affairs, No.44, Spring 1990, p 21 – 37).

Cân bằng lực lượng diễn ra theo hai hướng: cân bằng bên trong và cân bằng bên ngoài:

+ Cân bằng bên trong: Các nước phải củng cố tiềm lực kinh tế, nâng cao khả năng quốc phòng và củng cố đoàn kết nhất trí nội bộ. Tiềm lực quốc phòng luôn luôn được những người đi theo thuyết hiện thực coi là biểu hiện cao nhất của sức mạnh quốc gia, vốn bao gồm các yếu tố khác như: tiềm năng địa lý, tài nguyên, nhân lực, công nghiệp, thương mại, khoa học kỹ thuật…

+ Cân bằng bên ngoài: Các nước phải tìm đồng minh, trung lập những đối thủ tiềm tàng và chia rẽ nội bộ đối phương (Hans Morgenthan, sđd, p 201, Robert Gilpin, War and Change in World Politics, New York, Cambridge University Press, 1981).

Hợp tác để đối phó với mối đe dọa chung, thậm chí có thể tồn tại giữa các nước có chế độ chính trị và hệ thống tư tưởng khác nhau. Theo lôgích của chủ nghĩa hiện thực, chính sách nhằm “thêm bạn bớt thù” kiểu như vậy chính là cơ sở của việc các nước hợp tác với nhau.

Tóm lại:

(1) Thuyết hiện thực không loại trừ khả năng các nước hợp tác với nhau. Hợp tác đó là vì lý do an ninh và cân bằng quyền lực, đó là nội hàm của hợp tác giữa các nước.
(2) Tuy nhiên, hợp tác giữa các nước không có tính chất lâu dài, vì khả năng chuyển hóa bạn – thù là chuyện thường xuyên. Câu nói nổi tiếng của Palmestm đã tóm tắt khá chính xác tinh thần thuyết hiện thực: “Không có bạn vĩnh viễn và cũng không có thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”.

b) Thuyết thể chế (Liberal institutionalism)

Những người theo thuyết thể chế không phủ nhận những giả định chính của thuyết hiện thực. Họ chỉ cho rằng tình trạng vô chính phủ có thể được giảm bớt bằng sự xuất hiện của các thể chế và tổ chức quốc tế được lập ra để điều chỉnh một vài lĩnh vực trong đời sống QHQT, nhất là trong quan hệ kinh tế quốc tế.

Trong cuốn “Hậu bá quyền”, R.Keohane cho rằng: Các nước lớn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nên các tổ chức và cơ chế quốc tế (gọi chung là thể chế quốc tế) với những điều luật, nguyên tắc, chuẩn mực hành vi điều chỉnh hành vi của các thành viên, kể cả thành viên sáng lập, từ đó góp phần làm giảm mức độ bất định trong QHQT và mối lo ngại về việc các nước không tham dự hợp tác trên cơ sở đóng góp chung, giảm dần mức độ vô chính phủ và tinh thần tự cứu trong QHQT. Thuyết thể chế do đó làm bớt những tiêu cực, u ám hơn so với thuyết hiện thực. Nó đã nêu ra được những khả năng lớn hơn cho sự hợp tác giữa các quốc gia, cũng coi như thể chế quốc tế là một dạng chủ thể khác trong QHQT tồn tại bên cạnh quốc gia.

Thuyết thể chế còn một số nhược điểm:

– Về mặt xây dựng lý thuyết, thuyết thể chế vẫn phải lấy lại các giả định căn bản của thuyết hiện thực về chủ thể, hệ thống, về tình trạng vô chính phủ, tự cứu…
– Về thực tiễn, chưa có dấu hiệu rõ ràng về sự không tồn tại của những điều kiện theo đó các thể chế quốc tế lớn nhất trong QHQT ra đời. Cụ thể, sau năm 1945 tới nay, Hoa Kỳ vẫn tồn tại như một siêu cường duy nhất có sức mạnh vượt trội so với các nước khác.
– Thuyết thể chế không giải thích được vì sao hợp tác lại ra đời, tức là không tìm được biến số độc lập giải thích gốc rễ của việc các nước quyết định hợp tác với nhau.

Tóm lại: thuyết thể chế quốc tế đã làm sáng tỏ một điều là các thể chế quốc tế đóng vai trò là một biến số can thiệp theo lý giải của những người theo thuyết hiện thực về bản chất của sự hợp tác. Điều đó có nghĩa rằng: Hợp tác vốn có tính chất tạm thời và lệ thuộc rất lớn vào ý đồ của các nước lớn; Các nguyên tắc và chuẩn mực mà các thể chế quốc tế đề ra chỉ có giá trị “tham khảo” đối với các nước, nhất là các nước lớn..

c) Thuyết chức năng (functionalism)

Gần với thuyết thể chế, thuyết chức năng cho rằng, những vấn đề có tính kỹ thuật, liên quan đến sự phát triển của khoa học và công nghệ, đã ràng buộc các nước phải hợp tác với nhau, vượt qua các ranh giới ý thức hệ và khác biệt chính trị, vì không thể một mình giải quyết mọi việc, phải thống nhất về quy chuẩn kỹ thuật với tất cả các nước khác. Tiêu biểu cho trường phái này là David Mitrany. Ông cho rằng: Các tổ chức quốc tế thể hiện nhu cầu hợp tác dựa trên đòi hỏi của sự thống nhất về mặt kỹ thuật khi cuộc cách mạng khoa học và công nghệ phát triển mạnh và ngày càng lan rộng trên phạm vi toàn thế giới (Robert Pfaltzgraff, Contending Theories of International Relations, Massachusetts, Longman, 2002).

Ví dụ, công nghệ hàng không và phát triển giao thông đường không dẫn đến sự hình thành các tổ chức chức năng toàn cầu như Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) để thống nhất quy chuẩn hàng không dân dụng và luật quốc tế áp dụng cho ngành hàng không dân dụng toàn thế giới.

Những người theo thuyết chức năng do đó cũng đồng quan điểm với những người theo thuyết thể chế khi cho rằng: Các tổ chức quốc tế ngày càng đóng vai trò quyết định đối với đời sống quốc tế và các tổ chức quốc tế đang dần trở thành những chủ thể mới trong quan hệ quốc tế.

Tuy vậy, giới nghiên cứu chính trị quốc tế vẫn chưa chấp nhận thuyết chức năng về hợp tác quốc tế vì một số lý do sau:

(1) Thuyết chức năng mang tính kỹ trị, chỉ tập trung vào quan hệ giữa các nước trên lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Trong khi đó QHQT về bản chất là quan hệ chính trị.
(2) Bản thân các tổ chức chuyên ngành cũng không có ý định lấn sân sang lĩnh vực chính trị, các hoạt động của nó đều có hướng phi chính trị hơn.
(3) Việc thống nhất những tiêu chuẩn và chuẩn mực cũng chỉ có tác dụng giúp cho sự hợp tác giữa các nước được thuận lợi hơn, mà không giải đáp được câu hỏi tại sao các nước tham gia hợp tác với nhau.

Như vậy, thuyết thể chế và thuyết chức năng vẫn gặp khó khăn khi giải đáp nguồn gốc của sự hợp tác.

d) Thuyết kiến tạo xã hội (Constructivism)

Thuyết này cho rằng: Các nước dễ hợp tác với nhau khi giữa chúng tồn tại bản sắc (identity) chung. Lập luận nhân quả của thuyết kiến tạo dựa trên những giả định như sau:

(1) Các quốc gia là những chủ thể có tính xã hội (social action), tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, xã hội cụ thể và qua tương tác với nhau, các quốc gia phát triển những ý tưởng (ideas) về nhau, những quan niệm đặc thù về mình và nước khác (gọi là bản sắc – identity) và phát triển quan hệ với nhau dựa trên những quan niệm đó (Alexander Wendt, “Anarchy is What State Make of it: The Social Construction of Power Politics”, International Organization, Vol.46, No.2, Spring 1992).

Như vậy, thuyết kiến tạo tách ra khỏi mảng lý thuyết chính trị thực tiễn ở chỗ không coi sự thay đổi trong cán cân so sánh lực lượng giữa các nước có tính tự nhiên dẫn tới việc hình thành những mối đe dọa.

Ví dụ: Anh có bao nhiêu vũ khí hạt nhân cũng không làm cho Mỹ lo sợ, nhưng CHDCND Triều Tiên có thể có vũ khí hạt nhân nguyên tử cũng đủ để Mỹ lo ngại. Bởi vì sự nhìn nhận của Mỹ về Anh và CHDCND Triều Tiên hoàn toàn khác nhau về mặt bản sắc.

Do nhấn mạnh về yếu tố lịch sử, xã hội, những người theo thuyết kiến tạo cho rằng: Bản sắc là một quá trình xây dựng có tính chủ động, trong đó các nước có thể chủ động tìm và chọn lựa cho mình, các nước không chỉ tạo cho mình một bản sắc. Điều đó không có nghĩa là các nước chỉ lấy bản sắc làm tiêu chí cho việc xây dựng quan hệ hợp tác (hoặc đấu tranh) của mình. Bản thân quá trình lựa chọn bản sắc cũng được kết hợp với yếu tố lợi ích: Bản sắc nào không phù hợp với lợi ích của các nước thì hầu như không nằm trong sự lựa chọn.

Tóm lại: Thuyết kiến tạo không phủ nhận lập luận cơ bản của thuyết hiện thực, mà chỉ tìm cách bổ sung lập luận có tính tự động của thuyết hiện thực bằng những hoàn cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa cụ thể, từ đó đưa ra mối quan hệ nhân quả, trong đó bản sắc và lợi ích dường như là hai biến số độc lập chính.

(2) Thuyết kiến tạo cho rằng các nguyên tắc, chuẩn mực hành vi là biểu hiện của những bản sắc, vừa có giá trị nhận biết bản sắc, vừa có giá trị định hướng đối với những nước đang ở trong quá trình xây dựng bản sắc. Theo đó, các tổ chức quốc tế thành công là nơi các nước có bản sắc tập hợp với nhau trong một dạng QHQT phục vụ những lợi ích cụ thể. Chính vì thế, các tổ chức quốc tế nếu muốn thành công, cần có những tiêu chí sau:

– Cùng chung bản sắc;
– Cùng chung lợi ích (thường là lợi ích an ninh và chiến lược)
– Cùng có những điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử.

Tóm lại: Bản sắc đã hạn chế tác động tiêu cực của tình trạng vô chính phủ và những điểm tương đồng về bản sắc càng nhiều thì khả năng hợp tác và duy trì hợp tác càng cao (nếu kết hợp thêm cả đồng lợi ích), và điều đó cũng có nghĩa là liên minh dựa trên bản sắc mạnh và hình thành phạm vi khu vực thường có cơ hội thành công lớn hơn.

e) Các thuyết hướng vào chính trị nội bộ

Thuyết này có cách tiếp cận nhìn vào bên trong (opening the black box) các quốc gia với những chế độ chính trị, cơ cấu quyền lực, ý thức hệ, kể cả văn hóa, xã hội khác nhau. Mạch lý thuyết này đưa ra những lý giải khác nhau về bản chất của QHQT.

(1) Thuyết hòa bình dân chủ (democratic peace) cho rằng bản chất của sự hợp tác quốc tế lệ thuộc vào tính chất của chế độ chính trị từng nước. Những nước có chế độ dân chủ thường không gây chiến với nhau, do đó hợp tác với nhau chặt chẽ. Các nước có chế độ dân chủ có chính sách hòa bình với nhau vì:

– Dân chủ gắn chặt với những giá trị về tự do (liberalism), chia sẻ những giá trị dân chủ, sẽ cùng chung những giá trị tự do, chống chiến tranh là một trong những tiêu chí lớn nhất.
– Các nước có thể chế dân chủ đều phải tuân thủ một quá trình hoạch định chính sách, trong đó có sự tham gia của nhiều phe, giới trong nước đại diện cho nhiều lợi ích khác nhau và thông tin không bị che giấu. Vì vậy, quyết định phát động chiến tranh không đơn giản như ở trong các thể chế chính trị khác, do vậy, giải pháp hòa bình thường được đề cao.

Thuyết này có nhiều điểm bất cập cả về lý thuyết lẫn thực tiễn như sau:

– Các nước dân chủ không gây chiến với nhau không có nghĩa là các nước yêu chuộng hòa bình. Thực tế, các nước dân chủ đã gây chiến với nhau, cả với những nước khác.
– Tiêu chí để phân biệt các chế độ dân chủ với các chế độ không dân chủ cũng khác nhau, nhất là bị chính trị hóa cao độ khi các nước TBCN đánh đồng dân chủ với mô hình dân chủ phương Tây.

f) Thuyết chính trị thực tiễn áp dụng trong bối cảnh của các nước thuộc thế giới thứ ba.

Thuyết này cho rằng sự tồn vong của chế độ (chứ không phải sự tồn vong của quốc gia) chính là mối lo của giới cầm quyền. Theo cách lập luận này, thuyết chính trị thực tiễn cho rằng: Các nước phát triển quan hệ dựa trên lợi ích (an ninh quốc gia) thì tại các nước thuộc thế giới thứ ba, lợi ích quốc gia dường như bị đánh đồng với lợi ích của chính quyền. Thực chất, giới cầm quyền ở các nước thuộc thế giới thứ ba lo ngại về sự tồn vong chính trị của mình. Kết hợp với khả năng về tiềm lực kinh tế, quốc phòng yếu, lãnh đạo các nước này thường có xu hướng coi sự đe dọa đối với vị trí thống trị của mình còn quan trọng hơn sự đe dọa đối với an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Kết quả, các nước này sẽ lựa chọn chính sách “phù thịnh” (band Wagonning), liên minh với các nước lớn, giới lãnh đạo các nước nhỏ được hưởng những lợi ích rõ ràng như làm suy giảm hoặc chấm dứt các hoạt động lật đổ từ trong nước, được viện trợ hoặc tìm kiếm viện trợ từ nước ngoài; Có sự công nhận hoặc chỗ dựa chính trị từ bên ngoài để làm suy yếu sự chống đối của phe đối lập trong nước, có nguồn viện trợ kinh tế, quân sự từ các nước lớn mà mình đang liên kết.

Lập luận trên tuy nhấn mạnh vào các yếu tố bên trong nhà nước, nhìn chung vẫn không phủ nhận lý thuyết cơ bản của thuyết hiện thực, do một số nguyên nhân sau:

– Vẫn coi nhà nước là thống nhất (unitary), bởi vì tầng lớp lãnh đạo đất nước tuy có mối lo ngại về vị trí lãnh đạo của mình, nhưng vẫn có thể đóng vai trò đại diện cho đất nước.
– Các hành động mà giới lãnh đạo thế giới thứ ba tiến hành không mâu thuẫn với những chính sách do các nhà lý thuyết trường phái thực tiễn gợi ý: Các chính sách đó đều mang tính chất cân bằng lực lượng bên ngoài hoặc tăng cường lực lượng bên trong, và thực tế, QHQT của các nước này rất linh hoạt, kết hợp cùng một lúc các yếu tố cân bằng lực lượng, phù thịnh, và các yếu tố khác.

Tóm lại:

– Có thể thấy lý thuyết chính trị thực tiễn và lý thuyết kiến tạo, phần nào đó là mảng lý thuyết về chính trị nội bộ, là các dạng lý thuyết chính liên quan đến hợp tác vì phần nào đã nêu được nguồn gốc của sự hợp tác bằng việc định ra những biến số độc lập. Đáng chú ý, nếu xuất hiện những điểm đồng về nhận thức bản sắc, thì hợp tác có điều kiện kéo dài hơn so với hợp tác trong khuôn khổ thuyết hiện thực. Trong khi đó thuyết thể chế, nếu kết hợp với các lý thuyết khác, có thể giải thích sâu hơn sự hợp tác về mặt “kỹ thuật”, nhưng không giải thích đầy đủ sức thuyết phục tại sao hợp tác lại ra đời.
– Cả ba lý thuyết hiện thực, kiến tạo xã hội, và thể chế tự do đều có thể sử dụng để lý giải về việc hình thành quan hệ đối tác chiến lược giữa các quốc gia, trong đó hai thuyết hiện thực và kiến tạo xã hội được xem là công cụ phân tích thích hợp hơn cả vì đã chỉ ra sự tương đồng về lợi ích và bản sắc, đó là những lý do chính quy định việc các quốc gia thiết lập quan hệ đối tác với nhau trong khoảng thời gian nhất định đối với một số vấn đề cụ thể (Nguyễn Vũ Tùng, Hoàng Anh Tuấn: Quan hệ đối tác chiến lược trong quan hệ quốc tế, từ lý thuyết đến thực tiễn, Học viện quan hệ quốc tế, Hà Nội, 2006).

II/ Thực tiễn quan hệ đối tác chiến lược trên thế giới và Việt Nam

1. Các quan niệm về đối tác chiến lược trên thế giới

Thuật ngữ “đối tác chiến lược” (Strategic Partnership) lần đầu được sử dụng vào khoảng những năm 1990, 1991 để chỉ quan hệ Mỹ – Trung. Từ đó thuật ngữ này được sử dụng tràn lan.

Theo quan niệm của GS. Valery Loskin (Nga), “đối tác chiến lược” phải bao gồm những nội dung sau:

– Không tấn công lẫn nhau;
– Không liên minh chống lại các nước khác;
– Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau;
– Phải có lòng tin lẫn nhau

(Phát biểu tại Hội nghị Việt Nam học tại Hà Nội năm 2012)

Theo quan điểm của TS. Nguyễn Nam Dương (Học viện Ngoại giao):

– Đối với Mỹ: Đối tác chiến lược phải bao gồm hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh;
– Đối với phía Việt Nam: Mối quan hệ chiến lược gắn với ngoại giao, kinh tế (Phát biểu tại Hội nghị Việt Nam học tại Hà Nội năm 2012).

Theo TS. Lê Hồng Hiệp (Học viện Ngoại giao): Quan hệ đối tác chiến lược mà Việt Nam quan niệm phải bao gồm hợp tác về an ninh, thịnh vượng, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. TS. Hiệp giải thích:

– “An ninh” nghĩa là quan hệ đối tác chiến lược đó sẽ giúp cho Việt Nam củng cố nền tảng ngoại giao và quốc phòng, hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong việc giữ gìn an ninh, bảo toàn chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
– “Thịnh vượng” là mối quan hệ kinh tế với đối tác đó phải góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Nó thể hiện trên các lĩnh vực: quan hệ thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển (ODA) và chuyển giao công nghệ. Ví dụ: lượng hóa các khía cạnh này, thiết lập các tiêu chuẩn. Như thương mại song phương phải đạt kim ngạch tối thiểu 10 tỷ USD, đầu tư song phương đạt từ 5 tỷ USD trở lên… Nếu các tiêu chí đó chưa đạt được thì phải xét đến quy mô và mức độ phát triển của quốc gia đó.
– Nâng cao vị thế của Việt Nam: Quốc gia đó phải là những nước lớn, hoặc cường quốc hạng trung tiêu biểu. Là những quốc gia có vị thế và ảnh hưởng quan trọng, đáng kể đối với đời sống chính trị thế giới và khu vực. Thông qua mối quan hệ thân thiết với họ, Việt Nam có thể tận dụng được sự ủng hộ cần thiết trong các vấn đề quốc tế, khu vực, nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam.

Cả 3 tiêu chí trên cần được nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể.

Dựa trên cơ sở lý thuyết, trải qua thực tiễn, chúng tôi cho rằng, quan hệ đối tác chiến lược ngoài 3 tiêu chí: an ninh, thịnh vượng, nâng cao vị thế của Việt Nam, cần phải có những tiêu chí khác nữa như: quan hệ lâu dài, cùng có lợi (mức độ lợi ích có thể chia đều, hoặc hơn kém do hai nước quy định), có niềm tin tưởng vào nhau…

Có những mối quan hệ tuy không phải là đối tác chiến lược, nhưng thực chất lại còn hơn cả đối tác chiến lược. Ví dụ, quan hệ Mỹ – EU tuy không phải là đối tác chiến lược, nhưng mối quan hệ hợp tác lại vô cùng chặt chẽ. Còn quan hệ Braxin – EU, tuy là quan hệ đối tác chiến lược, nhưng mức độ quan hệ không thể so sánh được với quan hệ Mỹ – EU. Vì vậy, cần nhìn vào thực chất mối quan hệ chứ không phải chỉ nhìn vào câu chữ hay tuyên bố.

Mối “quan hệ đặc biệt” (như quan hệ Việt Nam – Lào – Campuchia) tuy không nói là quan hệ đối tác chiến lược, nhưng mối quan hệ đặc biệt này còn sâu sắc hơn cả quan hệ đối tác chiến lược. Các bên ủng hộ nhau trong mọi trường hợp, vì một mục tiêu chung.

2. Thực tiễn quan hệ đối tác chiến lược trên thế giới

Bản thân quan hệ giữa các nước lớn (vì vị thế, tầm vóc quốc gia, hệ tư tưởng) đã mang tính chất chiến lược, dù là mối quan hệ đó mang tính hợp tác hay cạnh tranh. Chính vì thế mà Mỹ coi Trung Quốc vừa là đối tác chiến lược, vừa là đối thủ chiến lược.

Quan hệ “vừa yêu, vừa ghét” giữa Mỹ và Trung Quốc dưới các đời tổng thống Clinton, G.Bush và Obama cũng được cả hai bên coi là đối tác chiến lược và cùng bày tỏ cùng thúc đẩy trong thế vừa hợp tác vừa đấu tranh.

Sau một thời gian sóng gió trong giai đoạn 1989 – 1996, quan hệ Trung – Mỹ bước vào giai đoạn ổn định. Hai nước xây dựng quan hệ đối tác chiến lược năm 1997. Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ – Trung đã hình thành với các bước triển khai cụ thể nằm trong tổng thể quan hệ các mặt giữa hai nước:

– Đối thoại chiến lược trên tất cả các cấp chính quyền;
– Thiết lập đường dây nóng giữa ahi nguyên thủ quốc gia hai nước;
– Hợp tác chống buôn lậu ma túy và tội phạm (Mỹ mở văn phòng chống ma túy tại Bắc Kinh);
– Ký hiệp định tư vấn về hải quân để giải quyết sự cố trên biển, thiết lập thông tin và liên lạc cho tàu thủy, tàu ngầm giữa hai nước;
– Mỹ bán máy bay dân dụng và lò phản ứng cùng kỹ thuật hạt nhân cho Trung Quốc, Trung Quốc hứa ngừng hợp tác hạt nhân với Iran.

Xét về tổng thể, quan hệ Trung – Mỹ còn tồn tại nhiều vấn đề khó giải quyết bao gồm thâm hụt thương mại, vấn đề Đài Loan, bất đồng trong quan hệ Trung – Nhật, Trung Quốc – ASEAN (quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Bản đồ đường lưỡi bò…), từ đó làm nổi lên lo ngại về ý đồ của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc đang lên trong con mắt của Mỹ. Trong chính giới Mỹ vẫn còn tồn tại lý thuyết về mối đe dọa Trung Quốc, chính phủ Bush và Obama vẫn coi Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” và thi hành chính sách hai mặt, kiềm chế và can dự đối với Trung Quốc. Do đó mối quan hệ đối tác chiến lược không nhằm các mục tiêu rộng lớn.

Trong quan điểm của Trung Quốc, quan hệ đối tác với Mỹ nhằm:

– Vào WTO.
– Ép Đài Loan chấp nhận chính sách “một đất nước, hai chế độ” (giai đoạn trước năm 2000).

Trong khi đó, Mỹ coi quan hệ đối tác chiến lược này nhằm mục đích: Thi hành chính sách can dự đối với Trung Quốc trên các vấn đề quan trọng như cấm thử vũ khí hạt nhân, nhân quyền, dân chủ và ổn định vấn đề Đài Loan. Nhưng mối quan hệ đối tác Mỹ – Trung vẫn thể hiện đủ tính chiến lược (tính lâu dài và tầm quan trọng) của một mối quan hệ giữa hai nước lớn có nhu cầu ổn định lâu dài, quan hệ dần đi vào chiều sâu và bề rộng. Trong bảng thuật ngữ quan hệ quốc tế của Trung Quốc, “đối tác” đứng cao hơn “quan hệ xây dựng” và chỉ đứng sau “liên minh”. Còn Mỹ cho rằng hiện nay Mỹ chưa thể xây dựng một liên minh thực thụ giữa Mỹ và Trung Quốc, và do đó “bước đi chiến lược tiếp theo là Mỹ phải xây dựng một mối quan hệ đối tác với Trung Quốc về dài hạn. Trong lịch sử, đã có lúc Trung – Mỹ liên minh công khai (Mỹ – Tưởng) và ngầm (Mỹ – Mao/Đặng). Do đó cũng không thể loại trừ khả năng Mỹ – Trung lại bước vào một dạng Liên minh tương lai (G.2). Theo hướng đó, quan hệ chặt chẽ giữa hai nước phát triển trong khuôn khổ đối tác chiến lược hoàn toàn có thể coi là các bước chuẩn bị cho liên minh đó.

3. Quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam

Tháng 1/2013, nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Italia, hai nước đã ký tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt – Ý. Đây là mối quan hệ đối tác chiến lược mới nhất mà Việt Nam đã thiết lập với một nước khác.

Trước đó, Việt Nam đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với LB Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha (2009), Vương quốc Anh (2010), và Đức (2011). Trong số này, một số mối quan hệ như với Trung Quốc và LB Nga đã được nâng lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”. Ngoài ra, từ năm 2009, Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện” với Australia.

Chưa dừng lại ở đó, trong chuyến thăm gần đây tới Pháp của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, hai nước cũng thống nhất sẽ sớm nâng quan hệ song phương lên tầm “đối tác chiến lược”. Một số tin tức khác cho biết, Việt Nam cũng có ý định tương tự với Mỹ và một vài quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Rõ ràng việc làm sâu sắc quan hệ với các quốc gia quan trọng trên thế giới là phù hợp với đường lối “đa dạng hóa, đa phương hóa”. “muốn là bạn và đối tác tin cậy” với các nước trên thế giới mà Việt Nam đã theo đuổi những thập kỷ qua. Tuy nhiên, việc thiết lập các mối quan hệ “đối tác chiến lược” với một loạt quốc gia như vậy gây ấn tượng làm đại trà, có phải hoàn toàn hợp lý?

Thế nào là “đối tác chiến lược” với Việt Nam?

Một quốc gia như thế nào thì được coi là có tầm quan trọng “chiến lược” đối với Việt Nam? Đâu là những tiêu chí để xác định Việt Nam cần thiết lập quan hệ đối tác “toàn diện”, “chiến lược”, hay “chiến lược toàn diện” với một nước? Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với quốc gia đó tạo ra sự khác biệt như thế nào đối với quan hệ đối ngoại của Việt Nam nói chung và với nước đó nói riêng?

Mặc dù đã có tới 10 mối quan hệ đối tác chiến lược được thành lập trong vòng hơn 10 năm qua, nhưng cho tới lúc này, dường như các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa rõ ràng cho khái niệm này, đặc biệt là nội hàm của nó. Chính vì vậy, một số học giả có ý kiến cho rằng quan hệ “đối tác chiến lược” và hai biến thể của nó là “đối tác toàn diện” và đối tác “chiến lược toàn diện” nhìn chung là những khái niệm được Việt Nam dùng để đánh dấu những mối quan hệ mà Việt Nam cho là quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là quan trọng tới mức nào, và quan trọng đối với cái gì của Việt Nam?

Đối với các nước ASEAN, Việt Nam nên thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược vì sẽ tạo ra sự liên kết, hợp tác chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang cần đến sự đoàn kết nội bộ của ASEAN để xử lý vấn đề Biển Đông.

Theo TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU

Tags: ,