Lịch sử Triều Tiên từ thời cổ đại đến năm 1948

Theo Tam quốc di sự (Samguk Yusa) và một số tư liệu thời trung cổ Triều Tiên, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Triều Tiên bắt đầu từ năm 2333 TCN dưới thời Cổ Triều Tiên (2333–108 TCN). Khi đó lãnh thổ của người Triều Tiên trải dài từ bán đảo Triều Tiên đến phần lớn miền Nam Mãn Châu. Những dấu tích của loài người trên vùng đất này thì có từ sớm hơn nữa, cách đây hơn 70 vạn năm.

Sau sự tan rã của Cổ Triều Tiên, Triều Tiên bước vào thời kỳ phân tranh quyền lực mà đỉnh điểm là thời Tam quốc phân tranh gồm 3 nước Cao Câu Ly (Goguryeo), Bách Tế (Baekje) và Tân La (Silla) kéo dài từ năm 57 TCN đến năm 668 sau công nguyên (SCN). Đến năm 676, Tân La thống nhất hầu hết bán đảo Triều tiên. Trong khi đó, bộ hạ của nhà Cao Câu Ly thành lập vương quốc Bột Hải ở bắc bán đảo Triều Tiên vào năm 698. Năm 926, Bột Hải bị người Khiết Đan thôn tính; Triều Tiên lại rơi vào thời kỳ phân tranh Hậu Tam Quốc (892–935) với 3 nhà nước Hậu Cao Câu Ly, Tân La, Hậu Bách Tế

Nhà Cao Ly (918-1392) chấm dứt sự phân chia bán đảo Triều Tiên kéo dài gần 1000 năm sau công cuộc giành vương quyền Hậu Cao Câu Ly và thôn tính Tân La, Hậu Bách Tế. Năm 1392, Cao Ly sụp đổ và được thay thế bởi nhà Triều Tiên (1392–1897) và sau đó là Đế quốc Đại Hàn (1897–1910) trước khi bị người Nhật thôn tính vào năm 1910.

Sau Đệ nhị Thế chiến, Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh vào năm 1945, Triều Tiên bị chia cắt làm hai với ranh giới là vĩ tuyến 38: Miền Bắc – CHDCND Triều Tiên theo chính thể cộng sản và Miền Nam – Đại Hàn Dân Quốc theo chính thể tư bản. Hai bên đã đối đầu trực tiếp với nhau trong cuộc chiến Triều Tiên năm 1950 và vẫn duy trì tình trạng chiến tranh đến ngày nay.

Các quốc gia Triều Tiên cổ đại

1. Go Chosun (Triều Tiên cổ) – quốc gia cổ đại đầu tiên trên bán đảo Hàn

Go Chosun (Triều Tiên cổ) là quốc gia cổ đại đầu tiên của dân tộc Hàn, được hình thành dựa trên nền tảng văn hóa thời kỳ đồ đồng. Triều Tiên cổ trải qua những thay đổi về mặt chính trị và văn hóa từ Dangun Chosun (Đàn Quân Triều Tiên) đến Kija Chosun (Cơ Tử Triều Tiên) và cuối cùng là Wiman Chosun (Vệ Mãn Triều Tiên).

1.1. Dangun Chosun (khoảng từ năm 2333 TCN – năm 1122 TCN)

Dangun (Đàn Quân) thống nhất các bộ tộc ở phía Tây Bắc bán đảo Hàn và vùng Yoryeong Manju (Liêu Ninh Mãn Châu) rồi dựng lên nước Go Chosun (Triều Tiên cổ).

Một số sách sử cũng có đề cập tới sự kiện này.

Sách Ngụy thư ghi rằng:

“2000 năm trước, có Dangun Wangkeom (Đàn Quân Vương Kiệm) lập đô ở A Sa Dal (A Tư Đạt), đặt tên nước là Chosun (Triều Tiên), cùng thời với vua Cao Nghiêu (Trung Quốc).

Sách Cổ ký ghi rằng:

Dangun Wangkeom (Đàn Quân Vương Kiệm) lên ngôi vua vào năm Canh Dần đời Đường Cao Nghiêu năm thứ 50. Ngài lập kinh đô ở Pyeong Yang (Bình Nhưỡng), đặt tên nước từ đầu là Chosun (Triều Tiên), sau lại dời đô về A Tư Đạt vùng núi Bạch Nhạc. Ngài cai trị đất nước ở Beak Ak San (núi Bạch Nhạc) 1500 năm.

1.2. Kija Chosun (khoảng từ năm 1122 TCN – năm 194 TCN)

Sách Cổ ký ghi rằng:

Chu Vũ Vương lên ngôi năm Kỷ Mão và phong đất Triều Tiên cho Kija (Cơ Tử).

Đây được coi là thời kỳ Kija Chosun (Cơ Tử Triều Tiên). Tuy nhiên, thời kỳ này được nhận định là khó có thực trong lịch sử nên đa số các học giả thời hiện đại đều loại bỏ thời kỳ Cơ Tử Triều Tiên ra khỏi lịch sử Triều Tiên cổ.

1.3. Wiman Chosun (khoảng từ năm 194 TCN – 108 TCN)

Vào khoảng thế kỷ thứ 2 TCN, Wiman (Vệ Mãn) hình thành thế lực ở vùng phía Tây, đánh đuổi Joon Wang (Chuẩn Vương) rồi trở thành vua của nước Triều Tiên cổ (năm 194 TCN).

Sau khi thống nhất các bộ tộc xung quanh rồi nhanh chóng mở rộng thế lực của mình, Triều Tiên cổ trở nên cường thịnh và có ý chống đối nhà Hán. Nhà Hán đưa quân sang tấn công và Triều Tiên cổ bị diệt vong vào năm 108 TCN. Sau khi bình định được Triều Tiên, nhà Hán đặt bốn quận là Chin Beon (Chân Phan), Im Doon (Lâm Đồn), Nak Rang (Lạc Lãng), Hyeon To (Huyền Thố).



2. Các quốc gia mới

Bước vào thời kỳ đồ sắt, việc chuyên môn hóa công việc và phân tầng giai cấp trong xã hội trở nên rõ nét hơn. Thời kỳ này, bộ tộc nào giỏi sử dụng đồ sắt thì có khả năng tăng cường thế lực của mình và phát triển thành một quốc gia. Theo đó, ở Mãn Châu và phía Bắc cũng như phía Nam bán đảo Hàn xuất hiện các quốc gia mới.

2.1. Sự xuất hiện của các quốc gia mới

Các quốc gia mới bao gồm: Buyeo (Phù Dư) và Goguryeo (Cao Cú Lệ) ở vùng Mãn Châu; Okjeo (Ốc Thư) và Dongye (Đông Uế) ở bờ biển Đông Hải, phía Bắc bán đảo Hàn và Tam Hàn (gồm Mã Hàn, Thìn Hàn, Biện Hàn) phát triển ở vùng phía Nam bán đảo Hàn. Ma Han (Mã Hàn) gồm 54 nước nhỏ. Hai nước Jinhan (Thìn Hàn) và Byeonhan (Biện Hàn) mỗi nước có 12 thuộc quốc.

Sách Thông điển ghi rằng:

“Dân Triều Tiên phân tán, chia thành hơn bảy mươi nước, tất cả các nước này đều có lãnh thổ bốn phương hàng trăm dặm”.

Sách Hậu Hán thư chép:

“Tây Hán lúc đầu chia Triều Tiên ra làm 4 quận, sau đó đặt hai phủ. Luật pháp ngày càng phức tạp, chia thành bảy mươi tám nước, mỗi nước một vạn hộ. Mã Hàn ở phía Tây, có khoảng 54 ấp nhỏ và mỗi ấp được gọi là một nước. Thìn Hàn ở phía Đông, có 12 ấp nhỏ, cũng gọi là nước. Còn Biện Hàn ở phía Nam, có 12 ấp nhỏ, mỗi ấp đều gọi là nước”.

Sách Tiền Hán thư chép:

“Năm thứ 5 niên hiệu Thủy Nguyên đời vua Chiêu Đế, tức năm Kỷ Hợi (năm thứ 82 trước Công nguyên) đặt hai ngoại phủ là đất Triều Tiên xưa”. Cụ thể là Pyung Na (Bình Na) và Huyền Thố thuộc về Bình châu đô úy phủ, Lâm Đồn và Lạc Lãng thì thuộc về quận thứ hai gọi là Đông bộ đô úy phủ. Trong Triều Tiên truyện có ghi 4 quận là Chân Phin, Huyền Thố, Lâm Đồn, Lạc Lãng, còn ở đây thì ghi Bình Na mà không có Chân Phiên nên có thể là một địa danh có hai tên”.

2.2. Cơ cấu chính trị của các quốc gia mới

Theo quá trình phát triển, mỗi nước có cơ cấu tổ chức chính trị đặc thù của riêng mình. Phù Dư và Cao Cú Lệ là liên minh vương quốc, gồm tập hợp của nhiều bộ tộc. Ở Phù Dư, dưới vua có các chức quan, như: Maka (Mã gia), Wooka (Ngưu gia), Jeoka (Trư gia), Guka (Cẩu gia)… Cao Cú Lệ được hình thành bởi liên minh 5 bộ tộc, theo đó, ở giai đoạn đầu, sức mạnh tập trung trong tay các tộc trưởng nên quyền lực nhà vua không lớn.

Ở Ốc Thư và Đông Uế, người cầm quyền không sử dụng danh xưng là “wang” (vương) mà được gọi là Eupgun (Ấp quân) hay Samno (Tam lão). Ở Tam Hàn, mỗi một nước nhỏ đều có người đứng đầu điều hành chính sự, gọi là Eupcha (Ấp tá). Ngoài người lãnh đạo về chính trị còn có chủ tế là người chuyên cai quản các nghi thức tế lễ.

2.3. Pháp luật và phong tục của các quốc gia mới

Mỗi nước đều có tập quán xã hội, tín ngưỡng tôn giáo và pháp luật riêng. Để duy trì xã hội, các nước đều có những điều luật cơ bản liên quan đến tội sát nhân, trộm cắp, … giống luật của Triều Tiên cổ.

Ở Phù Dư, có phong tục tuẫn táng hoặc chôn theo đồ tùy táng. Người Cao Cú Lệ rất coi trọng võ nghệ nên thường giỏi việc bắn cung, cưỡi ngựa; trong nước thường tổ chức những cuộc thi săn bắn hoặc đấu vật để rèn luyện thân thể. Ngoài ra, ở Cao Cú Lệ còn có tục ở rể hay tục chôn vàng, bạc trong quan tài.

Ngôn ngữ và phong tục của Ốc Thư và Đông Uế tương đối giống Cao Cú Lệ. Ở Ốc Thư, đất đai màu mỡ, nghề nông phát triển nên thường phải cống nạp những đặc sản như vải gai, muối, hải sản… cho Cao Cú Lệ. Ở đây còn có tập tục đón con dâu từ khi còn nhỏ tuổi và tục chôn hài cốt của những người trong cùng một gia đình vào chung một nơi.

Người Đông Uế rất coi trọng núi non, sông suối nên mỗi bộ tộc đều sở hữu những ngọn núi hoặc dòng suối riêng, nghiêm cấm người của bộ tộc khác ra vào. Nếu ai vi phạm thì phải bồi thường bằng trâu, bò, ngựa. Ở Đông Uế có luật lệ cấm những người trong cùng thị tộc kết hôn với nhau.

Ở Tam Hàn, nghề nông rất phát triển, đặc biệt là trồng lúa. Ở Biện Hàn, việc sản xuất đồ sắt rất phát triển, họ thường bán sang Mã Hàn, các quận huyện của nhà Hán và Nhật Bản.



Nhà nước Silla và Balhea

Vào giữa thế kỷ thứ 6, vương quốc Silla đã xâm chiếm và cai quản vương quốc Gaya láng giềng, một vương quốc gồm các thành quốc mạnh phát triển ở khu vực đông nam bán đảo từ giữa thế kỷ thứ nhất đến giữa thế kỷ thứ 6. Vương quốc Silla cũng đã liên minh quân sự với nhà Đường của Trung Quốc nhằm chinh phục các vương quốc Goguryeo và Baekje. Nhưng sau đó, Silla đã chiến đấu chống lại nhà Đường khi nhà Đường để lộ tham vọng sáp nhập lãnh thổ Goguryeo và Baekje.

Silla đã đẩy lùi Trung Quốc vào năm 676. Sau đó vào năm 698, những người dân trước đây của vương quốc Goguryeo sống tại khu vực trung nam Mãn Châu lý đã lập nên vương quốc Balhae. Balhae bao gồm không chỉ những người dân của vương quốc Goguryeo mà còn một số lớn dân vùng Malgal.

Balhae đã thiết lập một hệ thống chính phủ với trung tâm là năm thủ phủ địa phương, đây là mô hình dựa trên cơ cấu hành chính của vương quốc Goguryeo. Vương quốc Balhae đạt đến đỉnh cao của thịnh vượng trong nửa đầu thế kỷ 9 với việc xâm chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn từ sông Amur ở miền Bắc, sông Kaiyuan ở trung nam Mãn Châu lý cho tới phía tây. Quốc gia này cũng thiết lập quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản. Balhae tồn tại đến năm 926, khi nước này bị người Khitan lật đổ. Sau đó người dân trên bán đảo Hàn đã di chuyển xuống miền Nam sinh sống tại vương triều Goryeo mới được thành lập.

Silla thống nhất bán đảo Hàn vào năm 668 và đạt tới đỉnh cao của quyền lực và sự thịnh vượng vào giữa thế kỷ 8. Vương quốc này đã nỗ lực thiết lập một đất nước Phật giáo. Đền Bulguka được xây dựng trong thời kỳ này. Tuy nhiên, quốc gia tôn sùng đạo Phật này đã bắt đầu rơi vào tình trạng kém phát triển do giới quý tộc tự cho phép sống cuộc sống quá xa xỉ. Ngoài ra, cũng có những xung đột giữa các nhà lãnh đạo địa phương đòi quyền lực đối với hai quốc gia bị chiếm đóng là Goguryeo và Baekje. Năm 935, vua Silla chính thức quy phục vương triều mới được thành lập là Goguryeo.

Nhà nước Gojosun

Nước Gojosun (Triều Tiên cổ) trải qua những thay đổi về mặt chính trị từ Dangun Chosun đến Kija Chosun và cuối cùng là Wiman Chosun. Cùng với sự thay đổi về mặt chính trị là sự thay đổi về mặt văn hóa từ thời kỳ đồ đồng sang thời kỳ đồ sắt. Do thiếu các sử liệu nên muốn xác định lãnh thổ Triều Tiên cổ, ta cần phải sử dụng các tư liệu khảo cổ học, bao gồm những di vật, di tích tiêu biểu cho văn hóa thời kỳ đồ đồng của Triều Tiên cổ, như: kiếm đồng hình đàn tỳ bà, đồ gốm vùng Misongri, các ngôi mộ đá… Trong đó, đặc trưng nhất là cây kiếm có lưỡi và cán được đúc theo hình đàn tỳ bà. Loại kiếm này bắt nguồn từ bán đảo Hàn, sau đó, xuất hiện chủ yếu ở Yodong (Liêu Đông) và Yoseo (Liêu Tây). Khu vực phân bố của kiếm đồng hình đàn tỳ bà và các ngôi mộ đá giúp chúng ta phần nào ước đoán được phạm vi thế lực của Triều Tiên cổ.

1. Dangun (Đàn Quân) dựng nước Triều Tiên cổ

Cùng với sự hình thành văn hóa thời kỳ đồ đồng, nhiều bộ tộc đã xuất hiện ở phía Tây Bắc bán đảo Hàn và vùng Yoryeong Manju (Liêu Ninh Mãn Châu), đứng đầu các bộ tộc này là các tộc trưởng. Đàn Quân thống nhất các bộ tộc này rồi dựng lên nước Triều Tiên cổ. Việc dựng nước Triều Tiên cổ của Đàn Quân chứng tỏ bề dày lịch sử rất lâu đời của đất nước Hàn Quốc. Đồng thời, sự kiện dựng nước của Đàn Quân và quan điểm dựng nước vì lợi ích của toàn dân đã trở thành nguồn động lực khơi gợi niềm tự hào dân tộc mỗi khi dân tộc Hàn lâm nguy. Thông qua câu chuyện lập quốc của Đàn Quân, chúng ta có thể hình dung phần nào về thời kỳ đầu dựng nước của dân tộc Hàn. Việc xuất hiện gấu và hổ trong câu chuyện thần thoại “Dangun dựng nước” phản ánh yếu tố của tín ngưỡng sùng bái động vật đặc trưng (vật tổ, tô-tem) vào thời tiền sử; còn các chức quan Phong bá, Vũ sư, Vân sư (chủ quản mưa, gió, mây) được nhắc đến trong thần thoại này chứng tỏ quốc gia đầu tiên của dân tộc Hàn được thành lập trong bối cảnh xã hội nông nghiệp.

2. Sự phát triển, biến đổi và diệt vong của nước Triều Tiên cổ

Cùng với sự phát triển của văn hóa thời kỳ đồ đồng, Triều Tiên cổ dần đóng vai trò là trung tâm văn hóa – chính trị và khuếch trương thế lực của mình. Vào khoảng thế kỷ thứ 4 trước công nguyên (TCN), Triều Tiên cổ phát triển thành một quốc gia thống trị một vùng đất đai rộng lớn ở phía Bắc bán đảo Hàn và vùng Mãn Châu, lấy trọng tâm là vùng Liêu Ninh. Vào khoảng thế kỷ thứ 2 TCN, Wiman (Vệ Mãn) hình thành thế lực ở vùng phía Tây, đánh đuổi Joon Wang (Chuẩn Vương) rồi trở thành vua của nước Triều Tiên cổ (năm 194 TCN). Vào thời kỳ này, văn hóa đồ sắt cũng bắt đầu lan tỏa. Dựa vào nền tảng này, Triều Tiên cổ đã thống nhất các bộ tộc ở xung quanh rồi nhanh chóng mở rộng thế lực của mình. Thêm nữa, nhờ vào việc trở thành vùng trung chuyển giao thương giữa nhà Hán của Trung Quốc và các nước ở phía Nam bán đảo Hàn, Triều Tiên cổ nhận được nhiều lợi ích về mặt kinh tế và trở thành một quốc gia giàu mạnh. Khi trở nên cường thịnh, Triều Tiên cổ có ý chống đối nhà Hán. Nhà Hán liền sai quân bao vây, tấn công thành Wang Keom (thành Vương Kiệm) là kinh thành của Triều Tiên cổ. Cháu trai của Vệ Mãn là Woo Keo Wang (Hữu Cừ Vương) kháng cự quyết liệt quân nhà Hán trong vòng một năm nhưng cuối cùng, thành Vương Kiệm thất thủ, đất nước Triều Tiên cổ diệt vong vào năm 108 TCN.

Nhà nước Goryeo

WangGeon (Vương Kiến) vốn xuất thân từ vùng Songak, ông ủng hộ GungYe và trở thành võ tướng dưới quyền của GungYe. Trong quá trình dựng nên Hu-Goguryeo, Wang Geon lập nhiều công lớn và được thăng tới chức Sijung (Thị trung). Sau khi lên ngôi, GungYe mắc sai lầm nghiêm trọng tự xưng là Phật Di Lặc và nghi kỵ tàn sát các công thần, đánh mất lòng dân. Do đó, triều thần đã phế truất GungYe và đưa Wang Geon lên ngôi vị quốc vương. WangGeon đổi tên nước là Goryeo (Cao Ly), với ý nghĩa kế thừa Goguryeo xưa, lấy niên hiệu là Cheonsu (Thiên Thụ) (năm 918), định đô ở KaeSeong (Khai Thành).

Nhà nước Goryeo kéo dài 475 năm, trải 33 đời vua, mở đầu là WangGoen Taejo (Thái tổ Vương Kiến: 918 – 943), kết thúc là Changwang ( Xương Vương: 1388 – 1392).

(1) Thiết lập trật tự xã hội và thống nhất dân tộc

WangGoen Taejo (Thái tổ Vương Kiến) đã thắt chặt mối quan hệ với các hào tộc địa phương, tạm thời chấp nhận và cho họ quyền cai quản một số điền trang thái ấp ở Goryeo. Ông đã cưới 20 tiểu thư của các gia đình hào tộc, tạo nên mối quan hệ thân thiết, đồng thời, còn ban quốc tính cho một số dòng họ có thế lực khác. Tuy vẫn còn coi trọng Phật giáo, kế thừa di sản của Phật giáo Shilla, Baekje, cho xây dựng nhiều chùa lớn nhưng ông vẫn có ý định mở rộng chính sách, cho phép Nho giáo, Đạo giáo cùng tồn tại, tích cực tiếp thu văn hoá văn minh Trung Hoa trên tinh thần cải biến sao cho cho phù hợp với phong tục tập quán của Goryeo. Hơn nữa, Taejo còn soạn thảo Những phòng ngừa về chính trị; Mười điều huấn thị; Các quy tắc quan chức để răn dạy con cháu và các quan nhằm đảm bảo cho tương lai của Goryeo.

Những chính sách của Taejo đã tạo ra một sự hoà hợp dân tộc, được lòng dân và xã hội Goryeo dần ổn định và phát triển. Tuy vậy, về lâu dài, chính sách của Taejo để lại một hậu quả là thế lực địa phương, đặc biệt là ngoại thích ngày càng lớn hơn và thay nhau nắm giữ quyền lực trong triều, đe doạ đến vương quyền. Chẳng hạn như dòng họ An San Kim sau này độc quyền trong triều khoảng 50 năm (từ 1009 đến 1060), dòng họ Inju Yi năm giữ khoảng 80 năm (từ 1046 đến 1127).

Đến đời vua Jeongjong ( Định Tông: 945 – 949 ), kế tiếp là Gwangjong (Quang Tông: 949 – 975), một số chính sách mới đã được triển khai để ổn định và củng cố vương quyền. Gwangjong ban bố chính sách giải phóng nô tỳ mà các hào tộc đang chiếm giữ; thi hành chế độ khoa cử để tuyển dụng nhân tài, bổ sung vào cơ quan hành chính, đồng thời, dùng biện pháp vũ lực đánh dẹp những thế lực địa phương chống đối chính sách mới.

Đến đời vua Seongjong (Thành Tông: 981 – 997), Goryeo lấy tư tưởng chính trị Nho giáo làm căn bản và xây dựng chế độ chính trị trên cơ sở đó. Về cơ cấu tổ chức trung ương, Goryeo mặc dù tiếp nhận mô hình tam tỉnh lục bộ của Đường, Tống nhưng chỉ lập ra nhị tỉnh lục bộ, tức chỉ có Trung thư môn hạ tỉnh (hợp nhất Trung thư tỉnh và Môn hạ tỉnh) và Thượng thư tỉnh. Thượng thư tỉnh trực tiếp điều hành lục bộ. Ngoài ra, Goryeo còn đặt ra các cơ quan như Samsa (Tam ty), Eosadae (Ngự sử đài), Jungchuwon (Trung xu viện) và Dobyeongmasa ( Đồ binh mã sứ ). Đồ binh mã sứ tương đương như Cơ mật viện sau này, các quan đầu triều họp bàn những chính sách quan trọng của nhà nước.

Từ đời vua Seongjong (Thành Tông), cả nước được chia thành 12 Mok (mục), dưới mục là châu, huyện và triều đình cử quan lại xuống cai trị; Thủ đô được đặt ở Gaeseong (khai thành) và vùng xung quanh được gọi là khu vực Gyeonggi (kinh kỳ). Pyeongyang (Bình Nhưỡng) được gọi là Tây kinh, Gyengju (Khánh Châu) được gọi là Đông Kinh, hợp với kinh đô gọi là tam kinh.

Quân đội được hình thành từ nhị quân, lục vệ của trung ương và quân các châu, huyện. Nhị quân được giao nhiệm vụ canh giữ cung cấm, lục vệ bảo vệ kinh đô và biên giới quốc gia. Quân châu huyện bảo vệ trị an và đảm nhiệm các công việc quân dịch.

(2) Nội loạn và sự thành lập chính quyền võ thần

Loạn Yija Gyeom (Lý Tư Khiêm) và Myo Cheong (Diệu Thanh)

Dòng họ YijaGyeom có quan hệ hôn nhân nhiều đời với vương thất và trở thành một dòng họ ngoại thích có thế lực nhất đương thời. Đặc biệt, Yija Gyeom đã gả hai con gái cho Yejong (Duệ Tông) và Injong (Nhân Tông) làm vương phi nên càng lộng hành và lấn át quyền vua. Điều này khiến vua Injong lo ngại và muốn loại bỏ Yija Gyeom. Việc bị bại lộ và Yija Gyeom kéo quân chiếm kinh thành, đốt cung điện (năm 1126). Vua Injong thoát nạn và sau đó đã dẹp được loạn, giết chết Yija Gyeom.

Sau loạn Yija Gyeom, Myocheong (Diệu Thanh), một tăng lữ xuất thân ở Seogyoeng (Tây Kinh) cùng với quan đại thần Jeong Ji Sang (Trịnh Tri Thường) lợi dụng lúc lòng dân bất ổn đã nêu thỉnh cầu vua Iujong xưng đế hiệu và chinh phạt nước Kim. Để thực hiện điều này, họ khẩn thiết đề nghị nhà vua dời đô về Seogyeong(Tây Kinh). Nhà vua nghiêng về kiến nghị trên, cho xây cung điện ở Seogyeong và thường xuyên lui về đó.

Nhưng, thế lực chính trị ở kinh đô phản đối việc dời đô. Do đó, Myeocheong đã cầm đầu những người Seogyeong nổi loạn, đặt tên nước là Daewiguk (Đại vĩ quốc), lấy niên hiệu là Thiên khai. Lập tức, quân triều đình do GimBusik (Kim Phú Thức) làm tư lệnh đã tấn công Seogyeong và khoảng một năm sau, cuộc phản loạn bị dập tắt.

Nội loạn đã để lại hậu quả nặng nề, các kinh thành và làng mạc bị đốt phá, tài chính quốc gia suy kiệt, cuộc sống của người dân đói kém, lòng dân bất ổn.

Sự thành lập chính quyền võ thần

Năm thứ 9 đời vua Gwangjong, tức năm 958, nhà vua ra sắc lệnh lập Văn Miếu, Quốc tử giám và mở khoa thi Nho học, lựa chọn nhân tài để bổ nhiệm vào cơ quan hành chính nhà nước. Tới đầu thế kỷ XII thì hàng ngũ quan lại qua khoa cử ở Goryeo đã ổn định theo các cấp bậc từ trung ương đến địa phương. Nho giáo Goryeo không những đã vượt lên trên Phật giáo mà còn được coi trọng quá mức. Trong triều đình, văn ban được đề cao hơn võ ban, phẩm hàm của quan văn được xếp cao hơn quan võ. Ngoài xã hội, vị trí xã hội và kinh tế của binh lính bị hạ thấp, không được phân chia đất đai như trước đây , chỉ hưởng lương theo cấp bậc mà còn phải thường xuyên bị huy động đi lao dịch trong thời bình.

Nội loạn xảy ra, công lao của võ tướng và binh lính trong việc dẹp loạn không phải là nhỏ, nhưng nhà vua và giới quý tộc vẫn xem thường võ tướng. Vua Ưijong kế nghiệp Injong lại chỉ thích vui chơi, hội hè đình đám và nghe theo đám quan văn nịnh thần, bởi thế, đám quan văn càng khinh rẻ đám võ quan. Do cách đối xử như vậy, sự nổi dậy của các võ quan là điều không thể tránh khỏi. Nhân thời cơ vua Ưijong đi vui chơi ở Phổ hiền viện ở ngoại ô, các võ tướng do Jeong Jung Bu (Trịnh Trọng Phu) cầm đầu đã làm cuộc chính biến (năm 1170). Đám quan võ tàn sát các quan văn, đày vua Ưijong đi biệt xứ, dựng người em sinh đôi với Ưijong lên ngôi và chiếm lấy chính quyền. Thời gian các võ quan nắm quyền kéo dài khoảng 100 năm, trong đó, 60 năm cuối, dòng họ Choe (Thôi) độc chiếm quyền lực.

Thời gian đầu, chính quyền võ quan do Jeong Jung Bu đứng đầu còn phải chống trả vất vả với các cuộc nổi dậy của đám văn quan muốn phục hồi vương vị cho vua Ưijong, sau đó, xã hội mới dần ổn định theo thiết chế quân sự. Kế tiếp Jeong Jung Bu là Gyeong Dae Seung (Khánh Đại Thăng) và Yi Ưi Min (Lý Nghĩa Mẫn).

Theo nghiên cứu và công bố mới đây, Lý Nghĩa Mẫn là hậu duệ đời thứ 6 của dòng họ Lý ở Tinh Thiện (Seong Sun), tức dòng họ Lý Dương Côn (Việt Nam) chạy sang Goryeo từ cuối đời vua Càn Đức, tức Lý Thần Tông (1128 – 1138) Lý Nghĩa Mẫn từng có nhiều công lao trong thời kỳ võ quan nắm quyền ở Goryeo, quyền hành gần như Tể tướng, đứng đầu chính quyền Goryeo trong sáu năm (1190 – 1196).

Sau Lý Nghĩa Mẫn, quyền lực trong triều Goryeo rơi vào tay dòng Choe và dòng họ này duy trì được 4 đời, khoảng 60 năm. Xã hội Goryeo thời kỳ này khá ổn định so với thời kỳ đầu và dòng họ Choe (Thôi) đã để lại những dấu ấn lịch sử nhất định, nhất là những cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.

(3) Kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông

Từ năm 1231 đến năm 1259, Goryeo đã phải 6 lần chống trả các cuộc xâm lăng của quân Nguyên Mông.

Cuộc kháng chiến lần thứ nhất diễn ra vào năm 1231, quân dân Goryeo đã đồng tâm hiệp sức chống lại quân Mông Cổ. Đặc biệt, tại thành Gwiju (Quy Châu), dưới sự chỉ huy của Bakseo (Phác Tề), quân dân trong thành đã giữ vững thành trì, bẻ gãy cuộc xâm lược này.

Cuộc kháng chiến lần thứ hai xảy ra vào năm 1232 với sự đóng góp to lớn của Lý Long Tường, một Hoàng thân nhà Lý Việt Nam sang Goryeo tỵ nạn vào năm 1226. Những di tích như Thụ hàng môn, Bia kỷ tích còn lại đến ngày nay đã ghi rõ công trạng đó và đã được giới sử học hai nước xác nhận.

Trong thời gian chống quân Nguyên Mông, lợi dụng tâm lý sự biển của quân Mông Cổ, triều đình Goryeo đã rút ra đảo Ganghwa, một hòn đảo ở vùng biển phía Tây Nam bán đảo. Để thu phục lòng dân và hy vọng nhờ sức mạnh của Đức Phật đẩy lùi được quân Mông Cổ, triều đình Goryeo đã cho khắc lại bộ kinh Tam Tạng. Công việc này được hoàn thành sau 16 năm và có lẽ chỉ mang tính chất cổ xuý về tinh thần chống giặc ngoại xâm. Dẫu sao, hàng ngàn bản khắc gỗ kinh Phật hiện còn lưu giữ ở chùa Haein gần Daegu là một trong những di sản văn hoá rất đáng tự hào của dân tộc Hàn. Bản kinh Phật này hiện nay đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Ở trong đất liền, chính quyền họ Choe (Thôi) đã biết tập hợp lực lượng, vận động toàn dân lợi dụng địa hình núi non và hải đảo để kháng chiến. Trong một trận chiến, Gim Yun Hu (Kim Doãn Hầu) chỉ huy quân đội và dân địa phương đã giết chết Sallita ( Sát Lễ Tháp ), viên tướng chỉ huy quân Mông Cổ, đánh bại một cuộc tấn công nữa của quân giặc.

Sau mấy cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chính quyền họ Choe (Thôi) đã không quan tâm đến dân chúng bị lầm than trong chiến tranh mà ngược lại còn thực hiện các chính sách sưu cao thuế nặng để duy trì chính quyền và sống xa hoa ở đảo GangHwa dẫn đến làm mất lòng dân. Bởi thế, người nắm quyền tối cao là Choe Ưi bị sát hại và chính quyền họ Choe sụp đổ.

Sau thời kỳ võ quan nắm quyền, triều đại Goryeo đã có sự trở lại của các văn quan và việc giảng hoà với quân Mông Cổ đã được đặt ra. Thái tử của Goryeo được cử đi thương lượng và hai bên đã ký một hiệp ước giảng hoà một cách thuận lợi.

Theo hiệp ước này, tuy nhà Nguyên thừa nhận chế độ và phong tục của Goryeo nhưng Goryeo phải chịu một số ràng buộc nhất định thông qua một cơ quan hành chính của nhà Nguyên đặt tại Goryeo gọi làChinh Đông hành tỉnh và Thái tử Goryeo phải kết hôn với công chúa của nhà Nguyên, vương tử phải được giáo dục ở kinh đô nhà Nguyên.

Sự ràng buộc của nhà Nguyên đối với Goryeo kéo dài gần 80 năm. Đến khoảng giữa thế kỷ XIV, khi nhà Nguyên suy thoái, Goryeo mạnh lên thì sự lệ thuộc mới chấm dứt.

(4) Kinh tế và văn hoá Goryeo

Về kinh tế, nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế Goryeo. Bởi thế, việc phân chia đất đai và lực lượng nông dân có tầm quan trọng đặc biệt.

Hệ thống ruộng đất có đặc điểm cơ bản là: đất công thuộc sở hữu nhà nước và đất tư thuộc sở hữu tư nhân. Đất công bao gồm đất trả lương cho các quan lại, (binh lính Goryeo thời kỳ đầu cũng được hưởng đất theo chế độ lương bổng, thời kỳ sau chỉ được nhận tiền lương), đất phân cho các cơ quan nhà nước, tu viện, đền chùa… Người nông dân tự do có thể nhận đất công, canh tác và phải nộp 1/4 số thu hoạch. Đất tư là đất của các dòng họ, gia đình quý tộc, đất được nhà vua ban thưởng và gia đình quý tộc có thể thu tới 1/2 số thu hoạch, bởi người canh tác trên ruộng đất của họ thường là nô tỳ và gia nhân. Tuy vậy, người nông dân ngoài việc nộp tô còn phải đi lao dịch tuỳ theo từng thời kỳ, thời gian từ 3 đến 6 tháng một năm và phải tự lo khẩu phần ăn uống hàng ngày.

Thương mại tuy chưa phải là phần quan trọng trong nền kinh tế Goryeo nhưng việc buôn bán với Trung Quốc đã phát đạt. Ngoài ra, Goryeo cũng đã có quan hệ thương mại với các dân tộc ở vùng Mãn Châu và Sibêrya, Nhật Bản, Ả Rập… Thương hiệu Korea (chuyển từ tên Goryeo) đã được nhiều nước trong khu vực biết đến. Người Việt Nam biết đến Goryeo qua phiên âm chữ Hán là Cao Ly.

Về văn hoá, so với thời Shilla thống nhất thì Goryeo thống nhất đã có sự phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực về văn hoá như văn học, sử học, nghệ thuật, y học, tôn giáo…

Phật giáo thời kỳ đầu Goryeo phát triển rất mạnh. Vua Taejo tin rằng Đức Phật phù hộ cho ông thành công trong việc dựng nước nên đã ra lệnh xây nhiều chùa lớn và đưa Phật giáo lên vị trí chính yếu. Các đời vua sau kế tiếp sự nghiệp của cha ông càng tôn sùng Phật giáo và các nghi lễ của Phật giáo không chỉ giới hạn trong nhà chùa mà còn mở rộng ra dân gian. Di sản Phật giáo thời kỳ này còn lưu lại là vô số những ngôi chùa lớn được xây dựng công phu. Thời kỳ sau, tuy Phật giáo phải nhường chỗ cho Nho giáo nhưng bộ kinh Tam Tạng được khắc trong thời kỳ chống giặc Mông Cổ cũng là một di sản quý báu.

Năm 958 (Năm thứ 9 đời vua Gwangjong), Văn Miếu – Quốc Tử Giám được lập nên đã chính thức khẳng định chỗ đứng của Nho giáo trên đất Goryeo. Trải hơn hai thế kỷ hình thành, phát triển, Nho giáo Goryeo đi theo hướng cực đoan và đã phải trả giá đắt cho sự trỗi dậy của lực lượng võ quan. Trong suốt 100 năm võ quan cầm quyền, Nho giáo hầu như vắng bóng trên chính trường, các văn quan và nho sinh bị tàn sát và khoa cử Nho giáo bị đình trệ.

Cuối thời kỳ Goryeo, Tân Khổng giáo được du nhập và phát triển nhanh chóng. Tân Khổng giáo từng bước đẩy lùi tầm ảnh hưởng của Phật giáo và đã có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Goryeo, khoa cử Nho giáo được khôi phục và dần đi vào nề nếp.

Thời Goryeo, những bộ sử lớn đã được biên soạn, tiêu biểu là Tam quốc sử ký do Gim Bu Sik (Kim Phú Thức) soạn, Tam quốc di sự do nhà sư IrYon (Nhất Nhiên) soạn. Tam quốc sử ký là bộ chính sử, ghi chép lịch sử đất nước một cách chính thống, còn Tam quốc di sự là bộ dã sử, không chính thống. BộTam quốc sử ký mang đậm tư tưởng Nho giáo, còn Tam quốc di sự lại mang tư tưởng Phật giáo. Ngoài ra, còn có Đông Minh vương thiên Đế vương vận ký. Đông Minh vương thiên do YiGoeBo (Lý Khuê Báo) soạn, là bộ sử viết bằng thơ chữ Hán trường thiên, nội dung viết về thần thoại Chu Mông, thần thoại dựng nước Goguryeo. Đế vương vận ký cũng là bộ sử được viết bằng thơ chữ Hán trường thiên do Lý Thừa Hưu viết.

Tuy là những bộ sử nhưng trong đó, các giá trị văn học cũng được thừa nhận. Tính văn học được đề cao đã khiến cho giới văn học Hàn Quốc chú ý và khai thác nhiều, từ đó, khẳng định giá trị văn chương của các bộ sử nói riêng, văn chương thời Goryeo nói chung. Văn học chữ Hán thời kỳ này đã nở rộ, chủ yếu học theo lối văn Tần Hán, thơ Thịnh Đường. Tuy vậy, truyền thống sáng tác hyangca (bài ca dân gian) từ thời Shilla vẫn tồn tại. Đặc biệt, phê bình văn học đã hình thành và phát triển, thúc đẩy văn học Goryeo ngày một hoàn thiện hơn. Nổi bật là những tác phẩm như Phá nhàn tập của YiInRo (Lý Nhân Lão),Bạch Vân tiểu thuyết của YiGoeBo (Lý Khuê Báo), Bổ nhàn tập của Choesa (Thôi Tư)… Về mỹ thuật, nổi bật là gốm men màu ngọc bích, được đánh giá rất cao, được xem như đỉnh cao nhất của thành quả nghệ thuật Goryeo…

(5) Loạn giặc Wa (Nhật Bản), giặc khăn đỏ và sự xuất hiện thế lực mới lật đổ vương triều Goryeo

Vào thời vua Gong Min (1351 – 1374), giặc Wa và giặc khăn đỏ thường xuyên quấy rối Goryeo.

Giặc Wa là hải tặc có căn cứ ở đảo Tsushima của Nhật. Từ đầu thế kỷ XIV, chúng xâm nhập vùng duyên hải và cướp bóc, thậm chí, có đợt, chúng cướp phá ở đảo GangHwa và uy hiếp cả kinh đô.

Giặc khăn đỏ là quân nông dân của tộc người Hán lợi dụng lúc nhà Nguyên suy yếu để tạo phản. Chúng liên tục tấn công Goryeo và có đợt đã tiến vào GaeSeong, vua Gong Min phải đi lánh nạn ở tận vùng Andong, vùng đất thuộc miền Đông Nam bộ.

Lúc đó, các tướng lĩnh Choe Yeong (Thôi Doanh), YiSeongGye (Lý Thành Quế) Choe Mu Seon (Thôi Mậu Tuyên) đã đứng ra lãnh đạo binh sĩ đánh trả giặc Wa và lập nhiều công lớn. Trong quá trình hợp lực đánh đuổi giặc Wa và giặc khăn đỏ, thế lực võ thần do Choe Yeong và Yi Seong Gye cầm đầu đã trưởng thành và lớn mạnh.

Thời kỳ này, ở Trung Quốc, nhà Minh đã thay nhà Nguyên. Ban đầu, quan hệ giữa Goryeo và nhà Minh vẫn giữ quan hệ hữu hảo. Nhưng nhà Minh yêu cầu Goryeo giao lại vùng đất của Goryeo ở phía Bắc mà nhà Minh cho rằng thuộc Trung Quốc xưa. Quan hệ hai nước xấu đi, Goryeo từ chối yêu cầu của nhà Minh, hơn nữa, còn cử Yi seong Gye đem quân tiến đánh muốn giành lại vùng đất Liêu Đông mà nhà Minh đã chiếm giữ. Yi Seong Gye dẫn 5 vạn quân hướng về phía Liêu Đông nhưng đến WiHwado liền quay trở lại chiếm Gae Seong, phế truất vua Uwang (1374 – 1388), loại bỏ Choe Yeong, người nêu kế sách gây ra cuộc chiến đòi lại đất Liêu Đông. Lịch sử Hàn Quốc gọi đây là sự kiện hồi quân ở WiHwado.

Phái của Yi Seong Gye kết hợp với thế lực tân tiến sĩ đại phu – phái có tư tưởng cấp tiến và tiến hành một cuộc cải cách đất nước. Họ xác định mục tiêu chính của cuộc cải cách này là cải cách ruộng đất, tiến tới kiểm soát chế độ ruộng đất đang bị rối loạn, nguyên nhân chính tạo ra mâu thuẫn xã hội lúc bấy giờ. Họ đã đưa ra quy định mới về chế độ ruộng đất, tịch thu ruộng đất của quý tộc cũ rồi phân chia cho quan lại cấp tiến.

Thế lực võ thần kết hợp với phái cấp tiến đã trở thành thế lực mới và cuối cùng, họ đã lật đổ vương triều Goryeo.



Nhà nước Joseon (1392-1910)

Với sự kiện hồi quân ở WiHwado, YiSeonggye đã phế bỏ vua Uwang và Choe Yeong, giành lấy thực quyền rồi cùng phái Tân tiến sĩ thực thi chương trình cải cách. Tiếp đó, họ loại bỏ những phần tử thuộc phái bảo thủ và sau cùng, phế truất ngôi vua của Changwang (1388 – 1392), dựng nên vương triều mới vào năm 1392, đặt tên nước là Joseon (Triều Tiên), với ý nghĩa kế thừa nhà nước Gojoseon, chọn HanYang làm kinh đô. Năm 1394, YiSeongGye chính thức dời đô từ GaeSeong về HanYang ( sau đổi là Hanseong: Hán thành, tức Seoul ngày nay ).

(1) Bộ máy chính quyền trung ương và cơ cấu hành chính địa phương

So với thời Goryeo, thể chế trung ương tập quyền của vương triều Joseon được thiết lập chặt chẽ hơn và vững vàng hơn.

Ở trung ương, cơ quan quyền lực cao nhất là Ưijeong bu (Nghị chính phủ), dưới là Yukjo (Lục tào hay còn gọi là lục bộ) và nhiều cơ quan khác. Nghị chính phủ quyết định những chính sách quan trọng của đất nước trên cơ sở có sự đồng ý của ba vị quan đầu triều. Còn Lục tào thì đảm đương các công việc hành chính quốc gia. Bên cạnh đó, các cơ quan như Saganwon (Ty gián viện) có nhiệm vụ can gián, cảnh tỉnh nhà vua, giúp nhà vua thực hiện chính sự một cách đúng đắn. Saheonbu (Ty hiến phủ) giám sát hành vi tiêu cực trong quản lý nhà nước; Hongmungwan (Hoằng văn quán) chuyên tư vấn việc nước và soạn thảo giấy tờ theo lệnh nhà vua; Ba cơ quan này được gọi tên chung là Samsa (Tam ty). Ngoài ra, còn có Seungjeongwon (Thừa chính viện) làm thư ký riêng cho nhà vua; Ưigeumbu (Nghĩa cấm phủ) xét xử và trừng trị tội phạm; Chunchugwan ( Xuân thu quán ) chuyên ghi chép về lịch sử và Seonggyunwan (Thành Quân quán), trường học cao cấp nhất (đổi tên từ Quốc tử giám).

Ở địa phương, toàn Joseon được chia thành 8 tỉnh (đạo), dưới là quận, huyện, phường, hương, quan cai trị do trung ương cử xuống. Bên cạnh đó, từng địa phương đều có những tổ chức tự quản gọi là Yuhyangso (Lưu hương sở, sau gọi là Hương sảnh) do Yangban địa phương đảm trách. Với cơ cấu như trên, công việc hành chính địa phương được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa các quan chức nhà nước và Yangban địa phương.

(2) Tình hình kinh tế – xã hội

Trong xã hội Joseon, nông nghiệp là cơ sở kinh tế quan trọng nhất. Việc tăng cường sức sản xuất nông nghiệp được chú trọng, nhà nước đặc biệt quan tâm và triển khai việc khai hoang, cải tạo mở rộng đất nông nghiệp, nâng cao kỹ thuật nông nghiệp nhằm nâng cao sản lượng. Từ thế kỷ XV trở đi, nhất là vào thời vua Sejong (Thế Tông) trị vì (1418 – 1450), kỹ thuật canh tác nông nghiệp được nâng cao rõ rệt. Việc phát hành cuốn sách Nongsajik seol (Nông sự trực thuyết) và sự hướng dẫn mang tính phổ cập rộng rãi đã nâng cao sản lượng rõ rệt. Đặc biệt, kỹ thuật trồng lúa trên ruộng nước cũng đã được áp dụng ở phía Nam Joseon; cách trồng lúa theo phương pháp “di ương pháp”, tức gieo mạ xong rồi đem ra cấy ở ngoài ruộng đã được tiến hành.

Nhờ có kỹ thuật canh tác mới, sản lượng lượng thực tăng đã khiến cho thu nhập của nông dân tăng lên, cuộc sống no đủ. Theo đó, thương nghiệp cũng phát triển. Chợ ở các địa phương do nông dân lập ra và thường họp theo phiên, 5 ngày một phiên. Sản phẩm hàng hoá chủ yếu là tự cung tự cấp như các loại sản phẩm nông nghiệp, thủ công, hải sản, dược liệu, vải bông… Sau đó, họ tập trung lại và tổ chức thành những phường hội. Cuối năm 1401, tiền giấy đã xuất hiện; năm 1423, tiền xu bằng đồng được lưu hành; năm 1464, tiền sắt cũng được tung ra thị trường. Những loại tiền này chủ yếu phục vụ cho việc thu thuế của nhà nước được thuận lợi. Còn trong xã hội, phương thức mua bán vẫn chủ yếu dùng vải gai làm vật trao đổi. Sau này, vải bông đã thay thế vải gai, không những có chức năng trao đổi mà còn dùng để may quan phục phục vụ triều đình.

Từ thế kỷ XVII, thương mại Joseon phát triển với quy mô lớn hơn, địa bàn hoạt động rộng hơn và quan hệ buôn bán giữa Joseon với Trung Quốc, Nhật Bản bằng đường biển đã nhộn nhịp. Chính vì vậy, công nghiệp đóng tàu thời kỳ này cũng phát triển theo.

Cũng từ thế kỷ XVII trở đi, kỹ thuật nông nghiệp ngày càng đạt được những thành tựu đáng kể. Kỹ thuật gieo cấy tăng vụ đã khiến cho năng suất sản lượng ngày càng cao. Công tác thuỷ lợi phục vụ cho tăng vụ cũng được phát triển mạnh. Năm 1662, cơ quan phụ trách đê điều được thành lập. Năm 1778, một công trình tưới tiêu lớn đã được lập dự án và tới cuối thế kỷ XVIII, 6000 hồ chứa nước phục vụ cho gieo trồng hai vụ đã hoàn thành. Ngoài nghề trồng lúa, các ngành gieo trồng sản phẩm khác cũng được nhà nước khuyến khích phát triển, đặc biệt là nhân sâm, thuốc lá, bông…

Trong xã hội Joseon, nhìn chung, về cơ bản có 4 giai tầng: Yangban, Chungmin, Yangmin và Cheonmin.

Yangban là tầng lớp quý tộc, không những giàu có về vật chất mà còn nắm quyền lãnh đạo ở trung ương và địa phương. Ở triều đình, Yangban là những văn quan và võ quan. So với thời Shilla và Goryeo, Yangban Joseon giàu có và có thế lực mạnh hơn, được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi hơn. Tuy nhiên, Yangban Joseon không phải là tầng lớp duy nhất nắm giữ đặc quyền lãnh đạo mà hệ thống thi cử, tiến cử quan lại mở rộng và đều đặn đã giảm thiểu tính độc quyền của họ.

Dưới Yangban là Chungmin (tầng lớp trung lưu), bao gồm các quan lại cấp dưới ở địa phương, các thày đồ, thày thuốc, phiên dịch…

Dưới Chungmin là Yangmin (thường dân), bao gồm nông dân, thợ thủ công, các nhà buôn bán…

Dưới cùng là Choenmin (tiện dân), bao gồm nô tỳ và gia nhân…

Trong xã hội Joseon, mọi nghi lễ, nghi thức đều dựa trên nguyên tắc của Tân Khổng giáo. Những quy định ngặt nghèo của Nho giáo càng được đẩy lên cao hơn, thậm chí tới mức cực đoan. Cùng theo tam cương, ngũ luân, nhưng Tân Khổng giáo Joseon nghiêng lệch về vế thứ hai: bề tôi phải tuyệt đối trung thành với nhà vua, con phải thờ cha mẹ chí hiếu, vợ phải nhất nhất phục tùng chồng, em phải luôn tuân theo huynh trưởng, bạn bè phải tuyệt đối giữ chữ tín. Trong đời người, 4 nghi lễ quan trọng phải thực hiện nghiêm chỉnh, đó là quan, hôn, tang tế (tức nghi lễ đội mũ, hôn nhân, tang ma, thờ cúng tổ tiên).

(3) Chế độ khoa cử và phát triển văn hoá

Quan lại thời Joseon chủ yếu được tuyển chọn thông qua thi cử. Nếu không thuộc tầng lớp tiện dân thì ai cũng được đi học và tham dự các kỳ thi. Tuy vậy, phần lớn đối tượng được học hành và thi cử đều thuộc tầng lớp Yangban và Chungmin.

Trường học lớn nhất được xây dựng ở kinh đô, gọi là Seong Gyun gwan (Thành quân quán), đổi tên từ Quốc tử giám; bốn trường lớn ở địa phương thuộc Thành quân quán là Trường Đông, Trường Tây, Trường Nam và Trường Trung. Ở các quận huyện, các trường ở địa phương gọi chung là Hương hiệu. Đây là các trường do nhà nước thành lập, nhà nước cử thày dạy và cung cấp sách kinh điển Nho gia. Nhà nước còn lập Dưỡng hiền khố để thưởng cho những nho sinh xuất sắc, khuyến khích học tập.

Ở các địa phương, trường tư được mở rộng rãi, thậm chí có thời kỳ còn lấn át trường công. Sở dĩ giáo dục ở trường tư thời Joseon phát triển như vậy trước hết là do tinh thần hiếu học của dân tộc Hàn, hơn nữa, đó cũng là con đường tiến thân duy nhất, đồng thời, nhà nước còn khuyến khích, miễn cho thuế và lao dịch.

Nhà nước Joseon cứ đều đặn 3 năm mở một khoa thi. Khoa thi Hương được tổ chức vào những năm tí, ngọ, mão, dậu; khoa thi Hội được tổ chức vào những năm thìn, tuất, sửu mùi, chọn ra 33 tiến sĩ rồi vào điện thí (tức thi trong cung điện của nhà vua), chọn ra 3 người đỗ đầu, gọi là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa giống như Trung Quốc và Việt Nam.

Về văn hoá, trên cơ sở ổn định khá dài của tình hình chính trị và sự phát triển về kinh tế, văn hoá Joseon đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng:

Trước hết phải kể đến sự sáng tạo ra chữ Hàn (Hangưl). Năm 1443, vua Sejong (Thế Tông) ra sắc lệnh nghiên cứu và sáng tạo một hệ thống chữ viết của dân tộc để có thể ghi một cách dễ dàng và tiện lợi tiếng Hàn Quốc. Ông đã cùng các văn thần bỏ nhiều công sức trong mấy năm trời, đến năm 1446, chữ Hangưl đã được sáng tạo ra và từng bước làm thay đổi một cách toàn diện đời sống ngôn ngữ của người Hàn Quốc. Chữ Hangưl, đương thời gọi là Huấn dân chính âm (âm chuẩn mực dạy cho dân chúng) mới có 28 chữ cái, trải qua các thời kỳ lịch sử, ngày càng được hoàn thiện và nay trở thành văn tự chính thống trên toàn bán đảo.

Hai là biên soạn lịch sử được chú trọng. Các bộ sử lớn như Cao Ly sử, Triều Tiên vương triều thực lụcđược viết theo lối biên niên đã ra đời.

Ba là văn học phát triển đến đỉnh cao. Văn học chữ Hán và văn học chữ Hàn cùng được phát huy đã làm phong phú thêm cho bức tranh toàn cảnh của văn học thời kỳ Joseon. Nếu đánh giá cao văn học chữ Hán trong lĩnh vực thi ca thì văn học chữ Hàn chiếm lĩnh lĩnh vực tiểu thuyết. Hơn nữa, văn học dịch đã hình thành ngay từ khi chữ Hàn (Hangưl) ra đời và phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ XVI. Không chỉ văn học chữ Hán của Hàn Quốc mà văn học chữ Hán của Trung Hoa cũng được biên dịch sang tiếng Hàn và phổ biến khá rộng rãi.

Bốn là những tác phẩm, công trình nghiên cứu có liên quan đến nông nghiệp đã có giá trị thiết thực đối với đời sống xã hội. Tác phẩm Nông sự trực thuyết đã nêu ở trên là một ví dụ điển hình. Lại nữa, các ngành như thiên văn, khí tượng, lịch pháp rất phát triển. Chiếc máy đo lượng mưa để xác nhận lượng nước mưa ở từng vùng phục vụ cho nông nghiệp đã ra đời vào năm 1442, sớm hơn tới 200 năm so với chiếc máy có công dụng tương tự ở phương Tây. Một số dụng cụ đo sức gió cũng được phát minh. Một đài thiên văn, đồng hồ mặt trời, đồng hồ nước cũng được sáng chế… Đặc biệt, kỹ thuật in ấn đã đạt được thành tựu to lớn với việc sáng tạo ra cách in bằng các con chữ rời, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp chữ mà còn có thể in liên tục nhiều bản.

Trong lĩnh vực tư tưởng, tôn giáo và tín ngưỡng, Joseon tuy từng bước hạn chế sự phát triển của Phật giáo và Đạo giáo, đưa Nho giáo lên vị trí độc tôn nhưng vẫn thừa nhận và cho phép các tôn giáo khác hoạt động trong phạm vi nhất định.

(4) Sự xâm lược của Nhật Bản năm Nhâm thìn và của người Hồ năm Bính tí

Năm Nhâm thìn (1592), lấy cớ mượn đường sang chinh phục nhà Minh, quân đội Nhật ồ ạt tiến công vào vùng Busan rồi chia làm hai mũi tiến lên phía Bắc. Quân đội Joseon tổ chức phòng ngự nhưng không cản nổi bước tiến của quân Nhật. Nhà vua phải rời bỏ kinh đô đi lánh nạn và kêu gọi toàn dân kháng chiến, đồng thời, cử sứ thần sang nhà Minh xin cứu viện.

Khác với tình hình trong đất liền, thuỷ quân Joseon do tướng YiSunSin (Lý Thuấn Thần) chỉ huy đã sử dụng tàu chiến hình con rùa giao chiến với thuỷ quân Nhật Bản và giành được nhiều thắng lợi. Cùng với thắng lợi của thuỷ quân trên biển, ở đất liền, phong trào nghĩa binh nổi lên và quân chi viện nhà Minh tiến sang đã đẩy lùi quân Nhật đến vùng biển Gyeongsangdo. Quân Nhật đề nghị đình chiến và thương lượng. Sau 3 năm đàm phán không thành công, quân Nhật lại phát động cuộc tấn công. Khác với lần trước, lần này, quân đội Joseon liên kết với quân Minh đã nhanh chóng đánh đuổi quân Nhật ra khỏi bán đảo. Cuộc chiến loạn kéo dài 7 năm mới chấm dứt và lịch sử Hàn Quốc gọi cuộc chiến tranh này là Nhâm thìn Oa loạn.

Sau 7 năm chiến tranh, Joseon đã chịu sự thiệt hại lớn nhất trong lịch sử. Quân Nhật tàn phá không thương tiếc những công trình kinh tế, văn hoá… mà người dân Joseon phải mất hàng trăm năm mới xây dựng được.

Đến đầu thế kỷ XVII, nhà Minh và Joseon cùng suy yếu sau cuộc chiến tranh chống Nhật thì ở vùng Mãn Châu, tộc người Nữ Chân đã lập nên nhà nước Hậu Kim, sau đổi quốc hiệu là Thanh.

Nhà Thanh ngày một lớn mạnh và gây sức ép với Joseon, buộc phải chấp nhận quan hệ chư hầu. Triều đình Joseon phản đối và vua Thái tổ nhà Thanh huy động 10 vạn quân tiến đánh Joseon. Sự kiện này xảy ra vào năm Bính tí (1636) và lịch sử Hàn Quốc gọi là Bính tí Hồ loạn (Hồ: chỉ tộc người Nữ Chân). Quân Thanh chiếm được kinh đô, vua Joseon là Injo (Nhân Tổ) chỉ huy quân đội chống trả nhà Thanh ở Nam Han Sanseong (Nam Hán Sơn thành) suốt 45 ngày đêm nhưng cuối cùng phải chấp nhận yêu cầu của nhà Thanh, đồng ý hoà nghị một cách bất bình đẳng, phải triều cống và làm chư hầu liên minh.

So với cuộc chiến tranh với Nhật Bản, cuộc chiến này tuy ngắn nhưng những tổn thất ở vùng Tây Bắc bán đảo cũng rất lớn. Đặc biệt, sự chấp nhận hoà nghị bất bình đẳng của tầng lớp sĩ đại phu giai đoạn này đã bị lên án suốt một thời gian dài sau đó.

Trải hai cuộc chiến tranh, xã hội Joseon đã có những biến động lớn theo chiều hướng xấu, dẫn đến khủng hoảng kinh tế và chính trị một thời gian dài.

(5) Phong trào Sirhak (Thực học) và phong trào nông dân (Đông học)

Trước hiện thực xã hội suy thoái trầm trọng sau hai phen binh lửa, một bộ phận nho sĩ cấp tiến đã phản đối Lý học của Tân Khổng giáo bảo thủ và cứng nhắc, nêu ra luận thuyết mới gọi là Sirhak (Thực học), trên cơ sở đó đưa ra phương án cải cách chính trị, xã hội, chú trọng tới thực tế.

Các nhà tiên phong trong phong trào này là YiXuGwang (Lý Tuý Quang), Gim Yuk (Kim Dục)… Tuy nhiên, ở vào đầu thế kỷ XVII thì Sirhak chưa được mở rộng và phát triển thành phong trào.

Sang thế kỷ XVIII, Sirhak (Thực học) được mở rộng và trở thành một phong trào xã hội, phái Thực học yêu cầu triều đình Joseon phải thay đổi chủ trương, phải cải cách chế độ ruộng đất trên cơ sở lấy người nông dân làm trung tâm, phải coi trọng cả công thương nghiệp tiến tới chấn hưng công thương nghiệp để phát triển đất nước. Đây chính là sự phát triển mới của phong trào Sirhak.

Song song với yêu cầu thay đổi về mặt chủ trương, học phái Sirhak nghiên cứu học thuật bằng phương pháp thực chứng và áp dụng kết quả nghiên cứu đó vào thực tế đời sống trên tinh thần tự do phê phán. Từ đó, họ đưa ra những kết luận bằng các chứng cớ xác thực.

Thế kỷ XVIII, dưới thời vua Yeongjo (Anh Tổ: 1724 – 1776) và vua Jeongjo (Chính Tổ: 1776 – 1800), với nền chính trị và kinh tế được cách tân, ở mức độ nào đó, xã hội được ổn định, kinh tế và văn hoá cũng có những nét mới mẻ.

Khi vua Jeongjo mất, vua Sunjo (Thuần Tổ) lên ngôi vẫn còn nhỏ tuổi nên quyền lực trong triều rơi vào tay của một số gia đình thông gia với vương thất. Nền chính trị đó được gọi là Chính trị Thế đạo (Sedojeongchi) và nhà vua không có thực quyền. Nền chính trị này kéo dài 60 năm, trải ba đời vua là Sunjo (Thuần Tổ), Heonjong (Hiến Tông) và Cheoljong (Triết Tông). Thế lực ngoại thích mà tiêu biểu là dòng họ Kim ở An Đông (Andong Gimssi) và họ Triệu ở Phong Nhưỡng (Pungyang Jossi) luôn độc chiếm các chức vụ cao trong triều và làm rối loạn chính sách nhà nước.

Dưới nền chính trị Thế đạo, xã hội Joseon rối ren, tham quan ô lại hoành hành, cuộc sống của người dân bị bần cùng hoá và quan trọng hơn là niềm tin bị đánh mất, lòng người bất an. Trong khi đó, tôn giáo đương thời không đáp ứng được nhu cầu về mặt tâm linh của dân chúng. Đúng vào thời gian này, Choe Je U (Thôi Tế Ngu), một yangban sa sút ở vùng Gyeongju đã đưa ra một tôn giáo mới trên cơ sở dung hợp Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo với tín ngưỡng dân gian truyền thống, gọi là Donghak (Đông học).

Triều đình Joseon coi Đông học là tà đạo và đã xử tử hình Choe Je U. Nhưng sau đó, các đệ tử của ông đã nối nghiệp và tuyên truyền Đông học trong nông dân. Tiêu biểu trong số người kế tục sự nghiệp của Choe Je U là Jeon Bong Jun (Trần Bông Chuẩn), ông nêu khẩu hiệu “Trừ diệt tham quan ô lại, cứu bách tính” và tập hợp nông dân tấn công các trụ sở quan lại, phá kho lương thực chia cho nông dân, giải phóng cho những người bị giam giữ. Tới đây, phong trào Đông học đã biến thành khởi nghĩa nông dân Đông học (1894).

Triều đình cử quan lại và phái quân đội đến đàn áp nhưng thất bại và đội quân nông dân đã đánh chiếm gần như toàn bộ các vùng đất phía Nam. Triều đình vội tìm kế hoãn binh, ký hoà ước nhượng bộ với đội quân nông dân và cầu cứu nhà Thanh.

Cuối thế kỷ XIX, Nhật Bản đã nổi lên như một cường quốc ở phương Đông và có quan hệ thương mại mở rộng với Joseon. Bởi thế, khi quân nhà Thanh tiến vào Joseon thì Nhật Bản cũng tiến sang. Cuộc chiến chênh lệch về lực lượng giữa đội quân Đông học với quân đội Nhật Bản và nhà Thanh đã diễn ra trong thời gian ngắn. Cuối cùng, khởi nghĩa Đông học bị dập tắt, Jeon Bong Jun bị quân Nhật bắt và xử tử hình.

Ngay sau đó, do tranh chấp về quyền lợi, chiến tranh giữa quân đội Nhật Bản và nhà Thanh đã nổ ra trên bán đảo và quân đội nhà Thanh cũng thất bại nhanh chóng. Nhật Bản dựa vào sức mạnh của mình từng bước can thiệp sâu vào nội chính Joseon và tới năm 1910 thì chính thức phế bỏ ông vua cuối cùng của triều đại này là Sunjong (1907 – 1910), đặt ách cai trị trên toàn bán đảo.

Nhật Bản xâm lược Triều Tiên

Năm 1592, Nhật Bản xâm chiếm Choson để dọn đường xâm lược Trung Quốc. Đô đốc Yi Sun-sin (1545-1598), một trong những nhân vật được tôn kính nhất trong lịch sử Hàn Quốc đã chỉ huy hàng loạt những cuộc tấn công của thuỷ quân oanh liệt trên biển chống lại đội quân của Nhật Bản bằng những Geobukseon (thuyền rùa) được coi là những thuyền chiến bọc sắt đầu tiên trên thế giới.

Trên mặt đất, những chiến binh nông dân tình nguyện và đội ngũ những tăng lữ phật giáo đã dũng cảm chống lại kẻ thù. Sau khi Tư lệnh Toyotomi Hdeyoshi tử trận, Nhật Bản bắt đầu rút khỏi Hàn Quốc. Cuộc chiến cuối cùng đã kết thúc năm 1598, song nó đã để lại những ảnh hưởng vô cùng to lớn tới triều đại Choson của Hàn Quốc và nhà Minh Trung Quốc. Trong suốt thời gian chiến tranh, rất nhiều nghệ nhân và kỹ thuật viên, kể cả phu khuân vác Hàn Quốc đã bị cưỡng ép đưa sang Nhật Bản.

Từ đầu thế kỷ 17, một phong trào chủ trương Silhak, có nghĩa là học thuật thực hành, đã phát triển mạnh trong các quan chức học giả có tư tưởng tự do, được coi như một phương tiện để xây dựng một quốc gia hiện đại.

Các học giả này kiên quyết kiến nghị việc cải thiện nông nghiệp và thủ công nghiệp, đồng thời thực hiện cải cách triệt để việc phân chia đất đai. Đương nhiên, những nhà quý tộc của một chính phủ bảo thủ không sẵn sàng ủng hộ một sự thay đổi mạnh mẽ như vậy.

Trong nửa sau của thời kỳ Joseon, người ta thấy chính quyền chính phủ và tầng lớp thượng lưu bắt đầu có những biểu hiện của tư tưởng bè phái. Để chỉnh đốn tình hình chính trị không mong muốn này, vua Yeongjo (trị vì 1724-1776) cuối cùng đã đề ra một chính sách không thiên vị. Nhờ thế nhà vua đã củng cố được quyền lực của vương triều và sự ổn định chính trị.

Vua Jeongjo (trị vì 1776-1800) đã duy trì chính sách không thiên vị và lập nên một thư viện của triều đình để giữ gìn những tài liệu và những biên bản của vương triều. Ông cũng khởi xướng những cuộc cải cách về chính trị và văn hoá khác. Giai đoạn này đã chứng kiến sự phát triển rực rỡ của Silhak. Một số học giả có tên tuổi đã viết ra những công trình tiến bộ đề nghị cải cách nông nghiệp và thủ công nghiệp, nhưng chỉ một số ít những ý tưởng đó được triều đình chấp thuận.

Dẫu sau thì thời kỳ trị vì của vua Jeongjo cũng đã đặt nền tảng cho việc phát triển kinh tế, tạo cơ hội cho vương triều này tồn tại tương đối ổn đỉnh trong suốt gần một phần tư thế kỷ.

Nửa sau thế kỷ 18, hoàng gia tiếp tục mâu thuẫn, quyền lực nằm trong tay những dòng họ lớn- họ Kim, Park. Trong thời gian này, xuất hiện một trường phái học thuật mới-Shihak (Thực học) với mục đích mong muốn cải cách lại thiết chế xã hội, chính trị Choson. Dưới thời vua Yeongjo (Anh tổ 1724-1776) và Jeongjo (Chính tổ 1776- 1800), học thuyết Shihark với chính sách cân bằng quyền lực, mâu thuẫn triều đình tạm thời lắng xuống.Về chính trị, đứng đầu nhà nước là vua có quyền lực tối cao. Hội đồng nhà nước gồm 3 vị chủ tịch quyền ngang nhau, phía dưới là 6 bộ, Thừa chính viện phụ trách văn thơ, Sam sa là cơ quan giám sát của triều đình. Cả nước chia thành 8 tỉnh (đạo) do thống đốc đứng đầu, dưới tỉnh là huyện (pu) do quan huyện đứng đầu, nhiệm kỳ 5 năm.

Xã hội Choson gồm 4 giai cấp cơ bản là Yangban (quý tộc), Chungmin(trung lưu), Yangmin (bình dân) và Ch’omin (nô lệ), có địa vị chính trị, xã hội, kinh tế khác nhau. Mọi quan hệ, nghi lễ đều do Khổng giáo chi phối. Trong nông nghiệp, hệ thống thuỷ lợi nhân tạo được xây dựng, có khoảng 600 hồ chứa nước được đào vào cuối thế kỷ 18. Thương mại cũng phát triển, có khoảng 1000 chợ vào thế kỷ 18. Thời kỳ Choson, chữ Hangul ra đời, nhiều ngành khoa học khác cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: văn học, sử học, nghệ thuật…

Nửa đầu thế kỷ XIX, thuyền buôn của các nước Nga, Anh, Pháp, Mỹ lần lượt đến vùng biển Hàn Quốc gõ cửa đòi thiết lập quan hệ buôn bán. Trước sự xuất hiện của Phương Tây, cùng với những hành động ngang ngược, cướp phá của họ khiến triều đình Choson thực hiện chính sách đóng cửa bất hợp tác với Phương Tây. Từ năm 1864, Vua Kojong (Cao Tông) kế vị, cha ông là Taewongun (Đại Viện Quân) nắm quyền nhiếp chính trong hoàng gia. Để củng cố quyền lực, Ông tiến hành cải cách. Tuy nhiên, cuộc cải cách của ông đã vấp phải nhiều trở ngại (nhất là việc đóng cửa trường tư). Cuối cùng, Đại viện quân bị đổ vào năm 1873. Sau đó, quyền lực hoàng gia nằm trong tay hoàng hậu họ Min.

Chính sách mở cửa của Hoàng hậu Min đã không xuất phát từ quyền lợi quốc gia mà chỉ là sự cầu viện bên ngoài nhằm củng cố quyền lực và loại bỏ chính sách bế quan toả cảng của Đại viện quân trước đó. Tuy nhiên, vào thời gian này, lợi dụng sự khủng hoảng, suy yếu của Choson, Nhật Bản đã từng bước thực hiện âm mưu thôn tính, gây ra sự kiện tầu Unyo(Vân Dương) trên vùng biển Hàn Quốc. Sau đó, Nhật Bản dùng áp lực buộc triều đình Choson ký Hiệp ước Kwangwa (Giang hoa). Theo hiệp ước, Choson phải mở cảng Pusan và hai cảng khác.

Người Nhật được tự do điều tra vùng biển Hàn Quốc và thiết lập các khu định cư của họ ở các cảng đã mở. Sau Hiệp ước, Nhật bản và Choson trao đổi Đại sứ. Dựa vào kinh nghiệm trước đó, Triều đình Choson tiến hành một số cuộc cải cách. Cuộc cải cách quân sự đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Năm 1882, cuộc binh biến nổ ra trong hoàng cung, họ Min bị đổ, sứ quán Nhật bị đốt cháy.

Sau đó, phia Nhật định trừng phạt Choson nhưng đã bị Trung Quốc điều 4.500 quân đến ngăn cản. Kết quả sau nhiều lần thương lượng, nhật bản và Hàn quốc đã ký hiệp ước Chomupo tại Inchon. Để từng bước loại ảnh hưởng của Trung quốc ra khỏi bán đảo Hàn, ngày 18/4/1885, Nhật đã ký với Trung quốc Điều ước Thiên Tân, cam kết cùng rút quân khỏi Choson. Tuy nhiên, thời điểm này, người Nga và người Anh cũng có mặt ở Hàn Quốc và càng làm cho tình hình bán đảo phức tạp. Trước sự dàn xếp của Trung Quốc, dẫn đến hoà giải Anh-Nga cùng cam kết rút khỏi Hàn Quốc.

Năm 1894, Hàn Quốc đã nổ ra cuộc cách mạng Đông học (Tônghak) chống lại triều đình Choson, lực lượng khởi nghĩa khoảng 10.000 người. Đáp lại yêu cầu chi viện của triều đình Choson, Trung quốc cử 30.000 quân vào bán đảo. Tương tự, Nhật đổ bộ 7000 quân vào cảng In chon. Kết quả chiến tranh Trung -Nhật bùng nổ, Trung Quốc thất bại, phải ký hiệp ước Mã quan với Nhật và chính thức bị Nhật loại khỏi Choson. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cuộc tranh giành ảnh hưởng Nga- Nhật tại vùng bán đảo Hàn ngày càng gia tăng. Trước hành động bành trướng của Nga ở Mãn Châu và bán đảo Hàn, sau nhiều lần đàm phán không thành, chiến tranh Nga-Nhật đã nổ ra ngày 10/2/1904 và kết thúc tháng 7/1905, người Nhật lại thắng lợi và loại Nga khỏi bán đảo Hàn.

Sau khi nắm quyền kiểm soát Choson, Nhật buộc triều đình Choson ký Hiệp ước Bảo hộ ngày 17/11/1905. Năm 1907, Nhật ép Hoàng đế Kojong thoái vị, nhường ngôi cho Sunjong (Thuần Tông). Tháng 5/1910, tướng Teraushi Masatake đến Bán đảo Hàn làm nhiệm vụ sáp nhập vùng đất này vào Nhật Bản. Ngày 29/8/1910, vua Thuần Tông-vị vua cuối cùng của Choson đã bị ép tuyên bố nhường ngai vàng và đất nước cho Nhật, từ đó, Bán đảo Hàn chính thức trở thành thuộc địa của Nhật Bản.

Lịch sử Triều tiên từ 1910-1945

Triều Tiên đã bị tụt hậu xa so với những hàng xóm mạnh nhất của họ là Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, những quốc gia đã bắt đầu cải cách về kinh tế và chính trị cần thiết để tồn tại trong thế giới hiện đại. Do đó, Triều Tiên dễ dàng trở thành nạn nhân của những sức mạnh đế quốc này. Nhật Bản cuối cùng đã chính thức thuộc đại hoá Triều Tiên vào năm 1910, nhưng ngay từ trước đó, Nhật Bản đã áp dụng một loạt biện pháp để bước đầu cải cách bán đảo Hàn truyền thống về cả kinh tế và xã hội. Các ví dụ tiêu biểu là: xây dựng một nhà máy điện vào năm 1998, xây dựng tuyến đường sắt Seoul-Pusan vào năm 1900; sáng lập một ngân hàng trung ương không chính thức cho bán đảo Hàn qua một chi nhánh ngân hàng Daiichi Ginko của Nhật Bản và cải cách hệ thống tiền tệ của Triều Tiên vào năm 1905; hình thành công ty phát triển phương đông vào năm 1912; mở rộng các hoạt động khai thác mỏ và sản xuất của nhiều công ty Nhật Bản.

Nhật Bản đã cai trị Triều Tiên trong 35 năm, từ năm 1910 đến năm 1945. Trong khoảng thời gian này, nền kinh tế thuộc địa bán đảo Hàn được điều hành bởi người Nhật bản và để phục vụ người Nhật Bản và người hưởng lợi từ sự mở rộng kinh tế của bán đảo Hàn chủ yếu là Nhật Bản và những người Nhật ở Triều Tiên. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cùa nền kinh tế Triều Tiên trong toàn bộ thời gian thuộc địa là gần 4%/năm. Có lẽ cao hơn cả tốc độ tăng trưởng của chính nền kinh tế Nhật Bản(1), nhưng đời sống của những người dân Triều Tiên bình thường lại rất tồi. Hay nói cách khác, GDP bình quân đầu người tăng một cách rõ rệt, nhưng GNP bình quân đầu người Triều Tiên trên thực tế lại giảm.

Trong khoảng thời gian từ năm 1912 đến 1936, Li-baik Lee đã đề xuát một mức tăng trung bình về sản lượng nông nghiệp vào khoảng 1,6% mỗi năm (xem bảng 3.2). Con số này trung lặp với ước tính của Ban Sung Hwan cho cùng khoảng thời gian này. Tuy nhiên, trong thời kỳ này xuất khẩu gạo từ Triều Tiên sang Nhật Bản tiếp tục ở mức cao, dẫn đến sự suy giảm thực sự trong tiêu thụ lương thực bình quân đầu người Triều Tiên. Thực tế, đến năm 1936 hơn một nửa sản lượng nông nghiệp ở Triều Tiên được chuyên chở đến Nhật Bản. Một sự thật trớ trêu và đáng buồn của thời kỳ thuộc địa theo như nhận xét của Edward Mason là “nhiều người Triều Tiên đã phải trải chịu cảnh giảm mức sống một cách tuyệt đối chứ không phải là tương đối”(2).

Khi Nhật Bản rút lui vào năm 1945, GNP bình quân đầu người của Triều Tiên còn rất thấp, có thể so với những nước kém phát triển hiện nay. Thậm chí với sự trợ giúp mạnh mẽ của Mỹ vào trong những năm 50, GNP bình quân cũng chỉ đạt tới 80 USD vào năm 1960, thấp hơn những nước nghèo hiện nay. Sau khi được giải phóng khỏi sự thống trị của Nhật Bản thì những gì còn lại cho bán đảo Hàn chỉ là sự nghèo đói.

Lực lượng Hiến binh nắm quyền kiểm soát triệt để mọi mặt đời sống sinh hoạt của cơ dân Hàn. Bên cạnh đó, Nhật đẩy mạnh khai thác vơ vét tài nguyên thiên nhiên, cải cách tiền tệ, độc quyền về tài chính và doanh nghiệp. Nhìn chung, dưới ách thống trị của Nhật, đời sống của người Hàn vô cùng cực khổ. Trước ách thống trị của Nhật, tại Hàn Quốc tháng 3/1919 đã nổ ra cuộc đấu tranh của người Hàn với hơn 2 triệu người tham gia. Các tổ chức tôn giáo và một số nhà yêu nước đã soạn thảo bản tuyên ngôn độc lập với 33 chữ ký và hô vang khẩu hiệu Độc lập muôn năm. Tuy nhiên phong trào đã bị Nhật dập tắt.

Sau phong trào đó, hàng loạt tổ chức yêu nước ra đời. Tháng 4/1919, chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc được thành lập tại Thượng Hải. Cao ly cộng sản đảng (1920), Triều Tiên cộng sản đảng (1925), Tân Can hội (1927) đã có nhiều hoạt động yêu nước kháng Nhật. Nhiều nơi trên đát Hàn và vùng Mãn Châu, phong trào kháng Nhật cũng nổ ra mạnh mẽ. Cũng sau 1/3, người Nhật đã nhìn nhận lại chính sách cai trị Triều tiên của họ.

Cùng với việc thống trị bán đảo Hàn, tháng 7/1931, Nhật Bản thôn tính Mãn châu, tháng 7/1937 Nhật tiến hành xâm lược Trung Quốc, trên bán đảo Hàn, Nhật thực hiện chính sách đồng hoá, hàng ngàn phụ nữ Hàn bị cưỡng bức phục vụ cho lính Nhật. Từ năm 1943, thế lực của Nhật ở khu vực Châu á – Thái Bình dương bị suy yếu. Sau khi Đức đầu hàng, cùng với sự kiện Mỹ bỏ 2 quả bom nguyên tử ngày 6 và 11/8, ngày 9/8 Liên Xô tuyên chiến với Nhật, ngày 15/8/1945, Nhật chính thức đầu hàng, Đại chiến thế giới thứ hai kết thúc, Hàn Quốc giải phóng khỏi ách thống trị của Nhật.

Sau giải phóng, bán đảo Hàn rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị sâu sắc, miền Nam do Mỹ chiếm đóng, miền Bắc Liên xô tiếp quản. Tuy nhiên những bất đồng quan điểm giữa Liên xô và Mỹ cùng với sự xuất hiện nhiều đảng phái chính trị đã làm cho tình hình Bán đảo trở nên phức tạp. Kết quả, ngày 15/8 Nước Đại Hàn Dân Quốc ra đời tại miền nam do Lý Thừa Vãn làm Tổng thống. Ngày 9/9/1948, tại miền Bắc nước CHDCND Triều Tiên chính thức thành lập. Từ đó hai miền phát triển theo hai khuynh hướng chính trị khác nhau, vĩ tuyến 38 trở thành biên giới kéo dài đến ngày nay.

Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Tags: , ,