Kỳ công cải tạo ‘dòng sông phong thủy’ của chính quyền Lý Quang Diệu

Với người dân Singapore, việc cải tạo dòng sông đã góp phần thay đổi diện mạo của cả đất nước. Đó cũng là một trong những công trình tham vọng nhất của chính quyền Lý Quang Diệu về môi trường.

Thập kỷ 1970, sông Singapore còn tệ hơn dòng Nhiêu Lộc của TP.HCM những năm 1990. Nó giống như khu nhà chồ ven kênh Tàu Hủ, nước đen ngòm và đầy rác rến. Chất thải của hàng ngàn xưởng sản xuất thủ công làm con sông này hôi hám và trở thành con sông chết.

Năm 1977, chính quyền Lý Quang Diệu bắt đầu chiến dịch làm sạch sông Singapore. Mục tiêu là trong một thập kỷ, con sông này phải trở nên diễm lệ và trong lành.

Hàng vạn căn hộ đã được xây làm nơi tái định cư cho các hộ dân giải tỏa. Gần 3.000 xưởng sản xuất phải di dời; hơn 1.000  trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được giải tỏa. Các hộ chăn nuôi được tạo điều kiện chuyển nghề với lời cam kết của chính phủ: “Nơi ở mới, nghề mới tốt hơn và thu nhập cao hơn nơi cũ”. Và sau đó, con sông này đã hồi sinh.

Với quan niệm “Sơn quản nhân đinh, thủy quản tài, con sông này đóng vai trò cực kỳ quan trọng về phong thủy đối với đất nước Singapore. Giờ, hai bên bờ sông là những khu ngân hàng thương mại và các công ty tài chính lớn nhất của Sing và của khu vực.

Những cây cầu ngày xưa được bảo tồn, trở thành những cây cầu bộ hành, đó là điểm nhấn ký ức của Singapore.

Rái cá hoang dã cư ngụ ở bờ sông Singapore.

Ngày nay, từ khu vực tượng Hải sư, du khách có thể mua vé tàu du lịch đi dạo trên con sông trong lành này, người ta có thể chơi các môn thể thao dưới nước trên sòng sông một thời từng là dòng sông chết.

Với người dân Singapore, việc cải tạo dòng sông đã góp phần thay đổi diện mạo của cả đất nước. Đó cũng là một trong những công trình tham vọng nhất của chính quyền Lý Quang Diệu về môi trường.

Theo PHÁP LUẬT TPHCM

Tags: , ,