Không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ đột quỵ như thế nào?

Ô nhiễm không khí là điều mà chúng ta khó tránh nhất vì chúng ta cần hít thở liên tục để cung cấp oxy cho cơ thể. Các thiết bị đốt trong gia đình, xe cơ giới, cơ sở công nghiệp và cháy rừng là những nguồn gây ô nhiễm không khí phổ biến.

Không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ đột quỵ như thế nào?

Các chất gây ô nhiễm gây lo ngại lớn cho sức khỏe cộng đồng bao gồm các hạt vật chất, carbon monoxide, ozone, nitơ dioxide và sulfur dioxide.

Không khí ô nhiễm gây ra các bệnh về đường hô hấp, ho kéo dài và nếu đường thở nhiễm khuẩn sẽ lâu lành hơn. Nhưng có một điều đáng lo ngại khác, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, nhất là ở nam giới và người dưới 65 tuổi.

Nghiên cứu về mối liên quan giữa tiếp xúc không khí ô nhiễm và đột quỵ vừa được công bố trên tạp chí Stroke (tạp chí Đột quỵ) do các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện. Qua đánh giá 86.635 trường hợp nhập viện khoa cấp cứu vì đột quỵ thuộc 10 bệnh viện ở 3 thành phố lớn, đồng thời họ thu thập mức độ bụi mịn (PM 2.5), nitơ dioxide (NO2) và sulfur dioxide (SO2) của không khí.

Kết quả cho thấy hít thở không khí có NO2 và SO2 làm tăng nguy cơ nhập viện cấp cứu do đột quỵ ngay sau khi phơi nhiễm. Ở nam giới, việc tiếp xúc với bụi mịn PM 2.5

cũng làm tăng nguy cơ. Trong đó, nguy cơ tăng rõ rệt ở những người dưới 65 tuổi.

Nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhằm giảm tiếp xúc với ô nhiễm không khí và giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, nhất là ở những người trẻ tuổi và nam giới.

Đột quỵ xảy ra do sự tắc nghẽn mạch máu. Các cục máu đông hình thành trong não và làm gián đoạn lưu lượng máu, làm tắc nghẽn động mạch và khiến mạch máu bị vỡ, dẫn đến chảy máu. Điều này dẫn đến các tế bào não chết đột ngột do thiếu oxy.

Đột quỵ cũng có thể dẫn đến trầm cảm và mất trí nhớ. Khi không khí ô nhiễm, các hạt mịn thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Làm sao để phòng ngừa đột quỵ?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ đột quỵ, có những yếu tố chúng ta không thể thay đổi được: lớn tuổi, chủng tộc, giới tính (nam nguy cơ cao hơn nữ, sau 80 tuổi thì nguy cơ như nhau), tiền sử gia đình bị bệnh mạch máu não, bệnh lý nền sẵn có như tăng đông, bệnh hồng cầu hình liềm… Nhưng có những yếu tố nguy cơ đột quỵ chúng ta có thể thay đổi được.

– Tăng huyết áp: là nguy cơ chính của đột quỵ. Đa số nên điều trị khi huyết áp trên 140/90mmHg, mục tiêu đưa huyết áp xuống dưới 130/80mmHg. Hạn chế muối trong bữa ăn, giảm cân và tập thể dục là 3 biện pháp đầu tiên trong chiến lược kiểm soát huyết áp.

– Bệnh đái tháo đường: đái tháo đường trên 10 năm làm tăng gấp 3 lần nguy cơ đột quỵ. Bệnh nhân đái tháo đường nên tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn, kiểm soát cả đường huyết, huyết áp và mỡ máu song song. Một số thuốc hạ đường huyết như thuốc ức chế SGLT2- empagliflozin, canagliflozin, chất chủ vận thụ thể GLP-1-liraglutide, thiazolidinedione-pioglitazone, đã cho thấy hiệu quả trong việc giảm xơ vữa động mạch cảnh.

– Mỡ máu cao: mỡ máu càng cao, nguy cơ đột quỵ càng tăng. Mục tiêu điều trị hiện tại dựa trên loại cholesterol xấu LDL-C tùy thuộc vào nguy cơ mắc bệnh mạch máu do xơ vữa.

– Hút thuốc lá, kể cả hít khói thuốc lá thụ động: làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 2-4 lần.

– Béo phì: Nguy cơ đột quỵ tăng 22% đối với những người thừa cân và 64% ở những người béo phì so với những người có cân nặng bình thường. Hiện tại việc duy trì cân nặng lý tưởng dựa trên BMI, tuy nhiên cần dựa thêm vài chỉ số mỡ cơ thể vì BMI có thể không đúng trong một số trường hợp như vận động viên, tập thể thao hoặc teo cơ.

– Chế độ ăn uống: tăng cường ăn trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế ăn đường, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và thịt đỏ được xem là có lợi cho hệ tim mạch.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ có nguy cơ tử vong do đột quỵ cao hơn nam giới. Một số yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ ở phụ nữ bao gồm mang thai, sử dụng thuốc tránh thai (đặc biệt khi kết hợp với hút thuốc), tiền sản giật/sản giật, tiểu đường thai kỳ, tăng nguy cơ rung nhĩ, liệu pháp thay thế hormone.

Không khí ô nhiễm và chúng ta vẫn cần hít thở mỗi ngày, việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ là hết sức cần thiết, mang khẩu trang, thường xuyên theo dõi chỉ số ô nhiễm không khí tại địa phương để quyết định có nên ra ngoài trời tập thể dục hay không là biện pháp cần thiết trong bối cảnh hiện tại.

Theo BS HẢI ĐAN / TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: ,