Khi trái đất không còn sự sống…

… hay một câu chuyện về tương lai của David Wallace-Wells.

Khi trái đất không còn sự sống…

Bài viết của tác giả Julian Huesmann đăng trên tờ The Guardian của Anh.

Giữa những năm 1833 và 1836, một chàng họa sĩ trẻ trung và đầy tham vọng từ New York đã vẽ nên viễn cảnh về sự tiến hóa của xã hội loài người. Trong 5 bức tranh ưu tú nhất, Thomas Cole miêu tả một cung đường thiên nhiên, cảnh sinh hoạt du mục, sự thịnh vượng của một đế quốc cho đến cảnh hoang tàn của xã hội loài người. Nguyên mẫu của sự thăng trầm lịch sử vốn là thế.

Trong quyển Trái Đất không có sự sống (The Uninhabitable Earth), David Wallace-Wells tiếp nối sự nghiệp của Cole và cập nhật nó cho thế kỷ 21. Chúng ta đang ở trên đỉnh cao của lịch sử, chuyển từ cảm giác chiến thắng và thống trị mù quáng sang sự tiêu tan sụp đổ. Ông nói đến những thảm họa khí hậu gây ra bởi chính sự tự mãn và ngông cuồng của con người.

Những tàn phá này có lẽ sẽ kết thúc dòng lịch sử, nền văn hóa và các giá trị đạo đức như những gì chúng ta đã biết. Những điềm báo đang đến rất gần, nhưng ta lại cố tình phớt lờ. Thế nhưng, một tia sáng hi vọng sẽ xuất hiện khi chúng ta chịu thay đổi cách sống.

Chúng ta có thể học được rất nhiều từ quyển sách mỏng này. Từ những phương tiện truyền thông và báo cáo khoa học của thập niên vừa qua, Wallace-Wells đã phân tích chọn lọc các dự đoán then chốt và chuyển chúng thành những đoạn văn xuôi sống động.

Ông nhân lên gấp ba lần số kỵ sĩ khải huyền của Sách Khải huyền (xâm lược, chiến tranh, nạn đói, chết chóc), để nói về mười hai đại họa có thể xảy ra với loài người: từ cái chết nhiệt của vũ trụ, đại hỏa hoạn, sự nhiễm độc nước và không khí, chấn thương tinh thần cho tới sự sụp đổ của xã hội loài người. Như ông đã chỉ ra, những tin tức này không có gì mới.

Tuy nhiên, đối với phần lớn chúng ta, những dự đoán khiếp sợ này đồng thời bị nhấn chìm bởi những ồn ào chói tai về chính trị cũng như tin tức giải trí hằng ngày từ các phương tiện truyền thông.

Đối với những ai chưa chìm ngập trong tin tức về biến đổi khí hậu, đây là một lời giới thiệu sống động về cả các dự đoán gần đây nhất và những bất định của chúng. Wallace-Wells không những tổng kết các dự đoán đó mà còn xới lên các đề tài quan trọng có liên quan. Một trong số đó chính là sự chuyển biến mau lẹ của biến đổi khí hậu.

Khủng hoảng khí hậu phần lớn bị gây ra bởi những hành động của chỉ một thế hệ loài người. Một vấn đề nữa là những hạn chế về mặt thể xác và tinh thần của con người. Nhiều dự đoán về tình trạng khí hậu chỉ ra rằng chúng ta đang ngày càng vượt qua các giới hạn đó. Phần sau của quyển sách ít dựa vào các báo cáo, tài liệu khoa học, mà bao gồm một loạt suy nghĩ về tương lai của nền văn hóa và xã hội loài người.

Nếu bạn đang ngủ gà ngủ gật hay quay lưng lại với các tin tức về biến đổi khí hậu, quyển sách này sẽ khiến bạn thức tỉnh và cập nhật tin tức cho bạn. Nếu bạn đã đắm chìm trong bi kịch khí hậu đang diễn biến, tiếng nói và quan điểm của Wallace-Wells sẽ khơi dậy sự quan tâm của bạn, ngay cả khi bạn không đồng ý với cách diễn giải cũng như những hình thái tu từ mà ông sử dụng. Đó cũng là mục đích của ông: khiến ta phải hoảng hốt và làm lay động chúng ta.

Cốt lõi quý giá của quyển sách nằm ở việc nó được phóng đại quá mức cần thiết. Tiêu đề của quyển sách khiến người ta nghĩ sai về nội dung của nó. Không có đoạn nào trong sách nói rằng Trái đất sẽ không tồn tại sự sống. Bài tóm tắt gần đây của Bill McKibben thích hợp hơn: khu vực con người có thể cư trú được đang dần bị thu nhỏ, đó chính là một thảm họa đủ lớn, không cần đến sự phóng đại quá mức mới có thể làm người ta hoảng hốt.

Những đoạn mở đầu nhằm chứng minh lời tuyên bố rằng “các bạn độc giả” không biết thực trạng nghiêm trọng thế nào. Thực ra, hàng tỉ người đã thấu hiểu thực trạng này qua kiến thức, cảm xúc và những thực tế thấy được trong cuộc sống. Một tuyên bố về việc bitcoin “dùng nhiều điện hơn tổng số lượng các tấm pin năng lượng mặt trời trên toàn thế giới” thật ra là sai, khi sử dụng lập luận võ đoán trong một bài báo trên Grist, và lệch tới số gấp trăm (trên thực tế, vào năm 2017, bitcoin sử dụng khoảng 2,55GW điện, trong khi sản lượng điện mặt trời toàn cầu đã là 398GW).

Những tuyên bố này dễ gây chú ý, nhưng cũng là điều khiến nhiều nhà nghiên cứu khí hậu chuyên nghiệp không ủng hộ tiểu luận cùng tiêu đề của Wallace-Wells đăng trên New York Magazine.

Tuy nhiên, nếu không để ý lắm đến một số sai sót về dữ liệu thỉnh thoảng xuất hiện, khó xác định “sự phóng đại quá mức” bắt đầu ở chỗ nào bởi chúng ta thực sự không hề biết lo xa. Một thời đại khủng hoảng thế này đòi hỏi nhiều mức độ phản ứng, bao gồm những tiếng gọi báo động. Không phải mỗi lời kêu gọi hành động đều có thể cân bằng được đau khổ với hi vọng.

Việc Wallace-Wells khiến một số chuyên gia trong lĩnh vực “truyền thông khí hậu” bực dọc có lẽ là dấu hiệu tốt cho thấy rằng các cuộc thảo luận về khí hậu nay đã vượt ra khỏi những cuộc đàm luận đều đặn của giới khoa học và các hội thảo liên chính phủ.

Vậy phải hành động ra sao trước những dự đoán đáng sợ này? Đây không phải là một quyển sách có sẵn những giải pháp. Wallace-Wells phác thảo ra các đường lối chính trị, kinh tế, thuế và đầu tư công, nhưng đưa ra ít lời giải thích. Ông bác bỏ giá trị của việc thay đổi hành vi cá nhân. Ông viết rằng những lựa chọn của “giai cấp tiêu dùng” về thực phẩm và việc sinh đẻ là biểu hiện của “sự tự cao khổ hạnh” (ascetic pride) và “sự trốn tránh trách nhiệm”.

Ông khẳng định ông không có ý định ăn chay trường khi đang phê phán về chủ nghĩa tiêu dùng tân tự do nhưng lại đang cầm một chiếc bánh burger trong tay. Theo ông, sự lựa chọn của người tiêu dùng chẳng là gì so với hành động chính trị từ trên cao. Nhưng quan điểm đó bỏ qua một khả năng rằng hành động của mỗi cá nhân có thể là điều kiện tiên quyết cho sự thay đổi chính trị.

Sự thay đổi của mỗi cá nhân, kể cả hành vi tiêu dùng của chúng ta, có thể tạo cảm hứng cho người khác và tạo ra áp lực chính trị, văn hóa. Điều này đặc biệt đúng với những người kể chuyện có khả năng gây ảnh hưởng thông qua tiếng nói của họ.

Như Cole trước đây, dự án của Wallace-Wells là một dự án đạo đức, một bản cáo trạng về văn hóa. Cả hai câu chuyện nhằm mục đích thuyết phục chúng ta rằng những niềm tin dẫn dắt của thời đại chúng ta đều thật sai lầm. Nhưng khác với Cole, người tin rằng sự tự diệt là không thể tránh khỏi, Wallace-Wells khăng khăng rằng chúng ta có thể thoát khỏi sự thăng trầm này. Giữa những câu chuyện về sự tàn phá và thống khổ, ông nhấn mạnh yếu tố con người.

Điều này giải thích cho sự phấn khích của ông về tương lai của đứa con gái mới sinh của ông. Con gái ông sẽ sống trên một Trái đất bị thiêu rụi, ngập lụt và nóng như thiêu đốt đến mức không còn nhận ra được. Nhưng ông tin rằng cô cũng sẽ là người tham gia vào cái mà ông gọi là “câu chuyện tuyệt vời nhất từng được kể”, một khả năng mà trong đó thảm họa có thể lại là chất xúc tác cho “cái kết có hậu”.

Một cái kết có hậu như vậy sẽ không đến chỉ từ những phân tích đơn thuần. Thiếu sót lớn nhất của quyển sách này là các khảo sát thực tế. Qua các trang sách, chúng ta không được ra đường để nói chuyện với mọi người, để lắng nghe những quan điểm và góc nhìn của họ. Thay vào đó, chúng ta nghe Wallace-Wells đưa ra những giải thích bằng hàng đống các bài viết ấn tượng nhất được cắt ra từ báo, phỏng vấn các chuyên gia và những bài nghiên cứu.

Nhưng ngay cả bài nghiên cứu hay nhất cũng bị tách ra khỏi chủ thể của nó. Theo lời Walt Whitman, chúng ta chỉ “nghe lại qua người thứ hai hay thứ ba”. Vì tất cả những điều đó, nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng ta có lẽ là việc chúng ta đã quên cách lắng nghe một Trái đất đang sống nói những gì.

Theo TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: