Khi những kẻ có ‘trí tuệ giả’ lọt vào bộ máy công quyền

Không riêng tại Đại học Đông Đô, những trường hợp thuê, mua trí tuệ và bằng cấp tôi biết đều liên quan đến người thành công.

Khi những kẻ có ‘trí tuệ giả’ ngồi ở vị trí lãnh đạo

Tác giả: Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh.

Giáo sư người Anh đã về hưu tôi quen vẫn làm việc bán thời gian tại đại học ở Anh. Khi đang hướng dẫn luận văn thạc sĩ, ông phát hiện sản phẩm sinh viên nộp cho mình có chất lượng quá xuất sắc về toán và thống kê. Là một chuyên gia toán ứng dụng chuyển qua nghiên cứu tài chính, vậy mà giáo sư không hiểu hết một số phương pháp được trình bày trong luận án của sinh viên mình vì “nó quá cao siêu”. Hơn nữa, trao đổi với sinh viên và kiểm tra điểm học, ông cho rằng anh ta không thể có trình độ tới mức ấy. Nghi vấn sự phi lý về khả năng của sinh viên và bài luận, ông đòi thi vấn đáp. Sinh viên kia bị phát hiện đã thuê viết luận văn và tất nhiên không được đạt.

Đó chỉ là một trường hợp bị bắt tại trận tôi biết vì người thuê viết luận văn quá thiếu kinh nghiệm hoặc quá tham, đòi luận văn đạt chất lượng cao nên người “làm thuê” đã “quá tay” khiến sản phẩm bị lố. Trong giới giảng dạy cả ở Anh và Việt Nam, chúng tôi biết có nhiều trường hợp đã thuê viết luận văn. Một số nằm trong 3.721 vụ gian dối học thuật “bị bắt tại trận” được tờ Guardian công bố năm 2018 – gồm cả những trường hợp ở đại học danh tiếng như Oxford hay Cambridge. Cơ bản đó là những bài viết có chất lượng thật, chỉ là người viết bài không phải người đứng tên.

Những bài thi được làm hộ, bài luận được viết thuê không phải đạo văn hay sao chép của ai đó. Chúng là sản phẩm được làm đàng hoàng, tốn công sức hẳn hoi. Chỉ là người nộp luận văn và nhận điểm đã thuê người khác làm ra nó. Hầu hết người bán chất xám kiểu này – đi thi hộ, viết thuê luận văn – có trình độ cao và vì lý do nào đó hoặc cần tiền nên làm như vậy. Sản phẩm viết thuê không bị phần mềm chống đạo văn phát hiện vì được các “chuyên gia” xử lý. Một số người được thuê viết bài là sinh viên tiến sĩ, rất am hiểu về cách làm nghiên cứu nên nhiều khi kết quả mới “xuất sắc” như sinh viên kể trên. Chất lượng là thật, chỉ người ghi công là giả.

Khi làm việc ở Việt Nam, tôi còn biết có người nhờ thuê viết công trình nghiên cứu khoa học mà được giải thưởng “sinh viên xuất sắc” của một đại học. Gần đây, bạn bè tôi cũng kể chuyện nhiều tác giả không làm nghiên cứu nghiêm túc mà vẫn có bài đăng quốc tế nhờ những giao dịch đổi chác.

Việc nhiều người “chủ yếu là cán bộ, công chức”, “tại nhiều cơ quan nhà nước và tư nhân” đã mua và đang dùng bằng giả của Đại học Đông Đô có thể lạ tai với ai đó, nhưng với giới giảng dạy như tôi và bạn bè không quá bất ngờ. Theo Bộ Công an, Đại học Đông Đô đã cấp hàng nghìn văn bằng hai, bằng giả để người dùng xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. Gần 460 văn bằng đã được sử dụng tại nhiều cơ quan. Học viên chủ yếu là cán bộ, công chức cần văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ để được nâng lương, nâng ngạch, thi tuyển biên chế. Chúng tôi cũng biết tới những quảng cáo “làm bằng đại học giả giá rẻ phôi thật 100% được bảo hành trọn đời” hay “làm bằng đại học không cần cọc uy tín, cấp tốc”. Không chỉ có mình Đông Đô sản xuất bằng giả.

Thị trường trao đổi, mua bán trí tuệ có ở nhiều nước, đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc, Trung Đông và Nam Á. Nhà xuất bản Springer năm 2016 đã phải thu hồi hơn 60 bài viết trên các tạp chí của mình do nghi ngờ là sản phẩm viết thuê và gian dối của các tác giả Trung Quốc. Dù ở đâu, những người xài “chất xám giả” có điểm gì chung? Có. Họ đều cần đến cách đánh bóng thành tích thuở ban đầu để dần leo cao trên bậc thang nghề nghiệp và danh vọng, lợi ích.

Nhiều người trong số họ không dốt, không nghèo và thực sự, họ được nhìn nhận là “có vai vế” trong xã hội. Xuất phát điểm họ đã là người có ưu thế từ ghế nhà trường, có thành tích, có cơ hội tiếp tục học lên cao hoặc thăng tiến tại chỗ làm – chỉ cần đủ bằng cấp. Mua chất xám được lần đầu, họ có thể tiếp tục mua thêm những sản phẩm trí tuệ, thành quả của người khác và có lẽ cũng không ngại khi gắn tên mình vào đó.

Những người đó có thể tự học, chỉ là nhiều khi họ chọn gian lận, muốn đi tắt, đi nhanh mà thôi. “Công thức” này còn được “xuất khẩu”. Bạn tôi có một sinh viên từ Việt Nam sang Mỹ du học. Vì khá giả, sinh viên chủ yếu dành thời gian để đi chơi, du lịch, giao lưu. Đến hạn nộp bài tập, cậu thuê một bạn học giỏi viết thay. Cậu tốt nghiệp đại học Mỹ với bằng xịn và mạng lưới quan hệ rộng, vào được một ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ. Tôi tự hỏi, một người như vậy, vào làm ngân hàng, liệu một ngày có tìm cách qua mặt khách hàng, đối tác hay thậm chí cả sếp mình không? Hôm nay họ bỏ tiền mua chất xám, sau này họ có thể làm giả số liệu kế toán, hợp đồng, khai khống thành tích, qua mặt xã hội. Nguy hại ở chỗ người thường chẳng mấy ai cần mua bằng, người làm việc đó là những cán bộ có vị trí nhất định trong xã hội. Một xã hội chấp nhận chuyện đó là bình thường chắc chắn không bình thường.

Tôi không quan tâm lắm chuyện lãnh đạo Đại học Đông Đô bị phạt bao nhiêu năm tù, tôi chỉ quan tâm đến hai câu hỏi. Thứ nhất, những người đi đường tắt bằng thành tích thật trên giấy mà ảo về thực chất, sẽ được cất nhắc lên vị trí cao hơn. Dù họ có tài ở khía cạnh nào đó, song có đủ tâm và đức không? Thứ hai, kỹ nghệ bán bằng của Đại học Đông Đô được đem ra ánh sáng, thế còn hàng nghìn người đã tậu bằng giả các loại từ đó, họ đang ở đâu?

Làm rõ hai câu hỏi này giúp lý giải căn nguyên, góp phần giảm nạn mua bán bằng cấp. Muốn loại bỏ nhu cầu mua bằng, đầu tiên ở chính chế tài nghiêm khắc với những người vi phạm, để người “đi sau” biết trước chuyện gì sẽ đến nếu họ mua bằng. Bên cạnh đó vẫn do lối tư duy tuyển dụng và bổ nhiệm dựa trên bằng cấp. Bằng cấp là một trong các tiêu chí của bộ lọc cán bộ, nhưng nó không phải là cái lưới vạn năng, thay cho những bộ tiêu chuẩn đánh giá toàn diện, gồm cả phỏng vấn ứng viên. Người ta có thể giả mạo trên giấy tờ, nhưng năng lực thực tế sẽ thể hiện qua phỏng vấn bởi một hội đồng công tâm và minh bạch.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,