Khi những đứa trẻ thích bạo hành động vật

Việc trẻ nhỏ có những hành vi tàn nhẫn đối với động vật có thể là một báo động đỏ mà phụ huynh cần chú ý.

Khi những đứa trẻ thích bạo hành động vật

Mẹ của Christopher (3 tuổi) bỗng giật thót mình khi nghe thấy tiếng gào đau đớn trong phòng khách. Khi bước vào thì bà đã thấy con trai mình đang túm lấy đuôi con mèo gia đình họ mới mua quăng quật từ bên này sang bên kia.

Người trông trẻ của John (5 tuổi) đã chứng kiến cậu bé thổi còi thật lớn vào tai con chó của cậu, cười nhạo trước phản ứng thống khổ của nó.

Anh trai của Liam (10 tuổi) đã phát hiện ra thằng nhóc đang cố gắng cầm một ngọn đuốc để đốt cháy chân con lợn trong nhà.

Từ những năm 1970, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những biểu hiện ác nghiệt của trẻ nhỏ đối với động vật chính là những báo động đầu tiên cho của hành vi bạo lực và động cơ phạm tội sau này.

Rất nhiều kẻ phạm tội liên quan đến bạo lực đều được ghi chú trong hồ sơ rằng họ có hẳn một trang sử riêng về việc từng ngược đãi nhiều động vật thời thơ ấu. Albert de Salvo, một kẻ đến từ Boston đã giết 13 người phụ nữ khác nhau – lúc còn nhỏ hắn đã thích bắn tên xuyên thủng những con chó, con mèo mà hắn bẫy được. Hai tay bắn tỉa đến từ Columbia – Eric Harris và Dylan Klebold – khoe khoang một cách đầy tự hào cách mà từ bé chúng đã lấy việc cắt xẻo các bộ phận của động vật làm thú vui.

Đồng thời cũng có rất nhiều bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng bởi những biểu hiện bạo hành động vật của trẻ nhỏ – dù chỉ đơn giản là kéo chân của một con bọ hay ngồi lên người một chú chó con. Chúng tôi luôn trăn trở trong việc lý giải tại sao một đứa trẻ lại có thể đối xử tệ với một con vật bất kỳ. Và khi nào chúng ta cần phải thật sự lo lắng? Đâu là ranh giới giữa một kẻ giết người hàng loạt như Jeffrey Dahmer và sự tò mò muốn thử nghiệm tưởng chừng như là vô hại?

Những động cơ tiềm ẩn đằng sau hành vi bạo hành động vật

Thông thường trẻ em thực hiện hành vi ngược đãi động vật khi bản thân chúng đã chứng kiến hoặc đã trải qua bạo hành. Nhiều số liệu cho thấy 30% những đứa trẻ đã từng chứng kiến bạo lực gia đình lặp lại những hành vi đó đối với thú nuôi của chúng.

Trên thực tế, mối liên hệ giữa bạo hành động vật và bạo lực giữa các cá nhân là một vấn đề nổi tiếng tới mức rất nhiều cộng đồng tại Hoa Kỳ đã và đang đào tạo không chỉ các trung tâm kiểm soát động vật, mà còn cả những cách nhận biết các dấu hiệu ngược đãi động vật bởi chúng có thể chỉ ra được những hành vi bạo lực khác.

Mặc dù chưa hề có những nghiên cứu đào sâu kỹ lưỡng để lý giải tại sao một số trẻ em thích gây ra những hành vi tàn nhẫn đối với động vật, nhưng hiện tại đã có rất nhiều cuộc phỏng vấn cho thấy một số lý do có thể là động cơ trực tiếp của những hành vi đó:

Sự tò mò và muốn khám phá (Chẳng hạn một đứa trẻ nghịch một con vật đang bị thương hoặc bị giết. Điều này thường xảy ra ở những trẻ quá nhỏ chưa có nhận thức hoặc những đứa trẻ chậm phát triển)
Áp lực đến từ những người cùng trang lứa (Có thể bạn bè thách nhau thực hiện hành vi bạo lực với động vật hoặc coi đó là một hành vi bắt buộc để được “kết nạp” vào trong một nhóm chơi chung nào đó)
Cải thiện Tâm trạng (Hành hạ động vật chỉ vì chán, phiền muộn)
Thỏa mãn tình dục (Thú tính, có những suy nghĩ và khuynh hướng tình dục liên quan tới động vật)
Bị bắt ép phải thực hiện những hành vi bạo lực với động vật (Bởi một người lớn hơn/nguy hiểm. Một số trường hợp có những đứa trẻ buộc phải giết con động vật đó để thoát khỏi sự tra tấn của một cá thể nguy hiểm khác.)
Mắc chứng sợ hãi một loài động vật nào đó (Có thể đã từng bị tấn công bởi động vật, như bị chó cắn và để lại di chứng là sợ/ghét chó)
Đồng nhất hóa với kẻ từng bạo hành trẻ (Những đứa trẻ là nạn nhân của bắt nạt, bạo hành có thể sẽ cố gắng giải tỏa sự ức chế/ám ảnh bằng cách hành hạ các động vật nhỏ yếu ớt.
Thích chơi đùa trên nỗi đau/sự chấn thương (Thực hiện liên tục hành vi ngược đãi động vật)
Mô phỏng/Bắt chước lại (Những hành vi bạo hành của cha mẹ hoặc những người lớn khác mà chúng quan sát được lên động vật)
Tự hủy hoại bản thân (Sử dụng động vật như một công cụ để tự khiến bản thân chấn thương, chẳng hạn như cố tình trêu chọc chó mèo để chúng khó chịu và phản kháng gây ra những thương tích trên thân thể: vết cào, vết cắn…)
Luyện tập cho những hành vi tội ác (Việc trẻ em thực hiện hành vi bạo lực đối với động vật cũng hoàn toàn có thể là “bước đệm” hay “sự chuẩn bị” trước khi chúng thực hiện những hành vi đó lên mọi người trong tương lai)
Phương tiện để làm tổn thương cảm xúc người khác (Làm đau thú nuôi của người mình ghét để khủng bố tâm lý của họ)

Thật sự có bao nhiêu kiểu “bạo hành?”

Chưa có bất kỳ một thang chuẩn phân loại nào dành cho những đứa trẻ có hành vi ngược đãi động vật. Tuy nhiên, những chỉ dẫn dưới đây có thể giúp ích được phần nào trong công cuộc khám phá và tìm hiểu phù hợp trong từng hoàn cảnh. Tôi thậm chí đã bổ sung những chú thích tỉ mỉ mà tôi nghĩ rằng chúng sẽ có ích để sử dụng làm giải pháp cho từng vấn đề mà tôi đưa ra.

1. Kẻ khám phá (Có độ tuổi dao động trong khoảng từ 1 tới 6 tuổi hoặc những đứa trẻ chậm phát triển):

Những đứa trẻ này thường dưới độ tuổi đi học và không nhận thức được rằng động vật cũng có cảm xúc và chúng không phải đồ chơi. Có thể những đứa trẻ này mới chỉ tiếp xúc với thú nuôi lần đầu tiên hoặc cậu bé/cô bé chưa hề có kinh nghiệm nào trong việc chăm sóc một số loài động vật.

– Nên làm gì: Đây thường là những trường hợp vẫn đang nằm ở khu vực “an toàn” và chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng đứa trẻ chỉ đang thiếu sự chỉ dạy và giáo dục cần thiết. Giải thích kỹ lưỡng cho các em rằng việc đánh đập một con vật là một hành vi không hề bình thường -tương đương với việc đánh đập một đứa trẻ, con vật đang rất đau. Hãy dạy cho chúng thế nào là tốt bụng, quan tâm, và cách nuôi dưỡng một số loài động vật. Không chỉ bố mẹ của trẻ mà người giám hộ (nếu có) và nhà trường cũng nên hỗ trợ định hướng lại các em.

2. Kẻ bạo hành “kêu cứu” (6-12 tuổi)

Đây là những đứa trẻ hiểu rõ việc tổn thương động vật là điều không đúng. Những hành vi ngược đãi động vật mà các em gây ra không còn là do “chưa có hiểu biết” nữa, mà khả năng cao chúng là một số triệu chứng của việc rối loạn tâm lý. Như đã nói ở trên, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em có xu hướng bạo hành động vật rất có khả năng đã và đang trải qua bạo lực gia đình và thậm chí là quấy rối tình dục.

– Nên làm gì: Hãy tìm đến sự trợ giúp chuyên môn. Mặc dù tôi có niềm tin mãnh liệt rằng cha mẹ có khả năng xử lý mọi vấn đề của con mình chỉ bằng cách lắng nghe và thấu hiểu mà không cần đến bác sỹ tâm lý, nhưng đây là trường hợp ngoại lệ. Nếu một đứa trẻ ở độ tuổi này chủ động có những hành vi ngược đãi động vật thì điều đó không hề “bình thường”!

3. Kẻ rối loạn cư xử (The Conduct-Disordered Abuser) (12 tuổi trở lên)

Trẻ vị thành niên hành hạ động vật luôn luôn đi kèm với hội chứng xa lánh, bài xích xã hội. Đôi khi việc ngược đãi động vật được coi một nghi thức để kết nạp vào một nhóm bạn lệch lạc (do ai đó khởi xướng hoặc tạo áp lực), gây chú ý trên mạng xã hội, thậm chí nó có thể được sử dụng như một cách để giảm bớt sự nhàm chán hoặc đạt được cảm giác chiếm hữu.

– Nên làm gì: Một lần nữa, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý hay bất kỳ đơn vị hỗ trợ chuyên sâu nào ngay lập tức. Nếu có thể, hãy tận dụng mọi sự giúp đỡ từ họ hàng, bạn bè và thậm chí là giáo viên của trẻ.

Kết luận

Không phải cứ thấy một đứa trẻ nghịch ngợm và có những hành vi bạo lực đối với một con vật tức là đứa trẻ đó sẽ trở thành kẻ tâm lý bệnh hoạn. Nhất là đối với trẻ nhỏ, sự tò mò tự nhiên của các em chắc chắn sẽ dẫn tới những hành vi không tốt đối với các vật nuôi, và tại thời điểm đó thì hãy thả lỏng đi đừng vội vàng đánh giá mà quên đi việc quan trọng là DẠY DỖ các em thế nào là sự chăm sóc, bao dung đối với các con vật. Gia đình cần lưu ý điều này để bồi đắp sự phát triển nhận thức cho các bé, tránh sự hình thành tâm lý lệch lạc, vô cảm khi tổn thương người khác, ích kỷ của các bé trong tương lai.

Thế nhưng, nếu một đứa trẻ giam cầm thú nuôi của mình, đánh đập chúng khi gặp rắc rối với bố mẹ hoặc cảm thấy sung sướng khi nhìn thấy một con vật quằn quại đau đớn thì đó thật sự là trường hợp đáng báo động và cần được điều trị tâm lý ngay. Điều này hoàn toàn hợp lý nếu đứa trẻ nhận thức được việc mình làm là sai trái nhưng vẫn ngoan cố thực hiện nó!

Theo PET CRUSH + / PSYCHOLOGY TODAY

Tags: , ,