⠀
Khi dòng Mekong quằn quại trong đau đớn
Chỉ tay về khoảng khơi ngoài sông Hậu chừng 100 m, ông Hai Trí nói: “Hồi trước, bờ sông còn ở ngoài đó”.
Tác giả: Trần Hữu Hiệp, Tiến sĩ Kinh tế, Thạc sĩ Luật học.
Ký ức “hồi trước” của lão nông 78 tuổi cả đời gắn bó vùng sông nước miệt Cái Vồn, Vĩnh Long này chưa lâu, chừng mươi năm trước. Ông Hai nói với tôi mà như tâm sự với dòng nước: “Sông Hậu vốn khỏe khoắn, hiền hòa, nay như kẻ đói khát, nên phải ngoạm lấy bờ vậy”.
Khoảng năm 2010-2014, tôi từng đi khảo sát dọc Mekong, qua khu vực Xahabury, Dol Sahong (Lào), Tonle Sap (Campuchia)… Dòng sông mẹ Mekong là một hệ thống sinh thái nhạy cảm mà mỗi tác động đầu nguồn đều ảnh hưởng đến hạ nguồn.
Không chỉ sông Hậu mà sông Tiền, nhiều dòng huyết mạch ở Đồng bằng sông Cửu Long như kênh Chợ Gạo, Vàm Cỏ, xáng Xà No và dọc bờ biển Đông, biển Tây của vùng này, tình trạng sạt lở xảy ra thường xuyên.
Báo cáo tham vấn của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Việt Nam và Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến cuối năm 2021, Đồng bằng Sông Cửu Long có 621 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài khoảng 610 km. Mỗi năm, ước tính có khoảng 500 ha đất bị cuốn trôi, tương đương diện tích một xã.
Sạt lở không phải đến bây giờ mới có, mà ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân không thể chỉ đổ cho thiên tai, biến đổi khí hậu mà còn do nhân tai. Ở đầu nguồn, sông Mekong bị chặn dòng xây chuỗi đập thủy điện, làm giảm lượng phù sa, là chất dinh dưỡng nuôi sống các dòng sông đồng bằng.
Trong bối cảnh đó, nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề. Các “túi trữ nước tự nhiên” như Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên bị phá vỡ bằng nhiều đê bao cục bộ. Quá trình khai thác cát, khai thác nước ngầm quá mức đang làm trầm trọng hóa tình trạng sụt lún. Theo ước tính, Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt gần 40 triệu tấn cát mỗi năm. Tốc độ sụt lún trung bình ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã hơn 1,1cm/năm, có nơi 2,5cm/năm, cao hơn 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.
Khi mất lượng phù sa, tài nguyên cát bị vơ vét cạn kiệt, sông Tiền, sông Hậu bị bào mòn nghiêm trọng, làm thay đổi dòng chảy, lòng sông sâu hơn, tạo ra hiện tượng “nước đói”, xâm thực bờ sông.
Do sự tác động của nhiều nguyên nhân, tình trạng “sông khát, nước đói” làm mất cân bằng hệ thống cần được nhận diện bằng cách tiếp cận đa ngành với chìa khóa của vấn đề là giải pháp “cân bằng nước”.
Không thể chỉ trông cậy vào các giải pháp tạm thời như sạt lở đến đâu di dời đến đó, mà theo tôi cần có tâm thể chủ động trước tình trạng biến dạng đồng bằng.
Trước hết, cần vẽ bản đồ sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm cung cấp cái nhìn tổng thể về hiện trạng, từ đó phân tích nguyên nhân dẫn đến sụt lún của từng khu vực. Bản đồ này cũng nên bao gồm việc cảnh báo những khu vực có nguy cơ cao để theo dõi và ứng phó.
Với những nguyên nhân khách quan về địa hình, địa chất và các tác động từ biến đổi khí hậu, tôi cho là sẽ phụ thuộc vào nỗ lực ở quy mô đa quốc gia, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên nước. Việt Nam nên thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vai trò thành viên của Ủy hội sông Mekong. Đây là tổ chức có chức năng xây dựng các khuôn khổ pháp lý, trong đó có những quy chế ràng buộc với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước và cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông.
Là quốc gia ở hạ nguồn Mekong, Việt Nam đang chịu những tác động rõ ràng nhất, nhưng các quốc gia trên lưu vực sông sớm muộn cũng sẽ gặp tình trạng tương tự. Năm 2014, đài BBC sản xuất series phim tài liệu The Mekong River with Sue Perkins, khảo sát tác động của sự thay đổi dòng chảy Mekong tới cuộc sống người dân các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc… Những bức tranh tương tự cần được vẽ ra đầy đủ bởi các quốc gia trong cuộc và truyền thông mạnh mẽ, tạo nên một mối quan tâm chung của khu vực.
Gần hơn và trong tầm tay của người đồng bằng là các nguyên nhân chủ quan, cần được xử lý ngay và quyết liệt. Trong đó, vấn đề nổi cộm là tình trạng khai thác nước ngầm và cát trái phép. Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với vấn đề hạ tầng yếu kém, cần nâng cấp càng sớm càng tốt, nên khai thác cát phục vụ xây dựng là việc chẳng đặng đừng. Vấn đề là ngoài các khu vực được cấp phép khai thác, rất nhiều địa phương không quản lý, ngăn chặn được tình trạng khai thác trái phép. Lợi ích chảy vào túi các doanh nghiệp bất chính trong khi cộng đồng phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.
Cuối cùng, phòng hơn chống. Người dân đồng bằng phải thay đổi tập quán sống ôm sát bờ sông. Sự tập trung các điểm dân cư đông đúc sát bờ gây tác động quá tải đến khả năng chịu lực của nền địa chất tại chỗ. Luật Tài nguyên nước và các nghị định đã quy định rất cụ thể về hành lang bảo vệ nguồn nước, nhưng trong phần lớn vụ sạt lở vừa qua, các quy định này bị phá vỡ. Thay vì mất bò mới lo làm chuồng, sạt lở rồi mới di dời, chính quyền các địa phương có thể rà soát các điểm nguy cơ cao và quy hoạch lại cộng đồng dân cư, tạo hành lang an toàn cho bờ sông.
Nếu chỉ dừng lại ở các giải pháp tạm thời, người dân ven bờ sông ở miền Tây sẽ khó thoát cảnh bị đuổi bởi các dòng sông “đói khát”.
Theo VNEXPRESS
Tags: Tây Nam Bộ, Sông Mekong, Suy thoái môi trường