Khi điểm số trở thành nổi ám ảnh quốc gia

Điểm số đã trở thành con số quan trọng nhất trong cuộc đời của một đứa trẻ. Nhưng điểm số, với tất cả những bất cập, cuối cùng lại không đo lường được chất lượng đào tạo của quốc gia.

Bạn tôi có con gái đầu lòng, cháu học rất giỏi nên đăng ký nguyện vọng vào Đại học Y Hà Nội.

Buổi chiều đến đón con, anh đứng trước đám đông trong tâm thế rất tự tin, tay cầm chiếc điện thoại giơ lên cao định ghi lại khoảnh khắc con gái rạng rỡ bước ra.

Nhưng trái ngược với trí tưởng tượng của bố, cô con gái không hào hứng, thay vào đó là vẻ mặt đáng sợ và ánh mắt im lặng. Người bố hụt hẫng, anh vội vã đưa con thoát khỏi chốn ồn ào, rồi gọi điện thoại ngay cho tôi, kể chuyện tình hình con anh làm bài thi môn toán chắc chắn sẽ đạt 10 điểm, nhưng đề quá dễ nên cháu lo.

Ngày công bố điểm chuẩn, cháu đã sốc, bố mẹ cũng sốc, cả họ buồn. Cháu đạt tổng ba môn 29,15 nên được làm tròn thành 29,25 điểm, vừa bằng điểm chuẩn lấy vào trường Đại học Y Hà Nội. Nhưng cháu đã bị loại vì không thuộc diện 95% học sinh đỗ Đại học Y Hà Nội nhờ cộng điểm ưu tiên.

Gọi là Kỳ thi THPT Quốc gia, bởi đó là kỳ thi duy nhất để học sinh kết thúc 12 năm học, chỉ diễn ra đúng một lần rồi áp dụng cho tất cả, học sinh có thể bước vào các trường đại học.

Kỳ thi sốt và nóng hơn cả thùng thuốc súng; nó luôn tiềm ẩn những bất ngờ, liên tục gây bối rối cho giáo viên và đau khổ cho học sinh, gây áp lực cho các bậc cha mẹ và cho cả quốc gia, gây nên sự tranh cãi nóng bỏng.

Để có kết quả tốt, các em đã phải cố gắng đến kiệt sức, phải chịu đựng sự nhồi nhét liên tục trong 12 năm. Bắt đầu là dứa trẻ 6 tuổi vào lớp 1, các em đã phải tranh thủ vài giờ làm bài tập ở nhà mỗi buổi tối, phải đi học thêm bất cứ thời gian nào rảnh rỗi. Những năm cuối cấp, các em phải tham gia nhiều lớp luyện thi, chỉ để đạt điểm số thật cao nhằm bước chân vào đại học, xong rồi quên hết đi kiến thức cần thiết.

Kết quả của 12 năm khổ luyện, sẽ là điểm số đạt được trong kỳ thi cuối cùng, nhiều em sẽ trở thành người đầu tiên của dòng họ tham gia vào nền giáo dục đại học. Những học sinh có điểm thi tốt nhất, các em có thể hy vọng vào một sự nghiệp lấp lánh trong tương lai, với những trường đại học tốt.

Nhưng đối với học sinh yếu kém, không mấy em chịu thất bại, các em và gia đình vẫn chịu áp lực quyết giành cho bằng được tấm bằng đại học. Vậy đâu là giải pháp?

Câu hỏi này đã mang đến một câu trả lời khá thú vị: Thị trường giáo dục.

Cụ thể, cùng tuyển dược sĩ hệ đại học, nhưng ĐH Dược Hà Nội tuyển 600 chỉ tiêu với điểm chuẩn là 28, ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển 850 chỉ tiêu với điểm chuẩn là 16, ĐH Thành Đô tuyển 600 chỉ tiêu với điểm chuẩn là 15,5.

Dù điểm chuẩn là bao nhiêu, có được đào tạo ở ĐH Dược Hà Nội với truyền thống 105 năm, hay ở ĐH Thành Đô hoặc ĐH Nguyễn Tất Thành mới mở khoa Y Dược chưa đến 3 năm, thì sau khi ra trường, các em vẫn đều có chung tấm bằng Dược sĩ Đại học. Thị trường giáo dục đã sinh ra phân khúc “bình dân” dành cho những em chỉ đạt hơn 5 điểm/môn nhưng vẫn muốn làm ngành Y.

Qua gần 20 năm công tác, từng tham gia hướng dẫn và giảng dạy chuyên môn cho nhiều đối tượng nhân viên y tế ở các tuyến và ở nhiều mức độ khác nhau, tôi thấu hiểu việc lựa chọn bác sĩ và dược sĩ không tuân theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, không đào tạo một cách bài bản ở những cơ sở đào tạo có uy tín, thì sẽ trở nên nguy hiểm như thế nào. Nghề y dược luôn phải đối diện với những rủi ro đặc biệt cao, đối diện với sự sống và cái chết. Bác sĩ và dược sĩ giỏi sẽ biết cách chấm dứt sự đau khổ cho người bệnh; nhưng ngược lại, họ có thể là chấm dứt cuộc đời của bệnh nhân mà vẫn vô can.

Vậy tại sao vẫn có những trường không chuyên về y dược nhưng lại mở khoa đào tạo bác sĩ và dược sĩ? Theo cách nhìn nhận của tôi, khi nền kinh tế bùng nổ, thì cuộc cạnh tranh việc làm càng trở nên dữ dội, những trường mới thành lập chưa đủ uy tín sẽ rất khó tuyển sinh các ngành nghề. Nhưng trong bất cứ giao điểm nào của cuộc sống, thì bác sĩ và dược sĩ vẫn luôn là nghề nghiệp ổn định, vững chắc và an toàn hơn so với những nghề khác; nên số học sinh đăng ký y dược luôn vượt trội. Đó chính là lý do để một số trường đại học sau nhiều năm không tuyển đủ sinh viên các chuyên ngành khác, thì sẽ có một cách chia lửa tốt nhất là mở thêm ngành đào tạo y dược.

Rõ ràng, điểm thi THPT Quốc gia năm nay không phân hóa được trình độ học sinh như cơ quan chức năng đã kỳ vọng và tuyên bố. Nhưng trong chừng mực nào đó, điểm thi lại “phân hóa” rất tốt các trường đại học, nó bộc lộ không ít những yếu kém của hệ thống, mà hệ thống đào tạo y – dược chính là một trong những ví dụ điển hình nhất.

Các em học sinh hôm nay, khi trở thành bác sĩ, dược sĩ, nhà khoa học, giáo viên, nhạc sĩ, kỹ sư hay nhà văn; thì bản chất các em sẽ phải là thế hệ tiếp theo của trí tuệ khoa học. Nhưng điểm số của kỳ thi cuối cùng có thể sẽ đặt các em không đúng vị trí, nhất là khi các em kết thúc việc học ở một trường đại học không phù hợp.

Và điều đó, rất có thể sẽ làm cho các em trở nên sợ hãi trong việc theo đuổi nguyện vọng, không tin vào khả năng thành công trong nỗ lực học tập của chính mình. Nỗi sợ hãi ấy thậm chí còn lan sang cả các bậc phụ huynh và xã hội.

Làm bác sĩ, tôi đã từng gặp những bà mẹ mang con đến khám, xin chụp X quang sọ não, thậm chí là chụp cắt lớp vi tính để xem lý do tại sao con họ lại không đạt điểm cao.

Điểm số đã trở thành con số quan trọng nhất trong cuộc đời của một đứa trẻ. Nhưng điểm số, với tất cả những bất cập, cuối cùng lại không đo lường được chất lượng đào tạo của quốc gia.

Theo TRẦN VĂN PHÚC / VNEXPRESS

Tags: