⠀
Khi dân mất niềm tin vào ‘giới tinh hoa’
Người dân càng mất niềm tin vào “giới tinh hoa” thì chính sách do những người này thiết kế ra sẽ càng khó đi vào cuộc sống một cách thuận lợi. Tệ hơn nữa, những nhà chính trị mị dân, chuyên làm những chuyện lấy điểm trong ngắn hạn nhưng tổn hại đất nước trong dài hạn sẽ “lên ngôi”.
Bạn tôi mới đề xuất lên Hội đồng thành phố Bristol (Anh) một đề án kinh doanh.
Hội đồng thành phố thấy đề án khả thi, có thể tạo công ăn việc làm. Họ liền cam kết với anh về việc bảo mật đề án. Nếu bạn tôi thực hiện dự án này, họ sẽ đứng ra tìm nguồn hỗ trợ vốn vay.
Chính quyền cũng đứng ra lấy ý kiến một số tổ chức ngành nghề địa phương có thể liên đới đến dự án kinh doanh nhỏ này xem họ có đồng thuận hay không.
Là một người nhập cư, nhưng cam kết từ chính quyền một địa phương “mới quen” đã khiến bạn tôi an tâm. Anh đã xúc tiến gọi vốn, kêu gọi bạn bè, người quen cùng tham gia dự án khởi nghiệp này.
Đại học Bristol – nơi tôi làm việc – mới đi vay 300 triệu bảng xây một cơ sở mới ở gần trung tâm thành phố. Một người quen làm trong ngành tài chính ở London hỏi tôi rằng trong lúc xảy ra nhiều sự kiện bất ổn mà trường dám liều vậy?
Tôi tìm hiểu và trả lời: chính quyền thành phố đã cam kết ủng hộ dự án này mấy năm trước rồi. Chính quyền hỗ trợ nhiều thứ, đưa việc phát triển cơ sở mới của trường vào chiến lược phát triển khu trung tâm kinh tế mới của thành phố và làm thí điểm một khu doanh nghiệp công nghệ cao gần đó đã xong. Về lâu dài, nhân lực trường đào tạo thêm là để phục vụ khu công nghệ. Chính quyền cũng hỏi người dân tại khu vực sẽ xây dựng cơ sở này xem họ có đồng tình với việc có thêm một cơ sở giáo dục trong không gian họ sinh sống hay không.
Như vậy là chính quyền có cam kết hợp tác dài hạn, có kế hoạch đàng hoàng, triển khai từng bước rõ ràng. Sau đó, vì trường thấy sự cam kết và quyết tâm của chính quyền và cộng đồng nên mới dám đi vay tiền để mà mở rộng.
Trong bối cảnh khó lường trước về tương lai nước Anh sau Brexit mà người ta dám mạo hiểm đầu tư mở rộng hoạt động là vì họ tin vào cam kết của hội đồng thành phố trên giấy tờ và qua triển khai đề án. Không phải vì người ta quen quan chức cao cấp nào đó, bởi lời hứa của quan chức nào đó thực ra chỉ hiệu lực trong nhiệm kỳ của người đó, hoặc thậm chí ngắn hơn.
Rủi ro không phải không còn, nhưng nếu chính quyền thành phố không đi bước đầu và tỏ rõ cam kết thì trường đại học đâu dám mạo hiểm.
Nhìn lại chuyện ở Việt Nam, sau khi rất nhiều công sức và tiền bạc được đổ ra, cuối cùng một số trạm thu phí dự án BOT giao thông bỗng dưng mắc mớ ở chỗ “người dân không đồng thuận”.
Tổn thất trong diễn biến này thuộc về cả dân, cả bên chủ đầu tư lẫn chính quyền. Dân tốn thời gian chờ đợi mệt mỏi, công việc bị trì hoãn, người ốm không được khám bệnh ngay… Chủ đầu tư thất thu. Chính quyền mất uy tín.
Không khó tìm thấy một dự án hạ tầng tương tự, nơi chính quyền và doanh nghiệp không nhận được sự đồng thuận của người dân khi triển khai, gây mệt mỏi và thiệt hại cho tất cả các bên.
Trên tầm thế giới, việc giới tinh hoa, bao gồm các nhà chính trị, giới học thuật và doanh nghiệp “lơ là” người dân yếu thế một thời gian dài đang tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực của nó. Đó là người dân không còn tin vào các chính phủ nữa, cũng không tin vào chuyên gia. Họ tin vào những gì mà “mấy ông bạn nhậu” của họ tin. Nó là niềm tin của giới bình dân, tồn tại giữa những mạng liên kết những người cùng cấp (peer-to-peer network) với nhau.
Một nghiên cứu của hãng Elderman thực hiện năm 2016 ở 28 quốc gia chỉ ra rằng niềm tin của người dân vào 4 thiết chế: chính phủ, truyền thông, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ, đang ngày càng suy giảm. Tỷ lệ tin tưởng trung bình chỉ trên dưới 50% so với thang điểm. Báo Atlantic của Mỹ, sau cuộc tranh cử đầy những hoài nghi tại nước này, dùng điều tra trên để gọi thời đại chúng ta sống là “kỷ nguyên của bất tín” (Age of distrust).
Người dân càng mất niềm tin vào “giới tinh hoa” thì chính sách do những người này thiết kế ra sẽ càng khó đi vào cuộc sống một cách thuận lợi. Tệ hơn nữa, những nhà chính trị mị dân, chuyên làm những chuyện lấy điểm trong ngắn hạn nhưng tổn hại đất nước trong dài hạn sẽ “lên ngôi”.
Niềm tin thấp dần thì mỗi lần nhà nước có chương trình, kế hoạch đầu tư lớn như đào tạo tiến sỹ, xây metro, tâm lý người dân đầu tiên sẽ cảm thấy e ngại, chưa cần biết mục tiêu hợp lý hay không. Ngay cả khi giới “chuyên gia” độc lập với chính phủ lên tiếng giải thích, nhiều người cũng không muốn tin nữa.
Khi TP HCM và Hà Nội đang được giao cho những quyền tự chủ mới, và đang bàn về cơ chế mới cho riêng mình, việc tìm lại niềm tin là điều rất quan trọng. Niềm tin ở đây sẽ là một loại vốn xã hội. Vốn này có thể kiến tạo nên nhiều thứ không kém gì vốn tài chính, vốn nhân lực hay vốn hạ tầng.
Và để làm được điều đó, cách đơn giản bắt đầu, sẽ là những cơ chế để lắng nghe và tham vấn – điều mà nhiều người đang cảm thấy thiếu.
Dân đã tin rồi, chuyện khó cách mấy cũng làm được.
Theo HỒ QUỐC TUẤN / VNEXPRESS
Tags: Quan hệ công chúng