⠀
Khát vọng Việt Nam đang ở đâu?
Sau một thời gian dài nghiền ngẫm và suy nghĩ về những nguyên nhân làm cho Việt Nam chưa thể trở nên hùng cường, tôi có thể quả quyết rằng thiếu khát vọng là một nguyên nhân trọng yếu. Để có thể đạt được điều mong ước, khát vọng và quyết tâm làm cho bằng được là điều tiên quyết Việt Nam cần phải có.
Quá trình tiến hóa và thay đổi bộ gen của loài người rất chậm, mấy nghìn năm cũng chỉ có một vài phần trăm. Cho nên, cách hành xử trong tương lai của chúng ta được định hình rất nhiều bởi quá khứ. Do vậy, lật lại quá khứ để biết dân tộc Việt Nam có những điểm nổi trội và điều kiện đi đến thành công cũng như tìm hiểu kinh nghiệm từ các nước khác là rất hữu ích.
Được học những bài học lịch sử từ khi được đón nhận những con chữ đầu tiên và cất công tìm hiểu trong nhiều năm nên tôi cũng cảm nhận được sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ giữ nước. Tôi dần mường tượng một cách rõ ràng hơn về những nhân tố làm nên những kỳ tích.
Khoảnh khắc để có được sự cảm nhận một cách sâu sắc và rõ ràng nhất của tôi đã xảy ra vào mùa đông năm 2013 ở Harvard. Đó là lúc tôi ngồi gỡ băng phỏng vấn những cựu chiến binh Việt Nam cho bộ phim tài liệu “Chiến tranh Việt Nam” của Ken Burns & Lynn Novick do Florentine Films sản xuất.
Nghe những giọng nói đầy tự hào mà không có chút băn khoăn của tất cả những người được phỏng vấn thì tôi nhận ra rằng chính khát vọng độc lập, không chịu khuất phục bất kỳ ai và quyết tâm làm cho bằng được đã tạo ra những kỳ tích không thể tin được. Việt Nam đã chiến thắng trong tất cả các cuộc chiến với các siêu cường trên thế giới.
Từ những giọng nói hào sảng, tôi có thể hình dung ra quyết tâm ngút trời của dân tộc Việt khi Lý Thường Kiệt ngâm “Nam Quốc Sơn Hà” và đánh tan quân Tống; “Quyết đánh” ở “Hội nghị Diên hồng” với ba lần đánh tan quân Nguyên Mông thời nhà Trần; những năm tháng nếm mật nằm gai đánh tan quân Minh của Lê Lợi – Nguyễn Trãi; thần tốc chiến thắng đánh tan quân Thanh của Quang Trung.
Tôi hiểu được lý do Việt Nam đã thắng Pháp với trận đánh Điện Biên Phủ lịch sử và cái thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai” là có thật. Tôi hiểu được điều Vogel đã viết trong “Đặng Tiểu Bình và sự chuyển đổi của Trung Quốc”, Đặng nói rằng để “dạy Việt Nam một bài học” khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vào năm 1979, nhưng trên thực tế Việt Nam mới là người dạy Trung Quốc một bài học.
Chiến tranh không phải trò đùa, rất thảm khốc, nhưng khi đất nước lâm nguy thì lớp lớp người Việt sẵn sàng hy sinh để giành lại độc lập cho Dân tộc. Với áp lực và khát vọng độc lập, đất nước ở trong những thời khắc đó đã tập hợp và phát huy được trí tuệ tập thể. Những người có trí tuệ đã tập hợp và dẫn dắt cả dân tộc hướng về một phía, sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất để đánh tan những đội quân mạnh hơn mình rất nhiều lần.
Chiến tranh là đau thương và không ai muốn, nhưng trong chiến tranh, Dân tộc Việt đã làm được những điều kỳ vĩ trước áp lực nước mất và chịu cảnh nô lệ hay lệ thuộc.
Còn thời kỳ xây dựng đất nước thì sao?
Đổi mới là thời kỳ phát triển kinh tế xã hội tốt nhất của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử của mình. So với mặt bằng chung của thế giới thì Việt Nam thuộc số ít có được những thành quả ấn tượng nhất. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa như kỳ vọng của chính người Việt chúng ta và thua xa những điều mà không ít nơi đã làm được.
Khi đặt mục tiêu năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp vào đầu thập niên 1990, có lẽ Việt Nam đã tham khảo và lấy cảm hứng từ câu chuyện thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Chỉ trong khoảng 3 thập kỷ họ đã hóa rồng.
Một trong những nhân tố quan trọng trong thành công của họ là khát vọng vươn lên khi phải chịu áp lực tồn tại hay không tồn tại. Họ đã quyết tâm làm cho bằng được.
Khi đất nước trong tình cảnh bị lũng đoạn và cát cứ bởi các lãnh chúa và sự dòm ngó từ bên ngoài, tầng lớp tinh hoa cấp tiến của Nhật Bản cùng với Minh Trị Thiên Hoàng đã tiến hành cuộc cách mạng duy tân với niềm khát khao vươn ra thế giới và họ đã thành công.
Sau khi đảo chính lật đổ chế độ dân chủ bất tài và tham nhũng ở Hàn Quốc vào tháng 5/1961, Park Chung-hee và các đồng sự đã thổi lên khát vọng quốc phú binh cường và hiện thực nó trong ba thập kỷ.
Khi Singapore bị trục xuất khỏi Malaysia vào năm 1965, Lý Quang Diệu đã quyết đưa quốc đảo này từ thế giới thứ ba sang thế giới thứ nhất và trong ba thập kỷ họ đã thành công.
Khi mất ghế ở Liên hiệp Quốc và ở thế cô lập vào đầu thập niên 1970, chính quyền Đài Loan đã đưa ra những quyết định hết sức duy lý hơn để đưa Đài Loan trở nên phát triển.
Ở thái cực ngược lại, một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines, và Thái Lan đã không thổi bùng được khát vọng vươn lên. Do vậy, họ chỉ thành công ở một mức độ nào đó với vô số trục trặc; để rồi, đến giờ họ vẫn chỉ là những “tiểu hổ” mà thôi.
Trở lại Việt Nam, 2020 đang cận kề và khả năng cao là sẽ không đạt được mục tiêu. Thiếu khát vọng cháy bỏng cộng với áp lực buộc phải làm cho bằng được là nguyên nhân của vấn đề.
Từ khi Đổi mới đến nay, tinh thần dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải làm cho bằng được, nhìn một cách thẳng thắn, đã không được khơi gợi. Việt Nam gần như không có những kỳ tích hay cột mốc đáng kể nào mà chúng có thể tạo ra niềm cảm hứng cho cả dân tộc như thời chiến tranh. Men say của chiến thắng, của những thành quả không luôn đong đầy.
Mong mỏi và niềm cảm hứng về những thành tựu của dân tộc để mở mặt mở mày với thiên hạ được thể hiện rất rõ trong cách người Việt ăn mừng thành tích của đội tuyển bóng đá.
Việc thiếu khát vọng, thiếu mục tiêu rõ ràng với tính khả thi cho quốc gia đã làm không ít người có quyền lực và vị trí nảy sinh tư tưởng vun vén cá nhân, trục lợi và đục khoét.
Tuy có những kết quả nhất định, nhưng niềm tin, đạo đức và sự chính trực đang bị xuống cấp. Trong mắt công chúng hiện nay, đang có rất tiêu cực. Cái nhìn tiêu cực đang phủ bóng lên xã hội.
Việt Nam khó có thể phát triển với năng lượng tiêu cực như hiện vậy. Do vậy, điều hết sức quan trọng là làm sao để tạo ra khát vọng và niềm cảm hứng Việt Nam với suy nghĩ rằng chúng ta có thể làm được nhiều hơn nữa thì mới có thể kích hoạt được khối năng lượng tích cực của Dân tộc.
Khát vọng Việt Nam đang ở đâu và làm thế nào để khơi gợi lên?
Theo HUỲNH THỂ DU / VIETNAMNET
Tags: Chiến lược phát triển