Kết cục bi thảm của chiến dịch đổ bộ đường không lớn nhất Chiến tranh Việt Nam

Trong chiến dịch Junction City, có tới 30.000 lính Mỹ cùng với 5.000 lính VNCH được thả xuống từ trực thăng chở quân, trực thăng vận tải hoặc nhảy dù từ vận tải cơ, tiến hành chiếm lĩnh trận địa, dàn quân và bắt đầu những trận càn có quy mô lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam.

Cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam và cũng là cuộc đổ bộ đường không lớn nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai được mang tên Junction City. Đây là tên của chiến dịch kéo dài 53 ngày của Quân đội Mỹ và VNCH nhắm vào các căn cứ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở chiến khu C, tức vùng Lò Gò – Xa Mát ngày nay.

Chiến dịch được bắt đầu từ ngày 22/2 tới ngày 14/5/1967 thì kết thúc do mùa mưa đến gần. Phía Mỹ và VNCH đã huy động tới 35.000 quân, cùng các trang thiết bị hiện đại bậc nhất thời bấy giờ, tổ chức một cuộc hành quân theo “chuẩn quốc tế” với hỏa lực yểm trợ cực mạnh từ phi pháo, trọng pháo,… nhằm xóa sổ được lực lượng của ta trong khu vực.

Chiến dịch bắt đầu bằng lực lượng trực thăng bao gồm lính Mỹ, cố vấn Mỹ và các sỹ quan VNCH với tổng cộng quân số lên tới 240 chiếc trực thăng, làm nhiệm vụ đổ bộ, tạo vành đai và yểm trợ, dọn bãi đáp cho các lực lượng phía sau.

Sau đó, có tới 30.000 lính Mỹ cùng với 5.000 lính VNCH được thả xuống khu vực này từ trực thăng chở quân, trực thăng vận tải hoặc nhảy dù từ vận tải cơ, tiến hành chiếm lĩnh trận địa, dàn quân và bắt đầu những trận càn có quy mô lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam.

Phía Mỹ và VNCH có tổng cộng 45.000 quân trong 9 lữ đoàn tham chiến, trong đó có 10.000 quân dự bị, 300 trực thăng các loại, 3 phi đoàn máy bay vận tải cùng hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp được đưa tới chiến trường bằng đường bộ hoặc không vận. Chỉ huy của phía Mỹ là tướng 3 sao Jonathan Seaman, Tư lệnh Dã chiến II.

Lực lượng phía ta bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, du kích và các cơ quan đảng ủy, chính quyền lâm thời tính gộp lại chưa tới 10.000 người nằm dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Đức Anh, Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam. Với chênh lệnh lực lượng quá lớn, chưa kể tới chênh lệch về trang bị, hỏa lực, phía ta chủ trương tiến hành đánh du kích, hạn chế tối đa việc đối đầu trực diện với Mỹ.

Trong suốt chiến dịch Junction City, phía Mỹ với lực lượng cực kỳ hùng hậu nhưng lại không đánh được một trận lớn nào với lực lượng quân giải phóng. Một chiến dịch vốn dĩ được “thiết kế” để diễn ra như một cuộc chiến tranh quy ước nay lại trở thành một chiến dịch chống du kích, với hàng vạn quân trong tay nhưng không thể đánh lớn được với đối phương khiến binh lính và sỹ quan chỉ huy phía Mỹ bối rối, họ không rõ tiếp theo sẽ phải làm gì.

Lối đánh du kích của phía Quân giải phóng cũng làm cho binh lính Mỹ đau đầu tìm cách đối phó. Thương vong ngày một lớn, binh lính căng thẳng thần kinh do nỗi lo bị phục kích, dính bẫy luôn thường trực khiến nhuệ khí chiến đấu của lực lượng Mỹ và VNCH xuống rất thấp.

Tổng cộng trong cả chiến dịch này, Mỹ chịu tổn thất khoảng 282 lính tử trận, 1.500 lính bị thương, chưa kể thương vong của phía VNCH.

Sai lầm lớn nhất của Mỹ đó là ngay từ khi bắt đầu chiến dịch, họ đã nghĩ sẽ được đánh lớn nên đã chuẩn bị cho một trận chiến theo kiểu chiến tranh quy ước. Tuy nhiên, khi phải đối đầu với một lực lượng thông thạo địa hình, cơ động nhanh và đánh theo kiểu du kích với số lượng nhỏ thì phía Mỹ hoàn toàn không biết phải đối phó thế nào.

Ngoài thiệt hại về người, phía Mỹ còn phải chịu thiệt hại khoảng 107 thiết xa vận (chủ yếu là loại M113), 57 xe tăng, 28 xe vận tải và 11 khẩu đại bác bị phá hủy. Phía Mỹ không mất một chiếc trực thăng nào dù huy động vào cuộc chiến tới 300 chiếc, điều này có nghĩa lực lượng ta ở trong khu vực hoàn toàn có ý không muốn đánh lớn với Mỹ mà có chủ trương tránh đối đầu.

Tuy phía ta đã tranh đối đầu, nhưng phía Mỹ cũng vấp phải những lực lượng quân chính quy của ta với các trận đánh lẻ tẻ, chủ yếu mang tính chất “nắn gân” đối phương.

Về mặt lý thuyết, phía Mỹ đã thất bại trong cuộc hành quân này khi mục tiêu ban đầu của họ là giải tỏa được lực lượng quân giải phóng trong khu vực Vùng 3 chiến thuật. Các cơ quan, kho tàng và lực lượng của phía ta được giữ vững, chứng minh cho chiến thắng vang dội dù lực lượng ít hơn tới 4 lần của phía ta.

Một điều thú vị đó là tên gọi của chiến dịch này, Junction City bắt nguồn từ thành phố Junction ở Kansas, quê hương của vị tưởng 3 sao trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Đây là chiến dịch hành quân quy mô lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam, cũng là chiến dịch đổ bộ đường không lớn nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, chỉ có điều Junction City đã thất bại thảm hại.

Theo KIẾN THỨC

Tags: