Hồi ức không thể mờ phai về chiến trường Campuchia

Với nhiều người lính,10 năm cho một cuộc chiến đánh tan bè lũ Pol Pot còn ác liệt hơn cả thời kỳ chống Mỹ.

Nói tới cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, nhiều người chỉ nghĩ đến giai đoạn từ cuối năm 1978, đầu 1979, mà mốc dấu là sự kiện 7/1/1979 cho đến khi quân tình nguyện Việt Nam hoàn toàn rút khỏi Campuchia vào năm 1989. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh này đã thực sự bắt đầu từ những năm 1976, 1977 với việc quân Pol Pot đánh chiếm đảo Thổ Chu, đảo Phú Quốc rồi gây ra những vụ tàn sát người Việt ở An Giang, Tây Ninh.

Giai đoạn ác liệt nhất

Theo những người lính từng tham chiến ở chiến trường K, chính thời kỳ năm 1977, 1978 mới là ác liệt nhất trong cuộc đối đầu với lực lượng Pol Pot.

Trước tháng 12/1978, dù Pol Pot thường xuyên xâm lấn lãnh thổ và tàn sát nhân dân Việt Nam nhưng chúng ta chỉ phòng thủ biên giới để bảo vệ lãnh thổ.

“Giai đoạn 1977, 1978 mới là ác liệt nhất, quân ta thương vong nhiều nhất vì lúc đó Nhà nước mình còn chờ đợi một giải pháp chính trị, cho nên quân đội chỉ được chốt giữ ở biên giới để phòng giữ chứ không được tiến công địch. Nhưng ta cứ chốt ở đâu thì địch bu bám đến đánh phá chỗ đó, thậm chí nó còn luồn sang đất ta để đánh từ sau lưng các đơn vị chốt giữ biên giới”, ông Nguyễn Hữu Hiệu, cựu lính trinh sát của Sư đoàn 7 – đơn vị đóng chốt ở biên giới Tây Ninh, nói.

Mấy ngày trước, khi tìm gặp ông Nguyễn Hữu Hiệu, nhờ ông Hiệu gọi điện báo, tôi có may mắn được gặp cả 3 cựu binh (ông Nguyễn Hữu Hiệu, Nguyễn Hữu Ngôn, Lê Nho Hữu) cùng một lúc. Ông Hiệu cho biết: “Một cái làng nhỏ như làng Ngọc Lâu này (xã Cẩm Hoàng, Cẩm Giàng, Hải Dương) mà đã có đến 4 liệt sĩ, 1 thương binh, 1 bệnh binh trong chiến tranh biên giới Tây Nam đấy anh ạ”.

Tham gia quân ngũ từ tháng 2/1974 đến đầu năm 1982 ra quân, ông Nguyễn Hữu Hiệu đã đi qua cả hai cuộc chiến. Những ngày chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc cho đến những trận đánh ác liệt trong chiến tranh biên giới Tây Nam đều có mặt ông Hiệu.

Với góc nhìn của một người lính đã đi qua cả hai cuộc chiến, ông Hiệu bảo: “Nhiều người cứ nghĩ chỉ có kháng chiến chống Mỹ là ác liệt nhưng công bằng mà nói thì nhiều khi đánh nhau với quân Pol Pot còn ác liệt, thương vong nhiều hơn thời đánh Mỹ”.

Ông Lê Nho Hữu, lính bộ binh trung đoàn165, vừa là đồng đội, vừa là đồng hương của ông Hiệu, tiếp lời: “Phải thừa nhận là thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam là ác liệt vì cả hai bên đều dùng nhiều hỏa lực mạnh cho nên mức độ sát thương rất lớn”.

Trong một góc nhìn khác, ông Ngôn, lính trinh sát trung đoàn 20 chia sẻ: “Trong kháng chiến chống Mỹ, cán bộ trung cao cấp của mình thương vong không nhiều nhưng trong chiến tranh biên giới Tây Nam, mình mất cả một thiếu tướng (tướng Kim Tuấn, Tư lệnh quân đoàn 3), còn cán bộ cấp trung đoàn, sư đoàn bị thương là chuyện bình thường. Có thể thấy rằng cuộc chiến đánh Pol Pot rất quyết liệt chứ không phải “giặc cỏ” dễ đánh như nhiều người vẫn nghĩ”.

Liên tục bổ sung quân

Trong hồi ức của ông Nguyễn Hồng Quân, cựu chiến binh thuộc e7, trung đoàn 209 (e209), sư đoàn 7 (f7) – những ngày đó thật sự khốc liệt. Nhiều đơn vị thương vong với mức độ ngay cả thời chống Mỹ cũng ít có. Ví như trận đánh ngày 9/7/1978 của cả đại đội hơn 40 tay súng thuộc tiểu đoàn 7, gần như xóa sổ.

“Buổi sáng hôm ấy, hơn 40 anh em đại đội tôi lên giữ chốt, bị địch vây đánh 4 phía, cắt mất cả liên lạc với tiểu đoàn và các đại đội khác. Các anh em chiến đấu rất dũng cảm, anh Phạm Bá Lịch riêng ngày hôm đó đã bắn B40 nhiều đến nỗi tai bị điếc đặc. Nhưng địch quá mạnh lại có xe tăng thiết giáp hỗ trợ nên chúng tôi không chốt giữ được”, ông Quân nhớ lại.

Theo ông Quân, trận ấy có thể nói là ta thiệt hại rất nặng nề. Cả một đại đội hơn 40 người sáng lên chốt, đến tối khi chạy về được tới tuyến sau chỉ còn chưa đến chục người. Có 4 anh nuôi của đại đội gánh cơm lên cho đơn vị đều hy sinh cả. Chỉ cần nhìn vào việc bổ sung quân số, là thấy được mức độ khốc liệt của cuộc chiến.

Ông Lê Thanh Hiếu, từng là lính e209, f7 kể: “Hồi ấy anh văn thư của đơn vị đi học sĩ quan vắng nên tài liệu giấy tờ của đơn vị được giao cho tôi. Trong năm 1978, chỉ riêng đại đội tôi (c2, d7, e209, f7) phải bổ sung quân số đến 21 lần. Mỗi một lần bổ sung quân số, nhiều thì trên 10 người, ít nhất là 3 người. Như thế cho thấy mức độ hao hụt, thương vong quân số phải rất lớn”.

Ông Nguyễn Trung Lâm, cũng là cựu binh của e209 kể: “Trong những năm 1978, tôi là trung đội trưởng, có lần tối hôm trước, trung đội vừa được bổ sung 7 – 8 lính mới, sáng hôm sau đã có 4 – 5 anh em hy sinh, vì đêm trước bị địch tập kích vào chốt của đơn vị. Phần lớn họ hy sinh khi còn rất trẻ, mới 18, 19 tuổi, thậm chí chỉ huy còn chưa kịp biết hết mặt, nhớ hết tên”. Ông Lâm cho biết thêm: “Trong cuộc chiến tranh ấy, bộ đội mình ngã xuống nhiều lắm, nếu ai có điều kiện vào nghĩa trang Gò Dầu, Tây Ninh thì sẽ thấy không kém gì nghĩa trang Trường Sơn”.

Một thời ngang dọc

Đã bao nhiêu năm trôi qua mà cựu lính tình nguyện Nguyễn Trung Lâm, hiện là Phó ban quản lý thiết bị của Học viện Tài chính Hà Nội, vẫn không sao quên được những năm tháng trong cuộc đời quân ngũ của mình.

Theo lời ông Lâm, khi nhập ngũ ông mới chỉ học xong chương trình phổ thông và đang ấp ủ mơ ước thi vào đại học Thể dục thể thao. Nhưng huấn luyện xong thì các tân binh như ông được điều động vào Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Sư đoàn 7 của ông Lâm được điều lên phòng thủ vùng Tây Ninh, một vùng ác liệt nơi có con đường số 1 nối thông từ Việt Nam sang Campuchia. Ở đây địch thường xuyên tổ chức lực lượng lớn đánh sang biên giới nước ta.

Mỗi khi gặp lại bạn bè, đồng đội, những ký ức chiến trường trong ông Lâm lại hiện về rõ mồn một. Ông kể: “Tháng 2/1977 tôi bị thương trong trận Bến Cầu nên được về bệnh viện tuyến sau điều trị. Sau khi bình phục, tôi lại ra tuyến trước ngay. Rồi chiến đấu liên tục từ năm 1977 đến khi ra quân, năm 1980”.

Ông Lâm cho biết, ông có linh cảm rất chính xác, đang hành quân mà có địch phục kích là ông có thể cảm giác được. “Có lẽ vì thế mà tôi còn về được, chứ trong một cuộc chiến lẫn lộn giữa dân và địch, bất cứ ở đâu chúng tôi cũng có thể bị phục kích, tập kích. Anh em thương vong rất nhiều, tôi may mắn được trở về”, ông Lâm chia sẻ.

Trong suy nghĩ của ông Lâm, quân Pol Pot chiến đấu rất dữ dội, thậm chí nhiều lúc đến mức cuồng loạn. “Có trận, khi tôi xông lên bắt sống hai tên địch thì chúng nó rút lựu đạn định “chia ba” với mình. Khi còn cách khoảng 8m thì nghe tiếng gào “Nằm xuống” của anh Lê Xuân Hẹn (quê ở Thái Bình).

Tôi vừa kịp lăn xuống đất thì quả lựu đạn trên tay địch phát nổ, cả hai đứa chết. Hôm ấy tôi mà chạy nhanh một tí nữa thì “chia ba” quả lựu đạn với bọn địch”, ông Lâm kể.

Chiến đấu kiên cường, dũng cảm, không tiếc máu xương, nhiều người đã mãi mãi nằm lại bên đất bạn. Một số người đã trưởng thành được tặng huân, huy chương và nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích chiến đấu dũng cảm. Khi hoàn thành nhiệm vụ, những người lính trở về địa phương tham gia phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.

Tâm tư hậu chiến

Có lẽ không có nhiều cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam được như ông Lê Thanh Hiếu, cựu binh của E209, F7, hiện sinh sống tại đường Đê La Thành, Hà Nội. Hiện tại ông có một gia đình khá hạnh phúc, con cái được ăn học đàng hoàng, kinh tế gia đình ổn định, không phải lo lắng cái ăn cái mặc. Tuy vậy ông vẫn cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó.

Ông cũng chia sẻ thêm: “Chuyện chiến đấu ở chiến trường Campuchia gian khổ, bi tráng lắm, nhưng tôi nghĩ, đó cũng là trách nhiệm thời trai trẻ thôi. Thời đại nào cũng thế, đất nước xảy ra chiến tranh thì ai cũng phải làm như chúng tôi, nên không có gì để phải kể công cả. Nhưng có điều đến nay những người lính chiến trường K như chúng tôi vẫn chưa được nhắc đến một cách xứng đáng. Tôi nghĩ vào dịp kỷ niệm 7/1/1979, khi nhắc đến giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot thì cũng nên nhắc đến quân tình nguyện Việt Nam. Vì đó là máu xương của bao nhiêu người đổ xuống. Không phải ngẫu nhiên mà có ngày 7/1”.

Theo ông Hiếu, việc “chưa được nhắc đến một cách xứng đáng”, là muốn nói đến công tác tuyên truyền của chúng ta còn hạn chế. Ông nhắc đến một kỷ niệm khiến ông rất xúc động, cũng là niềm an ủi lớn đối với ông và đồng đội khi đã không tiếc máu xương giải cứu người dân nước bạn. Ông Hiếu kể, sau chiến tranh ông đã hai lần về thăm lại chiến trường xưa. Một lần vào đầu năm 2010 và một lần vào tháng 10/2011. Một trong những chuyến đi ấy đã để lại cho người cựu binh ấn tượng đáng nhớ.

“Chính mắt mình đã chứng kiến bao nhiêu đồng đội ngã xuống trước họng súng quân Pol Pot, khiến tôi có ác cảm với người bản xứ”, ông Hiếu kể, “tuy nhiên, sự việc xảy ra khiến tôi thay đổi hẳn thành kiến đã tồn tại từ lâu trong đầu”.

Câu chuyện thế này, trong một chuyến thăm lại chiến trường xưa, ông Hiếu cùng một người bạn tôi là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Phnom Penh, vào một quán ăn ở Phnom Penh. Khi người bạn giới thiệu với anh quản lý nhà hàng bằng tiếng Campuchia rằng, đây (ông Hiếu) là cựu chiến binh Việt Nam, đã giải phóng Phnom Penh vào ngày ấy, năm ấy. Thật không ngờ ngay lập tức anh quản lý cùng với hơn 30 nhân viên nhà hàng ra đứng chắp tay nói là cảm ơn bộ đội Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ Pol Pot.

“Sự việc bất ngờ hôm ấy ở nhà hàng đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Nếu là những người lớn tuổi đã sống qua chế độ Khmer Đỏ thì không nói làm gì, đằng này tất cả nhân viên và quản lý nhà hàng đều rất trẻ, chứng tỏ Campuchia đã giáo dục cho thế hệ trẻ của bạn nhớ đến ơn nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam nên mới được như thế”, ông Hiếu nhận xét.

Theo TRƯỜNG SƠN / ĐẤT VIỆT ONLINE (2012)


Tags: , ,