Hồi ức của các chiến sĩ Liên Xô trong Chiến dịch Mãn Châu 1945

“Họ tranh cãi về mức độ của cuộc chiến sắp tới, nhanh gọn hay dai dẳng. Cuối cùng đi đến quyết định rằng chúng tôi sẽ nghiền nát bọn samurai sâu bọ ra cám chỉ trong 4 tuần lễ…”.

Hồi ức của các chiến sĩ Liên Xô trong Chiến Dịch Mãn Châu 1945

Chiến dịch Mãn Châu hay Chiến dịch tấn công chiến lược Mãn Châu,là chiến dịch quân sự của Quân đội Liên Xô nhằm vào Đạo quân Quan Đông của Đế quốc Nhật Bản tại Mãn Châu, được thực hiện theo thoả thuận của Liên Xô với các nước Đồng Minh tại Hội nghị Yalta tháng 2/1945. Đây cũng là chiến dịch quân sự trên bộ lớn nhất trong Chiến tranh Thái Bình Dương, được bắt đầu vào ngày 9/8 và kết thúc ngày 2/9/1945.

Wikipedia

.

Grigorii Kalachev – Lính trinh sát

Tôi nhớ rất rõ cái đêm ngày mùng 8 và 9 tháng Tám. Chúng tôi, những lính trinh sát, nhận được lệnh phải băng qua biên giới, xác định những ụ hỏa lực địch và bắt sống một tù binh nếu có thể. Trước đó chúng tôi đã bí mật nhiều ngày quan sát quân địch. Lính tuần tra Nhật Bản vẫn đi tuần dọc theo đường biên giới, chúng có cả các đồn biên phòng và đài quan sát. Thế nhưng khi chúng tôi bắt đầu tấn công vào tối mùng 9 tháng 8 thì không gặp bất kì sự kháng cự nào. Vài giờ đồng hồ sau chúng tôi mới gặp toán lính tuần tra, lúc đó đã vào buổi sáng. Cuộc chám trán đáng gờm đầu tiên là khi chúng tôi vào lãnh thổ Nhật Bản 120 km. Quân Nhật dần lấy lại tỉnh táo ở mức độ nào đó và gửi một trường hạ sĩ quan chặn chúng tôi lại, như là đơn vị dự bị sau cùng của chúng. Mọi thứ không như chúng tôi mong đợi và thực sự bất ngờ. Ít ra là khi đó, sức kháng cự của mũi chúng tôi thấp hơn nhiều so với mũi của quân đoàn 36, đơn vị tấn công quân tiếp viện vùng Khalun-Arshan, hay đơn vị số 1 mặt trận Viễn Đông, nơi mà bọn “samurai” (quân Liên Xô gọi lính Nhật là những “samurai”) quyết bảo vệ thành phố Mudantsian cho đến người cuối cùng. Nhưng đối với chúng tôi kẻ thù số một không phải lính Nhật mà là thời tiết. Một lực lượng không lớn lính Nhật bảo vệ dãy Đại Khingan, có khả năng chống chọi vũ khí hạng nặng, quyết không để bị chiếm lĩnh.

Thật ra mà nói, cả thời tiết lẫn địa hình đều chống lại chúng tôi. Quân lính phải tiến công 500 km qua vùng bán sa mạc khô cằn và vượt qua một ngọn núi lớn mà không thấy bóng dáng một con đường hay làng mạc nào cả. Anh tin hay không cũng được, nhưng vũ khí của chúng tôi tốt hơn của phương Tây. Về xe tăng thì không nói làm gì. Không kể đến loại T-34 vốn đã quá nổi trội, mà ngay cả những chiếc BT trước kia vốn được xem là cũ. Những chiếc BT đã không được sử dụng ở mặt trận Xô-Đức trong thời gian dài, nhưng các đơn vị Viễn Đông vẫn còn sử dụng, và chúng vẫn chạy rất tốt : tốc độ, thao tác đơn giản và đáng tin cậy. Ở trong điều kiện sa mạc và đồi núi, các phương tiện của Liên Xô vẫn vượt trội so với của phương Tây ở một vài điểm. Những chiếc Studebeckers và Dodges chiếm số lượng lớn trong các đơn vị của chúng tôi là những loại xe tải tuyệt vời, nhưng vẫn mắc vài khuyết điểm. Thùng xe quá rộng nên không thể chạy qua những con đường hẹp ở hẻm núi. Thêm nữa, khi ở dãy Grand Khingan với độ cao 2000 mét so với mực nước biển, xe tải của Mỹ hay bị nguội máy và nhiều khi bị điếc đặc ở trên núi. Xe của chúng tôi thì không bị chết máy. Nhưng lính bộ và lính bộ cơ giới, tất nhiên, vẫn thường phải đẩy và kéo xe.

Tình thế trở nên thật sự khó khăn khi mưa đến. Mà ở Mãn Châu, tháng tám lại là mùa mưa. Chúng tôi chưa từng thấy điều này ở Nga: trời mưa cả ngày lẫn đêm và kéo dài suốt nhiều tuần lễ. Một khi hết mưa, không khí trở nên rất ẩm và như muốn bóp nghẹt chúng tôi. Tất cả những con đường đều trở nên bùn lầy. Bùn lấm vào chân chúng tôi đến tận đầu gối. Đường rất trơn và chúng tôi băng xuống dãy Grand Khingan như trên đường trợt băng. Và bọn “samurai” bắt đầu phục kích chúng tôi. Khó khăn vô cùng ! Nhưng khi chúng tôi vượt qua những con đường của dãy Grand Khingan và nổ súng về phía đồng bằng Mãn Châu thì coi như đã hoàn thành mục tiêu : chúng tôi đã bỏ xa quân Nhật phía sau. Quân Nhật không nghĩ rằng chúng tôi đã có mặt ở đó. Chúng không nghĩ chúng tôi lại nhanh đến vậy và chúng không thể làm được gì khác. Lúc đó không gì có thể cản chúng tôi lại. Những gì quân Nhật nói bây giờ (tức thời điểm hiện nay – chú thích của Andrey) là bọn họ đầu hàng một cách cưỡng bức và không tự nguyện. Thực ra thì nếu hoàng thân Mikado của họ không ra lệnh đầu hàng, thậm chí lệnh cho các thần dân chiến đấu đến binh sĩ cuối cùng thì sự kháng cự của họ cũng không thể thay đổi điều gì. Quân đội Kwantung vẫn sụp đổ.

Chúng tôi kết thúc chiến tranh ở Porth Arthur. Thật không ngờ, quân lính đã chiến đấu hăm hở đến thế, chúng tôi muốn dạy cho bọn “samurai” bài học về thất bại của chúng tôi trong cuộc chiến Nga-Nhật lần thứ nhất (năm 1904-1905 Porth Arthur là một căn cứ hải quân hùng mạnh của hải quân Nga, đồng thời là một pháo đài. Cuộc chiến bắt đầu sau khi quân Nhật bất ngờ tấn công một tàu Nga trong đêm đậu ở Porth Arthur, tương tự như trận Trân Châu Cảng. Porth Arthur bị bao vây bởi quân Nhật và đầu hàng sau thời gian dài bị vây hãm. – chú thích của Andrey). Tôi nhớ đã từng đọc cuốn Porth Arthur rất nhiều lần (Porth Arthur là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nga Stepanov về cuộc vây hãm Porth Arthur- chú thích của Andrey) khi đang đi xe lửa ở Viễn Đông. Mà các phương tiện truyền thông quân đội cũng nhắc nhiều về nó nữa. Chính trị viên của chúng tôi nhắc đi nhắc lại sau đó, ngay cả trong cuộc tiến công, rằng chiến dịch của chúng tôi là đúng đắn, rằng đó là sự trừng phạt đích đáng cho những tội ác của quân Nhật trước kia, rằng công bằng lịch sử phải được lặp lại. Stalin cũng phát biểu trong tuyên bố thắng trận của ông : Chúng ta đã đè bẹp quân phiệt Nhật và rửa sạch được nỗi ô nhục đen tối trong tâm tưởng của chúng ta.

Riêng tôi cũng có lý do riêng để giành chiến thắng trước quân Nhật, đúng hơn là lý do gia đình. Bốn mươi năm trước khi ông nội tôi chiến đấu ở Porth Arthur và tôi còn là một cậu bé, ông thường kể tôi nghe về cuộc chiến. Làm thế nào lính Nga đánh bại được bọn Nhật, đó là một chiến công, và làm thế nào tướng Tsaras lại phản bội họ và dâng pháo đài cho quân thù. Và khi chúng tôi ở cuối tháng tám năm 1945, trở lại Porth Arthur nơi ông nội tôi từng chiến đấu và gục ngã trước kia thì điều đầu tiên là chúng tôi kính cẩn cúi mình trước nghĩa trang của lính Nga.

Chúng tôi đến nơi mà trận chiến xảy ra nhiều năm về trước và có thể tìm thấy những thùng đạn đã úa màu theo thời gian cùng những mảnh áo choàng còn lem vết máu.

Đại tướng Vasilevskii lệnh cho chúng tôi đặt những vòng hoa để thể hiện lòng tôn kính, sau khi chúng tôi giành thắng lợi.

Aleksandr Zhelvakov (Chính trị viên tập đoàn quân xe tăng số 6)

Tháng 7 năm 1945, tập đoàn quân xe tăng chúng tôi được chuyển từ Czechoslovakia đến Mông Cổ, giáp ranh với vùng Manchu-Oko, nơi chính quyền bù nhìn đượclập ra và cai trị bởi quân phiệt Nhật.

Tối mùng 9 tháng 8, lúc 01:05, chúng tôi băng qua biên giới và bắt đầu thâm nhập vào Mãn Châu.

Tình hình vô cùng khó khăn suốt cuộc tiến công. Khi băng qua sa mạc, trời rất nóng. Nhiệt độ lên đến 40 độ C hoặc cao hơn. Vùng đất hoàn toàn khô hạn, đâu đâu cũng có bụi. Có cả bão cát nữa. Sau đó chúng tôi phải băng qua ngọn Grand Khingan. Sườn núi rất dốc nên gây nhiều khó khăn và nguy hiểm. Ngay khi chúng tôi vào đến Mãn Châu, bắt đầu xuất hiện những trận mưa như trút nước nhiều ngày liền. Bùn dày ở khắp nơi, và hơn thế nữa, nước sông tràn cả vào bờ làm ngập mọi thứ. Lính tăng chúng tôi phải di chuyển từ Tunliao đến Mukden theo đường xe lửa trên bờ đê cao. Đó là con đường độc đạo, kể cả với xe tăng. Những lối khác thì chỉ còn nước bơi.

Điều đáng nói là chúng tôi không chỉ vượt qua trở ngại về thiên nhiên và thời tiết mà cả sự chống trả của quân Nhật, lúc đó vẫn chưa đầu hàng.

Trong điều kiện như vậy, quan trọng đáng kể là chúng tôi đã đổ bộ vào những vùng của quân Nhật ở Mukden, Chanchun, Porth Arthur, Lalnii, Kharbin, Girin, kéo theo sự đầu hàng nhanh chóng của quân đội Kwantung.

Đội quân đổ bộ của chúng tôi lên Mukden đã bắt được Pu I, kẻ đứng đầu Manchu-Oko. Hắn được gửi về Liên Xô ngay sáng hôm sau. Tôi là người phụ trách đội quân của hắn. Sau khi kết thúc chiến dịch tôi được cử làm Bí thư Chi bộ của tiểu đoàn thuộc đội quân đổ bộ vùng Mukden.

Tôi nhớ có một lần. Khi chúng tôi ở Mukden, trung sĩ Ivan Zagorulko là chỉ huy tiểu đội súng tiểu liên. Anh ta kể rằng ông nội của anh ấy đã hy sinh trong chiến tranh Nga – Nhật lần thứ nhất. Điều đáng buồn là khi đó quân đội chúng tôi đã thua ở trận Mukden. Và lúc này khi viếng thăm nghĩa trang địa phương, chúng tôi nhận ra mộ của những người lính của trung đoàn Turkestan số 1, đơn vị của ông nội Ivan. Bốn mươi năm sau cái chết của ông, người cháu, nay trong cương vị là kẻ chiến thắng, đang cúi đầu tôn kính trước ngôi mộ của ông.

Ivan Kazintsev – Lính công binh

Cuộc chiến với quân Nhật bắt đầu trong điều kiện trời tối mù và mưa như trút nước. Tối đó, mọi thứ đếu ướt sũng dù có ở trong phòng chăng nữa, còn chúng tôi thì đang ở chiến trường và cũng không có gì để che.

Có một trận bão lớn trong đêm ngày 8 đến 9 tháng 8 năm 1945 nhưng quân lính được lệnh phải băng qua biên giới. Tôi chưa từng gặp cơn dông nào dữ dội đến vậy. Sấm chớp là một trở ngại: trước tiên nó làm chúng tôi chói mắt, không thể thấy gì và bị mất phương hướng một vài giây sau đó; thứ hai là nó soi rõ vị trí của chúng tôi còn hơn đèn pha của địch. Dĩ nhiên, quân Nhật cũng bị chớp làm chói mắt nhưng họ rành địa hình và không phải di chuyển đi đâu hết. Có lính Nhật trong những ụ công sự trên ngọn đồi và chúng tôi dược lệnh chiếm ngọn đồi đó. Sáng hôm sau, chúng tôi đã chiếm lĩnh được nó.

Ngày hôm đó chúng tôi di chuyển 80-90 km trên xe tăng và đến căn cứ quân sự Siao-Sun-Fynhe vào buổi tối. Tại đó chúng tôi giao chiến với một toán quân địa phương Nhật.

Trận chiến dữ dội và kéo dài, rất nhiều trận phải xáp lá cà. Đánh xáp lá cà thì nhanh chóng nhưng có điều, phải giải quyết liên tục từng tên một và cứ thế, kéo dài khá lâu. Tuy nhiên bọn Nhật đã rút lui, mặc dù chúng chống cự rất quyết liệt. Trung sĩ Kauzov trong trung đội của tôi bị thương rất nặng trong trận này. Anh ta bị 8 vết dao đâm nhưng vẫn sống sót.

Một trận đánh lớn khác xảy ra gần căn cứ Madaoshi. Sau đó chúng tôi mới nhận tin báo rằng căn cứ này được bảo vệ bởi một vài tiểu đoàn lính Nhật quyết tử chứ không đầu hàng. Trận chiến kéo dài một ngày trời. Lính Nhật đặc biệt là pháo binh, chiếm giữ một vị trí rất lợi thế. Một phát đại bác bắn ngay bên hông chúng tôi. Còn bón lính quyết tử thì ở ngay phía trước. Lính Nhật bắn hạ 8 chiếc tăng của chúng tôi. Tối hôm đó tiểu đoàn chúng tôi bí mật di chuyển qua Madaoshi, tiến sâu phía ngoài bọn chúng, chờ một trận đánh quyết định. Sáng hôm sau, trận đánh tiếp tục nhưng cuối cùng quân Nhật đã bị đánh bật khỏi vị trí sau 3 giờ giao tranh. Cậu lính Fedotov của tôi bị hy sinh, trung sĩ Burin thì bị thương.

Người Trung Quốc tiếp đón chúng tôi rất nhiệt tình, một vài lần họ chỉ cả nơi quân Nhật ẩn nấp. Khi gặp những người dân Trung Quốc, chúng tôi thật sự bất ngờ vì họ rất nghèo và sợ hãi trước quân Nhật. Dân địa phương đến chỗ chúng tôi trong lúc nghỉ chân và chúng tôi cũng đối xử với họ như khách quý.

Oleg Smirnov, sĩ quan viết báo của Sư đoàn

Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại kết thúc với sư đoàn chúng tôi ở phía Đông Prussia. Trận chiến ở đó vô cùng khốc liệt. Mọi thứ đều bị đốt cháy trong trận đột kích vào Kenigsburg, tất cả bị thiêu rụi, kể cả những bức tường gạch, những con đường, côn sự bằng bê tông. Dù sao chúng tôi cũng chiếm được pháo đài của thành phố.

Tôi còn nhớ rõ ngày 9 tháng 5, khi hay tin quân Đức đầu hàng, chúng tôi hân hoan uống mừng trên nấm mộ của những người đồng chí đã hy sinh. Tôi rút cây TT ra khỏi bao, bắn chỉ thiên và tự nhủ : “Đây là phát súng cuối cùng của mình.”
Nhưng tôi không thể cưỡng lại định mệnh trớ trêu …

Bắt đầu tháng 6, chúng tôi đi trên xe lửa để di chuyển tới Viễn Đông.

Suốt chuyến đi, tôi được nghe nhiều chuyện của quân lính. Hầu hết với họ đều nhất trí rằng chúng tôi, dĩ nhiên, sẽ đánh bại bọn “samurai”. Họ lại nhắc đến Porth Arthur và Tsushima, những vùng Viễn Đông mà quân đội Nhật chiếm đóng trong cuộc nội chiến, rồi Khasan và Khalkhin Gol. Họ tranh cãi về mức độ của cuộc chiến sắp tới, nhanh gọn hay dai dẳng. Cuối cùng đi đến quyết định rằng chúng tôi sẽ nghiền nát bọn samurai sâu bọ ra cám chỉ trong 4 tuần lễ. Điều họ tiên đoán cũng thành sự thật. Tôi còn nhớ lúc ấy tôi có suy nghĩ (và chắc không phải mình tôi nghĩ như vậy) : thật là lãng nhách nếu mình đã thoát chết trong một cuộc chiến khốc liệt mà lại bỏ mạng ở nơi đây …

Khi ở Trung Quốc, tôi còn lưu lại ký ức về một công nhân đường sắt. Tôi nói chuyện với anh ta tại một ga xe lửa. Tôi mời một điếu thuốc và anh ấy nói: “Thật là một cuộc chiến khốc liệt ở phía Đông ! Tình hình trở nên tồi tệ với đội quân samurai. Đám quân đào ngũ kia có linh tính đúng đấy. Ở Chita, ngày nào người ta cũng ngồi đếm toa tàu chở những toán lính. Điều đó chẳng có nghĩa lý gì vì đằng nào bọn chúng cũng thua.”

Cuối cùng chúng tôi băng qua biên giới Liên Xô-Mông Cổ trong những ngày cuối tháng Sáu và chuyển đến vùng baian-Tumen.

Sau đó sư đoàn chúng tôi hành quân đến biên giới Mãn Châu. Chúng tôi phải lội bộ khoảng 400 km. Mặc dù từng trải qua nhiều trận đánh trong đời, nhưng tôi chưa bao giờ thấy một đội quân lính tráng và quân trang hùng hậu đến vậy. Từng toa tàu chở lính nối đuôi nhau. Từng đội quân di chuyển ồ ạt và hàng nối hàng. Một vùng thảo nguyên bỗng trở nên cơ man là quân. Hàng trăm chiếc xe tăng gầm rống nối đuôi nhau. Chúng còn mới cóong, từ nhà máy Ural nhưng tổ lái đều là những tay lính dày dặn trận mạc trên mặt trận châu Âu. Tiếp đó là những đại đội kéo theo những khẩu pháo lớn, rồi tới những đoàn xe tải bụi mù trời. Theo sau là pháo binh, những chiếc Kachiusa, rồi lại đến bộ binh. Thật không ngờ bao nhiêu lính tráng lại tập trung về đây. Trên bầu trời cũng cơ man là máy bay. Chúng quần đảo trên đầu chúng tôi, cả máy bay tiêm kích, ném bom, cường kích, máy bay vận chuyển.

Cả một vùng sặc mùi xăng và dầu diesel, át cả mùi cỏ cây. Từng đám bụi màu nâu bay mù mịt, bám đầy vào mặt quân lính, nghe cả tiếng lạo xạo trong răng. Trời nóng khủng khiếp, nhiệt độ là 40 độ C, thậm chí còn hơn. Mồ hôi vã xuống mắt, cổ họng khô ran nhưng chúng tôi chỉ được một chai nước một ngày. Xung quanh hoàn toàn không có nước; đúng ra là bán hoang mạc và đất mặn. Chúng tôi gặp chiếc hồ đầu tiên trên đường đi là một hồ nước mặn. Cái khát ám ảnh chúng tôi một thời gian dài. Chúng tôi có cảm giác như đang di chuyển trên một vùng đất trũng khô cằn đỏ lửa. Ngay cả muốn nghỉ mệt chúng tôi cũng không thể ngả lưng xuống đất vì mặt đất nóng đến nỗi muốn thiêu rụi mọi thứ. Mặt đất nóng, và bầu trời cũng vậy. Gió không làm mát hơn mà chỉ thổi đến sự oi bức, không khác gì một cái lò đốt. Gió thổi tung bụi mù, cát, đá găm như đốt cháy buồng phổi mỗi khi thở. Họ gọi đó là “Gió Gôbi” bởi nó thổi từ phía Tây Nam, từ sa mạc Gôbi.

Chúng tôi mất khoảng 1 tuần đến biên giới, đi cả ngày lẫn đêm. Trừ những lần nghỉ ngắn ngủi, mọi người chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng một ngày. Vì vậy đến cuối cuộc hành quân, chúng tôi mệt đến nỗi chỉ muốn gục xuống, và bắt đầu ngủ gật trong khi đi. Ban đêm, cả vùng thảo nguyên huyên náo với tiếng động cơ xe tăng và xe tải, cùng những luồng đèn pha của xe và máy bay. Nhưng những tiếng ầm ĩ hỗn loạn đó cũng không ngăn được tiếng bước chân của những người lính. Gió cát ở khắp mọi lúc, mọi nơi; trong khóe mắt, thức ăn, nước uống. Người nào may mắn thì có cái gà mèn (cặp lồng) thu được của lính Đức vì có nắp đậy. Cái gà mèn của chúng tôi thì tròn và hở, nên phải đậy bằng mũ vải, tờ báo hay bằng tay nhưng dù cách nào đi nữa thì thức ăn vẫn có lẫn cát. Tuy nhiên thời tiết nóng khủng khiếp khiến chúng tôi không muốn ăn, không muốn cả hút thuốc, mà chỉ muốn duy nhất một thứ, đó là uống nước ! Mọi người há hốc miệng ra vì khát nước. Nước chỉ được cấp phát theo tiêu chuẩn. Sĩ quan cao cấp có đủ mọi quyền lợi. Những cuộc hành quân không ngừng nghỉ kéo dài cả ngày lẫn đêm. Cuối cùng, khi đến được vùng biên giới, chúng tôi đuối thật sự và ngủ cả một ngày một đêm.

Ngay ngày hôm sau chúng tôi nhận lệnh đào công sự. Chúng tôi đào hầu như mọi thứ xung quanh: hào chiến đấu, hầm sĩ quan, mô đất che chắn quân trang. Quân lính bắt đầu cằn nhằn: “Tại sao chúng ta lại phải đào như vậy? Không phải quân ta chuẩn bị tiến công sao?” Ngay lập tức những sĩ quan bị triệu tập tại sở chỉ huy và bị chỉ trích vì sớm nói với quân lính kế hoạch sắp tới. Quân lính được lệnh chấm dứt bàn luận về việc tiến công. Các tờ báo của quân đội viết về việc phòng thủ. Tôi không biết về đội quân “samurai” nhưng chúng tôi đã không thất vọng.

Theo JAVOUS 308

Tags: ,