⠀
Samuel Baron viết về Đàng Ngoài: Hoạn quan trong phủ Chúa Trịnh
Trong phủ Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài có một lực lượng quan trọng, được Chúa tin tưởng và có thế lực là các hoạn quan. Trong số đó, tên tuổi vài người từng được sử sách lưu lại.
Nói về không gian trong phủ Chúa Trịnh và các hoạt động ở đó, cuốn sách Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài (do Omega và NXB Khoa học Xã hội ấn hành) của tác giả Samuel Baron – người từng được sinh ra trực tiếp tại Đàng Ngoài, có cha người Hà Lan, mẹ là người bản xứ, tiết lộ: “Phủ Chúa lộng lẫy như cung Vua. Họ nhà Chúa cũng thế tập, con trưởng kế vị cha. Tuy nhiên, tham vọng của những người con khác của Chúa thường gây ra nội loạn nhằm tiêu diệt lẫn nhau để lên kế vị. Người Đàng Ngoài có câu: ‘Nghìn vị Vua băng hà chẳng hề làm đất nước lâm nguy nhưng một ông Chúa chết mọi người đều hoang mang, lòng dân bất an, triều chính loạn đảo”.
Trong phủ Chúa Trịnh, lực lượng hoạn quan nịnh bợ rất nhiều và hùng hậu, từ 400 – 500 người. Họ kiêu căng, hống hách, vô lý khiến người dân vừa e ngại vừa ghét cay ghét đắng nhưng chẳng biết làm gì. Thế nhưng Chúa thì lại ưu ái, dùng họ vào hầu hết công việc trong nội cung và cả trong những vấn đề quốc gia đại sự. Sách đã dẫn cho biết thêm: “Sau khoảng 7 – 8 năm phục vụ trong cung cấm, chúng sẽ từng bước tiến thân lên các vị trí cao trong xã hội, thậm chí được đặt vào những địa vị có danh vọng như quan đầu tỉnh hoặc tướng lĩnh quân đội. Trong khi đó, nhiều người xứng đáng hơn, tỉ như các quan văn và quan võ, thì lại bị thất sủng và rơi vào cảnh bần hàn…”.
Vương quốc Đàng Ngoài có 6 trấn, đó là chưa tính đến vùng Cao Bằng và một phần xứ Bowes (sách chú thích thuộc hai tỉnh Hưng Hóa và Tuyên Quang). Tại tỉnh Giang – tiếp giáp với với Đàng Trong, người đứng đầu ở đây phải được Chúa đặc biệt tin cẩn, bởi nếu tạo phản mà cấu kết với Đàng Trong thì hậu quả rất khôn lường. Trước đây, tỉnh Giang này do một hoạn quan trấn giữ, tuy nhiên vì xảy ra câu chuyện khá ngộ nghĩnh dưới đây mà Chúa quyết định không bổ nhiệm hoạn quan nào vào đây nữa.
Tác giả Samuel Baron kể: “Người Đàng Trong rất ghét bọn hoạn quan và không bao giờ dùng họ vào việc quan trọng. Khi nghe tin viên hoạn quan mới vào nhậm chức, người Đàng Trong bèn gởi tặng ông này một chiếc yếm lụa làm quà, thứ mà phụ nữ hay mặc, và yêu cầu ông ta nên sử dụng thường xuyên. Hàm ý của việc này là viên hoạn quan đó gần gũi với phái yếu hơn, chứ chẳng ra dáng một vị tướng hay một vị quan cai trị cấp tỉnh”. Vì Chúa Trịnh đặt quá nhiều tin tưởng vào đám hoạn quan vô dụng và như vậy thường phải đánh đổi quá nhiều điều trái ngược với sự tốt đẹp của chính sách chung, thậm chí đôi lúc phải muối mặt chỉ để đổi lấy một số lợi ích nho nhỏ của đám người này.
Ngược lại, trong số này cũng có vài hoạn quan rất thành công trong phủ Chúa Trịnh được sử sách lưu lại, nổi bật nhất là 3 đại quan: Ong-Ja-Tu-Le, Ong-Ja-Ta-Foe-Bay và Ong-Ja-How-Foe-Tack (người nước ngoài thường gọi quan theo chức danh: Ong -Ja là Ông già).
Hoạn quan Ong-Ja-Tu-Le, hiện qua tài liệu lịch sử đã xác định được và ông này được mô tả khá kỹ trong những văn bản của công ty Đông Ấn Hà Lan – đó chính là ông già Tư Lễ, tức hoạn quan Hoàng Nhân Dũng. Sách Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài của tác giả Samuel Baron viết: “Ông này làm đến chức Tư lễ giám nhưng sau đó bị xử tử do khép tội âm mưu chống lại Chúa. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: ‘Năm 1653, Nhân Dũng là tên hoạn quan được yêu, được làm đến chức Tư lễ giám, thiếu bảo, tước quận công, được ban họ tên là Trịnh Lãm. Quyền lộc quá to nên ngày càng kiêu căng phóng túng, ngầm mưu với thủ hạ là Trần Nhân Liễn nuôi giấu người có yêu thuật là Tuyên Đức để xuống loạn. Việc bị phát giác, đưa xuống triều thần xét tội. Nhân Dũng bị chém bêu đầu, bọn Nhân Liễn, Tuyên Đức đều bị lăng trì, thị chúng”.
Theo THANH NIÊN ONLINE
Tags: Chúa Trịnh, Xứ Đàng Ngoài