⠀
Hiểm họa từ ‘cuộc tình bệnh hoạn’ giữa quan chức và doanh nghiệp
Khi bỏ tiền mua chức cho quan, những doanh nghiệp này thực chất là con buôn kinh doanh một mặt hàng có tên là “quan chức”. Và đương nhiên, họ sẽ thao túng thể chế để kiếm lợi cho cá nhân mình. Cổ nhân có câu “Buôn vàng, buôn bạc không bằng buôn quan bán chức”.
Ngày 5/4 vừa qua tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo về “Mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với doanh nghiệp để trục lợi” do Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức.
Trước hết, phải khẳng định quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền là mối quan hệ khăng khít, gắn bó và cần thiết. Nó đã mang lại những hiệu quả rất tốt đẹp cho cả hai phía. Không có một doanh nghiệp nào có thể phát triển tốt nếu không có mối quan hệ mật thiết với chính quyền địa phương và ngược lại, cũng không có một địa phương nào có thể phát triển nếu như không có mối quan hệ thân mật với doanh nghiệp.
Đó là một thực tế.
Thế nhưng, điều đem ra bàn ở Hội thảo là cái “mối quan hệ không bình thường” mà theo lời nguyên Phó chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng là “bệnh hoạn” của công tác quản lý. Nói trắng ra, đó là sự bắt tay của một số doanh nghiệp với một số quan chức và ngược lại, sự bắt tay của một số quan chức với doanh nghiệp vì lợi ích cá nhân. Từ đó, hình thành các “cuộc tình bệnh hoạn” phục vụ cho các “nhóm lợi ích” và “lợi ích nhóm”.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Hồng Liêm, hiện có một số cán bộ, đảng viên có chức quyền câu kết làm “sân sau” cho một số doanh nghiệp để trục lợi dưới nhiều hình thức, thủ đoạn. Ông Liêm nói: “Đang có những quan chức quyền hành như “thái thượng hoàng”, nói gì cấp dưới phải nghe răm rắp, tự ý bố trí nhân sự, đất nông nghiệp sờ sờ ra đó nhưng vẫn chuyển sang đất chuyên dùng để thu lợi cho doanh nghiệp hàng trăm tỉ đồng, còn doanh nghiệp thì lại quả vài căn nhà tiền tỉ cho quan chức”.
Nâng đỡ doanh nghiệp này thì ngược lại, tất nhiên sẽ gây khó dễ cho doanh nghiệp khác. Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng để “lại quả” cho những khoản chung chi, họ sẽ “rất nhẹ tay trong khâu thẩm định dự án, sẵn sàng cho qua những bất cập nhãn tiền. Ngược lại, cố tình gây khó khăn đến mức làm nản lòng các doanh nghiệp khác”.
Còn ông Trần Văn Tư, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai thì lo ngại “nạn chị hai, chị ba…”: “Đang có hiện tượng “quan bà” – phu nhân của quan chức – cùng làm ăn với doanh nghiệp để doanh nghiệp lấy làm bình phong. Tôi thấy một số bà suốt ngày cứ kè kè bên doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khác họ nhìn vào cũng nghi ngại, e dè vì thấy một số doanh nghiệp toàn đi với chị hai, chị ba…”.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Cần Thơ, cho rằng cần phải hết sức lưu ý đến những quan chức có vợ con tham gia kinh doanh, lập doanh nghiệp “sân sau”. “Nói là vợ con làm nhưng thực ra ông này điều hành là chính. Dạng quan chức có vợ con kinh doanh kiểu này nhiều lắm. Khi doanh nghiệp đứng tên vợ con, người thân thì họ dễ đưa dự án, công trình về nhà lắm” – ông Thạnh nói.
Có thể nói, tất cả những phát biểu của các vị tại Hội thảo trên đều chính xác đến 100% nhưng người dân thì không lạ. Bởi hình như nó diễn ra hàng ngày ở tất cả mọi nơi, mọi lúc và mọi cấp.
Thế nhưng, có 2 ý kiến thì không khỏi giật mình.
Đó là phát biểu của Phó Chủ nhiệm Lê Hồng Liêm về hiện tượng doanh nghiệp bỏ tiền ra mua chức cho “quan”: “Có thực tế là nếu doanh nghiệp không có mối quan hệ lợi ích với một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thì khó có thể nhận được các dự án. Từ đó hình thành các nhóm lợi ích không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị. Thậm chí có doanh nghiệp còn bỏ tiền mua phiếu cho quan chức leo cao hơn”.
Ý kiến thứ hai nói về phía ngược lại. Đó là phát biểu của ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng: “… có những cán bộ, đảng viên vì nhóm lợi ích còn tạo thế chính trị cho một số doanh nhân hữu danh vô thực, thông qua việc đỡ đầu để họ trực tiếp tham chính vào cấp ủy hoặc các cơ quan dân cử”.
Nguy hiểm. Rất nguy hiểm!
Khi doanh nghiệp bỏ tiền ra mua “ghế” cho quan chức tức là quan chức tự biến mình thành công cụ của doanh nghiệp, làm “tôi tớ” cho kẻ bỏ tiền. Tôi bỏ tiền “mua chức” cho anh thì anh phải có trách nhiệm phục vụ tôi. Đó là qui luật tất yếu của cuộc sống, không thể nói khác.
Khi bỏ tiền mua chức cho quan, những doanh nghiệp này thực chất là con buôn kinh doanh một mặt hàng có tên là “quan chức”. Và đương nhiên, họ sẽ thao túng thể chế để kiếm lợi cho cá nhân mình. Cổ nhân có câu “Buôn vàng, buôn bạc không bằng buôn quan bán chức”.
Bài học của Lã Bất Vi khi xưa lại tái hiện khi những quan chức đó lại đem chính quyền lực của mình ra để “đỡ đầu” cho những “doanh nhân – con buôn” này “vào cấp ủy hoặc các cơ quan dân cử” như lời của ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng.
Một thể chế thao túng bởi các loại “doanh nhân hữu danh vô thực” nêu trên không thể là thể chế của người lao động chân chính.
Rất may, mối quan hệ không bình thường này đã được các vị có trách nhiệm với đất nước kịp nhận ra.
Chúng ta hi vọng những “cuộc tình bệnh hoạn” sẽ sớm được giải phẫu triệt để bởi nếu không sẽ là mối nguy cơ khôn lường cho đất nước.
Theo DÂN TRÍ (2013)
Tags: Nhóm lợi ích, Tham nhũng - Tiêu cực