⠀
Hãy san sẻ sự sống với muôn loài
Nhiều sinh vật và hệ sinh thái trên thế giới đang dần biến mất với mức độ khó kiểm soát mà chính con người là nguyên nhân của tình trạng này. Chúng ta đang tiếp tục làm mất những sản phẩm và dịch vụ môi trường tự nhiên mà lâu nay chúng ta nghiễm nhiên sử dụng.
Chúng ta cần quyết tâm làm nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa, dành chiến thắng trong cuộc đua chống lại sự tuyệt chủng của các loài sinh vật, hướng tới sự sống bền vững thịnh vượng trên trái đất. Đa dạng sinh học là sự sống, đa dạng sinh học chính là cuộc sống của chúng ta”
Đa dạng sinh học là sự đa dạng của cuộc sống
Theo thống kê của các nhà khoa học, con người là một trong số 100 triệu loài sinh vật đang sống trên hành tinh. Sự đa dạng của các loài sinh vật – trong đó có con người tạo nên một mạng lưới thiên nhiên an toàn giúp xã hội loài người có thể đương đầu, thích ứng với biến động của tự nhiên, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay. Đa dạng sinh học (đa dạng sinh học) được hiểu là sự đa dạng về di truyền, loài và hệ sinh thái.
Các cây con cung cấp lương thực, thực phẩm cho chúng ta hằng ngày; các loài cây thuốc; các loài hoa tô điểm cho cuộc sống; các loài động, thực vật hoang dã; các loài vi sinh vật phù du; các loài thuỷ, hải sản, lâm sản mà chúng ta sử dụng và tiếp xúc thường ngày là hiển hiện trực quan giá trị đa dạng sinh học mang lại cho cuộc sống. Nói cách khác, đa dạng sinh học cung cấp cơ sở vật chất, tạo nên giá trị tinh thần cho cuộc sống nhân loại.
đa dạng sinh học còn được biểu hiện qua sự đang dạng của hệ sinh thái, giúp điều hoà nước, không khí, chống xói mòn, đồng hoá các chất thải, làm sạch môi trường, đảm bảo vòng tuần hoàn vật chất và năng lương trong tự nhiên, giảm thiểu thiên tai các hậu quả cực đoan về khí hậu. Ngoài ra, sự phong phú của hệ sinh thái (trên cạn, đất ngập nước và hệ sinh thái biển) giúp tạo nên sự đa dạng trong những nét phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tôn giáo, sắc tộc, văn hoá và cả những nền văn minh thế giới.
Đa dạng sinh học là thịnh vượng nhân loại
Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và Trung tâm giám sát bảo tồn thế giới của Anh cho biết, 17 nghìn loài sinh vật trên thế giới hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng và cứ 20 phút trôi qua lại có một loài vĩnh viễn mất đi. Từ những loài ít được biết đến như thực vật, côn trùng tới các loài chim cỡ lớn và động vật có vú,… Mức độ biến mất của các loài hiện nay được giới sinh vật học gọi là Thời đại tuyệt chủng lần thứ 6 của trái đất (lần thứ 5 cách đây 65 triệu năm với sự biến mất của loài Khủng Long).
Con người đã gây ra sự mất mát của hàng loạt các khu rừng nguyên sinh, các vùng đất ngập nước quan trọng của thế giới, suy giảm ba phần tư số lượng các loại cá trong tự nhiên và khoảng 12% loài chim; 25% loài thú; 30% động vật đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Ước tính thiệt hại về kinh tế từ 2.000 đến 4.500tỷ USD/1năm và điều này đang làm chậm lại mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trên toàn thế giới (2005- 2015).
Trước những vấn đề bức xúc này, Liên hiệp quốc đã lựa chọn năm 2010 là Năm quốc tế về đa dạng sinh học để thông qua Hiệp ước pháp lý nhằm ngăn chặn sự mất mát cuả đa dạng sinh học, cũng như đánh giá lại kết quả của Công ước đa dạng sinh học tại Johannesburg đã được triển khai cách đây tám năm (2002). Dự kiến, các báo cáo tham luận trong phiên họp thượng đỉnh tháng 10 năm 2010 tại Nhật Bản, sẽ tập trung vào hai vấn đề nghiêm trọng của môi trường là suy thoái đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, đồng thời chứng minh mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sự phát triển của mỗi quốc gia và phồn thịnh nhân loại.
Ngày môi trường thế giới năm nay với chủ đề, “Nhiều loài – Một hành tinh- Tương lai chúng ta” cũng nhằm nâng cao nhận thức của công dân toàn cầu trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Quốc gia Rwanda, châu Phi – “vùng đất của nghìn quả đồi”, với tính đa dạng sinh học học cao và đang đi tiên phong trong quá trình xây dựng một nền kinh tế xanh, được vinh dự đăng cai sự kiện này.
Việt Nam là một trong mười sáu quốc gia có giá trị đa dạng sinh học giàu nhất thế giới về cả hệ sinh thái loài và nguồn gen. Nhưng là một quốc gia nông nghiệp, cuộc sống của người dân Việt Nam phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, thậm chí sống nhờ tự nhiên. Do vậy, sự suy giảm và biến mất của các loài hoặc cây con có giá trị trong cuộc sống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế sinh nhai của họ. Ngày môi trường thế giới năm nay là dịp để Việt Nam hưởng ứng và nâng cao nhận thức của người dân trong bảo tồn đa dạng sinh học. Tỉnh Quảng Bình được lựa chọn để tổ chức sự kiện này với các hoạt động hưởng ứng trước, trong và sau Ngày môi trường thế giới: Hội thảo Năm quốc tế về đa dạng sinh học 2010; chương trình triển khai Luật đa dạng sinh học; tọa đàm Ngày hành động vì đa dạng sinh học; trồng cây xanh tại các trường học; thi tìm hiểu đa dạng sinh học; triển khai các dự án khuyến khích người dân trồng một số loại cây có nguy cơ tuyệt chủng; giáo dục thay đổi hành vi đánh bắt cá “tận diệt” của ngư dân (dùng lưới vét, xung điện),… Lễ mit tinh và các hoạt động hưởng ứng này sẽ được tiến hành với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Bảo vệ đa dạng sinh học và duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái, giúp con người giảm nhẹ được những tác động của thiên tai và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng vật chất, tinh thần cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Bảo tồn đa dạng sinh học không phải chỉ là trách nhiệm của các nhà khoa học, các nhà quản lý mà là trách nhiệm của mỗi công dân, đặc biệt người nông dân với kiến thức bản địa về giống, loài họ sẽ là nơi lưu giữ, bảo tồn tốt nhất các giá trị về đa dạng sinh học. Con người và sinh vật trên trái đất cùng chia sẻ một không gian sống, hãy giảm bớt sự thống trị của mình và hãy san sẻ sự sống với muôn loài để có được một tương lai bền vững, thịnh vượng cho nhân loại.
Theo TỔNG CỤC MÔI TRƯỜNG
Tags: Đa dạng sinh học, Đạo đức môi trường