Hậu COVID-19: Một trật tự thế giới khó đổ vỡ nhưng ‘khó mà như xưa’

Câu hỏi mấu chốt ở đây là, đại dịch COVID-19 có làm đảo lộn ít nhất một trong hai yếu tố cấu thành nên trật tự hiện nay hay không?

Hậu COVID-19: Một trật tự thế giới khó đổ vỡ nhưng ‘khó mà như xưa’

Loài người đã vượt qua được nhiều biến cố lớn trong lịch sử, từ dịch hạch cho tới Thế chiến II.

Vì vậy, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng dù phải chịu nhiều tổn thất nhưng cuối cùng chúng ta vẫn sẽ chiến thắng đại dịch này.

Nhưng điều gì sẽ chờ đợi chúng ta đằng sau chiến thắng đó?

Nhiều ý kiến hiện nay ví COVID-19 như một cơn địa chấn làm rung chuyển và thậm chí sẽ phá vỡ trật tự thế giới mà Mỹ đang dẫn dắt. Trong một bài bình luận mới đây trên tờ Financial Times, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã nhận định “COVID-19 sẽ vĩnh viễn thay đổi trật tự thế giới”.

Trên tờ Foreign Policy, một loạt học giả và chuyên gia hàng đầu đều cho rằng COVID-19 sẽ thay đổi thế giới một cách sâu rộng, thậm chí còn đánh dấu sự “cáo chung” của tiến trình toàn cầu hoá.

Lịch sử sẽ ghi nhận COVID-19 như một trong những sự kiện có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XXI, bởi đại dịch này gần như chắc chắn thay đổi đáng kể cách con người nhìn nhận về cuộc sống cũng như thay đổi cách vận hành của nhiều xã hội và phương thức quản trị của nhiều chính phủ. Mặt khác, trong ngắn và trung hạn, trật tự thế giới dựa trên luật lệ hiện nay về cơ bản vẫn sẽ đứng vững.

Để hiểu tại sao trật tự thế giới hiện nay sẽ đứng vững trước cơn địa chấn COVID-19 cần hiểu rằng trật tự thế giới được cấu thành bởi hai yếu tố cơ bản: Phân bổ quyền lực giữa các nước lớn và các nguyên tắc tạo nên “luật chơi” quốc tế.

Để vận hành hệ thống và giữ cho luật chơi này không bị thay đổi bởi các thế lực đang trỗi dậy, các cường quốc dẫn dắt trật tự này tạo ra mạng lưới các thiết chế quốc tế như Mỹ đã làm sau khi Thế chiến II kết thúc.

Từ Liên hợp quốc cho tới Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng các liên minh quân sự rải rác khắp năm châu, những thiết chế quốc tế này giúp Mỹ duy trì trật tự thế giới và một cán cân quyền lực có lợi cho mình.

Câu hỏi mấu chốt ở đây là: Đại dịch COVID-19 có làm đảo lộn ít nhất một trong hai yếu tố cấu thành nên trật tự hiện nay hay không?

Sở dĩ Mỹ có thể gây dựng được trật tự thế giới theo ý mình sau Thế chiến II là bởi cuộc chiến này đã khiến cho các cường quốc dẫn dắt trật tự thế giới trước đó hoàn toàn kiệt quệ. Nói cách khác, nó làm đảo lộn hoàn toàn cán cân quyền lực tại thời điểm đó.

Trong bối cảnh hiện nay, COVID-19 đang tấn công tất cả các nước từ nhỏ tới lớn không chừa một ai. Hai siêu cường hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều đang chịu tổn thất nặng nề từ đại dịch này, về cả mặt kinh tế – xã hội và có thể là cả chính trị.

Tuy hai bên không tổn thất như nhau, song chưa thể biết được bên nào sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề và lâu dài hơn.

Dù chung cuộc, Mỹ có chịu thiệt hại nhiều hơn Trung Quốc thì cũng chưa thể nói là sự khác biệt đó có đủ nhiều để khiến Trung Quốc trở nên “mạnh” hơn Mỹ hay không trong khi xét về cả quyền lực cứng lẫn mềm thì Mỹ vẫn lấn lướt Trung Quốc tại thời điểm hiện tại.

Trừ khi COVID-19 tiếp tục kéo dài hàng nhiều năm và chính phủ Mỹ tiếp tục thất bại trong việc ứng phó (trong khi Trung Quốc lại xử lý rất tốt) thì sẽ rất khó để cán cân quyền lực giữa hai siêu cường hàng đầu thay đổi hoàn toàn.

Viễn cảnh chúng ta có thể nhìn thấy được đấy là trọng tâm quyền lực sẽ ngày càng dịch chuyển về châu Á, đặc biệt khi các quốc gia châu Á dường như đã phản ứng nhanh nhạy và kịp thời hơn các nước phương Tây, đặc biệt là ở châu Âu, trước đại dịch COVID-19.

Mặt khác, xu thế chuyển dịch quyền lực này đã bắt đầu từ trước khi COVID-19 bùng phát và bản thân điều này chưa đủ để làm xáo trộn phân bổ quyền lực giữa các nước lớn, cũng không thay đổi luật chơi quốc tế, ít nhất trong ngắn và trung hạn.

Đại dịch này có giáng một đòn “chí mạng” vào hệ thống các thiết chế quốc tế hiện nay hay không? Đây là một câu hỏi khó bởi một mặt, phản ứng đầu tiên của đại đa số các nước khi đối mặt với COVID-19 là co lại và tìm cách tự cứu lấy mình, thay vì hợp tác nhằm tìm kiếm giải pháp đa phương.

Mặt khác, bởi đại dịch là vấn đề toàn cầu nên chỉ có thể được kiềm chế và ngăn chặn hiệu quả nếu có sự phối hợp của tất cả các quốc gia và do đó, các thiết chế đa phương vẫn rất cần thiết.

Mỹ đang tấn công WHO và điều này có thể làm giảm uy tín của tổ chức này trong tương lai song đây không phải lần đầu tiên Mỹ chỉ trích các tổ chức quốc tế. Thiết chế đa phương hiện nay sẽ chỉ thực sự sụp đổ khi đa số các quốc gia cảm thấy nó không còn vận hành hiệu quả và phục vụ được lợi ích của mình nữa.

Điều đó chưa xảy ra và trong một thế giới đang được gắn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết, việc phải phối hợp thông qua các thiết chế này nhằm xử lý các vấn đề chung là không thể tránh khỏi.

Dù chưa lập tức làm thay đổi trật tự thế giới, COVID-19 vẫn sẽ có những tác động hết sức sâu rộng, gián tiếp mà có lẽ chúng ta chưa thể hiểu hết. Chưa bao giờ chúng ta phải tự “giam lỏng” mình lâu đến như vậy và cũng chưa bao giờ chúng ta phải sống dựa vào mạng Internet cũng như công nghệ số nhiều đến như vậy.

Dù ít hay nhiều, nhân sinh quan của chúng ta sẽ thay đổi sau đợt đại dịch này.

Vì vậy, có thể COVID-19 sẽ không thay đổi trật tự thế giới vĩnh viễn nhưng sẽ khó để tin rằng loài người sẽ lại quay trở về với đời sống thường nhật như chưa có chuyện gì xảy ra.

Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM 

Tags: ,