Hai ảo tưởng của những người học đại học

Có 2 thái cực thường xảy ra trong môi trường đại học: Hoặc là học giỏi nhất trường, trở thành thạc sĩ tiến sĩ vinh danh dòng họ, hoặc là bỏ học giữa chừng, vứt sách cho trường, ra ngoài kinh doanh và thành đạt ghê gớm.

Hai ảo tưởng của những người học đại học

Vinh danh dòng họ – rạng danh gia đình

Thuở đại học, bạn bè và tôi thường có những buổi ngủ cùng nhau, ở đó, họ chia sẻ rằng “tao đi học vì cả dòng họ tao chỉ có mình mẹ tao nuôi được tao đến mức này”, hoặc “mình vào đại học, mẹ mình hạnh phúc khóc hết một buổi sáng”. Những cảm xúc như thế đã lót đường cho không biết bao nhiêu người trẻ Việt Nam vào đời. Họ đậu đại học  – vinh danh họ tộc – làm rạng rỡ cha mẹ – họ lên đường chinh phục chân trời mới. Công thức chung ấy ám ảnh nhiều người trẻ – lẫn cha mẹ Việt Nam. Học đại học là chuẩn mực duy nhất để làng xóm đánh giá một đứa trẻ có phải “ngoan” hay không, hoặc cha mẹ ấy “có phúc” hay không. Có năm, tôi đọc báo mà rơi nước mắt, có em học sinh tự tử vì không đậu đại học, vì nghĩ mình đã làm tủi hổ cả dòng họ.

Đại học – giống hệt anh trạng nguyên ngày xưa – phải mặc mũ áo về tận làng, kèn trống rước đưa, mới được xem như báo đền công cha nghĩa mẹ, nghĩa vợ. Còn cái đứa nhỏ 18 tuổi, lơ ngơ xách balô lên thành phố đi học, lại mang trong mình bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu trăn trở, nó sẽ là gì, nó thực sự muốn gì, nó sẽ là ai trong cái cõi đời hàng trăm sinh viên giống hệt nó, nó sẽ làm gì để ra đời mà hạnh phúc? Các câu hỏi như vậy được vùi lấp đi trong nghĩa vụ của một “người lính học tập”: Cha mẹ muốn con thành đạt, dòng họ muốn con làm chức to, người yêu ở quê muốn thấy con giàu. Thật là nhọc nhằn.

Có lẽ, đã đến lúc người lớn phải hạ lá cờ “hiệu triệu đại học” của mình xuống để không nhầm lẫn về những giá trị mà con cái chúng ta có được từ ngôi trường mơ ước. Đại học không phải là nơi giúp một con người trở nên có danh dự, đó là nơi cung cấp kiến thức chuyên môn, để một con người có nghề nghiệp, có thêm kiến thức và từ đó biết ứng xử và làm việc tốt hơn sau khi tốt nghiệp. Đại học không phải là chỗ để ta ném vào con những kỳ vọng như “kiếm vài chục triệu mỗi tháng như chú bác sĩ gần nhà” hay “làm cho sáng rõ, tỏ mặt nhà mình”. Nó lại càng không phải là nơi giúp một con người (trẻ) có thể tô vẽ thêm lên vẻ đẹp của dòng họ hay các giấc mơ không thành sự thật của các bậc cha chú đi trước. Những đứa trẻ bị biến thành biểu tượng sẽ phải mang vác trên lưng khối trách nhiệm khiến nó không dám đi tìm hạnh phúc và ước mơ thật sự trong đời.

Từ ấy, người ta nghe nói về những bi kịch, như đứa sinh viên biết khao khát của cha mẹ như vậy, nên cứ vài bữa lại điện thoại về nói con đóng tiền học ngoại ngữ thứ hai, đóng tiền tập thể thao, đóng tiền giáo trình rồi cầm hết đống tiền bán trâu bán bò của cha mẹ đi… chơi số đề. Có những em sinh viên, sau ngày tốt nghiệp không tìm được việc làm, không dám về quê, vì nghe nói ở quê đứa bạn mình ngày xưa rớt tốt nghiệp giờ đã là chủ một xưởng trồng nấm – “Nó học đâu có bằng em, giờ em về tay trắng thế này nhục lắm”.

Nỗi buồn không đáng có như vậy, sinh ra từ quá nhiều kỳ vọng xã hội đặt lên vai người đi học.

“Bill Gates bỏ học để thành tỉ phú”

Ở một tấm gương phản ngược lại của việc sùng bái đại học, là những người trẻ chuyền tay nhau câu chuyện “Bill Gates bỏ học”. Trong tất cả những quyển sách thành công, danh nhân, rất ít người trích dẫn lại các thiên tài Bill Gates hay Steve Jobs đã phải cực khổ và trí tuệ đến mức nào để xây dựng đế chế hôm nay của họ, nhưng ở rất nhiều trung tâm dạy làm giàu, dạy thành công, người ta nhấn mạnh: Bill Gates thành công nhờ bỏ học.

Tôi thường tự hỏi, có phải vì sống quá lâu trong nghèo khổ hay không mà bây giờ lại có nhiều sinh viên đam mê lao vào những lớp học “Một ngày thành triệu phú” như vậy. Đa số các em ấy, khi được hỏi, đều nói rằng đại học là một sự lầm lạc, một sự chán nản, không thấy rõ tương lai gì hết. Vì quá kỳ vọng vào một chân trời nào đó, khi chân trời ấy mờ đi, các em lập tức phải bấu lấy một chân trời mới. Ở đây, thiên đường đại học mang lượng kiến thức “lệch pha” và cũ kỹ so với thế giới bên ngoài đã đẩy nhiều người trẻ vào tuyệt vọng. Họ loay hoay so sánh mình với nghề nghiệp bên ngoài, loay hoay đọc trên mạng thấy thế giới đã đi quá xa, quá hiện đại. Đập bỏ đền đài đại học, họ lao vào ảo tưởng “bỏ học chắc chắn sẽ làm giàu”.

Bỗng từ đó, xuất hiện những khóa học 2 ngày “trở thành triệu phú”, “triệu phú trong tay bạn”… đôi khi người học phải đóng cả chục triệu đồng để được hò hét, trấn an tinh thần, học các kỹ năng mềm để thành triệu phú. Những gương mặt thơ ngây ấy dường như không hiểu rằng nếu nắm được bí quyết trở thành triệu phú thật, chắc các ông thầy đang rao giảng kia của họ chẳng mất thời gian đi dạy để kiếm vài triệu từ học trò làm gì.

Câu chuyện của chàng trai bỏ học mà vẫn thành công, cãi nhau với thầy rồi thành đạt… quá hấp dẫn với những “kẻ nổi loạn” muốn dứt bỏ các ảo tưởng gắn lên mình từ khao khát với đại học thần thánh. Nhưng có bao nhiêu kẻ nổi loạn kia sẽ trở thành triệu phú? Số còn lại vất vưởng trong đời, đi xin việc luôn bị mắc kẹt trong câu hỏi: “Em không có bằng hả?”, vì chẳng có một ưu thế nghề nghiệp nào quá rực rỡ khiến nhà tuyển dụng quên đi cái bằng.

Ở cả hai thái cực, người tuyệt vọng nhất là người trẻ mới vào đời. Đại học chưa bao giờ xấu, nó là thời gian cần thiết để ta 18 tuổi, làm quen dần với cuộc đời, quen với những người thầy có chuyên môn, với đàn anh giỏi nghề nghiệp, và bắt đầu tự rèn luyện mình – vì cái tương lai mà mình muốn vẽ ra. Ngôi trường đại học luôn là một môi trường ít phòng thủ hơn cái cuộc sống giành giật cơm áo ngoài kia, nơi người học được người dạy chia sẻ, nâng đỡ. Ảo tưởng rằng đại học là một mũ quan, võng lọng sẽ biến người học thành một kẻ mù lòa, trịch thượng, một đứa con hoang của tri thức. Kẻ ấy coi tri thức là danh vọng, chứ không phải thứ ta cần cho một đời làm việc.

Ảo tưởng rằng đại học là rác rưởi cũng tệ hại không kém, nó biến người học thành kẻ dốt nát, vì đã quay lưng với tri thức, và tưởng rằng với cái hình ảnh biểu tượng “Bill Gates bỏ học mà thành công” họ sẽ trở thành những kẻ háo hức nhầm lẫn, những kẻ chà đạp lên tri thức để kiếm tiền.

Tri thức không phải là thứ biểu tượng như bằng cấp, nó là một môi trường, một không gian, với con người cùng học và với những khả năng có sẵn trong ta được nâng lên gấp nhiều lần dựa vào sự hiểu biết và rèn luyện.

Không có đường tắt nào tới vinh quang, dù là bỏ học hay đại học.

Theo  DUY MINH /THANH NIÊN ONLINE

Tags: , ,