Hà thành đầu độc 1908, bản hùng ca của những người con nước Việt

“Hà thành đầu độc” là một sự kiện làm chấn động hệ thống cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. Dù thất bại, cuộc bạo động của binh lính ngay trong lòng địch đã báo trước phong trào đấu tranh cứu nước sẽ lan rộng, huy động được nhiều giới, nhiều tầng lớp tham gia.

Hà thành đầu độc 1908, bản hùng ca của những người con nước Việt

Những binh lính trong thành bị Pháp tống giam trong vụ Hà thành đầu độc.

Trong quá trình xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã áp dụng trong quân đội chế độ phân biệt đối xử với binh lính người Việt rất khốc liệt. Khi ra trận, binh lính người Việt luôn bị đẩy lên phía trước để làm bia đỡ đạn cho binh lính Pháp. Chúng ra sức lợi dụng và bắt ép binh lính Việt thực hiện những nhiệm vụ khổ sai, đầy gian nan hiểm ác. Ngoài ra, chúng luôn nghi kị, dè chừng và sử dụng hình phạt rất nặng nề đối với những binh lính người Việt. Vì vậy, binh lính Việt từ lâu đã nuôi sẵn lòng uất hận, căm thù đối với bọn binh lính và sĩ quan Pháp. Do đó, tinh thần dân tộc kết hợp với ý thức giai cấp trong binh lính người Việt được khơi dậy, và chỉ chờ có dịp thuận lợi là cuộc đấu tranh bùng nổ. Đó là cuộc nổi dậy mang tên “Hà thành đầu độc” và chính cuộc đấu tranh này đã bị lũ thực dân Pháp cướp đi sinh mạng của những người con đất Việt anh dũng, hiên ngang, một cách dã man, tàn bạo.

Tháng 12-1906, Hoàng Hoa Thám (tứ Đề Thám), thủ lĩnh của nghĩa quân Yên Thế đã có cuộc hội kiến với Phan Bội Châu, qua đó Hoàng Hoa Thám đã đồng ý gia nhập Duy Tân hội và cam kết phối hợp hoạt động chống Pháp. Để thực hiện, Hoàng Hoa Thám đã cho thành lập Hội Nghĩa Hưng gồm mấy thủ hạ của ông như Cháng Tỉnh (tức Chánh Song), Nguyễn Viết Hanh (tức Đội Hổ), Lý Nho (cựu Lí tưởng một làng ngoại thành Hà Nội), Đồ Hà Nam (tức Đồ Đảm), Nguyễn Văn Phúc (tức Lang Seo). Họ chia nhau về các tỉnh, trong đó chủ yếu là Hà Nội để bắt liên lạc với các nhà yêu nước từng hoạt động cho Đông Kinh nghĩa thục như Lê Đại, Nguyễn Quyền, Phan Tuấn Phong, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành,… Họ đã họp với nhau nhiều lần để bàn kế hoạch bạo động, mục tiêu trước mắt là đánh chiếm thành Hà Nội. Lực lượng chính của cuộc bạo động là anh em binh lính người Việt trong quân đội Pháp.

Được sự phối hợp của nghĩa quân Yên Thế trong Hội Nghĩa Hưng, lực lượng binh sĩ yêu nước ở Hà Nội, những người cầm đầu là Nguyễn Chí Bình (Đội Bình), Nguyễn Văn Cốc (Đội Cốc), Đặng Đình Nhân (Đội Nhân), Nguyễn Tắc Á (Cai Nga), Cai Ngà, Cai Hiên, cùng với bếp Xuân, bếp Nhiếp, Đặng Đình Nhân, Nguyễn Trí Bình, Dương Bê… đã tích cực chuẩn bị cho một cuộc binh biến nhằm đánh chiếm lại thành phố Hà Nội. Kế hoạch hành động được đề ra là khi định ngày khởi nghĩa rồi mới báo tin cho Hoàng Hoa Thám đem một số quân về bố trí quanh Hà Nội. Anh em binh lính ở Hà Nội làm nội ứng, lấy gỗ lim bịt miệng các khẩu đại bác của địch trong thành, còn người đầu bếp thì bỏ thuốc độc vào thức ăn để các sĩ quan và binh lính Pháp trúng độc không tác chiến được. Sau đó sẽ bắn pháo hiệu để lực lượng đóng quanh Hà Nội xông vào thành cướp khí giới, tiêu diệt hết quân Pháp, chiếm thành phố. Nhưng kế hoạch được đề ra nhiều lần nhưng đều bị hoãn lại vì chưa đủ đạn dược và thời cơ chưa thuận lợi. Đến lần thứ 3 nhằm ngày 27-6-1908, cuộc chiến đã nổ ra.

Để thực hiện nhiệm vụ, lực lượng nghĩa quân đã được bố trí ở bên ngoài theo kế hoạch đã định trước nhằm tấn công đánh chiếm lại thành phố Hà Nội. Anh em bồi bếp và binh lính người Việt thuộc Trung đội công nhân pháo thủ Hà Nội đã tổ chức đầu độc binh lính Pháp đóng trong thành.

Ngày 27-6-1908 trong bữa ăn tối, toàn bộ binh lính Pháp thuộc Trung đoàn pháo binh thứ 4 và Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 9 đóng ở trong thành Hà Nội đã bị anh em bồi bếp và binh lính người Việt dùng “cà độc dược” đầu độc (do Hai Hiên phụ trách). Thuốc độc đã đầu độc 250 binh lính, sĩ quan Pháp, làm chúng vô cùng hoảng sợ và khẩn trương cấp cứu. Song anh em chưa kịp bắn súng hiệu theo như kế hoạch đã định cho các cánh nghĩa quân bên ngoài biết thì đã bị thực dân Pháp tước hết vũ khí, tống giam. Kế hoạch đã bị bại lộ, quân Pháp đã biết trước cho nên tên chỉ huy đã hạ lệnh bắt giam toàn bộ binh lính người Việt trong thành.

Sự kiện này gây chấn động cả hệ thống cai trị của thực dân Pháp, khiến chúng hoang mang, kinh hãi, mấy hôm liền không dám ăn cơm ở trại, phải lũ lượt kéo nhau lên Phủ Toàn quyền biểu tình đòi giới cầm quyền phải có biện pháp cứng rắn đối phó với tình thế. Ngay sau đó, thực dân Pháp đàn áp khốc liệt lực lượng binh sĩ yêu nước.

Ngày 28-6-1908, Hội đồng đề hình được thành lập cấp tốc để xét sử vụ đầu độc Hà thành. Cuộc điều tra đang còn tiếp tục nhưng 8-7-1908 chúng đã xử chém Đội Bình, Đội Cốc và Đội Nhân tại Bãi Gáo rồi bêu đầu ở Ô Cầu Dền, Ô Cầu Giấy và chợ Mơ (Bạch Mai) để uy hiếp tinh thần dân chúng. Trước khi hành quyết tại pháp trường, cả 3 chiến sĩ đều vẫn vững tinh thần hiên ngang, bất khuất.

Ngày 3/8/1908 xử tử thêm ba người là: Nguyễn Văn Hiên (Bếp Hiên), Cai Ngà, và Bếp Xuân. Tiếp tục đến ngày 29/8/1908 thì hành quyết ba người nữa là: Lang Sẹo, Cai Xe và Cai Tôn. Cuối cùng ngày 27//11/1908 thì bốn người cuối cùng bị chém: Đỗ Văn Đàm (Đồ Đàm), Đội Hổ, Lý Chánh, và Vinh. Sau đó, quân Pháp tiếp tục bêu đầu của các nghĩa quân bị chém, nhằm ra oai và khủng bố tinh thần dân Việt. Ngoài 13 người bị chém đầu, Hội đồng đề hình tuyên án sáu người khác tử hình khiếm diện, tổng cộng là 19 bị tội phải chết. Đậy quả thật là một vụ hành quyết vô cùng dã man của bọn thực dân Pháp.

Mặc dù “Hà thành đầu độc” bị thất bại nhưng sự kiện đã chứng tỏ binh lính người Việt trong quân đội Pháp cũng là một lực lượng lợi hại trong cuộc đấu tranh chống đế quốc. Cuộc bạo động của binh lính ngay trong lòng địch đã báo trước phong trào đấu tranh cứu nước sẽ lan rộng, huy động được nhiều giới, nhiều tầng lớp tham gia. Nhiều cơ sở của phong trào cách mạng từ đây có chỗ dựa vững chắc.

Theo SỬ VIỆT

Tags: , ,