Hà Nội năm 1980 qua hồi ức của Đại sứ Palestine

Tôi tới Hà Nội vào một buổi trưa muộn ngày 14/10/1980. Năm ấy, cầu Thăng Long vẫn đang xây. Chầm chậm, từ sân bay Nội Bài, chiếc com-măng-ca do Ðại học Tổng hợp cử đến đưa tôi về qua phía Nam Ðông Anh để đi qua cầu Ðuống.

Trích từ sách “Câu chuyện Việt Nam của tôi” của ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam. Nhã Nam và Nhà xuất bản Dân trí phát hành.

Thế nhưng cầu Ðuống lúc này đang bị hỏng nên các phương tiện phải di chuyển qua một chiếc cầu tạm chỉ có một làn đường. Chúng tôi phải chờ cho làn xe đối diện đi hết mới có thể qua cầu.

Các phương tiện phải tuân theo chỉ dẫn của hai nhân viên trên cầu, khi nào miếng vải nhỏ trong tay họ được phất lên mới được đi. Ðó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến việc người ta chỉ huy giao thông ở một chiếc cầu chỉ có một làn. Qua cửa xe, tôi nhìn thấy nhiều người Việt Nam đang làm việc trên các ruộng lúa, điều ngạc nhiên là tất cả đều mặc quần áo giống nhau, phụ nữ mặc quần đen xắn cao và đội nón, nam giới thì mặc áo ka ki và đội mũ cối.

Mới chỉ bước ra khỏi chiến tranh vài năm, Hà Nội vẫn đang trong thời kỳ hàn gắn lại những vết thương của mình. Qua Gia Lâm, rồi tới cầu Long Biên, cây cầu sắt khổng lồ mà người Pháp xây dựng đầu tiên trên sông Hồng năm 1909, tôi nhìn thấy một nửa khung cầu đã bị bom Mỹ phá hỏng. Phần mặt cầu cũng chỉ được nối lại theo kiểu dã chiến để xe đi tạm.

Mặt cầu hẹp, gặp một chiếc xe hỏng giữa cầu, chúng tôi không có cách nào khác là dừng lại để chờ cho làn xe đối diện đi hết mới có thể qua cầu. Trên đường đi lại có rất nhiều xe đạp và xe công nông nên chúng tôi phải mất hai tiếng rưỡi mới về được đến ký túc xá trường Ðại học Bách Khoa. Tôi theo học Ðại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng thời điểm ấy, toàn bộ các sinh viên quốc tế tới Việt Nam học đều được bố trí học và sinh hoạt tại tòa nhà B7 thuộc Ðại học Bách Khoa, nơi gần trung tâm thành phố hơn so với các trường đại học khác.

Hoàng hôn. Xe đi qua những con phố rất nhiều cây xanh của Hà Nội. Người đi đường hầu hết đều cuốc bộ, xen lẫn một vài chiếc xe đạp. Họ ăn mặc giản dị, đi khá thong thả, không có chút gì hối hả trên vẻ mặt cũng như bước đi. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Hà Nội là sự thanh bình và tĩnh lặng.

Hà Nội đón tôi bằng thời tiết nồm ẩm đặc trưng, trái ngược hẳn với Palestine. Lần đầu tiên trải nghiệm khí hậu nhiệt đới nóng ẩm rất khó chịu, tôi bước vào phòng ký túc, bật chiếc quạt treo trên trần nhà nhưng không có điện. Quá khát nước, tôi liền vào nhà tắm định uống nước thẳng từ vòi thì có một người đàn ông lớn tuổi tiến đến. Ông nói bằng tiếng Việt nên tôi không hiểu, nhưng qua cử chỉ, tôi hiểu là ông đang muốn ngăn tôi. Ông ra dấu cho tôi đi theo về phòng ông, rồi rót nước từ phích ra một chiếc chén nhỏ mời tôi. Sau này tôi mới biết đó là trà nóng. Nhưng vì đang cảm thấy quá nóng, tôi đành cảm ơn và từ chối.

Sau này, ông trở thành một người rất gần gũi với tôi và tôi rất kính trọng ông. Ðó là giáo sư Lương Văn Ðang, tác giả của nhiều cuốn sách về thành ngữ, tục ngữ Việt Nam. Trong bốn năm tôi học ở trường Tổng hợp, ông đã quan tâm, giúp đỡ tôi rất nhiều. Sau này, trên mỗi bước thành công của tôi, tôi luôn thấy bóng dáng ông trong đó.

Trở lại ngày đầu tiên ở Việt Nam, may mắn sao, tôi gặp một sinh viên người Ba Lan có thể nói tiếng Anh. Cậu đưa cho tôi một chai nước và giải thích cho tôi về “lộ trình” uống nước ở Việt Nam: trước hết, phải đun sôi nước, dùng phễu và bông gòn lọc nước cho vào chai, để nguội rồi mới uống. Ôi! Sao mà loằng ngoằng phức tạp thế!

Nhưng những điều bất ngờ vẫn chưa dừng lại. Chiều hôm ấy, ở căng tin của nhà trường, lần đầu tiên tôi biết đến món “cơm luộc” – tôi gọi như vậy vì ở Palestine, khi nấu cơm, chúng tôi thường cho thêm một chút gia vị cho đậm đà, chứ không ăn cơm trắng đơn thuần như ở Việt Nam. Có thêm một bát canh, mà lúc đó vì không biết nên tôi tưởng là soup, có cả thịt, nhưng mùi vị rất kỳ cục. Tôi không thể nuốt được, đành đứng dậy và quay về phòng.

May sao, anh bạn người Ba Lan cho tôi miếng bánh mì và một chút phô mai. Căn phòng trong ký túc xá của tôi là phòng 12, nằm ở tầng 3, gần khu vệ sinh chung. Phòng khá rộng, có tới ba chiếc giường nhưng hoàn toàn vắng người. Nhận phòng, tôi lập tức ngủ thiếp đi. Ðêm đầu tiên tại Việt Nam, tôi thức dậy vài lần bởi tiếng còi tàu hỏa trong thành phố. Buổi sáng, tôi tỉnh hẳn khi nghe tiếng nhạc bất ngờ phát lên từ chiếc loa gắn ở góc phòng. Ðó là bản nhạc của đài phát thanh, kèm theo một giọng nữ với âm điệu rất nhẹ nhàng và dễ nghe.

Tôi chưa học tiếng Việt nên không thể hiểu thông điệp ấy. Nhưng, giọng nữ êm với những âm sắc rất đặc trưng của người Việt khiến tôi nghĩ tới những bài thơ mà buổi sáng các học sinh cấp 3 ở Palestine thường được nghe tại trường. Ðã nhiều lần, tôi được vinh dự mời lên trước hàng trăm bạn học, để đọc to những bài thơ ấy bằng chất giọng của mình. Hầu hết, đó là những bài thơ in trong sách giáo khoa, dạy chúng tôi những điều cơ bản nhất về đạo đức và cách sống.

Sau này, tôi mới hiểu, đó là một câu nói vô cùng quen thuộc với những người dân Việt Nam trong thập niên 1980: “Ðây là Ðài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Chỉ đơn giản như vậy, nhưng lời chào ấy luôn trở đi trở lại trong trí nhớ của tôi, với sự êm dịu thuần khiết khi nghĩ về những ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này.

Tuy nhiên sáng hôm đó khi ngồi dậy, tôi giật cả mình vì nhìn thấy vài giọt máu lấm tấm trên gối. Ngơ ngác, tôi kiểm tra kỹ cơ thể mình nhưng không thấy một vết xước nào. Ðến khi thầy chủ nhiệm của tôi là GS, TS Hoàng Trọng Phiến bước vào phòng, ông mới giải thích rằng tôi bị muỗi đốt ban đêm. Tôi hầu như không có kinh nghiệm gì về muỗi vì ở quê tôi khí hậu khô hiếm khi gặp loại côn trùng hút máu này.

Ông hướng dẫn, tấm vải trắng rộng đã treo sẵn vào bốn cây cột đóng ở góc giường, gọi là màn, khi ngủ phải hạ tấm màn đó xuống để ngăn muỗi. Từ lúc đó về sau, tôi đặc biệt quý mến và trân trọng giáo sư Hoàng Trọng Phiến về sự tận tình, ông luôn chứng tỏ rằng mình là một tấm gương giáo dục mẫu mực. Sự thân mật gần gũi với sinh viên khiến tôi luôn có cảm giác chính ông chứ không chỉ những gì ông nói là một thông điệp giúp lưu học sinh nước ngoài hiểu về đất nước và con người Việt Nam. Cùng với cô Lê Thanh, người đã dạy tôi những chữ tiếng Việt đầu tiên, hai nhà giáo ấy đã trở thành ngọn nguồn của những động lực và cảm hứng để tôi có thêm nỗ lực học tiếng Việt và tìm hiểu về Việt Nam.

Ông Saadi Salama (phải) – tác giả sách “Câu chuyện Việt Nam của tôi” bên cô giáo Lê Thanh – một trong những giáo viên dạy ông tiếng Việt, năm 1987. Ảnh: Nhã Nam.

Thầy chủ nhiệm Hoàng Trọng Phiến cùng một số giảng viên khoa Tiếng Việt tới để hỏi thăm tôi trong buổi sáng đầu tiên tại Hà Nội. Bằng tiếng Anh, họ nói trường Ðại học Tổng hợp chào mừng tôi tới Việt Nam và mong tôi học thật tốt để có những đóng góp quan trọng cho mối quan hệ Việt Nam – Palestine trong tương lai.

Bài học tiếng Việt đầu tiên của tôi diễn ra ngay sau đấy một cách tình cờ. Thấy tôi định rót nước nóng trong phích ra chén để mời khách, thầy chủ nhiệm buột miệng nói “không, không”. Thấy tôi ngơ ngác, ông giải thích, từ này, ngoài nghĩa phủ định, người Việt còn dùng khi muốn cảnh báo ai đó nên cẩn thận.

Sau đó, thầy lấy trà khô và ấm ở góc phòng hướng dẫn tôi pha trà theo kiểu Việt Nam. Ở Palestine, chúng tôi chưa bao giờ uống trà theo cách này. Sử dụng màn và pha trà, đó là những chi tiết đầu tiên trong sinh hoạt của người Việt mà tôi được làm quen.

Tôi học buổi học đầu tiên, tám giờ sáng, tại một lớp học nhỏ. Ðứng cạnh bảng đen và những viên phấn trắng là cô giáo Lê Thanh, cô giáo dạy tiếng Việt của tôi, một phụ nữ có phong thái khá lịch thiệp. Khuôn mặt cô toát lên vẻ đôn hậu và nhẹ nhàng, giống như rất nhiều những người phụ nữ Việt Nam khác mà tôi từng biết qua phim ảnh. Bởi thế, một cách tự nhiên, tôi cũng có cảm giác đã quen biết cô từ rất lâu rồi. Sự gần gũi ấy khiến tôi nhớ tới người thầy giáo đã dạy tôi những chữ đầu tiên của tiếng Ả Rập khi tôi sáu tuổi. Ông và cô Lê Thanh, là những người gợi trong tôi cảm giác tin tưởng để bắt đầu những chặng quan trọng nhất trong con đường học tập của mình.

Nơi tôi học và sống trong những năm ấy là một tòa nhà năm tầng. Tầng thứ hai là phòng chủ nhiệm khoa và các thầy cô giáo, cùng phòng ở của các nữ sinh viên nước ngoài, tầng thứ ba dành cho nam sinh viên nước ngoài ở, còn tầng thứ tư là các lớp học khác nhau. Năm đầu tiên, tôi học tiếng Việt. Năm tiếp theo, tôi vào khoa Sử của Ðại học Tổng hợp để học về lịch sử Việt Nam rồi tiếp đó lại quay về khoa Tiếng Việt để học thêm một số môn mang tính chất khoa học chính trị đặc thù, và môn Việt Nam học. Giảng viên của chúng tôi đều là những giáo sư đầu ngành trong các lĩnh vực này.

Bữa cơm trưa đầu tiên tại Việt Nam của tôi ở trong một căng tin dành riêng cho các sinh viên quốc tế. Ðó là một căn phòng rộng, mỗi sinh viên được một suất ăn theo hình thức mà người Việt Nam gọi là “cơm tập thể”. Bếp ăn đặt ngay cạnh đó, người ta không sử dụng ga để đun nấu mà dùng than đá. Mùi của khói, hơi nóng của lửa ập mạnh vào tôi, kèm theo đó là một thứ mùi vô cùng kinh khủng khiến tôi nôn nao và phải đưa tay lên bịt mũi. Sau này tôi mới biết đó là nước mắm, một thứ nước chấm phổ biến của người Việt, làm từ cá biển. Khác với nhiều quốc gia khác, nước mắm, chứ không phải muối, mới là thứ gia vị quan trọng nhất trong một bữa ăn Việt Nam.

Thức ăn dành cho tôi được đặt trên mâm, phía trên úp một chiếc lồng bàn để giữ vệ sinh. Mở ra tôi thấy trong đó có một bát canh, một bát cơm, một bát rau luộc và một chút trứng rán. Trứng với cơm thì quen hơn, còn canh và rau thì không rõ là rau gì và được nấu thế nào.

Tại Palestine, chúng tôi thường ăn sáng bằng bánh mì kèm theo một số loại ngũ cốc, quả ô liu và trà đen pha với đường. Cơm gạo tẻ chúng tôi cũng ăn, nhưng cách nấu khác hẳn với Việt Nam, thông thường, gạo sẽ nấu với một chút rau, thịt hầm và rất nhiều gia vị. Còn tại Việt Nam, chính xác thì cơm là các hạt gạo được luộc chín. Mùi nước mắm Việt Nam cũng khiến tôi “khó ở”. Bữa cơm đầu tiên, tôi ngậm ngùi bỏ lại đĩa trứng rán vốn được nhà bếp cho vào một ít nước mắm. Phải nói là mùi than đá trong bếp còn dễ chịu hơn mùi nước mắm nhiều lần! Tôi cũng chưa quen chan canh vào cơm như người Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ ra cách xới cơm vào một bát, lấy canh vào bát thứ hai và ăn song song cả hai thứ.

Gắng ăn được chút cơm, tôi vào căng tin và thử hỏi mua bánh mì, nhưng nhà bếp bảo không có. Ðói meo bụng, tôi đi vòng quanh thử hỏi các sinh viên nước ngoài. Tại thời điểm đó, khu ký túc của chúng tôi có khá nhiều sinh viên đến từ Ðức, Ba Lan, Thụy Ðiển, Mông Cổ, Lào… Một sinh viên Liên Xô đưa cho tôi một miếng bánh mì Liên Xô hình chữ nhật khiến tôi mừng rơi nước mắt.

Ăn uống là vấn đề lớn nhất. Tôi chưa bao giờ biết đến nước mắm với rau xào hay canh rau. Thực sự đau khổ, nhất là khi tôi đang ở cái tuổi thanh niên ăn khỏe và thèm ăn như thế. Tôi đi tìm bánh mì khắp nơi mà không có, và nhiều hôm phải mang cái bụng đói đi ngủ.

Những ngày sau đó, tôi vẫn cố gắng kiếm bánh mì từ các sinh viên quốc tế, nhưng tất nhiên, không phải lúc nào cũng có. Bởi thế, sau vài ngày đầu tiên, tôi lại phải tìm vào nhà ăn tập thể, nơi những suất cơm của tôi vẫn luôn để sẵn dưới lồng bàn. Hầu như ngày nào cũng có trứng rán với nước mắm và rau luộc.

Về sau tôi tìm được một bà bán bánh mì trên phố Bà Triệu, nhưng bà chỉ bán vào buổi sáng từ chín giờ tới mười một giờ. Có hôm tôi tự đi mua, có hôm thì nhờ được bạn. Nhưng rõ ràng là cũng không tiện lợi gì vì tôi còn bận học. Tôi phải học cách làm quen với cuộc sống tại Việt Nam ngay nếu không muốn chết đói.

Trước khi đến Việt Nam tôi đã chuẩn bị tinh thần rằng điều kiện sống sẽ khó khăn khi Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh, nhưng tôi không mường tượng được là mọi thứ lại đến mức thế này. Tôi rất nhớ nhà. Nhà tôi dù không giàu có so với mọi người xung quanh nhưng rộng rãi, xây bằng đá, hai tầng, mỗi mặt sàn khoảng 120m2 với sáu phòng cả thảy, và tôi có một phòng riêng. Quanh nhà còn có khuôn viên to rộng. Tôi nhớ bạn bè, nhớ những món ăn ngon. Tôi mới 19 tuổi và lần đầu tiên đi xa nhà xa và lâu như thế.

Liên tiếp gặp những điều ngoài tưởng tượng từ lúc còn ở nhà, một buổi chiều, đứng trước khu ký túc xá ở Hà Nội, tôi đã tự than thầm: “Trời ơi, số phận nào đã đưa ta đến đây!”

Có lúc, tôi đã đấu tranh giữa việc sẽ tiếp tục hay quay về. Tôi đã nhìn chiếc va li ngẫm nghĩ. Nếu trở về, môi trường ở Palestine rất tốt, sau khi tốt nghiệp, tôi có thể trở thành một nhà báo hoặc một luật sư.

Nhưng sự đam mê và tò mò về quốc gia còn nghèo đói nhưng đã chiến thắng vẻ vang trước một siêu cường khiến tôi tìm đến Việt Nam. Việc đến Việt Nam là lựa chọn của chính tôi, chứ không phải ai bắt ép. Nếu bỏ cuộc, tức là tôi đã chấp nhận thất bại, và nếu chấp nhận thất bại dễ dàng như thế, nó sẽ trở thành thói quen, lối sống. Vì vậy, tôi đã quyết định ở lại, đối phó với mọi khó khăn. Tôi luôn nghĩ rằng, phải vượt qua được thử thách thì cuộc đời chúng ta mới có ý nghĩa, có giá trị.

Riêng với chuyện ăn uống thì cái đói đã quyết định thay tôi, đói là sẽ ăn được hết. Khứu giác của tôi đã dần tự thích ứng với mùi nước mắm và mùi khói trong bếp ăn. Ðược khoảng vài tuần, tôi bớt sợ những món ăn Việt. Chỉ có điều do lịch học, không phải lúc nào tôi cũng có mặt sớm tại căng tin để ăn cơm nóng. Dần dần, như nhiều sinh viên Việt Nam khác, tôi bắt đầu quen ăn cơm nguội chan canh trong bữa trưa.

Theo thời gian, cơm nguội kèm canh đã trở thành thói quen của tôi trong hàng chục năm sau và trở thành một sở thích riêng trong ăn uống. Ðến giờ, tôi vẫn rất hào hứng với một bát phở nóng ăn kèm cơm nguội – như cách mà nhiều người Việt Nam vẫn ăn trong thời bao cấp.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,